Đòn đau 'sợ đến Già' Khi Bị đánh Phạt Bằng Roi Mây ở Singapore

Phạt roi là dạng trừng phạt thân thể dành cho người đã bị kết tội của Singapore, du nhập từ Anh vào thế kỷ XXI.

Theo Corpun, đánh phạt bằng roi mây gần như không bao giờ là hình phạt duy nhất trong bản án mà phải đi kèm án phạt tù. Hơn 40 tội danh ở Singapore bắt buộc đi kèm phạt roi, bao gồm: phá hoại của công (vẽ bậy), hiếp dâm, kinh doanh dịch vụ cho vay tiền không có giấy phép, trộm cắp tài sản có chuẩn bị trước, cướp tài sản, tàng trữ vũ khí nguy hiểm, bán ma túy, buôn bán nhập khẩu pháo hoa... Nam giới nhập cư trái phép vào Singapore hoặc ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày cũng bị phạt ít nhất ba roi.

Với một số tội danh, phạt roi là hình phạt bổ sung và do tòa quyết định và chỉ dành cho những nam giới từ 18 đến 50 tuổi, được cán bộ y tế xác định có tình trạng thể chất khỏe mạnh. Người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị phạt roi nhưng chỉ tòa cấp cao mới có thẩm quyền này. Người chịu án tử hình sẽ không bị phạt roi.

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, người bị đánh chỉ phải chịu tối đa 24 roi trong một lần đánh. Tuy vậy, một người vẫn có thể bị phạt hơn 24 roi nếu anh ta bị kết tội trong nhiều phiên xét xử khác nhau và bản án được thực thi riêng biệt. Với nam giới dưới 18 tuổi, số roi tối đa là 10.

Ngoài ra, bản án phạt roi phải được thực hiện liên tục trong một lượt, không bị gián đoạn. Nếu bị cáo bị tuyên phạt roi nhưng sau đó không đủ sức khỏe để chịu phạt, tòa án sẽ kéo dài án tù thêm tối đa 12 tháng. Một số trường hợp phải ngừng phạt giữa chừng, số roi chưa đánh sẽ do tòa án chuyển đổi thành thời gian ngồi tù tương đương.

Loại roi dùng để xử phạt được làm từ cây mây, quy cách của roi phạt được pháp luật quy định rõ. Đối với nam giới trưởng thành, cây roi dài 1,2 m, tiết diện 1,3 cm. Đối với người dưới 16 tuổi, người ta dùng loại roi mây nhỏ hơn và nhẹ hơn.

Trước khi xử phạt, roi mây sẽ được ngâm qua đêm trong nước để tăng độ dẻo, tránh bị rạn nứt trong quá trình sử dụng và không để lại dằm trên da, được bôi thuốc sát khuẩn để không làm vết thương nhiễm trùng.

Cán bộ nhà tù luyện đánh roi trên người nộm.

Cán bộ nhà tù luyện đánh roi trên người nộm.

Người đánh roi phải là người khỏe mạnh, được đào tạo chuyên biệt để cú đánh gây đau đớn nhất có thể mà không để lại thương tật vĩnh viễn. Cú quất roi có thể đạt tới tốc độ 160 km/h và tác động một lực mạnh ít nhất 90 kg.

Theo điều 330 Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, hình phạt đánh roi sẽ không được tiến hành nếu không có cán bộ y tế có mặt tại hiện trường để kiểm tra trạng thái sức khỏe trước, trong và sau khi phạt. Cán bộ y tế có thể ngừng hình phạt bất cứ lúc nào nếu người bị phạt không đủ khỏe mạnh.

Khi tiến hành phạt roi, tù nhân phải cởi hết quần áo, nằm cúi người trên chiếc giá chuyên dụng, để lộ phần mông. Chân và tay được cột chặt bằng dây da vì người chịu phạt thường rung lắc dữ dội sau mỗi roi. Phần cơ thể quanh hông được bọc tấm đệm hoặc gối để bảo vệ thận trong trường hợp cây roi đánh sai vùng.

Sau đó, cán bộ quất roi vào tư thế, cách giá đỡ khoảng 1,5 m, không được quá xa cũng không quá gần để đảm bảo ngọn roi rơi đúng điểm, giúp tác động toàn phần lực đánh. Mỗi roi được thực hiện cách nhau khoảng 30 giây, đôi khi sẽ có hai cán bộ thay phiên nhau để đảm bảo mỗi roi được đánh ra với lực đánh tối đa. Thông thường, phần mông sẽ bật máu chỉ sau ba roi đầu.

Tù nhân chịu phạt thường phải trải qua căng thẳng tâm lý trước và trong khi bị đánh roi. Họ thường cảm thấy bất an vì không được thông báo thời điểm chịu phạt mà chỉ được cho biết vào ngày phạt. Phạt roi được tiến hành trong không gian kín và không công khai trước công chúng, nhưng các tù nhân thường xếp hàng chờ tới lượt bị quất. Những người phía sau vẫn có thể nhìn thấy phản ứng của người trước mình. Nhiều tù nhân miêu tả sự đau đớn do đòn roi với những cụm từ như "không thể chịu đựng", "khôn xiết", hoặc "như bị xe tải đâm".

Minh họa hình phạt roi. Ảnh: Corpun.

Minh họa hình phạt roi. Ảnh: Corpun.

Bên cạnh nỗi đau thể xác, tù nhân cũng lo lắng mình không kiềm chế được mà bật khóc và mất thể diện với các bạn tù. Dù vết thương có lành, người chịu roi cũng mang trên da những vết sẹo có thể trở thành nỗi xấu hổ suốt đời, từ đó làm gương cho người khác.

Mục đích của hình phạt roi nhằm khiến người dân thấy xấu hổ hoặc sợ sự xấu hổ mà từ bỏ ý định phạm tội. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng phát biểu vào năm 1966 với đại ý rằng nếu biết sẽ bị đánh roi đau đớn, người phạm tội sẽ nhụt chí vì không lấy gì làm tự hào khi phải trải qua chuyện đáng xấu hổ như vậy. Hình phạt tiền không có tác dụng vì một số người sẵn sàng nộp tiền, thậm chí vào tù, sau khi phạm tội.

Từ 2007 tới 2016, số lượng bản án đi kèm phạt roi có xu hướng giảm dần tại Singapore. Hình phạt này còn xuất hiện ở các nước như Malaysia, Indonesia, và Brunei.

  • Mức phạt tâm lý để răn đe người phạm tội của thẩm phán Mỹ

Quốc Đạt

Từ khóa » Hình Cây Roi Mây