Chở Hàng Cồng Kềnh Phạt Bao Nhiêu Tiền Và Những Lưu ý - OKXE

Khi lưu thông trên đường, không quá khó để bắt gặp những chiếc xe máy chở hàng cồng kềnh. Quả thực, hành vi này gây ra rất nhiều rủi ro, nguy hiểm cho những người đang lưu thông khác. Vậy Luật quy định chở hàng cồng kềnh phạt bao nhiêu tiền?  

Còn nhớ thời điểm tháng 5/2021, báo Thanh Niên đã đưa tin về vụ va chạm xảy ra tại đường số 7, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM). Khi đó đã xảy ra vụ va chạm giữa người điều khiển xe gắn máy chở bao tải hàng hóa cồng kềnh phía sau với một người phụ nữ 42 tuổi.

Hiện trường vụ va chạm khi xe máy chở hàng cồng kềnh. Va chạm với xe máy khác chạy cùng chiều. Ảnh: Trần Kha.

Trong quá trình lưu thông, bao tải hàng hóa trên xe của nam thanh niên đã va chạm vào tay lái xe máy của người phụ nữ 42 tuổi (quê tại Quảng Trị). Hậu quả khiến người phụ nữ bị ngã ra đường và bị xe máy đè lên người. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, xương chân bị gãy. 

Chắc chắn rằng, đây không phải là một vụ việc duy nhất đến từ hành vi chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá quy định về kích thước cho phép. 

Vậy, Luật quy định như thế nào về việc chở hàng cồng kềnh? Việc sắp xếp hàng hóa như thế nào sẽ đúng theo quy định của Luật giao thông đường bộ? 

Quy định về chở hàng cồng kềnh 

Theo khoản 4, Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT cho biết: Kích thước giới hạn được sắp xếp hàng hóa khi chở hàng bằng xe gắn máy, xe mô tô và các loại xe tương tự như xe gắn máy, mô tô được quy định cụ thể như sau:

  • Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. 
  • Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.

Có thể hiểu rằng: “giá đèo” hàng hóa trên xe gắn máy chính là baga chở hàng. Vậy, nếu bạn sắp xếp hàng hóa trên xe vượt quá tỷ lệ trên sẽ bị coi là hành vi chở hàng cồng kềnh,  và sẽ bị xử phạt về lỗi xếp hàng hóa vượt quá giới hạn được cho phép.  

Chở hàng cồng kềnh phạt bao nhiêu?

Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, việc chở hàng hóa vượt quá kích thước, cân nặng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho những người xung quanh khi tham gia giao thông. Và hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể:  

Theo điểm k, khoản 3, điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP cho biết: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại tương tự như xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu vi phạm một trong các hành vi sau: 

  • Bám, kéo, đẩy xe khác hoặc vật khác, mang vác vật cồng kềnh, dẫn dắt súc vật.
  • Chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái.
  • Sắp xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
  • Điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Ngoài ra, trong trường hợp người điều khiển xe có hành vi chở hàng hóa vượt quá kích thước cho phép và gây ra tai nạn sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng theo quy định tại điểm c, khoản 10, Điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Lỗi xe chở hàng cồng kềnh vuợt quá kích thước chiều cao cho phép.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt 400.000-600.000 đồng. Đối với hành vi chở hàng hóa cồng kềnh vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi hành vi này không chỉ làm cản trở việc lưu thông. Mà có thể dẫn đến nguy cơ gây hại đến những người xung quanh.

“Đừng vì mưu sinh mà gây hại cho người khác” là ý kiến nhận được rất nhiều sự đồng tình khi đề cập đến câu chuyện chở hàng hóa cồng kềnh tại khu vực nội thành với mật độ xe tham gia giao thông dày đặc. 

Lỗi xe chở hàng cồng kềnh vuợt quá kích thước bề rộng của giá đèo hàng 0,3 mét.

Hoặc cũng có ý kiến cho rằng: chủ của những món hàng cồng kềnh cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Đừng chỉ vì tiết kiệm chút chi phí mà chấp nhận hành vi chở hàng cồng kềnh. Và gây ra những tai nạn đáng tiếc khi lưu thông. Bạn nghĩ sao về quan điểm này? 

Hy vọng rằng, với những nội dung được đưa ra trong bài viết này đã cho bạn câu trả lời chở hàng cồng kềnh phạt bao nhiêu tiền? Đi cùng đó là những quy định của Luật trong vấn đề chở hàng hóa đúng quy định. Hãy trở thành người tham gia giao thông an toàn cho chính mình. Và cho cả những người xung quanh chúng ta bạn nhé.

Từ khóa » Hàng Cồng Kềnh Là Gì