Tiếng Hát Của Người Đá

Ngày xửa ngày xưa, ở trên ngọn núi cao vùng Chư Bô Đa có một hòn đá xanh giống hình một cậu bé cưỡi trên đầu voi. Chẳng biết mỏm đá ấy có từ bao giờ, chỉ biết từ đời ông, đời cha lâu lắm, lâu lắm, hòn đá đã đứng sừng sững ở đó rồi. Hòn đá cứ đứng đấy, nghe gió từ biển thổi lên, từ rừng phía tây thổi lại kể nghe biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ. Những con chim hót hay nhất, bay cao nhất bay tới vai cậu bé đá và hót cho cậu nghe những giọng hót thánh thót trong veo. Từ đó năm này qua năm khác, kể đến ngàn năm, biết bao gió đã hát cho đá nghe, tiếng thánh thót của gió, tiếng dịu dàng của chim đã ngấm vào từng thớ đá.

Đá tích tiếng vọng của mấy ngàn năm, bỗng nhiên một buổi sớm mai rùng mình tách khỏi núi biến thành một cậu bé khôi ngô ngộ nghĩnh. Cậu bé được tiếng hát ngàn năm nuôi dưỡng đã đổi kiếp thành kiếp người. Cậu bé chớp mắt thấy dân làng từng đoàn từng đoàn mang máng, tay gùi, trỉa bắp... Cậu bé rời đỉnh núi cao đi xuống hòa cùng mọi người. Mọi người tưởng cậu bé cũng chỉ là một đứa trẻ con trong buôn, trong rẫy nên chẳng ai để ý đến cậu cả.

Bỗng trong rừng có những tiếng gầm vang động. Từng đoàn nai, công, trĩ, chim phí, lợn rừng… ùn ùn kéo nhau chạy như một cơn lốc khủng khiếp ra khỏi rừng. Chắc hẳn là động rừng mất rồi. Thú rừng chưa bao giờ chạy ra nhiều đến thế. Lo thú rừng phá tan hết nương rẫy, họ hoảng hốt cầm gậy đuổi đằng đông, cầm song mây rào đằng tây, dựng bù nhìn rơm ở phía bắc, nhưng thú rừng vẫn ầm ầm chạy về.

Cuối cùng, họ phải chạy về buôn làng tìm lao, kiếm, cung giáo... Vắng bóng người, thú rừng tung hòanh trên nương trên rẫy. Vừa lúc ấy có cậu bé Đá Ngọc đi đến nương rẫy hòa cùng muông thú chơi đùa. Cậu nhớ tiếng gió và tiếng chim từ ngàn năm thấm trong từng thớ thịt của mình nên cất thành tiếng hát. Tiếng hát của cậu vang khắp nương rẫy, cất thành tiếng hoa thơm quyến rũ ong vàng, như hoa đẹp quyến rũ bướm trắng. Tiếng hát quyến rũ tất cả các loài muông thú, từ chim trĩ, chim phí đến lợn lòi, gấu chó, cọp, beo đều mê mẩn đứng nghe quên cả chuyện phá bắp phá lúa trên rẫy. Tất cả các loài chim đều xoè cánh, tất cả các loài thú đều nhún nhẩy lắc lư đầu nhẩy múa theo tiếng hát.

Dân làng cầm khiên, cầm lao đến nương rẫy, vô cùng sửng sốt trước cảnh lạ lùng này. Họ cũng đứng ngây người ra để nghe tiếng hát. Lũ muông thú cứ nhẩy múa theo tiếng hát mãi đến lúc nhận ra dân làng cầm khiên, cầm giáo vây quanh thì kéo nhau chạy vào rừng cả. Dân làng thấy rẫy bắp, nương lúa không bị phá thì cũng chẳng đuổi theo và đánh bắt muông thú làm gì, họ vây lấy cậu bé Đá hỏi trăm ngàn câu hỏi tò mò nhưng cậu chỉ cười không nói gì. Từ đó dân làng đón cậu về buôn làng và gọi cậu là cậu Đá Ngọc.

Từ tối hôm đó, cậu Đá Ngọc cứ chờ trăng lên lại hát cho dân làng nghe những bài ca của gió, của nắng, của chim từ mấy ngàn năm tích lại trong từng thớ đá của mình. Cậu bé còn hát cho mọi người nghe những bản hùng ca kể về những người anh hùng ngàn xưa làm bà con mê mẩn ngồi nghe, quên cả trăng lặn, quên cả sương xuống ướt đầm vai áo, cho mãi đến lúc nắng lên họ lại khoẻ khoắn rủ nhau ra nương ra rẫy.... Tiếng hát làm mọi người làm việc không biết mệt mỏi, khiến cho nương rẫy đầy bông, rừng đầy hoa.

Một hôm cậu bé Đá Ngọc đang hát trên nương để bà con vui tay hái lúa thì nghe tin chẳng lành. Một tráng sĩ áo đỏ, thắt vải đỏ chéo trước ngực, cưỡi ngựa như bay, hai tay giương cao ngọn đuốc, tay cầm ớt chín và vòng đồng. Từ xưa người Rắc lay khi có tin dữ thường có hiệu lệnh: Cầm đuốc là có tin chiến tranh, cầm ớt báo mọi người là có việc khẩn cấp. Cầm vòng đồng đó là báo hiệu mọi người đoàn kết... Ngọn đuốc, ớt chín, vòng đồng trên tay tráng sĩ có nghĩa là Mơ tao Giơ rai báo khắp núi rừng, buôn rẫy là chiến tranh đã tới, khẩn cấp cầm vũ khí, đoàn kết lại bảo vệ quê hương. Khi mọi người vừa kịp nắm lấy cái khiên gác trên giàn bếp, cầm cái giáo dựa ở cột nhà thì nhìn ra xung quanh nương rẫy đã thấy rừng rực lửa cháy ngút trời, chiêng trống vang động, tiếng vó ngựa tưởng lở núi, tiếng voi đi tưởng nghiêng sông. Lệnh truyền của Mơ tao Gia rai vang khắp buôn làng:

Giặc sắp đến phá buôn ta, phá rẫy ta. Chúng kéo đi đông như kiến, chúng kéo đến đông như lá rừng. Chúng tiến đến nhanh như chớp giật. Chúng xô lại nhanh hơn thác lũ. Hỡi ai thương mẹ, thương cha, ai là người thương đất nước, ông bà, hãy mau cầm khiên, cầm đáo đứng lên mà cản giặc.

Nghe lệnh của Mơ tao Giơ rai, các cụ già về làng vác giáo, trai tráng cầm khiên cầm dao ùn ùn kéo ra ngăn giặc cướp.

Quân hai bên xông vào nhau đâm chém. Tiếng ngựa hí vang lừng, máu chảy trôi những phiến đá mà các cô gái vẫn ngồi bên suối để giặt váy, giặt áo. Nhìn cảnh đầu rơi máu chảy cậu Đá Ngọc đau lòng lắm. Cậu lẳng lặng bỏ lên núi cao. Từ cặp môi đỏ hồng ngây thơ của cậu ngân lên tiếng hát ai oán. Tiếng hát như tiếng rung động thổn thức của muôn ngàn trái tim trong tiếng gươm giáo chạm nhau toé lửa, trong tiếng la hét khủng khiếp, trong tiếng kêu gào giẫy chết của những chiến sĩ tử thương. Lúc đầu tiếng hát của cậu Đá Ngọc còn chìm trong tiếng gươm đao, trong tiếng kêu khóc. Nhưng rồi tiếng hát cao vút ngân nga. Không còn là tiếng hát của một cậu bé nữa, mà là tiếng vọng của núi, tiếng tha thiết của rừng, tiếng than thở của gió. Tiếng hát làm cho những kẻ bỏ nương bỏ rẫy ở quê nhà đến đây cướp phá bỗng chạnh lòng nhớ cố hương. Lòng họ đau như xát muối, tay họ bỗng không thể nào cầm nổi gươm giáo. Họ đứng lặng đi trong tiếng hát. Gươm giáo, khiên, nỏ rời khỏi tay, rơi xuống ngổn ngang trên mặt đất, họ chẳng thèm nhặt nữa. Họ từ từ ngã gục xuống trong tiếng hát và tiếng hát đưa hồn họ về với quê hương xa vắng. Họ cứ thế ngủ ngay dưới chân voi chiến, ngựa chiến và gửi giấc mơ thanh bình về buôn rẫy xưa. Cả những người chiến đấu bảo vệ quê hương cũng ngừng tay gươm giáo không lao vào cảnh chiến đấu nữa. Giặc tự nhiên tan... Các tướng giặc không thể nào cản nổi quân lính bỏ về quê hương.

Mơ tao Giơ rai hết lời khen ngợi cậu Đá Ngọc. Mơ tao Giơ rai ban thưởng cho cậu Đá Ngọc một trăm voi chiến có ngà vàng, một trăm chiếc ché có bịt miệng bằng bạc, một trăm người hầu hạ. Nhưng cậu Đá Ngọc không quen cưỡi voi, không biết uống rượu trong ché bạc và không thích ai hầu hạ mình. Cậu Đá Ngọc chỉ thích lững thững du ngoạn một mình giữa trời đất bao la và cất lên tiếng hát. Tiếng hát của Đá Ngọc hòa với gió vút lên tầng không, hòa với lá rì rào trong rừng, hòa với suối thì thầm ngoài bến nước, hòa với chim ríu rít trong hoa tươi, quả chín... Thế rồi gió vẫn hát, chim vẫn ca, lá vẫn rì rào, suối vẫn róc rách... nhưng không ai thấy cậu Đá Ngọc đâu nữa.

Dân làng thương nhớ cậu Đá Ngọc bèn đổ đi tìm. Họ tìm trên núi, không thấy, đi tìm giữa rừng, không thấy, tìm ngoài nương, không thấy, tìm theo dòng suối, cũng không thấy. Họ chờ đợi từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, chờ từ lúc mùa đông mới về cho tới lúc mùa đông từ giã ra đi, cũng không thấy cậu Đá Ngọc trở về... Người ta bảo cậu Đá Ngọc hiện về giữa nương rẫy chống rừng động, giữ buôn làng chống giặc giã xong lại trở về kiếp đá. Nhưng mọi người đều tin rằng thế nào Đá Ngọc cũng trở lại với buôn làng. Bởi vì buôn làng không thể thiếu tiếng hát hòa bình yên vui...

Vì thế đến ngày nay mọi người vẫn chờ đợi cậu bé Đá Ngọc trở lại...

 

 

Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Bên Suối Bịt Tai Nghe Gió