“Chiêu” Giữ Nhân Tài Của Ngôi Trường Gần 100% Giảng Viên Từ Nước ...

Có lẽ trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong số ít các trường có số giảng viên từ nước ngoài về công tác nhiều nhất hiện nay. Hiện tại đội ngũ giảng dạy của trường có khoảng 190 người trong đó gồm 170 giảng viên, 20 nghiên cứu viên. Trong số giảng viên có cả người Mỹ, Philippines và tuyệt đại đa số là tiến sĩ người Việt Nam tốt nghiệp chủ yếu ở Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, các nước Châu Âu và những nước có nền giáo dục tốt ở châu Á trở về giảng dạy ở tất cả các ngành nghề.

Đặc biệt trong đó là các giáo sư, tiến sĩ Việt kiều ở Anh, Mỹ, Canada cũng trở về công tác. Có thể kể đến như Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Tới (nguyên giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Tufts – Mỹ), Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Hữu Tuệ (nguyên giảng viên ĐH Laval, Canada), Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên (từng làm việc tại NASA….

chieu-giu-nhan-tai-cua-ngoi-truong-gan-100-giang-vien-tu-nuoc-ngoai-tro-ve
PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế chia sẻ bí quyết thu hút nhân tài trở về nước làm việc

Trước câu hỏi làm thế nào để người giỏi đồng ý chấp nhận từ bỏ môi trường tiên tiến ở nước ngoài để về làm việc, PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế đã chia sẻ về năm “bí quyết” đinh mà trường đã thực hiện trong thời gian qua.

PGS.TS Hồ Thanh Phong cho biết: “Xác định ngay từ đầu rằng nhân lực để cho trường hoạt động là yếu tố vô cùng quan trọng nên những giảng viên, nghiên cứu viên giỏi là vốn quý cần phải đi mời về. Do đó, “bí quyết” đầu tiên chính là sự trọng thị. Ở nước ngoài họ có nhiều điều kiện để làm những chỗ tốt, nếu mình muốn mời họ về thì phải tạo điều kiện làm sao hơn các chỗ kia. Thời gian đầu tôi đi khắp nơi để mời, bây giờ vì công việc bận hơn nhưng nếu đi đâu thấy được những giảng viên, những người giỏi có chí hướng và mong muốn quay về thì tôi đều tiếp xúc cả.

Điều thứ nhì chính là mức thu nhập vừa phải. Tôi không nghĩ đây là bí quyết gì to lớn mà hãy tự đặt bản thân mình vào vị trí là du học sinh tốt nghiệp xong cần những gì. Thật ra đơn giản chỉ là điều kiện để có thể giảng dạy, nuôi được gia đình, có thể tích lũy khi bệnh tật, có bảo hiểm y tế đàng hoàng, phương tiện đến nơi làm việc. Với tất cả những điều đó chúng tôi đem ra bàn bạc với tập thể trường để xác lập lại một mức thu nhập xứng đáng, có thể chưa bằng như ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại rất có ý nghĩa. Ý nghĩa ở chỗ khi giảng viên về đây không phải chạy vạy lo toan, phải dạy nhiều chỗ, làm thêm nghề này, nghề khác để kiếm sống. Bằng cách đó, những trí thức ấy có thể yên tâm, tập trung hoàn toàn cho công việc, nghiên cứu.

Ngoài ra, môi trường là điểm trọng yếu thứ ba. Trong môi trường đó, những giảng viên ấy phải ở trong một tập thể mà mọi người tôn trọng nhau, họ được nói, trình bày ý kiến và phát huy tự do học thuật của mình. Tất nhiên không phải tự do là muốn làm gì thì làm nhưng họ được phát huy những thế mạnh của mình, không vì ai mà phải từ bỏ những kiến thức, những phát hiện mới trong nghiên cứu và giảng dạy.

Để giữ được những nghiên cứu đỉnh cao, có thể xuất bản khoa học thì phải có được mối liên lạc quốc tế mạnh mẽ . Đó cũng chính là điều quan trọng thứ tư. Trường phải tạo điều kiện để các giảng viên giữ được mối liên lạc quốc tế, để họ truy cập tài liệu, thông tin mới nhất về khoa học mà thế giới đang thực hiện. May mắn thay ĐHQG TP.HCM cũng nhìn ra vấn đề này nên đầu tư rất tốt cho thư viện ĐH quốc gia nên trường nhẹ bớt một phần chi phí cho việc này.

“Bí quyết” cuối là là đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học. Dù trường còn non trẻ nhưng cũng rất cố gắng bằng sức của mình tạo cơ sở vật chất cho nghiên cứu. Có thể không phong phú, giàu có nhưng đó là những điều kiện tối thiểu để đảm bảo đội ngũ tri thức trở về hoàn thành được những đề tài nghiên cứu của mình.

Dù có tất cả những điều kiện để làm việc tốt, có học trò giỏi, có mức thu nhập vừa phải nhưng đương nhiên trên hết bản thân các giảng viên có thật sự có mong muốn về hay không.

Còn đối với những vị giáo sư, tiến sĩ đi học, làm việc ở nước ngoài đã mấy chục năm khi họ về nước là tỏ rõ thiện chí đóng góp, xây dựng đất nước và không có nhu cầu về nước để làm giàu. Do đó, trường phải tạo điều kiện làm sao để các thầy đóng góp một cách tốt nhất. Chẳng hạn như GS Huỳnh Hữu Tuệ thì chịu trách nhiệm về mặt học thuật, nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ở khoa Điện tử Viễn thông. Còn như GS Võ Văn Tới thì trường cũng tạo điều kiện để thầy làm trưởng bộ môn Kỹ thuật Y sinh. ..Các thầy được chọn người cộng tác, được tạo điều kiện làm việc như ở nước ngoài để các thầy phát huy hết mức, được chủ trì các hội nghị quốc tế lớn và hiển nhiên thu nhập cũng phải tương ứng với sự cống hiến đó. Các thầy cần gì thì mình sẽ đáp ứng cái đó và bản thân tôi cũng mong muốn sự hợp tác vui vẻ này sẽ luôn được duy trì mãi.

Tôi quan niệm rằng đối với giảng viên trẻ hay những người nghiên cứu kỳ cựu ở vai trò lãnh đạo thì mình phải ứng xử sao cho linh hoạt theo yêu cầu, đừng cứng nhắc bởi sự cực đoan nào đó thì cũng dẫn đến lời giải không hay.

Thưa PGS, phải chăng nhờ cơ chế tự chủ mà trường được áp dụng mới thực hiện được những “chiêu” thu hút nhân tài?

PGS.TS Hồ Thanh Phong: Trường ĐH Quốc tế chọn hình thức tự chủ tài chính là hoàn toàn không hưởng ngân sách nhà nước cho kinh phí chi thường xuyên từ năm 2008. Nhưng cũng nên đặt câu hỏi ngược lại là vì sao mình không chọn quyền đó. Dĩ nhiên chọn quyền này thì trường sẽ mất một khoản tiền từ ngân sách nhưng bù lại được sự linh động trong nguồn chi, không bị giới hạn ở chỗ không được trả quá 3 lần lương cơ bản. Có thể nếu ở một đơn vị mà không được quyền trả lương như vậy thì chắc chắn chúng tôi cũng sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Nhờ cơ chế này, chúng tôi xây dựng một chính sách lương và thu nhập hợp lý vừa thu hút đội ngũ giảng viên giỏi trở về công tác vừa giúp cho các mặt hoạt động của trường thuận lợi.

Ở trong môi trường giáo dục đại học, nếu thầy giáo giỏi về mà không có sinh viên giỏi thì lâu ngày các thầy sẽ đi vì chán, nhưng nếu sinh viên có đông, giỏi mà thầy không xuất sắc thì sinh viên cũng chê. Người đi học bây giờ không chỉ đi tìm cái bằng mà họ cũng có những đòi hỏi cao hơn. Phải làm sao kết nối được cả hai lại với nhau chính là việc của người quản lý. Không thể nào để có một vòng luẩn quẩn xem ai có trước và chúng tôi quyết định là giảng viên có trước. Sau khi đội ngũ giảng dạy chứng tỏ được thực lực thì sinh viên và xã hội thấy và chấp nhận.

Mình “lôi kéo” họ về nhưng để họ cảm thấy đây thật sự là lựa chọn đúng đắn khi họ quay về lại còn là một bài toán khó hơn?

PGS.TS Hồ Thanh Phong: Đúng là khó hơn. Cũng giống như việc xây dựng một ngôi nhà, sau khi hoàn thiện lộng lẫy thì phải giữ gìn làm sao để nó không bị xuống cấp. Làm điều đó rất khó vì vừa phải tốn tiền vừa tốn công mà phải biết chăm chút khéo léo. Quả thật là khó bởi vì nhu cầu của mỗi người đã khác nhau mà lại biến thiên theo thời gian nhưng nhà trường đã làm hết sức để các thầy cô thấy đây thực sự là môi trường làm việc tốt. Tất nhiên cũng có người không hài lòng, không phải vì mình làm dở mà vì họ mong đợi cao hơn nữa. Đến nay chỉ có khoảng 5, 6 người ra đi và điều này quay lại bài toán ban đầu là họ có chịu về nước không hay là chọn môi trường nước ngoài với điều kiện tốt hơn.

Theo Dân Trí

Xem bài gốc tại đây 

Từ khóa » Ts Nguyễn đình Uyên