Chiều Cao Và Sự Phát Triển Chiều Cao - BS. Nguyễn Hoàng Hải

Ngày nay, chiều cao đóng một vai trò quan trọng trong xã hội chúng ta, nó ảnh hưởng đến công việc, ngoại hình và sự tự tin của mỗi người. Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một trong những nước có chiều cao khiêm tốn trên thế giới. Theo kết quả thống kê của bộ Y tế năm 2020 thì chiều cao trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam lần lượt là 168.1 cm và 156.2 cm.

Chiều cao của trẻ lúc mới sinh dao động từ 48 - 52 cm, chiều cao này phụ thuộc vào dinh dưỡng của bà mẹ khi mang thai. Yếu tố di truyền ít tác động đến chiều cao của trẻ ở giai đoạn này nên ba mẹ có thể thấy một số bé mới sinh ra với cân nặng và chiều cao “khủng” nhưng khi lớn lên cũng không cao to hơn các bạn cùng trang lứa. Và cũng có những trẻ mới sinh khá “nhỏ con” nhưng khi lớn lên lại có thể trạng tốt.

Theo một số nghiên cứu, yếu tố di truyền quyết định 60 - 80% chiều cao của một người, 20 - 40% còn lại phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và bệnh lý của trẻ nếu có. Tuy nhiên nếu chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt hoặc trẻ có một số bệnh lý nặng cũng ảnh hưởng lớn đến chiều cao.

Tại sao chúng ta cao lên được?

Ở trẻ em, xương được cấu tạo không chỉ bởi xương mà còn có sụn tăng trưởng, những sụn này nằm ở hai đầu xương và dần biến thành xương khi trẻ trưởng thành. Đây gọi là quá trình cốt hóa, chính quá trình này làm cho xương dài ra và giúp trẻ cao thêm. Sụn tăng trưởng nằm ở đầu xương của trẻ, từ xương cánh tay, cẳng tay, xương đùi đến xương cẳng chân.

Hiện tượng cốt hóa này diễn ra dần dần từ khi trẻ sinh ra đến hết tuổi dậy thì. Khi tất cả các sụn tăng trưởng của trẻ được cốt hóa thì cũng chính là lúc chiều cao của trẻ không tăng thêm được nữa, thường sẽ là lúc trẻ đạt 18 tuổi.

Sụn tăng trưởng được cốt hóa làm xương dài ra

Giai đoạn từ sơ sinh đến 1 tuổi là giai đoạn trẻ tăng chiều cao nhanh nhất, trung bình trẻ tăng khoảng 25 cm so với lúc mới sinh. Sau đó chiều cao của trẻ bắt đầu tăng chậm hơn, từ 1-2 tuổi trẻ tăng khoảng 10 cm/năm. Sau 2 tuổi thì chiều cao chỉ tăng 5-6 cm mỗi năm cho đến khi đến tuổi dậy thì. Một lưu ý là chiều cao của trẻ không tăng đều đặn và không bằng nhau suốt giai đoạn phát triển, có những lúc ba mẹ thấy trẻ tăng chiều cao chậm nhưng có lúc lại thấy trẻ tăng chiều cao nhanh hơn, đây là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ thường tăng chiều cao nhanh hơn vào mùa xuân so với các thời điểm khác trong năm.

Chiều cao tăng rất nhanh khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, đối với trẻ gái từ 8-13 tuổi, trẻ trai từ 10-15 tuổi. Giai đoạn dậy thì sẽ kéo dài từ 3 – 5 năm. Khi bước vào giai đoạn này, chiều cao của trẻ sẽ tăng từ 8 – 14 cm/ năm và sau đó bắt đầu tăng chậm lại, phần lớn trẻ không tăng chiều cao thêm sau 18 tuổi.

Công thức dự đoán chiều cao của trẻ dựa vào chiều cao ba mẹ:

🧒 Trẻ trai:

👧 Trẻ gái:

Ví dụ: Ba cao 170 cm, mẹ cao 160 cm, thì chiều cao dự đoán của trẻ trai là: 171.5 cm và của trẻ gái là 158.5 cm.

Tuy nhiên chiều cao thực sự của trẻ có thể cao hơn hoặc thấp hơn đến 8 cm so với chiều cao dự tính theo công thức này.

BS. Nguyễn Hoàng Hải

Chuyên khoa Nhi

Chuyên khoa Nội Tiết Nhi

Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về kênh chiều cao nhé, liệu trẻ ở kênh chiều cao thấp có phải luôn là bất thường hay không? Mời các bạn cùng đón đọc phần tiếp theo vào thứ 4 tuần sau nhé. 🥰🥰🥰

Từ khóa » Sụn Tăng Trưởng Nằm ở đầu