Phê Duyệt Chiến Lược Tài Chính đến Năm 2030
Có thể bạn quan tâm
Trong đó, chính sách tài chính quốc gia đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, định hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập
Chiến lược khẳng định cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh; sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền vệ và các chính sách khác trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững; đồng thời, coi trọng việc phát triển đồng bộ, hài hòa các loại thị trường, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác; phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quản lý tài chính bằng pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, tiếp tục hiện đại hóa ngành tài chính.
Trên cơ sở đó, Chiến lược Tài chính đề ra mục tiêu tổng quát tập trung vào việc xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Chiến lược cũng xác định các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030 để làm cơ sở đề ra các định hướng, giải pháp cụ thể, đồng bộ và đột phá cho từng lĩnh vực, cụ thể gồm: (i) Đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng; (ii) Quản lý chi ngân sách nhà nước hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội; (iii) Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia; (iv) Phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; (v) Đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập; thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; (vi) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước; (vii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.
Đặc biệt, Chiến lược cũng đề ra các đột phá Chiến lược Tài chính cụ thể gồm: (i) Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững; (ii) Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số; (iii) Khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.
Các nhóm mục tiêu và giải pháp trọng tâm
Với 7 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ chính và 3 đột phá chiến lược cần thực hiện đến năm 2030, Chiến lược Tài chính xác định 11 nhóm giải pháp như sau: (i) Hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; (ii) Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; (iii) Quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công; cải thiện dư địa tài khóa, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia; (iv) Đổi mới cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập; (v) Đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; (vi) Phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững; (vii) Thực hiện nhất quán công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; (vii) Tăng cường hiệu quả hợp tác tài chính và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; (ix) Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (x) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; (xi) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy ngành Tài chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả .
Chiến lược Tài chính đến năm 2030 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn (tương ứng với Kế hoạch tài chính 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch tài chính 5 năm 2026 - 2030) và được cụ thể hóa thông qua 8 chiến lược ngành gồm: (i) Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; (ii) Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; (iii) Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030; (iv) Chiến lược nợ công đến năm 2030; (v) Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030; (vi) Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; (vii) Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030; (viii) Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.
Để tổ chức, thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm: (i) Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030; phê duyệt và chỉ đạo kế hoạch thực hiện các nội dung Chiến lược theo từng giai đoạn; (ii) Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan đến Chiến lược tài chính đến năm 2030; (iii) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược; (iv) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết; (v) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện Chiến lược này.
Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan của Chiến lược này./.
Từ khóa » Các Chiến Lược Tài Chính
-
Chiến Lược Tài Chính (Financial Strategy) Là Gì? Nội Dung Chiến Lược
-
Phê Duyệt Chiến Lược Tài Chính đến Năm 2030 - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Chiến Lược Tài Chính Dành Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ - CIIC
-
Ba đột Phá Trong Chiến Lược Tài Chính đến Năm 2030 - VnEconomy
-
Phê Duyệt Chiến Lược Tài Chính đến ... - Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
-
Những đột Phá Của Chiến Lược Tài Chính Giai đoạn Mới
-
Chiến Lược Tài Chính Doanh Nghiệp - CFO Capital
-
Chiến Lược Tài Chính đến Năm 2030: Đảm Bảo An Toàn Nợ Công
-
4 YẾU TỐ GÓP PHẦN TẠO NÊN MỘT CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH ...
-
Về Việc Phê Duyệt Chiến Lược Tài Chính Toàn Diện Quốc Gia đến Năm ...
-
Hiểu Chiến Lược Tài Chính Qua Các Chỉ Số Tài Chính - YouTube
-
Phê Duyệt Chiến Lược Tài Chính đến Năm 2030 - Bình Phước
-
Nền Tài Chính Việt Nam Sau 10 Năm Thực Hiện Chiến Lược Tài