Chiếc Gương Hình Mặt Trời
Có thể bạn quan tâm
Con đường ngoằn ngoèo men theo triền núi. Cảm giác chênh vênh khiến anh ái ngại. Tài xế chỉ xểnh tay, ô-tô sẽ bay như chim xuống vực kia. Từ đây xuống dưới đó dễ có tới hai trăm mét. Thế thì chẳng còn gì sót lại. Nghĩ vẩn vơ. Anh thầm chế giễu sự nhát gan. Nhạc chuông điện thoại di động ai đó vang lên. Tiếng lao xao:
- Ðây có sóng à?
Tài xế vừa xoay vô lăng vừa nói:
- Chỉ một đoạn gần ba trăm mét thôi, xong rồi tắt ngóm ấy mà. - Gã cao giọng nghe như hát - Chị Thắm ơi, đỉnh đèo cho khách xuống ngắm cảnh chứ?
Người đàn bà tên Thắm, đầu và mặt bịt khăn kín, dằn giọng:
- Ðèo Gió, đến đấy nghỉ một thể.
Xe nặng nề vượt dốc. Lưu nhô người lên. Tên người, giọng nói quen quen? Thiếu gì người trùng tên, giọng cũng nhiều người giống nhau lắm. Lưu nhìn ra bên đường. Sương mù dưới thung ùn ùn đuổi theo xe như bầy ngựa trắng. Xuân đến rồi mà khí trời còn lạnh! Mở miệng hơi phả ra như khói. Lưu muốn ý nghĩ linh tinh cứ rộn lên để không còn chỗ hoài niệm.
Ngày chuẩn bị ra bắc, vợ con can ngăn, rằng họ hàng ở Mục Mã chẳng còn ai, về thì biết ở vào đâu? Tết nhất chẳng lẽ vào nhà trọ hay khách sạn? Mấy chục năm ăn Tết ở Ðắc Lắc kể như quen nhưng vẫn thấy thiếu thiếu gì đó? Sau rồi anh loáng thoáng cái sự thiếu đó chính là tiết trời se se lạnh và không khí đón xuân của vùng bắc thượng nguyên. Thứ ấy ngấm sâu trong ký ức. Có tuổi, càng nhớ. Nhớ và thèm được trở về. Nó là đây. Khí xuân bắt đầu từ những cơn gió buốt giá, thoảng chút ấm áp giọng nói mang âm điệu quê.
Bên sông Bằng, sông Hiến, dọc bờ suối Cun từ ngày hai mươi tháng chạp phụ nữ đã vắn quần cao ngang đùi lội nước rửa lá gói bánh. Ngày hai mươi lăm đến ba mươi Tết dọc các sông, suối người đãi đỗ, vo gạo, tiếng lợn bị chọc tiết kêu váng núi rừng. Khí xuân bừng lên từ những ngày đó kia. Chứ đâu như thị thành. Tây Nguyên lại càng khác. Ngày Tết mơ có cành đào, chỉ là đào phai cánh đơn thôi cũng khó như tìm đường lên trời, chứ đừng nói đến bích đào cánh kép. Không khí đón xuân thì giản đơn, làm ăn, buôn bán tới tận tất niên vẫn chẳng ngơi tay. Ðâu được như Việt Bắc, xuân về khắp rừng núi mận nở trắng như tuyết, đào hây như má em gái mười lăm. Cái nét thanh tân nó cuốn hút và khơi gợi lòng người.
- Hành khách nghỉ mười phút nhá.
Giọng người đàn bà tên Thắm nghe đã dịu. Hành khách lục tục xuống xe. Chiếc xe mười lăm chỗ hôm nay đã xếp tới mười tám khách. Lưng đèo trống trải, mấy quán lợp ngói của đồng bào Dao như gà trụi lông run rẩy trong gió bấc. Ai cũng co ro, xuýt xoa. Mọi người lặng lẽ vây quanh những rổ trứng gà luộc, có người gọi bát mì ăn liền. Rét đậm ngọt xuyên thấu xương khiến cái đói đến nhanh. Những miệng ăn trông thật ngon lành. Lưu không muốn ăn uống gì. Anh ngồi xuống bên bàn, nhìn khắp lượt. Có tới hai phần ba là sinh viên. Hôm nay đã là ngày ông Táo lên trời, giờ mới về là muộn đấy. Lưu chợt mủi lòng. Ðất quê mình là đây bỗng dưng thành khách lạ? Ðến nơi sẽ ở đâu? Bạn bè ở đấy còn khá nhiều, nhưng tết nhất liệu có tiện? Thôi, đừng bận tâm. Cứ về đã, về đến nơi tận hưởng không khí đón Tết rồi đến đâu thì đến.
Trong dòng suối hiền hòa, nàng vắn quần cao quá gối lội nước đãi đỗ. Ðôi chân trắng như ngà ngọc làm Lưu ngần ngại. Cảm giác có người nhìn, nàng ngẩng lên:
- Sao thế?
Tai anh nóng bừng, miệng ấp úng:
- Chẳng biết nữa... đến nhà trả sách không thấy Thắm... mình ra đây?
Trông điệu bộ lúng túng của anh, nàng khẽ cười:
- Tưởng gì, thế mà... Ðỡ giúp Thắm lồ đỗ này với.
Vừa đỡ lồ đỗ từ tay nàng, anh vừa hỏi:
- Thắm không thấy lạnh à?
- Có chứ, lúc mới cho chân xuống suối thôi, bây giờ thì quen rồi.
Nàng cười. Hàm răng trắng lóa.
- Anh đừng có mà nhìn em lâu như thế.
- Không ngẩng lên sao biết anh nhìn?
- Cần gì, gáy em cháy rồi này.
- Anh quạt cho?
Nàng té nước về phía anh, anh nghiêng đầu tránh.
- Bao giờ anh đi?
- Mùng năm.
Nàng thở dài. Thực ra anh với cha nàng quen nhau trước. Cha nàng là nhà báo đã về hưu, nhưng ông nổi tiếng bởi một thư viện cá nhân đủ loại sách quý, được tích lũy bằng đồng lương ít ỏi gần một đời. Ông cũng là người ham đàm đạo thế sự, văn chương, lịch sử và cả triết học. Anh lui tới làm quen, mới đầu chỉ để mượn sách, sau rồi nhiễm những chuyện ông nói. Có lúc anh mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, ngược ý kiến của ông. Những lúc đó ông thường im lặng, đăm chiêu rồi gật đầu:
- Hữu vô tương sinh, có nghĩa không và có đồng thời sinh ra, không gì trước, không gì sau, giá trị ngang nhau, thiện và ác đồng thời tồn tại và mỗi thứ đều có ý nghĩa riêng... Lão Tử à? Ta nghiệm lại đã nhé. Chưa thể có ý kiến trở lại được. Tôi thấy quý anh ở điểm này đấy. Những người làm báo chúng ta cần đọc nhiều, hiểu nhiều...
Anh được ông cho mượn khá nhiều sách quý hiếm, có những sách in từ thời Pháp thuộc, giấy và chữ đã ố vàng. Ông bảo, giữ cẩn thận, có những sách đọc vào như thấy người xưa... Rồi cứ thế anh đi lại, mòn cả lối cỏ nhà ông. Nghe ông đùa, anh cười:
- Cỏ nhà bác sẽ lại rợp thôi vì cháu sẽ chuyển vào nam công tác.
Ông vui mà đùa vậy, chứ đâu ngờ từ mai anh đã xa nơi này. Người thường qua thăm nhau mãi cũng thành thân quen, huống chi bạn vong niên đáng quý như anh. Quen chờ tiếng chân anh những chiều tắt nắng, chuyện trò một già một trẻ rủ rỉ tâm tình. Giờ phải chia tay ông bỗng thấy hụt hẫng. Nàng còn buồn hơn. Nhà chỉ có hai cha con, nàng kể:
- Cha em bảo, từ ngày có anh đến chơi giống như đèn dầu để mốc được khêu sáng. Trên đời này tìm được người hợp chuyện chẳng mấy. Anh là người biết nói năng nhường nhịn, biết nghe, sau này rồi khá.
Anh cười, hỏi nàng:
- Là ý kiến Pa, em thì sao?
- Em có nói ra cũng bằng như không rồi còn gì?
- Là sao chứ?
- Ðập nước đau cá, anh không biết à?
- Anh chưa hiểu?
- Cần gì hiểu? Người đi rồi biền biệt, gần chưa biết thế nào, xa nữa làm sao biết? Sắp xa nhau mà lời nhẹ như bấc ngô có khác gì đập xuống nước làm cá đau.
- Sao anh không buồn cho được? Cả gia đình đều trông vào anh, anh sẽ bỏ việc nhà nước vào Tây Nguyên tìm đường làm ăn, khi nào ổn định sẽ đưa gia đình theo. Rồi sẽ quay ra đón em, đón cả Pa em vào nữa.
Nàng im lặng. Hình như có gì đó cứ duỗi khỏi tay khiến nàng thật khó nắm bắt. Nàng giấu kín trong lòng ý nghĩ đó. Ðêm nay hai mươi chín ta, cha đi ngủ sớm. Trước khi ngả lưng ông dặn con gái:
- Pa đặt nồi nước ở miệng bếp lò, sẵn nước sôi thỉnh thoảng múc vào chảo bánh. Nước luộc lúc nào cũng phải ngập, bánh mới ngon. Gà gáy canh một gọi Pa dậy thay cho.
- Pa ngủ đi, đêm nay có người tình nguyện trực chảo bánh rồi.
Bên bếp lửa, nàng ngả vào ngực anh. Còn hai ngày nữa là Tết. Tết xong mùng năm anh sẽ vào nam. Nàng ngước nhìn anh, đôi mắt thật buồn. Có lần nàng nghe anh bảo, mắt em đẹp như mắt chim lửa, nhưng bên trong ẩn điều gì đó buồn buồn. Nàng bảo, me em mất từ khi em lên ba. Cha em ở vậy nuôi con. Cái vẻ thầm lặng của ông hình như cũng đã lây sang con gái. Anh lại bảo, mắt em đẹp nhưng đôi lông mày hơi đậm. Con gái ai chẳng thích khen, nhưng nàng không giận anh vì nhận xét đó. Nàng khẽ đẩy anh ra khi anh cúi xuống hôn lên đôi mắt:
- Anh chẳng nói nó đậm là gì?
- Nhưng anh rất yêu nó.
Nàng để anh hôn lên mắt, lên môi và cả vành tai nữa. Cho đến khi bị cuốn hút và mê say như cuồng.
Nàng chưa một lần yêu ai, và anh cũng thế. Anh mơ ngày cưới, đám cưới thật vui. Lễ đón dâu sẽ dài suốt từ bắc vào nam. Nàng nhìn anh, ánh mắt gửi gắm tin cậy. Nàng lấy ra một chiếc gương tròn lọt trong lòng bàn tay và bảo: "Ðây là mặt trời, ngày ngày em vẫn soi mình trong đó, anh cầm lấy, bao giờ thấy nhớ nhau thì giở ra soi. Như thế kể như hai người luôn bên nhau". Anh dè dặt: "Còn em thì sao?". Nàng bảo: "Anh luôn trong lòng em rồi, đến chết em cũng mang theo...". Hai người nhìn nhau im lặng. Chưa chia tay mà lòng đã dâng đầy nhớ thương. Ngày anh đi mưa như bụi trắng cuốn đầy trời.
Nhưng cái ngày anh hứa mình sẽ trở về đón nàng cứ xa mãi. Vùng đất mới chẳng dễ kiếm ăn như người ta tưởng. Gia đình đã bán tất cả nhà cửa đất đai theo anh vào Tây Nguyên. Cứ nghĩ khó khăn chỉ là tạm thời, nhưng thiên tai, dịch bệnh cả sự non kém trong canh tác cây công nghiệp đã đẩy gia đình vào tình cảnh khó khăn. Vốn mang theo ngày một cạn kiệt. Ðau đớn hơn, hai năm liên tiếp cha mẹ nối nhau về bên kia trời. Gian nan cùng cực nhiều lúc muốn làm anh gục ngã. Nhưng không thể. Cả gia đình hiện còn tám người đều trông vào anh. Lùi bước là chết. Phải đứng dậy đi tiếp.
Anh nhận được tin nàng đã trúng tuyển vào Ðại học Y Việt Bắc. Mừng cho nàng. Nhưng thời gian xa cách ngày lại ngày như dài hơn. Thư nàng viết thưa dần. Anh tin nàng nói, rằng vì bận học. Nhưng điều lo ngại đã xảy ra. Tin nàng lấy chồng làm anh choáng váng. Ðau khổ và buồn bã. Anh gọi điện viết thư nhưng không thấy nàng trả lời. Anh muốn có đôi cánh để bay ra miền bắc gặp nàng xem hư thực ra sao? Nhưng có người khuyên anh: "Chim đã về trời, cá ra sông lớn tay trắng làm sao tìm được...". Thời gian làm nỗi buồn đau dần nguôi ngoai, nhưng nỗi nhớ thì còn mãi. Kể cả sau này có gia đình, có lúc nào cầm chiếc gương tròn anh lại nghe giọng nói của nàng: "Ðây là mặt trời... bao giờ thấy nhớ nhau thì giở ra soi...". Nỗi nhớ nhiều lúc làm anh bâng khuâng. Anh thì thầm: "Nhớ lắm Thắm ơi, chỉ khi nào chết đi anh mới thôi nhớ em".
Năm nay nữa là tròn ba mươi năm. Những đứa con của anh đã khôn lớn. Tóc anh đã bạc đi quá nửa. Ðời người nhanh quá thôi! Tận hôm nay anh mới rời đất Tây Nguyên nắng gió tìm về quê cũ. Ðể làm gì, anh không thể lý giải?
Anh lơ đãng nhìn những khuôn mặt tím tái vì lạnh. Sao mọi người có vẻ thừa thãi giá lạnh, còn anh lại cảm thấy thích thú được co ro tận hưởng cái rét cuối năm thấm đến tận gan ruột. Anh ra khỏi quán, bước đến bờ vực. Dưới kia mọi thứ đều mờ đục ẩm ướt. Nếu xểnh chân rơi xuống liệu có sống sót? Sao bây giờ lại nghĩ nhiều đến cái chết? Tuổi tác, hay dự cảm điều gì? Chợt có tiếng chân bước sau lưng.
- Chim lạc bầy tìm về rừng cũ phải không?
Là giọng nói đó đấy. Người đàn bà chủ chiếc xe mười lăm chỗ đến đứng ngay sau lưng. Anh nhìn lại. Chiếc khăn che mặt đã cởi ra. Nét mặt không còn trẻ nhưng vẫn đọng nguyên vẻ xinh đẹp một thời. Lòng anh trào dâng cảm xúc:
- Là em đó sao?
Không phải mình đang run lên vì lạnh, vậy vì cớ gì?
- Vẫn còn nhận ra người quen cũ ư?
- Chỉ khi chết mới thôi.
- Vậy sao anh lại nuốt lời?
- Không phải thế, em đã...
Ðột nhiên anh ngừng lời. Hình như đó là những lời không còn thích hợp. Anh nghĩ nó phải khác kia. Khác là như thế nào anh cũng chưa biết.
- Anh nói là sẽ quay về Mục Mã đón em, và em đã đợi, nhưng ngày đó đã không bao giờ đến. Cho đến ngày Pa em mất...
- Không phải ngày đó em đã lấy chồng, quên mất một người đang khốn khổ vì tuyệt vọng.
- Sau này thôi. Mà cũng phải lấy ai chứ. Một mình em sao có thể đủ sức đi qua những ngày khó khăn đó. Nhưng là vì ai?
Anh lúng túng, lòng rối bời. Có một lưỡi dao miết qua tim đau nhói. Trong chuyện này có gì đó hiểu lầm? Có gì đó không phải như thế? Liệu có là do nghèo khó, cách trở mà không cách nào đến được ngọn nguồn sự thật? Cũng một phần do giận hờn nông nổi của tuổi trẻ. Tất cả đã chìm sâu trong dĩ vãng. Anh tự nhắc mình đừng hỏi gì thêm, hãy cứ để bình yên như đã bình yên suốt ba mươi năm qua...
Tay anh chạm phải chiếc gương tròn trong túi áo, chợt tê buốt như chạm vào mặt trời đã giá lạnh. Anh thú nhận chuyến trở về sau ba mươi năm xa quê, ấy là muốn tìm hiểu ngọn nguồn của cuộc tình không thành. Ai nói thời gian cho tuổi tác, tuổi tác cho trí khôn, sự chín chắn giúp người ta thoát khỏi ý nghĩ, hành động hồ đồ, nông nổi mà biết thể tất cho mọi sự? Ấy gọi là người lớn. Vậy anh có là người lớn nữa không khi lòng vẫn nhói đau mỗi khi nhớ chuyện xưa? Nàng đứng đó kia, chỉ một tầm tay với là anh đã chạm được vào nàng. Nhưng không thể. Dù đã giữ chiếc gương tròn suốt bao năm. Ðó là kỷ niệm nhưng cũng là sự ích kỷ. Anh chỉ biết có tình yêu mình dành cho nàng mà không cần biết nàng đã đau khổ biết bao. Nàng đã già đi, nhưng mọi lam lũ truân chuyên không lấy nổi sắc đẹp của nàng. Anh lờ mờ nhận thấy có gì đó đã xảy ra và câu chuyện ngày xưa không phải như thế. Nhưng giờ không phải là lúc hỏi.
Nàng bảo:
- Cho đến trước khi mất, Pa em vẫn nói, Pa thấy nhớ thằng Lưu quá! Giá lúc này nó có mặt. Nó là đứa tốt, sẽ trở về đón con. Ngày đó con phải nói cho nó biết, Pa rất nhớ và yêu quý nó.
- Thôi, em...
Tiếng gió vuốt qua những ngọn cây dưới thung hệt tiếng thở dài.
- Nếu không chê, em mời anh đến nhà...
- Tết nhất không tiện.
- Ðừng làm khách, họ hàng nhà anh có còn ai ở đây nữa đâu.
- Ðược rồi, để sau rồi tính.
- Anh ngại chứ gì? Anh ấy biết anh, và lúc nào cũng nói là đã thắng anh về mưu. Anh có còn giận nữa hay thôi?
- Giận gì, chuyện cũ như nấm mục trong cây.
- Vậy trong túi anh vẫn còn có thứ gì đó thôi?
Anh thoáng giật mình. Sao nàng có thể đoán biết mình đang cất gì trong túi áo? Anh lựa tay định cầm ra chiếc gương tròn, chợt nghe nàng khẽ nói:
- Anh cứ giữ lấy, của người con gái ngày xưa ấy thôi, chứ có phải bây giờ đâu mà định trả lại...
Trời chợt hểnh nắng. Gã lái xe cao giọng:
- Hành khách lên xe đi.
Chiếc xe mười lăm chỗ từ từ trườn xuống dốc Ngân Sơn. Con đèo này lâu lắm mới có dịp gặp lại. Lưu nhìn về phía trước. Thắm đã lại chùm khăn kín mặt. Cái vẻ im lặng của nàng tựa như con đường xưa cũ dắt anh về với những kỷ niệm đã qua. Lòng anh chợt dâng đầy thương nhớ. Anh nhìn ra phía ngoài. Những làn mưa bụi như lệ bay ướt nhòa kính. Mưa của hôm nay hay ngày xưa, anh không thể nhớ.
Cao Duy Sơn / (Theo Nhân Dân)
Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Bên Suối Bịt Tai Nghe Gió
-
Văn Thành Lê Ra Mắt Sách 'Bên Suối, Bịt Tai Nghe Gió' - VnExpress
-
DÒNG SUỐI NGÔN TỪ VÀ CẢM XÚC TRONG TRẺO CHO TRẺ THƠ
-
Văn Thành Lê Và Câu Chuyện Về Xứ Sở Thần Tiên Của Tuổi Thơ
-
Đọc 'Bên Suối, Bịt Tai Nghe Gió': Văn Thành Lê Và Dòng Suối Tuổi Thơ ...
-
[PDF] Văn Học Thiếu Nhi Với Việc Giáo Dục Trẻ Em Hôm Nay - Tạp Chí Khoa Học
-
Văn Thành Lê Ra Mắt Sách 'Bên Suối, Bịt Tai Nghe Gió'
-
Bên Suối, Bịt Tai Nghe Gió - Ham Học
-
Bên Suối, Bịt Tai Nghe Gió - Văn Thành Lê - Sách Khai Tâm
-
Người Thầy đầu Tiên (Tóm Tắt, Nội Dung, Nghệ Thuật, HCST, Sơ đồ Tư ...
-
Tiếng Hát Của Người Đá
-
Đời Sống Văn Hóa Các Dân Tộc ở Huyện Quan Sơn
-
Trang Chủ - Tra Cứu CSDL - Thư Viện Tỉnh Đồng Nai