Chiếc Roi Mây Của Thầy - Báo Công An Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Chẳng hiểu sao, mỗi lần bị ai đó nhắc nhở, "chỉnh" về "tật" phát âm sai, tôi lại nhớ đến thầy giáo chủ nhiệm lớp 4 với chiếc roi mây ngày nào. Nhờ có thầy, tôi phần nào sửa được những lỗi rất cơ bản trong cách phát âm của mình. Thầy nói (đại ý), phát âm sai sẽ dễ dẫn đến viết sai chính tả! Chính tả sai sẽ khiến câu văn không được chuẩn, ngữ nghĩa câu theo đó mà không được trong sáng...
Hồi ấy, dù hay có tên trong bảng vàng danh dự hằng tháng dành cho những HS xếp vị thứ từ 1 đến 5 trong lớp, nhưng tôi vẫn thường bị thầy nhắc nhở về "tật" phát âm sai. Đặc biệt là những từ có chữ "nh", "d". Cụ thể là từ "nhân dân", "nhịp nhàng" bao giờ cũng được tôi đọc thành "nhân nhân", "dịp dàng". Thầy sửa không biết bao nhiêu lần, nhưng tôi sai vẫn cứ hoàn sai.
Lần ấy, sắp chuẩn bị thi học kỳ I môn tập đọc, thầy cho ôn tập lại lần cuối. Buổi ôn tập này, thầy tập trung gọi những "thành phần" đọc chưa tốt lên để uốn nắn, chỉnh sửa lại giọng đọc. Tôi cũng nằm trong số đó. Khi nghe thầy gọi tên mình, tôi run quá trời! Tôi không còn nhớ tít đề bài tập đọc đó là gì, chỉ nhớ đó là bài về Bác Hồ kính yêu. Trong bài có từ "nhân dân". Đã tập đọc bài ở nhà rất nhiều lần, vậy mà lạ thay, khi bị gọi đứng lên đọc, tôi vẫn cứ đọc sai như cũ. Chỉnh đến lần thứ ba vẫn không được, thầy bực quá, gọi tôi lên đứng trước bảng.
Bước lên bục giảng với tâm trạng thật sự xấu hổ, bởi dù gì tôi cũng là HS nằm trong tốp khá của lớp mà lại bị phạt. Đã chuẩn bị tâm thế để nhận hình phạt, vậy nhưng chẳng thấy thầy... ra đòn. Sau khi hỏi vì sao tôi không sửa được cách phát âm cho chuẩn, thầy chỉ một "mẹo" để đọc từ này: "Khi đọc từ "nhân dân", em đọc "gió" từ "dân" cho thầy là sẽ được". Rồi thầy đọc mẫu để tôi bắt chước đọc theo. Chẳng hiểu sao, tôi lại tối dạ lạ lùng, cứ nhất nhất đọc sai như cũ. Có lẽ, vì sợ cô học trò có thành tích học tập không đến nỗi tệ sẽ bị điểm thấp ở môn học này, ảnh hưởng đến điểm tổng kết của cả một học kỳ nên thầy lo lắng, sốt ruột.
Sau một hồi trầm ngâm cân nhắc, thầy với lấy chiếc roi mây để ở góc bàn (đây là chiếc roi mây thầy xin của HTX mây ngay sát bên hông trường chỉ để dùng răn đe các bạn nam nghịch ngợm thái quá mà thôi), cầm lên nhịp nhịp, đồng thời bảo tôi đọc lại theo thầy. Mải nhìn theo cánh thầy đưa cây roi mây lên, đoán xem lúc nào chiếc roi mây ấy sẽ đánh vào mông mình nên tôi đâu chú ý nhìn vào miệng thầy để bắt chước đọc theo. Hậu quả, sau 3 lần nhịp nhịp như thế vẫn chẳng "trị" được "cố tật" của tôi.
Cuối cùng, thầy đánh thiệt. Thầy cao giọng: "Kéo ống quần lên cho thầy!". Tôi tái mặt, kéo ống quần lên, trong lòng thầm thắc mắc vì sao thầy lại không đánh vào mông? Cho đến khi thầy giơ cây roi lên quất một roi vào mắt cá chân (tưởng đau lắm nhưng thật ra nhẹ hèo) và bảo đọc lại theo thầy, chẳng hiểu sao ngọn roi đó lại "thức tỉnh" dây thần kinh "chậm hiểu" của tôi. Tôi đọc đúng, không sai một từ nào. Vẫn chưa thật sự an tâm, thầy bảo: "Đọc lại thêm một lần nữa cho thầy nghe!". Tôi đọc lại chính xác. Lần này, tôi được thầy cho về chỗ sau khi nhắc tôi phải nhớ cái mẹo đọc gió chữ "d" đó...
Hôm kiểm tra môn tập đọc và trả lời câu hỏi, tôi đạt điểm cao môn này. Nhìn gương mặt thầy, tôi biết thầy hài lòng lắm. Lúc trống tan trường, thầy cho cả lớp xếp hàng ra về. Khi tôi ra đến cửa lớp, thầy đứng đó, khẽ hỏi: "Hôm trước, thầy đánh con có đau không?". Tôi lắc đầu: "Dạ thưa thầy! Không", nhưng mắt thì đỏ hoe! Vì đó là lần đầu tiên duy nhất trong đời học sinh của mình, tôi bị thầy cô đánh đòn!
Nhờ có thầy, từ đó, tôi đọc ít sai ngữ pháp các từ kể trên. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mắc phải cái lỗi đọc sai các từ này; thỉnh thoảng cũng mắc lỗi chính tả. Mỗi lần như vậy, khi ai đó cười nhắc nhở tôi về điều này, tôi lại nhớ đến thầy cùng cánh tay giơ chiếc roi mây lên cao rồi hạ xuống đất nhịp nhịp mấy lần như nhắc nhở, như cảnh báo: Thầy sẽ đánh đó, có sợ không? Sợ để cố gắng đọc đúng, sợ để không được mắc lỗi...
Càng lớn, tôi càng thấm thía bài học từ lần bị đánh đòn duy nhất ấy. Theo quy định của ngành sư phạm thì đúng là không nên đánh học trò. Nhưng cũng tùy trường hợp, ngữ cảnh mà người thầy có cách ứng xử sao cho vừa không phạm quy định ngành sư phạm, vừa giáo dục được học trò, dạy học trò biết "sợ" khi làm chưa đúng, khi chưa ngoan và học chưa được tốt. Phải biết "sợ" để không được mắc lỗi, mắc sai lầm. GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã từng nói như vậy.
Thiết nghĩ, với học trò, bên cạnh việc dạy kiến thức, về lòng nhân nghĩa, lễ nghĩa, sự trung thực và lòng dũng cảm, cần phải dạy cho trẻ nhỏ biết "sợ" để không được mắc lỗi cũng như những sai lầm đáng tiếc...
Khánh Yên
Từ khóa » Hình Cây Roi Mây
-
Tổng Hợp Cây Roi Mây Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 7/2022 - BeeCost
-
Cây Roi Mây - Báo Bạc Liêu
-
Có Thể Bạn Chưa Biết - CÂY ROI MÂY GIỮ NGHIÊM LUẬT Ở ...
-
CÂY ROI MÂY GIỮ NGHIÊM LUẬT Ở SINGAPORE Tuần ... - Facebook
-
Cây Roi Mây Giữ Nghiêm Phép Tắc ở Singapore - Tạp Chí Luật Sư
-
Roi Mây Là Gì? Cách Làm Roi Mây đơn Giản Dễ Dàng Mới Nhất 2022
-
Mái Hiên Có Cây Roi Mây - Báo Lao động
-
Đòn đau 'sợ đến Già' Khi Bị đánh Phạt Bằng Roi Mây ở Singapore
-
Cây Roi Mây Của Nội - Phật Học Vườn Tâm
-
Cây Roi Và Tôi - An-Tiêm Mai-Lý-Cang
-
Bố Tôi
-
Sợ đến Già Khi Bị đánh Phạt Bằng Roi Mây ở Singapore | Văn Hóa