FDI Thế Hệ Mới: Cần Chủ động Tìm Kiếm Các Dự án

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC (tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: Báo cáo này tập trung giải quyết các phát hiện gần đây cho thấy rằng FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn.

Phải thừa nhận rằng, các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu — đặc biệt trong thập kỷ vừa qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp khoảng 10 lần, con số tăng trưởng cao hơn hầu hết các nước cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng việc thiếu lao động kỹ năng cao là một rào cản đối với tăng trưởng. Hơn nữa, việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.

Các chuyên gia nêu ra nhiều khuyến nghị về chiến lược thu hút FDI. - Ảnh:VGP/Huy Thắng

Đại diện IFC cho biết, các phân tích chính của báo cáo tập trung vào việc rà soát kỹ lưỡng các lĩnh vực ưu tiên tiềm năng. Mục đích là nhằm xác định các ngành, cùng với các điều kiện cần thiết để mang lại cơ hội cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư (cả FDI và đầu tư trong nước), từ đó tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và tăng tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương.

Chuyên gia Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư và thương mại của WB phân tích, nhiều địa phương, vẫn còn nặng tư duy về số lượng, “hào phóng một cách lãng phí”, đua nhau đưa ra các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Khung chính sách hiện hành chưa đủ để thu hút FDI thế hệ mới. Cần có khung chính sách mới trong đó, phải bám sát mục tiêu hút từ ưu đãi thuế “thuần tuý lợi nhuận”, sang các chính sách ưu đãi về hành vi như ưu tiên các dự án FDI có chất lượng cao hơn.

Có cùng quan điểm ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế-VCCI cho rằng, hiện chưa có cơ chế nào để bảo đảm những định hướng được thực hiện ở chính quyền địa phương cấp tỉnh, trong khi các địa phương chính là các đầu mối chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư. Thực tế, suy cho cùng việc đảm bảo để các dự án được thực thi và chấp thuận thì vai trò của cấp chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.

Góp ý về báo cáo dự thảo của IFC, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam dường vẫn đang thiếu những báo cáo, đánh giá một cách chi tiết về những lợi ích mà FDI mang lại cho nền kinh tế so với ngân sách Việt Nam đã đầu tư cho các dự án hạ tầng. Bên cạnh đó cũng thiếu các báo cáo chi tiết về mức độ lan toả giữa FDI và các ngành, lĩnh vực khác của Việt Nam.

Cần “đo” được chất lượng FDI và có chiến lược chủ động

Theo ông Wim Douw, thu hút FDI của Việt Nam trước đây (thế hệ cũ) chủ yếu dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Những lợi thế này đang dần mất đi trong bối cảnh cách mạng 4.0, cần thiết phải có chiến lược mới trong thu hút FDI. Việt Nam cần hướng tới việc chọn lựa được các dự án FDI có chất lượng cao hơn. Hầu như chưa có một cuộc điều tra, khảo sát toàn quốc cung cầu kỹ năng các ngành như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, hoá sinh… Hàng năm, cần phải có cuộc điều tra lượng hoá rõ ràng hơn về cung cầu về kỹ năng, công nghệ từ đó mới có các giải pháp, đề án, chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với yêu cầu.

Từ các dữ liệu xây dựng được, Việt Nam cần hiện đại hoá hoạt động xúc tiến đầu tư từ thụ động phê duyệt các dự án trình lên sang hình thức chủ động hơn tìm kiếm các dự án theo mục tiêu. Căn cứ vào chiến lược ngành đã được xây dựng, cần chủ động đưa ra các chiến lược thu hút đầu tư phù hợp để phát triển hướng tới mục tiêu lâu dài của quốc gia.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Việt Nam đang có chiến lược quốc gia hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng môi trường kinh doanh được đánh giá chỉ ở mức 2.0. Yêu cầu bức thiết đặt ra cần phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa, để thu hút các nhà đầu tư, tăng cường đối thoại công tư, bảo vệ nhà đầu tư chân chính để họ tin tưởng làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu các khuyến nghị khác bao gồm xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, thách thức Việt Nam phải đối mặt là rất đặc thù, khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế.

“Chúng tôi tin rằng các khuyến nghị được nêu ra sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Huy Thắng

Từ khóa » Chiến Lược Fdi Thế Hệ Mới