Chớm Đông - Báo KonTum Online

Người ta thường nói, Tây Nguyên chỉ có 2 mùa, đó là mùa mưa và mùa khô, nhưng dường như chưa hẳn là vậy.

Ở Tây Nguyên thường thì tháng Năm bắt đầu bước vào mùa mưa; giữa tháng Mười một sẽ chuyển mùa, và sang tháng Mười hai thì mùa khô thật sự đến, với tiết trời lành lạnh vào đêm và sáng sớm.

Nhưng năm nay, cuối tháng Mười, vẫn còn mưa mà khí trời đã se lạnh. Không chỉ là những cơn mưa đến và đi bất chợt, có những đợt mưa dầm dề cả mấy ngày liền kèm hơi lạnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, của bão.

Sớm mai, đi giữa tiết trời lành lạnh và những làn mưa bay lất phất, thấy giống sao mùa Đông nơi quê nhà.

Miền Trung quê tôi, năm nào cũng vậy, mỗi độ tháng Mười, tháng Mười một đều có mưa bão. Mưa dầm dề, bão liên miên. Đó cũng là những ngày tháng bước vào mùa Đông lạnh giá.

Ấy vậy mà, mỗi buổi sáng mẹ vẫn thường thức dậy thật sớm để nhóm bếp nấu nước pha trà cho ba, nấu cơm hoặc nấu nồi khoai cho cả nhà dùng bữa rồi lại phải vất vả lo toan bao nhiêu là việc, mặc trời giá rét.

Không thể quên bếp lửa của mẹ mỗi sáng mùa Đông. Ảnh minh họa

Xa nhà đã lâu, nhưng đến giờ tôi vẫn không thể quên được cảm giác mỗi sớm mùa Đông cùng mẹ thức dậy để nhóm bếp hong đôi bàn tay cho ấm rồi áp lên má cho đỡ lạnh. Mùi của khói bếp xông lên mặt, lên mũi, có lúc cay xè nhưng vẫn thích ngồi bên bếp lửa.

Có những ngày thật lạnh của mùa Đông, mẹ phải lội đồng vớt lúa. Chiếc áo khoác mỏng manh không đủ che ấm cơ thể khiến mẹ tím tái cả mặt mày, đôi bàn tay chai sần thêm nhăn nheo vì thấm nước. Chị em chúng tôi còn nhỏ, nhìn mà chỉ biết thương mẹ thật nhiều.

Mùa Đông, mỗi ngày nước lũ lên, ba thường mặc áo tơi (áo mưa) ra đồng bắt cá lúi (loại cá đồng, có vị đắng như cá niên) về kho nước dừa. Cá đồng nấu với nước dừa sực nức mùi thơm, ăn vào vừa béo, vừa ngọt, khiến ai đi xa cũng phải nhớ nhiều.

Mùa Đông đến, mỗi khi nghe đài báo bão, cả nhà như héo cả ruột gan. Ba mẹ thường mất ăn mất ngủ để lo chằng chống nhà cửa; che chắn chuồng heo, chuồng bò…

Nhớ mỗi tối mùa Đông, trước khi đi ngủ, mẹ không quên xoa dầu tràm lên lòng bàn tay, bàn chân cho con. Hơi ấm của mẹ, hơi nóng của dầu tràm đã ru con vào giấc ngủ tuổi thơ với bao ký ức thật đẹp đẽ.

Sáng nay thức dậy, cảm giác như mùa Đông đã tràn về. Khoác chiếc áo ấm rời làng ra phố mà thấy nhớ da diết ngày đông ở quê nhà.

Làng trong phố ngày mưa, cũng khác mọi ngày. Đường làng vắng vẻ hẳn. Nhưng mỗi căn bếp lại ấm sực hơi lửa. Dường như đã thành thói quen, nhà nào cũng thức dậy thật sớm. Bên góc bếp của những nóc nhà đều hun hút khói. Người già, người trẻ cùng quây quần bên bếp lửa dưới nhà sàn. Vợ chồng Xíu không lên rẫy được, vì mưa; anh lấy chiếc áo ấm đưa cho con gái bảo mặc vào. Đứa trẻ co ro, đón lấy chiếc áo ấm từ tay bố rồi vội khoác vào, ngồi hơ tay bên bếp lửa.

Ngày mưa lạnh, con phố được tô điểm nhiều sắc màu của những chiếc áo mưa, áo ấm. Quán cà phê ven đường không đông vui hay la đà khói tan từ những ly cà phê nóng, vì đang thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhưng hương cà phê vẫn lan tỏa đâu đấy, thơm nức và cuốn hút. Những hạt mưa lất phất khiến góc phố rêu xanh càng thêm trầm lặng, gợi nhớ những hoài niệm.

Mùa Đông "chạm ngõ" mang bao nhiêu cảm xúc yêu thương ùa về.

Trời chiều lại lất phất hạt mưa, kèm theo không khí lành lạnh tràn về. Tây Nguyên chắc hẳn cũng có mùa Đông? Và dù mới chỉ “chớm Đông” nhưng đã thấy thèm hơi ấm cùng hương dầu tràm thoảng đưa từ đôi bàn tay của mẹ.

SÔNG CÔN

Từ khóa » Chớm đông đặng Nam Anh