Công Nghệ Luôn Thân Thiện Với Nhà Nông - Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn

Công nghệ luôn thân thiện với nhà nông

Các ứng dụng công nghệ cao như SmartAgri (quản lý nông nghiệp qua đám mây), TE-Food (ứng dụng truy xuất nguồn gốc, đeo vòng nhận diện nguồn gốc cho heo)… khi được ứng dụng vào các khâu chăn nuôi, trồng trọt… đã trở nên dễ sử dụng hơn đối với người nông dân.

Công nghệ luôn thân thiện với nhà nông
Đại diện Công viên phần mềm Quang Trung, Khu nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp cung cấp giải pháp... đang trả lời các câu hỏi của khách tham dự hội thảo.

Tuần trước, đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Ứng dụng IoT trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao” do Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với một số doanh nghiệp có giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP) cho biết: trên thế giới, người ta đã triển khai các hệ thống cung cấp thông tin qua điện thoại di động; giúp người nông dân tiếp cận thông tin thị trường qua di động (Mobile Marketing)… Các giải pháp công nghệ (di động, CNTT, IoT…) cũng được ứng dụng tại các nông trường, trang trại… để quản lý chuỗi cung ứng (thu gom nông sản, lưu kho, giao nhận…).

Việc ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam rất tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp CNTT cũng như IoT. Các ứng dụng này sẽ giúp nông dân giải quyết các bài toán như truy xuất nguồn gốc, dự báo nhu cầu thị trường/sâu hại-dịch bệnh nhằm giảm thiểu rủi ro…

Ở góc độ nhà cung cấp giải pháp, Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, Giám đốc Nghiên cứu Công ty 5D Agri Solutions cho rằng: Gần 20 năm qua, các nhà phát triển công nghệ chỉ tập trung vào điện tử-viễn thông mà quên đi ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Về nguyên tắc, công nghệ luôn sẵn sàng, chỉ cần người nông dân có nhu cầu ứng dụng là có thể phát triển và triển khai giải pháp thích hợp.

Công ty 5D Agri Solutions đã phát triển giải pháp: Trồng cây ăn trái, rau sạch trong container (thùng chứa hàng) với môi trường được kiểm soát hoàn toàn bằng phần mềm, có thể điều khiển/quản lý từ xa qua smartphone. Nơi trồng trọt sẽ được chiếu sáng bằng đèn LED, có thể áp dụng công nghệ thủy canh, môi trường được tối ưu cho từng loại cây ăn trái, rau quả… Với cách trồng trọt này, nông dân sẽ không phải học hỏi nhiều kiến thức, năng suất cao, không lo ngại về thời tiết thất thường…

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM cho biết: Khi cung cấp các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp cần đưa ra mức chi phí thấp cho người nông dân. Đồng thời, phải đề cập tới yếu tố lợi ích khi triển khai công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt… thì người nông dân mới hưởng ứng.

Tại hội thảo, đại diện Công ty Global Cybersoft cũng trình bày về giải pháp SmartAgri, ứng dụng giúp tự động hoá quy trình quản lý việc trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ hải sản… SmartAgri còn có hệ thống cảnh báo tức thời các sự cố qua email, tin nhắn… hỗ trợ lên kế hoạch, tính toán chi phí cho các vụ mùa sản xuất.

SmartAgri mang lại lợi ích: Tối giản chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hệ thống sử dụng đơn giản/dễ quản lý… Ứng dụng này cũng tạo ra hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp thông tin dự báo thị trường, tư vấn cho người nông dân về việc nuôi con gì/trồng cây gì ở các khu vực thích hợp…

Từ khóa » Ts Nguyễn đình Uyên