Chính Sách Dân Tộc ở Trung Quốc

Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là một quốc gia thống nhất đa dân tộc, với 56 dân tộc bao gồm: Hán, Mãn, Triều Tiên, Hách Triết, Mông Cổ, Đạt Hàn Nhĩ, Ha Ni, Thái, Ly Su, Ngoã, La Hu, Nạp Tây, Cảnh Pha, Ngạc Luân Xuân, Hồi, Đông Hương, Thổ, Tát Lạp, Bảo An, Dụ Cố, Duy Ngô Nhĩ, Ca Dắc, Kan Kát, Tích Bá, Tát Gích, U Dơ Bếch, Nga, Tác Ta, Tạng, Môn Ba, Lạc Ba, Khương, Di, Bạch, Bố Lãng, A Xương, Phổ Mễ, Nộ, Độc Long, Đức Ngang, Cơ Nặc, Miêu, Bố Y, Động, Thuỷ, Kơ Lao, Choang, Dao, Mô Lao, Mao Nam, Kinh, Thổ Gia, Lê, Xa, Cao Sơn, Ngạc Ôn Khắc. Người Hán là dân tộc lớn nhất Trung Quốc, chiếm 91,6%, các dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm khoảng 8,3%.

Dân tộc thiểu số của Trung Quốc có số lượng ít, nhưng lại phân bố trên diện tích rất rộng, chiếm tới 60% lãnh thổ, họ có mặt ở tất cả các tỉnh, các khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương. Các châu lớn ở Trung Quốc đều có ít nhất 2 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống. Sự phân bố dân cư của các nhóm dân tộc thiểu số có đặc điểm là vừa tập trung vừa phân tán, vừa có khuynh hướng sống xen kẽ, vừa có khuynh hướng sống tụ họp thành các cộng đồng nhỏ, sự phân bố đan xen: có các nhóm dân tộc thiểu số định cư tại khu vực của người Hán và ngược lại, người Hán cũng cư trú trên địa bàn của người dân tộc thiểu số; có một vài nhóm dân tộc sống rải rác trên một vùng rộng lớn nhưng cũng có các dân tộc sống tập trung trên một địa bàn hẹp. Đây cũng là kết quả của sự giao lưu, di chuyển giữa các nhóm dân tộc trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển đất nước. Hiện nay, các nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc phân bố chủ yếu ở các tỉnh và khu tự trị: Nội Mông, Tân Cương (Duy Ngô Nhĩ), Ninh Hạ (Hồi), Quảng Tây (Choang), Tây Tạng, Vân Nam, Quý Châu, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hải Nam và Đài Loan.

Trước khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (năm 1949), các triều đại ở Trung Quốc trước đó: từ thời nhà Hán, đều ban hành các chính sách và thiết lập hệ thống chính quyền đối với các dân tộc thiểu số. Thời nhà Hán, chính sách dân tộc là “cầm dây cương” có nghĩa là dùng sức mạnh của triều đình để lôi kéo và khống chế các dân tộc thiểu số phục vụ cho mục đích của dân tộc Hán. Dưới thời Tam Quốc, chính sách dân tộc tiêu biểu của Khổng Minh là chính sách “mềm” với quan điểm không làm thay đổi, biến động đến các dân tộc thiểu số mà làm công tác tư tưởng để thu phục các tù trưởng, bộ tộc, đây có thể coi là tiền thân của chính sách tự trị dân tộc sau này. Thời nhà Nguyên, thực hiện chính sách Thổ Ty, gần giống với chính sách dân tộc thời Tam Quốc. Đến triều Minh - Thanh thì thực hiện chính sách “cải thổ quy lưu” tức là xoá bỏ chính sách Thổ Ty, triều đình cử người xuống trấn áp tại các khu vực dân tộc thiểu số... Thời kỳ Trung Hoa dân quốc, chính sách dân tộc chỉ có 5 dân tộc cộng hoà là Hán, Mãn, Mông Cổ, Duy Ngô Nhĩ, Tạng, còn các dân tộc khác thì thể hiện thái độ không thừa nhận. Tuy nhiên, có thể nói, dù dưới triều đại nào thì quyền lực nhà nước ở trung ương cũng không thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc mà tập trung chủ yếu vào các dân tộc lớn, dân tộc cai trị.

Từ khi nhà nước Trung Hoa mới ra đời (1949) cũng là lúc mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc. Mọi quyền lợi đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng. Các dân tộc với ý chí tự do, cùng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng thụ hưởng sự phát triển chung và cùng nỗ lực đóng góp để xây dựng nước Trung Hoa mới văn minh, dân chủ và thịnh vượng.

Sự bình đẳng dân tộc ở Trung Quốc có nghĩa là các nhóm dân tộc không phân biệt quy mô dân số, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, không kể sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng thì đều có vị trí như nhau, được hưởng các quyền lợi như nhau trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị - xã hội, đồng thời cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như nhau. Bình đẳng dân tộc là nghiêm cấm mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử giữa các nhóm dân tộc. Thống nhất dân tộc là hữu nghị, giao lưu và tương trợ lẫn nhau trong đời sống xã hội. Điều này kêu gọi sự đoàn kết của các dân tộc và chống chủ nghĩa chia rẽ dân tộc.

Chính phủ Trung Quốc luôn cho rằng, bình đẳng dân tộc là điều kiện tiên quyết và là cơ sở của khối đoàn kết các dân tộc. Không có bình đẳng dân tộc thì cũng không có đoàn kết dân tộc. Bình đẳng dân tộc được xác định rõ trong Hiến pháp Trung Quốc, là nguyên tắc cơ bản để giải quyết mọi vấn đề dân tộc. Hiến pháp ghi rõ “Tất cả các dân tộc ở Trung Quốc đều bình đẳng. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số và duy trì, phát huy mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc. Cấm mọi sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các dân tộc, cấm tất cả các hành động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc hoặc xúi giục ly khai”.

Nguyên tắc chỉ đạo về công tác dân tộc của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là vì sự thống nhất quốc gia (Luật Chống chia rẽ dân tộc) và các dân tộc bình đẳng trên cơ sở tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình là nền tảng kim chỉ nam để đề ra các chính sách dân tộc và xây dựng hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Mục tiêu là xây dựng Trung Hoa thành một quốc gia thống nhất đa dân tộc chống chủ nghĩa đại Hán, chống chủ nghĩa dân tộc địa phương. Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời đã ban hành một loạt các chính sách dân tộc, như: chính sách cải cách dân chủ ở vùng dân tộc thiểu số trong đó tăng cơ cấu đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các kỳ đại hội Đảng, khuyến khích họ tham gia công tác quản lý các cấp, chú trọng đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia trong bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương; chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ngôn ngữ trong đó nhà nước bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và các hoạt động tôn giáo hợp pháp, đồng thời khuyến khích việc sử dụng rộng rãi tiếng nói và chữ viết của các dân tộc trong ngành tư pháp, giáo dục và trong đời sống kinh tế - xã hội; chính sách tự trị vùng dân tộc; chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số; chính sách y tế và các chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số.

Chính sách tự trị vùng các dân tộc thiểu số là một hệ thống chính trị quan trọng của Trung Quốc. Hệ thống này được thiết lập tại các vùng có người dân tộc thiểu số sống tập trung. Có 3 cấp độ ban hành luật tự trị trong hệ thống tự trị vùng dân tộc: Khu tự trị, châu tự trị và huyện tự trị. Tự trị vùng dân tộc thể hiện tính tự trị độc lập của các dân tộc thiểu số, việc nhà nước thành lập Uỷ ban dân tộc ở các cấp là thể hiện sự quan tâm đối với các dân tộc. Đến thời điểm cuối năm 1998, Trung Quốc đã thành lập được 5 khu tự trị, 30 châu tự trị, 120 huyện tự trị và 1.256 xã tự trị. Trong số 55 dân tộc thiểu số thì có đến 44 dân tộc có khu vực tự trị. Số người dân tộc thiểu số sống trong các khu tự trị chiếm 75% số người dân tộc thiểu số của cả nước.

Một trong những chính sách phát triển kinh tế nổi bật dành cho các dân tộc thiểu số hiện nay ở Trung Quốc là chính sách phát triển miền Tây, còn được gọi là “Dự án thế kỷ”. Đây là khu vực tập trung đông nhất các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, chiếm 70% diện tích của cả nước. Tuy nhiên, chính sự phát triển quy mô lớn này không chỉ mang lại những sự thay đổi to lớn về kinh tế mà đồng thời cũng tạo ra những biến đổi về xã hội, cảnh quan, môi trường miền Tây. Và nhiều nhà khoa học Trung Quốc cũng đặt ra vấn đề là mục đích để phát triển hay để khai thác miền Tây và đặt ra những câu hỏi về hậu quả xã hội, môi trường và văn hoá nếu đó là một quá trình khai thác?

Trung Quốc chủ trương kiên trì 6 nguyên tắc "xây" và "chống" trong công tác dân tộc. Ba xây với các nguyên tắc cơ bản là: (1) Kiên trì nguyên tắc quan hệ: Bình đẳng - Đoàn kết - Tương trợ; (2) Kiên trì chế độ tự trị cơ bản: Khu vực dân tộc tự trị; (3) Kiên trì chủ đề dân tộc: Cùng nhau đoàn kết phấn đấu, cùng nhau phát triển phồn vinh. Ba nguyên tắc cần chống là: (1) Chống chủ nghĩa bá quyền; (2) Chống chủ nghĩa đại dân tộc; (3) Chống chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa khủng bố. Trung Quốc kiên trì tôn trọng các quy luật cơ bản của 5 tính chất: Trường kỳ - Phổ biến - Phức tạp - Quan trọng - Quốc tế cũng như kiên trì các điều then chốt trong công tác, như: phát triển cán bộ dân tộc; luân chuyển cán bộ Trung ương đến vùng dân tộc thiểu số; đưa cán bộ dân tộc thiểu số đến vùng phát triển; tổ chức cho cán bộ dân tộc thiểu số ra nước ngoài tham quan học tập; thành lập Học viện Dân tộc Trung ương Bắc Kinh và các phân hiệu trực thuộc ở một số địa phương...

Mặc dù Đảng và Nhà nước Trung Quốc nỗ lực vì một quốc gia thống nhất đa dân tộc, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và đã ban hành rất nhiều các chính sách để thực hiện mục tiêu đó, nhưng theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì trên thực tế vẫn còn sự phát triển không đồng đều giữa dân tộc Hán và các dân tộc thiểu số; trong nội bộ các dân tộc thiểu số; giữa dân tộc có dân số lớn và dân tộc có dân số nhỏ. Họ cho rằng, để giải quyết vấn đề bất bình đẳng hay rút ngắn sự phát triển chênh lệch đó, thì nhà nước cần có các chính sách tốt hơn nữa về giáo dục đào tạo, cần có các chính sách đặc thù cho các dân tộc khác nhau, cần ban hành chính sách dành cho các dân tộc thiểu số đặc biệt ít người (ví dụ như chính sách kế hoạch hoá gia đình...).

Từ một số nét khái quát trên cho thấy: Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc ở Trung Quốc được xác định rất sớm trong lịch sử, đặc biệt là chính sách đại đoàn kết các dân tộc. Lý luận về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đều dựa trên nền tảng lý luận cơ bản về dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông..., đồng thời có sự kế thừa, phát triển và điều chỉnh qua các thời kỳ cách mạng khác nhau cho phù hợp... Các chính sách dân tộc đều góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng quốc gia thống nhất đa dân tộc trên cơ sở các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Từ khóa » Họ đông Nhất Trung Quốc