Chiến Thắng Hiển Hách Trong Lịch Sử Chống Ngoại Xâm

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tại TP Quy Nhơn, Bình Định

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa (hay chiến thắng năm Kỷ Dậu) là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Chiến thắng lịch sử của Hoàng đế Quang Trung

Triều đình Mãn Thanh từ khi được thiết lập đã rắp tâm xâm lược nước ta, nhưng chưa tìm được cớ gây hấn. Lợi dụng hành động "rước voi về giày mồ" của bè lũ phong kiến phản động Lê Chiêu Thống, quân Thanh đã tràn sang xâm chiếm nước ta với một lực lượng viễn chinh lớn gồm 20 vạn quân.

Quân Tây Sơn đồn trú ở Bắc Hà lúc bấy giờ do Đại Tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy chỉ có khoảng 8.000 người. Trước tình thế bất lợi về nhiều mặt, đã tạm thời rút về giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, chờ đại quân Nguyễn Huệ. Đây là quyết sách hết sức sáng suốt.

Trước tình hình thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ chủ yếu là bọn phong kiến xâm lược phương bắc, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc.

Ngày 15/1/1789, Hoàng đế Quang Trung cùng đại quân (sau khi đã tăng quân số lên đến 10 vạn người) và một đội tượng binh lớn gồm vài trăm voi chiến đã ra đến Tam Điệp, hội quân với Đại Tư mã Ngô Văn Sở, chuẩn bị phản công quân Thanh.

Tại khu vực tập kết, Hoàng đế Quang Trung đã đề ra kế hoạch tác chiến cụ thể nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long và giải phóng đất nước, chia quân Tây Sơn làm 5 đạo chính.

Đạo quân thứ nhất (chủ lực) do Hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy, Đại Tư mã Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tiên phong. Đạo quân này tập trung lực lượng cao, bảo đảm cơ động nhanh, tiến công mạnh, đột kích khoẻ. Thành phần gồm bộ binh, tượng binh, kỵ binh với nhiều voi chiến và hoả hổ, đại bác. Nhiệm vụ là tiến công thẳng vào hệ thống phòng thủ của địch ở phía Nam Thăng Long, mặt trận chính của quân Thanh.

Đạo quân thứ hai do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy, đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu. Đạo quân gồm tượng binh và kỵ binh, lực lượng không nhiều nhưng khá mạnh và cơ động. Đạo quân này có nhiệm vụ vừa bao vây tiêu diệt quân của Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng (Đống Đa), vừa bất ngờ thọc vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long tiêu diệt quân của Lê Chiêu Thống và uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.

Đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy. Đây là một lực lượng cơ động gồm tượng binh và kỵ binh, đặc biệt có đội voi chiến mạnh. Đạo quân có nhiệm vụ đi theo đường Sơn Minh (huyện ứng Hoà) ra làng Đại Áng ở phía Tây Nam đồn Ngọc Hồi để phối hợp với đạo quân chủ lực tiến công đồn Ngọc Hồi. Đây là vị trí quan trọng nhất của mặt trận phía Nam kinh thành Thăng Long, bản doanh của Hứa Thế Hanh.

Đạo quân thứ tư là đạo quân thuỷ do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy. Đạo quân này vượt biển vào sông Lục Đầu, tiến công tiêu diệt quân của Lê Chiêu Thống đóng ở Hải Dương và sẵn sàng uy hiếp sườn phía Đông đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Nhị, phối hợp với hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu đánh vào Thăng Long.

Đạo quân thứ năm do Đại đô đốc Lộc chỉ huy và cũng là đạo quân thuỷ, đi đường thuỷ cùng với đạo quân thứ tư của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết. Khi vào đến sông Lục Đầu, đạo quân của Đại đô đốc Lộc đi lên các hạt Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế để chắn ngang và bịt kín đường tháo chạy của địch.

Với 5 đạo quân bố trí như trên, Quang Trung đã tạo thành một thế trận hoàn chỉnh, nhiều tầng nhiều lớp, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công chính diện với thọc sâu, bao vây vu hồi. Binh lực được sử dụng một cách khoa học nhằm tập trung lực lượng cho những hướng tiến công chủ yếu và quan trọng, phát huy cao độ tính năng và hiệu suất chiến đấu.

Khao quân ăn Tết trước

Cuối tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), Hoàng đế Quang Trung mở tiệc khao quân coi như ăn Tết Nguyên đán trước. Trong buổi lễ bừng bừng khí thế chống xâm lăng đó, một lần nữa Hoàng đế Quang Trung kêu gọi quân sĩ "Nhà Thanh từ vua Càn Long lên ngôi đến nay, luôn luôn mưu toan khuếch trương bờ cõi, đã chiếm phía Tây, lại toan lấn chiếm phía Nam. Sự mất còn của nước ta là quyết định ở trận này".

Mẫu tem “Quang Trung đại phá quân Thanh 1789” trong bộ tem “Kỷ niệm 200 năm khởi nghĩa Tây Sơn (1771 - 1971)” vào ngày 1/6/1971

Đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu (25/1/1789), đạo quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã vượt sông Gián Thuỷ, mở màn cuộc đại phá quân Thanh. Các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo... lần lượt bị hạ.

Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu (28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20km), uy hiếp địch và bắt sống hàng vạn quân Thanh. Mùng 4 Tết (29/1/1789), quân Tây Sơn tiếp cận Ngọc Hồi. Lúc này, đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy cũng tập kết tại phía Tây Nam Ngọc Hồi, cùng chuẩn bị tiến công.

Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), lúc trời còn tối, quân Tây Sơn bất ngờ tấn công mãnh liệt vào mặt Nam đồn Ngọc Hồi. Mở đầu cuộc tấn công, Quang Trung tung đội tượng binh gồm hơn 100 voi chiến ra trận. Trước một đội tượng binh lớn mạnh này, quân Thanh đua nhau tháo chạy. Quân Tây Sơn với thế xung trận mạnh như triều dâng, bão cuốn đã phá huỷ các chiến luỹ và toàn bộ trận địa phòng thủ mặt Nam đồn Ngọc Hồi. Sở chỉ huy của Đề đốc Hứa Thế Hanh bị tiêu diệt. Nhiều doanh trại của địch bị đốt cháy. Đồn Ngọc Hồi chìm trong khói lửa.

Đạo quân thứ hai do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy cũng đồng thời mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ vào đồn Đống Đa. Bằng khí thế áp đảo, quân Tây Sơn với đội hình bày sẵn, xông thẳng vào đồn trại địch, đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi nhanh chóng đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của địch. Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người.

Trước thế cùng, lực kiệt, Sầm Nghi Đống đã phải thắt cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy. Tiếp tục thế tiến công, đạo quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng thọc sâu vào Thăng Long, đồng thời uy hiếp vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.

Hoàng đế Quang Trung đưa đạo quân chủ lực tiếp tục tiến đánh đồn Ngọc Hồi và cho đội voi chiến chia làm 2 cánh tả, hữu, đánh vào 2 bên sườn. Quân Tây Sơn ào ạt tiến lên, bất chấp đại bác, cung tên và hoả mù của giặc và tiêu diệt hoàn toàn đồn Ngọc Hồi. Tàn quân Thanh tháo chạy về phía Đầm Mực nhưng bị đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy tiêu diệt hoàn toàn.

Tại đại bản doanh đóng ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị và bộ chỉ huy quân Thanh rất lo lắng. Trước những tin tức khủng khiếp của mặt trận phía Nam và phía Tây Nam, Tôn Sĩ Nghị vô cùng hoảng hốt, không còn biết xoay xở, đối phó như thế nào, vội vàng qua cầu phao, nhằm hướng Bắc chạy trốn.

Đại Nam chính biên liệt truyện viết "Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về Bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn ngã cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được".

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự tuyệt vời của quân Tây Sơn. Trước hết, đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, tiếp đó là nghệ thuật tác chiến chiến lược và trong riêng từng trận đánh - đó là nghệ thuật “chính, kỳ” cổ điển. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Chiến thắng oanh liệt Ngọc Hồi-Đống Đa cũng như tên tuổi của Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ mãi mãi sáng ngời trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Chiến thắng này còn đánh dấu việc nhà Tây Sơn chính thức thay nhà Hậu Lê trong việc cai quản đất Bắc Hà và trong quan hệ với nhà Thanh.

Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Hàng năm, cứ vào ngày mồng 5 Tết Nguyên đán, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra tại Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán hàng năm

Khi tiếng trống hội rền vang, phần lễ chính thức bắt đầu bằng nghi thức dâng hương tế lễ của đoàn lễ Hà Nội, Bình Định cùng các đoàn địa phương lân cận. Tiếp đến là lễ rước kiệu thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về Công viên văn hóa Đống Đa trong rừng cờ, tán, lọng, kiệu rực rỡ sắc màu cùng với chiêng, trống, thanh la....

Cuối đoàn rước là màn múa Rồng với hình tượng "con Rồng lửa" được tết bằng rơm, mo nang và giấy bồi kết thành. Tốp thanh niên bao quanh đám rước "Rồng lửa", biểu diễn côn quyền, tái hiện một phần hình ảnh đoàn quân Tây Sơn đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng thành Thăng Long, mở ra trang sử mới vẻ vang cho đất nước.

Sau lễ rước là lễ dâng hương tại Chùa Bộc và chùa Đồng Quang nhằm tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo vải Quang Trung với những chiến công hiển hách, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt.

Phần hội cũng diễn ra đặc sắc và hấp dẫn với các tiết mục biểu diễn võ thuật, tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, thi đấu cờ người, cờ tướng, các trò chơi dân gian, biểu diễn quan họ Bắc Ninh, biểu diễn thể dục thể thao...

Mai Hằng

Từ khóa » Trong Lịch Sử Chống Giặc Ngoại Xâm