Chiến Dịch K8 Và Ký ức Của Một Vị Tướng
Có thể bạn quan tâm
TCCV Online - Khuôn mặt tròn phúc hậu, giọng Quảng Trị to, nằng nặng chất phác, người con của Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh tuyến lửa, đất thép năm xưa, Thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cứ ám ảnh khôn nguôi về ngôi làng của mình, gia đình và bà con mình về một thời của “Chiến dịch K8”.
Ông trầm ngâm kể: “Xã Vĩnh Hiền quê tôi có các thôn: Vĩnh Phúc, Vĩnh Đức, Vĩnh Hòa, Vĩnh Bình, Vĩnh An, Vĩnh Ninh, Thái Hòa, Hoàng Thành. Xóm tôi là xóm rất thanh bình, có giếng Ba Vòi, người dân quê tôi hiền lành, nói giọng to, nhưng tính tình tốt bụng. Quê tôi chủ yếu là đất màu, trồng cây hồ tiêu, khoai môn, sắn. Tôi còn nhớ, làng tôi có cây đa to ngoài đồng, có tổ chim dồng dộc treo lủng lẳng trước gió. Trước kháng chiến chống thực dân Pháp, làng có cái đình, tiền là đình, hậu là Phật. Giáp làng tôi và xã Vĩnh Thành có chùa Bụt Mộc. Đặc biệt, làng tôi có Rú Lịnh, một khu rừng nguyên sinh, nằm giữa hai xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Hòa có nhiều loài gỗ quý hiếm như: lim xanh, gụ lao, huyệnh, dẻ; nhiều cây làm thuốc như: ngũ gia bì, trầm hương; nhiều động vật như: chào mào, sáo, nhím, tê tê, cu li, cầy hương, sóc bụng đỏ, lợn rừng.
Nhân dân Vĩnh Linh đón học sinh K8 trở lại quê nhà vào năm 1973 - Ảnh: T.L
Quê hương thanh bình là vậy, nhưng bỗng dưng một ngày tôi nghe tiếng đạn pháo ùng oàng. Cha tôi là Nguyễn Ngân, hoạt động cách mạng từ năm 1943, bảo: Pháo 175 ly từ Dốc Miếu bắn sang đó con! Một trái pháo rơi ngay trước cửa ngõ nhà tôi, nhưng hú hồn, nó không nổ. Năm 1967, làng tôi bị sập địa đạo. Bom tọa độ đánh cả đêm. Một lần bị bom tọa độ giữa đường, ba anh em tôi bị đất vùi, được bà con xúm lại đào bới cứu sống.
Những năm 1966, 1967, Vĩnh Linh là tuyến đầu của miền Bắc, lũy thép giới tuyến bị địch đánh phá ác liệt. Hàng vạn thiếu nhi mầm non của Đặc khu Vĩnh Linh phải sống trên bom, dưới đạn. Để bảo tồn hạt giống đỏ cho cách mạng, năm 1967, Đảng và Bác Hồ có chủ trương chiến dịch K8 tổ chức cuộc trường chinh sơ tán hơn 3 vạn học sinh từ 5 đến 15 tuổi ra học tập ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Đây là cuộc vạn lý trường chinh có một không hai trong lịch sử huyện Vĩnh Linh.
Tôi nhớ rất rõ, tôi đi K8 vào lúc 12 giờ đêm Nô- en, ngày 24/12/1966. Từ Rú Lịnh, tôi lên chiếc xe tải cùng các bạn quê ở Vĩnh Kim, có anh Trường, sau này là Chính trị viên Thị đội Đông Hà. Tôi được gia đình trang bị một cái gùi vải, một ít gạo rang khô, ống tre chứa nước, áo quần sơ mi, tôi còn nhớ như in là áo có 3 túi, xẻ đằng sau.
Tính cẩn thận, chu đáo, bố tôi còn đưa cho tôi cuốn sổ nhỏ bằng ba ngón tay, ghi tên bố, mẹ và tôi. Trong sổ tay của tôi còn có một trang do bố của anh Nguyễn Đức Phước, con bà dì tôi ghi nhờ tên tuổi và địa chỉ liên lạc của Phước. Bố tôi dặn: Con ra miền Bắc để gặp Bác Hồ. Nhớ học hành cho thật giỏi để xứng đáng với Vĩnh Linh quê mình. (Thật ra, hồi đó tôi đã được thấy ảnh Bác Hồ và được chọn đi K8 đợt đầu tiên bằng xe đạp. Xe đạp chở lòng vòng xóm sát suối ven đồi, rồi vì trục trặc gì đó do tình hình địch, phải quay về. Tôi nhớ trên đường đi, mình còn nhặt được cục than đá lóng lánh. Anh Phương và tôi còn tranh giành nhau sở hữu).
Xe chở học sinh K8 đi trong đêm Nô-en thật yên tĩnh, không hề nghe bom, đạn đánh phá. Hai ngày sau, học sinh Vĩnh Linh chúng tôi đã có mặt ở Nam Đàn, Nghệ An. Các bác, các mẹ, các chị thay nhau bồng bế, đỡ chúng tôi xuống xe, hỏi thăm rối rít và cho uống nước xi-rô. Chúng tôi được chăm sóc chu đáo, cơm thịt đủ ba bữa. Một tháng sau, học trò chúng tôi đi Thanh Hóa, ở lại các làng Thạc, Xuân Lai, Xuân Lập, Phong Lai. Khi học hết lớp hai, chúng tôi được chuyển lên Xuân Lập, Thuần Hậu, xã Xuân Minh. Tôi được bố trí ở trong gia đình bác lão thành cách mạng Đỗ Huy Quát, chủ nhiệm Hợp tác xã. Nhà bác đông con. So với những nhà khác, nhà bác Quát có khá hơn nhưng vào giáp hạt, bữa ăn chủ yếu của gia đình là cháo, rau, bí bầu thay cơm. Bác Quát rất tốt, chăm sóc tôi từng tí một. Có cái bánh, bác cũng dành riêng cho tôi, xem như con cháu trong nhà. Tôi làm được các việc như chăn bò, cắt cỏ, đến vụ mùa, các anh chị bận bịu, tôi chăn một đàn vịt 20 con. Tính tôi nghịch ngợm, lại ngang như cua, nên các anh chị con bác Quát bực quá có khi la mắng. Bác Quát là người thấu hiểu hoàn cảnh trên bom dưới đạn của miền Nam, chế độ, chính sách với con em miền Nam trên đất Bắc, nghe thấy được, liền quắc mắt lên: Cả nhà này không ai được la mắng nặng lời với thằng Hướng !
Hồi lớp 4, bố tôi từ Vĩnh Linh lặn lội đi xe đạp ra thăm tôi. Đang giờ học, nghe thông báo có người nhà ra gặp, tôi chạy ù ra khỏi lớp. Bố con tôi ôm nhau khóc mừng tại nhà bác Quát. Bố mang bánh, kẹo và đặc sản bánh bột lọc ra mời cả nhà cùng ăn. Khi học lên lớp 5, tôi được chuyển về làng Vinh Quang, xã Xuân Minh ở nhà bác Trịnh Khảng, Chủ nhiệm Hợp tác xã. Bác Khảng cũng rất tốt, có 4 người con, có anh Minh, học cùng lớp với tôi. Tôi là đứa nghịch ngợm, nhà nào ở, tôi thấy không bằng lòng là xin chuyển nhà khác liền. Các bạn tôi ở nhà nào, bị con cái nhà ấy bắt nạt, tôi đến tận nhà ấy “can thiệp”, lên tận xã “bắt” xã chuyển sang nhà khác.
Chúng tôi nhắc nhở nhau phải giữ giọng Quảng Trị “quê miềng” bằng cách: Khi gặp gỡ, trò chuyện với nhau, hay về gặp bà con ở quê thì nói rặt giọng Quảng Trị, còn đi học, sinh hoạt ở các gia đình ngoài Bắc thì nói giọng xứ Thanh cho dễ hòa nhập.
Tôi nhớ trong thời gian học lớp 5, tôi và một số bạn bè đi bộ từ Thọ Xuân lên ga Thanh Hóa. Chúng tôi nhảy tàu đêm từ ga Thanh Hóa đi vào chợ Si ở Diễn Châu và đi bộ 60 cây số lên huyện Tân Kỳ thăm gia đình. Riêng tôi về xã Giai Xuân thuộc huyện Tân Kỳ thăm mẹ. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, gia đình tôi cũng tứ tán. Mẹ tôi từ Vĩnh Linh đi sơ tán về Tân Kỳ làm rẫy. Còn bố tôi vẫn bám trụ sống chết với quê nhà Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh. Anh Phương và chị Hiền tôi cũng đi K8 đợt sau. Giai Xuân, Tân Kỳ cũng đất đỏ như Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh. Địa phương ở đây cũng ưu tiên bán gạo cho mẹ tôi.
Lên lớp 6, cứ nghỉ hè là tôi làm “toán trưởng”, rủ rê, các lứa bạn bè đi về Tân Kỳ thăm gia đình đang sơ tán ở đó. Tôi phân công mỗi đứa chuẩn bị 3 đồng bạc, 5 ống gạo. Đi học về cất vở sách là trốn đi. Xuống ga Thanh Hóa, chúng tôi đổi gạo lấy bánh mì, còn 3 đồng dành riêng mua nước uống. Khổ là những đứa nhỏ sau tôi 2 đến 3 lớp đi cùng hay khóc vì đau chân, tôi và những đứa lớn hơn phải dỗ dành, động viên. Thỉnh thoảng gặp người đi xe đạp thì xin gửi các em đi nhờ. Chúng tôi dặn dò quy ước nhau, cứ đến ngã ba, ngã tư thì đứng lại chờ, kẻo lạc. Mỗi đợt, chúng tôi rủ 9-10 đứa cùng trốn về thăm nhà.
Có lần ra ga Si, chúng tôi đi lạc lên tận Nghĩa Đàn. May quá, gặp xe xích kéo pháo của bộ đội, chúng tôi đi nhờ về Tân Kỳ. Là toán trưởng sử trò trốn học về thăm bố mẹ nhiều lần thành công, tôi trở nên có tiếng, các ông bà, cô bác gặp tôi đều nhắn: Lần sau cho mấy đứa nhỏ nhà bác, nhà chú theo cùng nhé!
Năm 1973, tôi về lại Vĩnh Linh học lớp 9. Tốt nghiệp cấp ba năm 1975 thì năm 1976 tôi nhập ngũ. Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên, là khi còn ăn học ở trong nhà bác Quát, có một con bò của Hợp tác xã hung dữ nhất làng, được “phong” là Cố Hỗn. Nó chạy khắp nơi, không chịu theo đàn, phá hoại nhiều hoa màu. Con Cố Hỗn có hai sừng dài, chĩa ra to như bò tót. Mỗi lần nó hung lên, gậy, đây thừng khó mà bắt nó. Tôi cho nó ăn, tung dây thừng dắt xâu mũi và vung roi quất thuần phục. Nó hung hăng lồng lộn thì tôi cũng ra oai hung hăng, lồng lộn hò hét kèm theo giật dây mũi và đánh thật đau. Cuối cùng nó sợ tôi phải ngoan ngoãn kéo xe, cày bừa và theo mệnh lệnh chăn dắt của tôi. Tôi cũng có “chiêu” khi nó biết nghe lời, tôi chăm sóc, tắm rửa, vừa cho ăn, vừa vỗ về an ủi, vừa đe dọa đòn roi, bỏ đói nếu không nghe lời. Con mắt nó từ chỗ long lên dữ tợn đã trở nên dịu xuống hàng phục”.
Còn bao nhiêu câu chuyện mà Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hướng ấp ủ trong lòng về mảnh đất, con người Vĩnh Linh- Thanh Hóa trong và sau chiến dịch K8. Ngồi ở Đông Hà, Quảng Trị, mắt ông nhìn xa xăm, nói với tôi mà như với chính mình: “Bấy giờ, các Hợp tác xã của Vĩnh Linh đều thành lập Ban liên lạc học sinh K8 Thanh Hóa, Thái Bình…”. Ông day dứt chưa làm được gì nhiều để đền ơn đáp nghĩa những vùng quê Thanh Hóa đã đón nhận con em Vĩnh Linh về làng quê mình, ngôi nhà mình để nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông tự trách mình do ở tản mác nhiều nơi trong quá trình ăn học ở xứ Thanh, nên chưa thật tập trung gắn bó một cách cụ thể, sâu sắc, cố định và lâu dài với từng nhà, từng người. Số anh em K8 có điều kiện kinh tế kha khá một chút cũng ít. Thôi thì của ít, tình nghĩa nhiều, mỗi lần anh em ra Thanh Hóa thăm, ông cũng góp ít tiền ủng hộ. Ông nói: Trong thời gian mình ra ăn học tại Thanh Hóa, mình chuyển chỗ ở nhiều làng quá. Mình về xã Xuân Minh thăm gia đình bác Quát, dù bận mấy cũng đi chào hỏi, hỏi han sức khỏe bà con ở các làng khác, xã khác cho vẹn tình, trọn nghĩa. Với nhà bác Đỗ Huy Quát, mình giúp cháu của bác là Đỗ Huy Mạnh nhập ngũ ở Binh đoàn Tây Nguyên và chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp lái xe”. Là người lính từng có mặt ở chiến trường giúp bạn Cam-pu-chia, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng, từng là Tham mưu trưởng Trung đoàn 576, Quân khu 5 tham gia nhiều chiến dịch đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt- Iêng Xa Ry, nhưng chiến dịch di tản học sinh Vĩnh Linh ra ngoài Bắc ăn học, nhằm nuôi dưỡng hạt giống đỏ sau này của học sinh Vĩnh Linh, miền Nam là những ký ức khiến ông không thể nào quên.
Nếu không có nhân dân miền Bắc đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia thì con em Vĩnh Linh, Quảng Trị chắc chắn sẽ nằm giữa hai làn đạn, hoặc bị chết, hoặc bị thương vong không kể xiết giữa hai chiến tuyến Bắc- Nam. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, tài tình của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong chiến dịch K8, nên ông và phần đông con em là học sinh tuổi măng non của Vĩnh Linh mới được đồng bào miền Bắc cưu mang đùm bọc, lo cho ăn học và đào tạo nên người; nhiều người thành danh và trở thành cán bộ lãnh đạo, chính quyền và chỉ huy các cấp., Riêng ông đã phấn đấu lên được cấp tướng, mà nguồn cội sâu xa là những năm tháng được ưu tiên học hành trên đất Bắc- Thanh Hóa.
L.A.D
Nguồn: Báo Quảng Trị
Từ khóa » Chiến Dịch K8
-
Thảo Luận:Chiến Dịch K8 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chiến Dịch K8 - 4 Anh Em Lưu Lạc Trên đất Bắc - Báo Tuổi Trẻ
-
Cuộc "trường Chinh" Của 3 Vạn Trẻ Em - Tuổi Trẻ Online
-
CHIẾN DỊCH K8: CUỘC THIÊN DI MÀU ĐỎ... - Thế Giới - Quân Sự
-
Chien Dich K8 K10 - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Cầu Truyền Hình Kỷ Niệm 45 Năm “chiến Dịch K8-K10”
-
50 Năm – Nhớ Về Học Sinh K8
-
Quảng Trị: Khánh Thành Bia Tưởng Niệm Học Sinh Chiến Dịch K8
-
Chiến Dịch K8 – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Cá Cược K8
-
K8
-
Lg K8 Gsmarena