Chiến Lược Tài Chính Dành Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ - CIIC

Khi doanh nghiệp đã vượt qua 3 năm đầu tiên và hoàn thành tốt chặng đường khởi động, đây là lúc chúng ta cần xây dựng một chiến lược tài chính hiệu quả. Chiến lược đúng đắn sẽ thúc đẩy công ty tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. 

Chiến lược tài chính là gì?

Có hai loại hình tài chính khác nhau, doanh nghiệp cần phân biệt rõ ràng và có từng kế hoạch cụ thể cho chúng: Tài chính đầu tư và Quản trị tài chính. Chiến lược này là đòn bẩy kinh tế cho những kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp.

1. Tài chính đầu tư:

Đúng như tên gọi, đây là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, tập trung tạo ra lợi tức thông qua hình thức mua bán các công cụ tài chính. Vốn sử dụng ở hoạt động này đa phần là vốn nhàn rỗi, hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận với chiến lược rõ ràng và lâu dài. Những hình thức đầu tư phổ biến nhất là: Góp vốn hay còn gọi là mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp mới; mua bán chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và những chứng từ có giá trị; mua lại cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp,…

2. Quản trị tài chính 

Nói một cách dễ hiểu, quản trị tài chính là kiểm soát nguồn vốn, bao gồm vốn tiền mặt, vốn tài sản và các mối liên hệ tài chính như: khoản cần thu, khoản phải trả. Có ba hành động chiến lược trong quản trị tài chính: Financing-Tìm tiền, Investing-Chi tiền; Dividend-Chia tiền. Những hành động này đều hướng đến mục tiêu tối ưu lợi nhuận, gắn liền với kế hoạch dài hạn và sứ mệnh của doanh nghiệp.

Chiến lược tài chính được thiết lập để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư, bao gồm cả tăng trưởng kinh doanh, hoạt động sáp nhập hoặc mua lại,… Bên cạnh đó, một chiến lược đúng đắn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao uy tín trên thị trường, giảm thiểu rủi ro kinh tế và chi phí vốn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm thấy những nguồn vốn trung hạn, dài hạn ổn định an toàn từ các thị trường khác nhau. 

Những yếu tố tạo nên thành công của một chiến lược tài chính

1. Lựa chọn đúng công cụ vốn

Công cụ vốn có tính chất hoàn toàn khác với vốn tiền mặt, sở hữu nhiều  rủi ro hơn thị trường tiền tệ ví dụ như trái phiếu, cổ phiếu, các khoản vay doanh nghiệp… Giá trị dễ biến động bởi nhiều tác nhân và tiềm ẩn nguy cơ mất khả năng thanh toán. Bù lại, những công cụ này có mức sinh lợi và lợi thế đòn bẩy cao hơn gấp nhiều lần tiền mặt. Doanh nghiệp cần xác định rõ cơ cấu vốn, nắm chắc chiến lược dài hạn để lựa chọn công cụ phù hợp với điều kiện của bản thân. 

2. Tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp

Để có được nguồn tiền ổn định cho các chiến lược phát triển, doanh nghiệp có thể lựa chọn kêu gọi đầu tư thay vì vay mượn. Nhà đầu tư luôn sẵn sàng hợp tác trước những cơ hội nhiều tiềm năng. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược phát triển, tầm nhìn kinh tế,… Bên cạnh đó là minh bạch hóa thông tin nhằm khẳng định năng lực kinh doanh, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

3. Xác định cấu trúc vốn tối ưu

Cấu trúc vốn, giải thích một cách đơn giản đây là tỷ lệ nợ và vốn chủ sở hữu. Song song với việc huy động vốn đầu tư, doanh nghiệp nên cẩn thận duy trì một mức tỷ lệ nợ cân đối nhất. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sớm xác định cấu trúc vốn phù hợp nhằm tạo ra đối trọng giữa rủi ro tài chính và lợi nhuận kinh doanh. Đồng thời, luôn luôn tìm phương án tối ưu hóa giá cổ phiếu song song với hoạt động giảm thiểu chi phí vốn.

Các bước xây dựng chiến lược tài chính dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

1. Bước 1: Xác định nhu cầu vốn.

  • Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp hiện tại.
  • Xây dựng kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
  • Dự báo nhu cầu vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định.
  • Nghiên cứu và phân tích các tình huống kinh tế với những giả định khác nhau bên cạnh những giải pháp khác nhau.

Từ những thông tin trên, doanh nghiệp sẽ xác định được nhu cầu vốn tương ứng và có lựa chọn thích hợp cho những bước tiếp theo.

2. Bước 2: Phân tích tiềm năng và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Nghiên cứu lợi điểm và nhược điểm của từng nguồn vốn mục tiêu.
  • Phân tích cơ cấu vốn và mô hình tài chính doanh nghiệp.
  • Xác định giá trị doanh nghiệp thông qua các bản cáo bạch, báo cáo tài chính, xác thực tài sản hiện hữu,…

Doanh nghiệp cần xác định được hoạt động cốt lõi bên cạnh các cơ hội và những yếu tố rủi ro. Quá trình này chính là phương tiện để doanh nghiệp mở khoá tiềm năng, tạo điều kiện gia tăng giá trị cho các cổ đông hiện tại và tương lai.

3. Bước 3: Thiết lập chiến lược tài chính phù hợp với kế hoạch kinh doanh và có kịch bản ứng phó rủi ro.

Kịch bản này phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện của doanh nghiệp. CIIC sẽ cùng HĐQT, Ban điều hành của Doanh nghiệp ngồi lại để đi thật sâu vào chi tiết. Luôn luôn tồn tại sự song hành giữa chiến lược tài chính (do CIIC tư vấn, thực thi) và chiến lược kinh doanh (được đặt ra bởi HĐQT, BĐH doanh nghiệp). Một chiến lược tài chính phù hợp là đòn bẩy mạnh mẽ cho kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp

4. Bước 4: Kêu gọi đầu tư

Doanh nghiệp có thể thu hút vốn từ những nhà đầu tư trực tiếp, phát hành cổ phiếu hoặc kêu gọi vốn ở các quỹ đầu tư. Mục tiêu là đảm bảo cơ cấu vốn an toàn, tối ưu chi phí vốn, hạn chế rủi ro tài chính. 

Chiến lược tài chính là phương án kết hợp nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định đầu tư, tài trợ, phân chia lợi nhuận thích hợp trong từng giai đoạn phát triển. Mỗi doanh nghiệp đều sở hữu những lợi thế và nhược điểm riêng biệt, vì vậy phân tích càng sâu sắc càng giúp doanh nghiệp lựa chọn đúng chiến lược cho bản thân.

 

Từ khóa » Các Chiến Lược Tài Chính