Chiến Lược Thu Hút FDI Thế Hệ Mới - Báo Công Thương

Năm 2016, quy mô dòng vốn FDI vào Việt Nam đã vươn lên thứ 2 khu vực ASEAN, sau Singapore. Năm 2017, Việt Nam đã có mức giải ngân FDI kỷ lục, đạt 17,5 tỷ USD. Giải ngân năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD. Dù Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong khu vực về thu hút FDI, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hạn chế, tồn tại cũng vẫn còn như hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng; định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế. Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần có chính sách để khắc phục những tồn tại, hạn chế này. Ngoài ra, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI trong giai đoạn tới.

chien luoc thu hut fdi the he moi
Ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án về chuyển hướng chính sách thu hút FDI. Theo đó, một trong những điểm quan trọng là tới đây, sẽ tập trung ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc Quốc gia cấp cao Việt Nam, Campuchia và Lào của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - đã chỉ ra một loạt lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên thu hút FDI, phân chia cụ thể vào các ưu tiên khác nhau. Với ưu tiên ngắn hạn, cần thiết để tăng cường gia tăng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh, nên tập trung các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp, du lịch… Để lách được "cánh cửa hẹp thắng đối thủ cạnh tranh", theo ông Kyle F. Kelhofer, trong ngắn hạn, nên tập trung vào các lĩnh vực chế tạo ôtô, xe máy, công nghệ môi trường… Còn để mở cửa và phát triển kỹ năng, trong trung hạn nên ưu tiên các lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính công nghệ, giáo dục và y tế…

"Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải là những lĩnh vực duy nhất mà Việt Nam nên khuyến khích thu hút đầu tư FDI mà những ngành cần chủ động định hướng xúc tiến đầu tư để thu hút vào những phân nhóm phù hợp" - ông Kyle F. Kelhofer nhấn mạnh thêm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

Để tăng cường thu hút dòng vốn FDI có chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế; tập trung khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…

Từ khóa » Chiến Lược Fdi Thế Hệ Mới