Chọn Lọc Những Câu Cao Dao Việt Nam Hay Và ý Nghĩa Nhất
Có thể bạn quan tâm
Chọn lọc những câu ca dao Việt Nam hay nhất về nhiều chủ đề trong cuộc sống: quê hương đất nước, đạo đức, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất, chống mê tín dị đoan và áp bức bóc lột tại TruyenDanGian.Com.
Ca dao là gì?
Ca dao là những bài hát ngắn thường có nguồn gốc dân ca. Dân ca tước bỏ làn điệu đi, còn lời ca đi vào kho tàng ca dao. Nhiều câu ca dao đã đi qua con đường như thế.
Cùng với truyện cổ dân gian, ca dao dân gian cũng là những sáng tác của quần chúng lao động trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh. Ca dao tập chung phản ánh đời sống và tâm hồn những người lao động sản xuất cũng như quá trình đấu tranh chống thiên nhiên để đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh chống giai cấp thống trị áp bức bóc lột để bảo vệ thành quả lao động sản xuất, phát triển đời sống xã hội.
Qua lao động sản xuất, nhân dân lao động làm nảy nở ra những quan hệ nhiều mặt giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, giữa người với quê hương đất nước.
Đặc điểm nghệ thuật trong ca dao Việt Nam
Ca dao, dân ca thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, được chia làm hai loại trào phúng và trữ tình, và cũng theo những thể thức nhất định mà người ta quen gọi là phú, tỉ, hứng.
- Phú: có nghĩa là trình bày miêu tả một cách trực tiếp bằng những chi tiết chân thực của cuộc sống.
- Tỉ: là so sánh ví von. Thể tỉ trong cao dao, dân ca thể hiện mức độ tinh luyện của ngôn ngữ hình tượng, lối nói ví von của nhân dân ta.
- Hứng: là cách đi từ sự vật khêu gợi cảm hứng, tức là lối lấy cảnh ngụ tình.
Những câu ca dao hay về quê hương đất nước Việt Nam
Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Võ [1] cành gà Thọ Xương [2]. Mịt mù khói tỉa ngàn sương, Nhịp chày Yên Thái [3], mặt gương Tây Hồ [4].
Đường lên xứ Lạng [5] bao xa, Cách một trái núi với ba quãng đồng. Ai ơi, đứng lại mà trông, Kìa núi Thành Lạng, nọ sông Tam Cờ [6]
Đường vô xứ Nghệ [7] quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ [8].
Làm trai cho đáng nên trai, Phúc Xuân [9] đã trải, Đồng Nai [10] cũng từng.
Ai vô Bình Định [11] mà coi, Con gái Bình Định đánh roi [12] đi quyền [13].
Nhà Bè [14] nước chảy chi hai, Ai về Gia Định [15], Đồng Nai thì về.
Đứng bên ni [16] đồng, ngó bên tê [17] đồng, mênh mông bát ngát. Đứng bê tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông. Thân em như chẽn lúa đồng, Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn [18].
Làng ta phong cảnh hữu tình [19] Dân cư giang khúc [20] như hình con long [21].
Nhờ trời hạ kế sang đông, Làm nghề cày cấy vun tròng tốt tươi. Vụ năm cho đến vụ mười, Trong làng kẻ gái người trai đua nghề. Trời ra gắng, trời lặn về, Ngày ngày, tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên [22].
Đồng Đăng [23] có phố Kì Lừa [24] Có nàng Tô Thị [25], có chùa Tam Thanh [26]. Ai lên xứ Lạng cùng anh, Bõ cô bác mẹ sinh thành ra em. Tay cầm bầu rượu nắm nem Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Núi Truồi [27] ai đắp mà cao, Sông Dinh [28] ai bới, ai đào mà sâu. Nong tằm, ao cá, nương dâu, Đò xưa bến cũ, nhớ câu hẹn thề.
Rủ nhau đi khắp Long Thành [29] Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay. Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày, Hàng Cờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn. Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than, Hàng Mã, Hàng Mẵm, Hàng Ngang, Hàng Đồng. Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè. Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre, Hàng Vôi. Hàng Giấy, Hàng The [30], Hàng Gà. Quanh đi đến phố Hàng Da, Trải xem phường phố, thật là cũng xinh. Phồn hoa thứ nhất Long Thành, Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ. Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ, Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.
Ai về Phú Thọ cùng ta, Vui ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười [31]. Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Non Hồng [32] ai đắp mà cao, Sông Lam [33] ai bới ài đào mà sâu?
Quê em có dải sông Hàn, Có hòn Non Nước, có hang Sơn Chà [24].
Công đâu công uổng, công thừa, Công đâu gánh nước tưới dười Tam Quan [35]. Công đâu công uổng, công hoang [36], Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa.
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh, Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm.
Ai về ghé lại quê tôi, Hương Cần [37] nón, quýt một thời nổi danh.
Chợ Chì [38] bán xảo [39] bán sàng [40] Bắc Ninh [41] bán những nhẫn vàng trao tay Đình Bảng [42] bán ấm bán khay Phù Lưu [43] họp chợ mỗi ngày một đông.
Các câu ca dao trên đều thể hiện lòng yêu mến và tự hào về đất nước giàu đẹp.
Chú giải phần những câu ca dao hay về đất nước Việt Nam
- Trấn Võ: ngôi đền ở cạnh Hồ Tây cũng gọi là đền Quán Thánh
- Tọ Xương: huyện lị Thọ Xương, xưa ở gần hồ Hoàn Kiếm; canh gà Thọ Xương: tiếng gà gáy lúc sang canh và tan canh ở Thọ Xương (ngày xưa người ta chia đêm ra làm năm canh. Gà thường gáy lúc nửa đêm, tức là lúc sang canh ba và lúc trời về sáng, tức là lúc tan canh năm).
- Yên Thái: tên một làng vùng Bưởi (Hà Nội) xưa chuyên làm nghề giấy; nhịp chày Yên Thái: là nhịp chày giã vỏ cây dó để làm giấy ở làng Yên Thái.
- Tây Hồ: tức Hồ Tây (Hà Nội).
- Xứ Lạng: tức Lạng Sơn.
- Núi Thành Lạng, sông Tam Cờ: tên một ngọn núi và một dòng sông ở Lạng Sơn.
- Nghệ: tức Nghệ An. Có bản ghi là Huế (đường vô xứ Huế quanh quanh, non xanh ngước biếc như tranh họa đồ).
- Tranh họa đồ: tranh vẽ.
- Phú Xuân: tên gọi Huế ngày xưa
- Đồng Nai: tên vùng đất miền Đông Nam Bộ, tiếp giáp với Trung Bộ, có con sông cùng tên chảy qua. Sông Đồng Nai chảy vào sông Nhà Bè gần Sài Gòn. Đồng Nai ngày xửa và ở câu ca dao này có nghĩa là Nam Bộ.
- Bình Định: tên một tỉnh ở miền Trung, nổi tiếng là đất võ của Việt Nam.
- Roi: tức là côn (gậy ngắn); đánh roi: một môn võ thuật dùng gậy ngắn để đánh.
- Quyền: môn võ dùng tay nắm lại mà đấm.
- Nhà Bè: sông Nhà Bè ở Sài Gòn.
- Gia Định: tên thành Sài Gòn ngày xưa, này là tên gọi một quận của Sài Gòn.
- Ni: (tiếng địa phương miền Trung) tức là này.
- Tê: (tiếng địa phương miền Trung) tức là kia.
- Bài ca dao này cũng như phần lớn các câu ca dao thường có hình thức thơ lục bát. Thơ lục bắt thường uyển chuyển, nhịp nhàng, có sự kết hợp hài hòa giữa các tiếng thanh bằng và các tiếng thanh trắc (thanh bằng có thanh không – tức là không có dấu thanh; thanh huyền – tức là có dấu huyền; thanh trắc có thanh sắc, nặng, hỏi, ngã – tức là có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã).
- Phong cảnh hữu tình: phong cảnh đẹp mắt làm cho mọi người yêu thích.
- Giang khúc: khúc sông, đoạn sông.
- Long: con rồng, người ta thường vẽ hình, đắp tượng rồng ở đình chùa. Ý cả câu: nhà của dân làng ở thành hình quanh co, uấn khúc như hình con rồng.
- Truân chuyên: vất vả, khó nhọc.
- Đồng Đăng: một địa danh thuộc Lạng Sơn. Xưa Đồng Đăng là một trấn (đơn vị hành chính như một huyện).
- Kì Lừa: phố chợ cạnh thị xã Lạng Sơn.
- Nàng Tô Thị: một hòn đá hình người đàn bà bồng con đứng trông chồng, người ta cũng gọi là hòn vọng phu. Ở nhiều nơi như miền Nam và Bắc Trung Bộ cũng có đá vọng phu.
- Chùa Tam Thanh: ngôi chùa trọng động Tam Thanh.
- Núi Truồi: một ngọn núi ở Thừa Thiên Huế.
- Sông Dinh: tên đoạn sông Hương chảy qua Huế.
- Long thành: tức thành Thăng Long, tên cũ của thành phố Hà Nội.
- Hàng The: ngày nay là Hàng Đào, Hà Nội.
- Ngày mùng Mười tháng Ba Âm lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương ở đền Hùng, Phú Thọ.
- Non Hồng: tức núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh (cũng gọi là Hồng Sơn).
- Sông Lam: tên con sông lớn nhất ở Nghệ An (cũng gọi là Lam Giang).
- Sông Hàn, núi Non Nước, ở bán đảo Sơn Chà, Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngày nay hầu hết các văn bản đều viết là Sơn Trà, nhưng theo tìm hiểu của TruyenDanGian.Com thì nguyên gốc là Sơn Chà mới đúng.
- Tam Quan: tên một huyện ở phía bắc tỉnh Bình Định tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi. Tam Quan mưa gió thuận hòa, có gió biển bảo đảm thụ phấn và có hơi nước mặn trừ sâu hại nên dừa rất tốt.
- Công hoang: công bỏ đi, công phí hoài.
- Hương Cần: một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm rất nổi tiếng.
- Chợ Chì: ngôi chợ ở làng Chì, thuộc Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh.
- Xảo: đồ vật được đan bằng tre, tương tự như giần nhưng có mắt thưa hơn nhiều, thường dùng để lọc lấy thóc và loại bỏ rơm rác. Động tác dùng xảo cũng gọi là xảo.
- Sàng: đồ vật được đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm.
- Bắc Ninh: một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Nổi tiếng là cái nôi của dân ca quan họ.
- Đình Bảng: tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh.
- Phù Lưu: tên một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Những câu ca dao hay về tình cảm gia đình
Ngày nào em bé cỏn con, Bây giờ em đã lớn khôn thế này. Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy, Nghĩ sao cho bõ [1] những ngày ước ao.
Con người có cố [2], có ông, Như cây có cội [3], như sông có nguồn.
Anh em nào phải người xam Cùng chung bác mẹ [4] một nhà cùng thân. Yêu nhau như thể tay chân, Anh em hòa thuận hai thân [5] vui vầy.
Anh em như chân, như tay Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
Râu tôm nấu với ruột bầu Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Vợ ta dù có quê mùa Thì ta vẫn cứ sớm trưa vui cùng. Đã rằng là nghĩa vợ chồng Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời.
Chị em như chuối nhiều tàu, Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nặng lời.
Chợ Chì [6] là chợ Chì xa, Chồng mong, con khóc, chém cha chợ Chì.
Cơm chẳng lành, canh chẳng ngon Dẫu cho chín đụn [7], mười con cũng lìa.
Cơm này nửa sống nửa khê [8], Vợ đơm chồng nếm chẳng chê cơm này.
Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.
Dù con Đô Đốc [9], Quận Công [10] Lấy chồng cũng phải kêu chồng bằng anh.
Dì ruột thương cháu như con Rủi mà không mẹ cháu còn cậy trông.
Trăm năm giữ vẹn chữ tòng [10] Sống sao thác vậy một chồng mà thôi.
Cái bống là cái bống bang Khéo sảy, khéo sàng cho mẹ nấu cơm. Mẹ bống đi chợ đường trơn Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa ròng.
Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Thương chồng phải lụy cùng chồng Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải cam.
Tưởng rằng chị ngã em nâng Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười.
Chồng em áo rách em thương, Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Cái cò đi đón cơn mưa [11] Tối tăm mù mịt ai đưa cò về. Cò về thăm quán cùng quê Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
Chú giải phần những câu ca dao hay về tình cảm gia đình
- Cho bõ: cho đáng với (để bù đắp lại)
- Cố: bố đẻ của ông.
- Cội: nguồn gốc. Ở đây nghĩa là gốc cây.
- Bác mẹ (nghĩa cũ) cha mẹ.
- Hai thân: cha và mẹ.
- Chợ Chì: ngôi chợ ở làng Chì, thuộc Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh.
- Đụn: kho thóc.
- Khê: chỉ cơm hay cháo bị cháy quá, gây ra mùi nồng khét, khó chịu.
- Đô Đốc: (từ cũ) chức quan võ cầm đầu một đạo quân thời phong kiến. Ngày nay đô đốc dùng để chỉ cấp quân hàm cao nhất của hải quân nhiều nước.
- Quận Công: (từ cũ) tước công bậc thứ hai, sau quốc công.
- Tòng: (từ cũ) theo. Ở đây nghĩa là theo chồng.
- Áo gấm: áo dệt bằng tơ nhiều màu, có hình hoa lá.
- Xem truyện “Cái cò đi đón cơn mưa” TẠI ĐÂY để hiểu hơn về câu ca dao này.
Những câu ca dao về cha mẹ hay nhất
Ơn cha nặng lắm, ai ơi! Nghĩa mẹ [1] bằng mười [2], chính tháng cưu mang [3].
Công cha như núi Thái Sơn [4] Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha, Cho tròn chữ hiếu [5] mới là đạo con.
Đói lòng ăn hột chà là, Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Công cha như núi ngất trời, Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao, biển rộng mênh mông. Cù lao chín chữ [6] ghi lòng, con ơi!
Chiều chiều ra đứng vườn sau, Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều [7].
Cây khó chưa dễ đâm chồi Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta, Non xanh bao tuổi mà già Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.
Vắng nghe chim vịt kêu chiều, Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.
Mẹ già như bắp khô bao, Sao anh không kiếm nơi nào đỡ tay.
Con chim đa đa [8] đậu nhánh đa đa Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già Nồi cơm bắc xuống, ấm trà bắc lên.
Mẹ cha gánh vác hy sinh Mẹ cha quên cả thân mình vì con.
Công cha đức mẹ cao dày, Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ, Trưởng thành con phải biết thờ song thân [9].
Biển Đông còn lúc đầy vơi, Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
Ai về tôi gửi buồng cau, Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy. Ai về tôi gửi đôi giày, Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Nuôi con buôn tảo bán tần [10], Chỉ mong con lớn nên thân với đời. Những khi trái nắng trở trời, Con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Trọn đời vất vả triền miên, Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.
Ơn cha bóng núi âm thầm Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn. Một đời dãi nắng dầm sương Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào.
Cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng [11] cha mẹ trăm đường con hư.
Ta đi trọn kiếp con người Cũng không đi hết những lời mẹ ru.
Lên non mới biết non cao Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.
Mẹ già ở tấm lều tranh, Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Đố ai đếm được lá rừng Đố ai đếm được mấy từng trời cao Đố ai đếm được vì sao Đố ai đếm được công lao mẫu từ [12].
Chú giải phần những câu ca dao về cha mẹ hay nhất
- Nghĩa mẹ: công ơn sâu nặng, lâu bền và tự nhiên của mẹ đối với con.
- Bằng trời: ý nói công ơn của mẹ rộng lớn như trời.
- Cưu mang (nghĩa cũ) thai nghén, mang thai.
- Thái Sơn: tên một ngọn núi lớn ở Trung Quốc.
- Hiếu: lòng kính yêu và chăm sóc của con cái đối với cha mẹ.
- Cù lao chín chữ: chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái, được người xưa đúc kết lại trong chín chữ: sinh (đẻ), cúc (đùm bọc), phủ (vỗ về), súc (nuôi nấng, cho con bú mớm), trưởng (bồi bổ cho khôn lớn), dục (dạy bảo), cố (theo dõi, chăm sóc), phục (khuyên răn), phúc (giữ gìn, che chở).
- Ruột đau chín điều: ý nói đau lòng lắm (vì thương nhớ mẹ).
- Chim đa đa: còn gọi là gà gô, cùng họ với gà, nhưng cỡ nhỏ hơn, đuôi ngắn, sống ở các sườn đồi núi thấp, ăn sâu bọ.
- Song thân: (từ cũ, Văn chương) phụ thân và mẫu thân; cha mẹ.
- Buôn bán tảo tần: (chỉ người phụ nữ) làm lụng vất vả, lo toan việc nhà trong cảnh sống khó khăn.
- Cưỡng: ở đây có nghĩa là không nghe theo mà chống lại, làm trái lại điều gì hoặc cái gì đòi hỏi phải làm.
- Mẫu từ: (từ cũ) mẹ hiền.
Những câu ca dao Việt Nam về lao động sản xuất
Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
Muốn no thì phải chăm làm Một hạt lúa vàng, chín giọt mồ hôi.
Quanh năm cấy hái cày bừa Vụ chiêm tiết hạ, vụ mùa tiết đông. Ai về nhắn chị em cùng Muốn cho no ấm nghề nông chuyên cần.
Ơn trời mưa nắng phải thì [1] Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu. Công lênh [2] chẳng quản [3] bao lâu, Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng. Ai ơi chó bỏ ruộng hoang, Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng [4] bấy nhiêu.
Rủ nhau đi cấy đi cày, Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu [5]. Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta, Cấy cày vốn nghiệp nông gia [6]. Ta đây trâu đấy, ai mà quản công. Bao giờ cây lúa trổ bông, Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Trời ơi, nắng mãi làm chi Rau con nó mệt nữa thì nó đau.
Tre già anh để pha nan, Lớn đan nong nẻ [7], bé đan giần sàng. Gốc thì anh để kê giường, Ngọn ngành anh để cằm giàn trầu, dưa.
Trâu ơi! Ta bảo trâu này! Trâu ra bờ ruộng, trâu cày với ta. Cấy cày vốn nghiệp [8] nông gia [9], Ta đây trâu đấy, ai mà quản công [10]. Bao giờ cây lúa còn bông, Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Người ta đi cấy lấy công Tôi nay đi cấy còn trông [11] nhiều bề Trông trời, trông đất, trông mây Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm Trông cho chân cứng đá mềm Trời êm bể lặng [12] mới yên tấm lòng.
Tháng Chạp là tháng trồng khoai, Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng Ba cày vỡ ruộng ra, Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng. Ai ai cùng vợ cùng chồng, Chồng cày vợ cấy, trong lòng vui thay. Tháng Năm gặt hái đã xong, Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy. Năm nong đầy, em xay em giã, Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo. Sang năm lúa tốt, tiền nhiều, Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng. Đói no có thiếp, có chàng, Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.
Nàng về buôn bán cho ngoan, Để anh giã giấy [13] kiếm quan tiền [14] dài.
Vác cày ra ruộng hừng đông Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu Ruộng dầm, nước cả, bùn sâu Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa Việc làm chẳng quản nắng mưa Cơm ăn đắp đổi muối dưa qua ngày Ai ơi bưng bát cơm đầy Biết công kẻ cấy người cày mới nao [15].
Sông sâu mà biển cũng sâu Muốn ăn cá lớn, rong câu cho dài.
Tằm có lứa, ruộng có mùa Chăm làm trời cũng đền bù có khi.
Năm canh chỉ ngủ có ba Hai canh lo lắng để mà làm ăn.
Tay ôm bó mạ xuống đồng Nửa dạ thương chồng, nửa dạ thương con Mạ non như thể trăng tròn Ruộng sâu như thể tình con nghĩa chồng.
Cực lòng thiếp lắm chàng ơi Kiếm nơi khuất tịch, thiếp ngồi thở than Than vì cây lúa lá vàng Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa Trông trời chẳng thấy trời mưa Lan khô huệ héo, khổ chưa hỡi trời.
Trời cao đất rộng thênh thang Tiếng hò, giọng hát ngân vang trên đồng. Cá tươi gạo trắng nước trong, Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê.
Những câu ca dao trên là tiếng nói tình cảm của người nông dân lao động trong sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Thể hiện lòng tin tưởng, lạc quan của người nông dân đối với mùa màng, niềm vui đối với công việc lao động sản xuất, cày cấy, lòng yêu quý đối với đất đai trồng trọt.
Chú giải trong phần những câu ca dao Việt Nam về lao động sản xuất
- Mưa nắng phải thì: ý nói mưa nắng thuận hòa, đúng lúc, thời tiết thuận lợi cho việc trồng trọt, cày cấy. (thì: chỉ thời gian).
- Công lênh: công sức bỏ ra. Chú ý phân biệt với công lao: công sức đóng góp vào để hoàn thành công việc to lớn.
- Quản: kể; chẳng quản: chẳng kể
- Tấc đất, tấc vàng (tục ngữ): ý nói mỗi tấc đất có giá trị rất lớn, sản xuất ra nhiều của cải, quý như một tấc vàng (kim loại quý).
- Phong lưu: ý nói cuộc sống đầy đủ và dễ chịu.
- Nghiệp nông gia: nông gia: nhà nông; nghiệp nông gia: nghề nghiệp, công việc của nhà nông.
- Nong nẻ: nong: đồ dùng để phơi thóc, đan bằng tre nứa, hình tròn; nong nẻ: từ láy chỉ chung đồ dùng đan bằng tre nữa dùng để phơi thóc.
- Nghiệp: nghề nghiệp.
- Nông gia: nhà nông, người làm nghề cày cấy.
- Quản công: ngại khó nhọc, vất vả (ngại tốn công sức).
- Trông: hướng cặp mắt về phía nào đó, nhận biết bằng mắt. Trong bài này trông có nghĩa là nhìn xem để đoán thời tiết; trông còn có nghĩa mong mỏi, ước ao (trông mong, trông chờ).
- Trời êm bể lặng: thành ngữ chỉ mưa nắng thuận hòa.
- Giã giấy: một công đoạn trong quá trình làm giấy dó.
- Quan tiền: đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20.
- Nao: Cảm giác chao động nhẹ (về tình cảm).
Những câu ca dao Việt Nam chống mê tín dị đoan [1]
Hòn đất mà biết nói năng Thì thầy địa lí [2] hàm răng chẳng còn.
Tiền buộc giải yếm [3] bo bo, Trao cho thầy bói, rước lo vào mình.
Tử vi [4] xem số cho người, Số thầy [5] thì dể cho ruồi nó bâu.
Số cô chẳng giàu thì nghèo, Ngày Ba mươi Tết, thịt treo trong nhà. Số cô có mẹ, có cha, Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông. Số cô có vợ, có chồng, Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.
Chập chập cheng cheng [6] Con gà sống thiến, để riêng cho thầy. Đơm [7] xôi thì đơm cho đầy, Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng.
Thầy cúng ngồi cạnh giường thờ, Mồm thì lẩm bẩm, tay sờ đĩa xôi.
Ông thầy ăn một, Bà cốt [8] ăn hai, Còn cái thủ cái tai thì đem biếu chú.
Tiền buộc dải yếm [9] bo bo Trao cho thầy bói rước lo vào mình.
Đi tu Phật bắt ăn chay Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
Bà già đi chợ Cầu Đông [10] Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng? Thầy bói gieo quẻ nói rằng: Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!
Lâu ngày thầy địa tới thăm Giũ mùng, trải chiếu, thầy nằm nghỉ lưng.
Ác tăng [11] đội lốt thầy tu Thấy cô gái đẹp bỏ chùa đi theo.
Ốm đau chạy chữa thuốc thang, Đừng đi xem bói mua vàng cúng ma.
Số cậu là số đào hoa Vợ cậu con gái, đàn bà mà thôi.
Nhà bà có con chó đen Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Nhà bà có cái cối xay, Bốn chân xuống đất, ngõng ngay lên trời…
Nhà này có quái trong nhà, Có con chó mục cắn ra đằng mồm.
Phù thuỷ, thầy bói, lái trâu, Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn.
Bói cho một quẻ trong nhà Con heo bốn cẳng, con gà hai chân.
Số thầy là số lôi thôi, Quanh năm chỉ những chùi nồi cả năm.
Những câu ca dao trên châm biếm, đả kích những người làm nghề mê tín trong xã hội cũ.
Chú giải trong phần những câu ca dao Việt Nam chống mê tín dị đoan
- Mê tín dị đoan: tin một cách mù quáng, không có co sở khoa học những điều nhảm nhí, kì quái như tin có ma quỷ, thần thánh, tin giàu nghèo, sống chết đều có số phận,…
- Thầy địa lí: một loại người làm nghề mê tin xem đất để tìm chỗ chôn cất người chết hoặc để làm nhà ở (theo quan niệm của người mê tín, nếu chôn cất người chết hoặc dựng nhà ở chỗ đất “tốt” thì sẽ “phát”, tức là con cháu người chết hoặc người ở ngôi nhà làm ăn sẽ gặp may mắn.
- Yếm: y phục của phụ nữ ngày xưa, dùng để che ngực; giải yếm: dây để buộc yếm.
- Tử vi: bản dự đoán về số phận của mỗi người căn cứ theo ngày, giờ sinh (theo quan niệm của người mê tín).
- Thầy: chỉ người làm đoán số tử vi. Trong xã hội ngày xưa, những người làm nghề mê tín đều được gọi bằng thầy như thầy địa lí, thầy số, thầy bói, thầy cúng.
- Chập chập cheng cheng: những tiếng mô phỏng âm thanh phát ra từ các nhạc cụ của thầy cúng khi hành nghề.
- Đơm: để cơm hoặc thức ăn vào đĩa, bát.
- Bà cốt: người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ. Có thể nhập hồn người chết để giao tiếp với người đang sống.
- Yếm: Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa.
- Cầu Đông: Một cây cầu bắc qua con hào Sào Khê xuyên dọc kinh đô Hoa Lư và hiện tại là cửa ngõ phía đông vào khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình.
- Ác tăng: người tu hành nhưng phạm các pháp giới của đạo Phật (độc ác, tham lam…).
Những câu ca dao Việt Nam hay về chống áp bức, bóc lột
Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa. Bao giờ dân nổi can qua [1], Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Con ơi nhớ lấy điều này, Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan [2].
Đồn rằng quan tướng [3] có danh [4], Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai. Bạn khen: “Rằng ấy mới tài”, Ban cho cái áo với hai đồng tiền. Đánh giặc thì chạy trước tiên, Xông vào trận tiền cởi khổ giặc ra. Giặc sợ, giặc chạy về nhà, Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.
Giàu từ trong trứng giàu ra, Khó từ ngã bảy, ngã ba khó về.
Cao su xanh tốt lạ đời, Mỗi cây bón một xác người công nhân.
Cao su đi dễ khó về, Khi đi trai tráng [5], khi về bủng beo [6].
Lỡ lầm vào đất cao su, Chả tù thì cũng như tù chung thân [7].
Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình Ba bộ đồng tình cướp gạo con tôi
Thuyền than mà đậu bến than, Thương anh vất vả cơ hàn [8] nắng mưa. Thuyền than đậu bến đen sì Anh không ra mỏ lấy gì em ăn?
Là dòng dõi của Tiên Rồng [9] Nhân dân Đồng Tháp [10] ta không biết quỳ.
Ông Hương [11], ông Lí [12] bên lương [135] Ông trùm bên giáo, ai thương tôi nào. Công điền [14] cấp được một sào [15] Nửa đắp đường cái, nửa đào ao chung. Bốn mùa trống giục thùng thùng Quan bắt nộp thuế lạ lùng tôi chưa.
Quan có cần nhưng dân chưa vội Quan có vội, quan lội quan sang.
Hái dâu chi nắng cô ơi Lại đây quan lớn cho đôi khuyên vàng. Vải bô [16] phận gái cơ hàn Hái dâu nuôi mẹ không màng của ông.
Vua chi mà vua, quan chi mà quan Lọng vàng [17] thì có, lòng vàng thì không.
Làm nên quan thấp quan cao, Làm nên lọng tía võng đào nghênh ngang.
Đời ông cho tới đời cha, Đời nào khổ cực như ta đời này. Ngoài đồng cắm cọc giăng dây, Vườn nhà đóng thuế vợ gầy con khô, Xâu [18] cao thuế nặng biết chừng mô hỡi Trời!
Từ rày tôi cạch đến già Tôi chẳng thèm cấy ruộng bà nữa đâu. Ruộng bà vừa xấu vừa sâu Vừa bé bát gạo vừa lâu đồng tiền. Tôi về cấy ruộng quan điền [19] Bát gạo đã lớn, đồng tiền trao tay.
Thừa quan rồi mới đến dân Thừa nha môn tuần [20], đến sãi đò đưa [21].
Sang chơi thì cứ mà sang Đừng bắt dọn đàng mà nhọc lòng dân.
Nhà vua bắt lính đàn ông Mười sáu tuổi rưỡi đứng trong công đường. Ai trông thấy lính chả thương Đứng trong công đường nước mắt như mưa.
Đây là những câu ca dao chống ách áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến và thực dân đối với nhân dân ta dưới chế độ cũ. Nhiều câu ca dao dùng hình ảnh cụ thể, hình ảnh so sánh và nghệ thuật châm biếm để vạch trần tội ác bóc lột cũng như bản chất ăn cướp, thói hư danh và bất tài của chúng. Đây là những tiếng cười trào lộng, sảng khoải, bức tranh biếm họa tài tình về giai cấp bóc lột.
Chú giải trong phần những câu ca dao Việt Nam hay về chống áp bức, bóc lột
- Can qua: can: cái mộc để đỡ giáo mác; qua: cái giáo; can qua: là các thứ binh khí, ý nói chiến tranh.
- Quan: viên chức trông coi việc chính trị hoặc quân sự dưới chế độ phong kiến, thực dân.
- Quan tướng: quan cầm quân chỉ huy quân sự dưới thời phong kiến.
- Có danh: có tiếng, nổi tiếng.
- Trai tráng: người đàn ông trẻ tuổi và khỏe mạnh.
- Bủng beo: ốm yếu, da xanh vàng, thịt teo gầy.
- Tù chung thân: tù suốt đời.
- Cơ hàn: đói (cơ) và lạnh (hàn). Chỉ sự nghèo khổ, cơ cực.
- Tiên Rồng: theo truyền thuyết, người Việt Nam là Con Rồng cháu Tiên.
- Đồng Tháp: một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Hương: tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời phong kiến nhà Nguyễn.
- Lí: tức Lí Trưởng: tên một chức quan đứng đầu làng thời phong kiến nhà Nguyễn.
- Lương: chỉ những người không theo Công giáo.
- Công điền: ruộng chung.
- Sào: đơn vị tính đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
- Vải bô: loại vải thô, xấu, thường chỉ những người lao động nhà nghèo mới mặc.
- Lọng vàng: vật dùng để che, gần giống cái dù nhưng lớn hơn, thường dùng cho vua quan thời trước hoặc trong các đám rước thánh thần.
- Cũng gọi là sưu (từ cũ): số tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc lao động nặng nhọc mà người đàn ông dân thường từ mười tám đến sáu mươi tuổi phải làm cho nhà nước phong kiến.
- Ruộng quan điền: Ruộng công dưới thời Lê sơ, để phân biệt với ruộng tư là ruộng nằm trong tay các quý tộc, quan lại và địa chủ chiếm hữu.
- Nha môn tuần: chỉ bọn quan lại coi về việc kiểm soát thuyền bè ở các cửa sông, cửa biển.
- Sãi đò: người chèo đò.
Những câu ca dao Việt Nam về đạo đức
Dù ai nói ngả nói nghiêng Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Dù ai nói Đông nói Tây Ta đây vẫn vững như cây giữa rừng.
Con cò [1] mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào [2] ông hãy xáo măng [3]. Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con [4].
Đừng ham sao tỏ bỏ trăng, Một năm sao tỏ không bằng trăng lên.
Lấy điều ăn ở dạy con Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần. Ở cho có đức, có nhân Mới mong thờ tự, được ăn lộc trời.
Nói lời phải giữ lấy lời Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
Người sao một hẹn thì nên Người sao chín hẹn thì quên cả mười.
Nói chín thì phải làm mười, Nói mười làm chín, kẻ cười người chê.
Bà còng đi chợ trời mưa, Cái tôm cái tép đi đưa bà còng. Đưa bà đến quãng đường đông, Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà. Tiền bà trong túi rơi ra, Tép, tôm nhặt được trả bà mua rau.
Nhiễu điều [5] phủ lấy giá gương [6], Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Gần ba mươi tuổi chớ mừng, Khó ba mươi tuổi con đừng vội lo.
Lên non cho biết non cao, Xuống biển cầm sào cho biết cạn sâu.
Cơm ăn ba bữa thì cho, Gạo mượn sét chén, xách mo đi đòi.
Ai ơi ăn ở cho lành, Tu nhân tích đức để dành về sau.
Ba năm quân tử[7] trồng tre, Mười năm uốn gậy, đánh què tiểu nhân[8].
Dương trần phải ráng làm hiền, Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân.
Thân em như củ ấu gai, Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen. Ai ơi, nếm thử mà xem, Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Chú giải trong phần những câu ca dao Việt Nam về đạo đức
- Cò: loài chim cao cẳng, cổ và mỏ dàu, hay bắt tép. Trong ca dao cổ, hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn ở vùng sông nước tượng trưng cho người nghèo phải sống vất vả nhưng có tấm lòng trong sạch.
- Lòng nào: ý nói lòng dạ nào.
- Xáo măng: nấu thịt với măng và một số gia vị khác.
- Hai câu cuối ý nói: cho đến lúc chết, cò vẫn muốn giữ một tấm lòng trong sạch (Chết trong còn hơn sống đục).
- Nhiễu điều: đồ dệt bằng tơ, mặt nổi cát (nhiễu), nhuộm màu đỏ (điều).
- Giá gương: cái giá để gương trên bàn thờ tổ tiên thời xưa. Chiếc gương để trên bàn thờ, thường đặt vào giá và phủ nhiễu điều cho đẹp và che cho khỏi bụi.
- Quân tử (Từ cũ, Văn chương): người có nhân cách cao thượng, theo quan điểm của nho giáo. Đây cũng là từ phụ nữ dùng để gọi tôn người chồng, người yêu hoặc người đàn ông nói chung.
- Tiểu nhân: người có nhân cách tầm thường, bụng dạ nhỏ nhen, hèn hạ, đáng khinh, theo quan điểm của nho giáo; đối lập với quân tử.
Những câu ca dao về tình cảm và tình yêu đôi lứa
Anh đi, anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương, Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Rủ nhau xuống bể mò cua, Đem về nấu quả mơ chua trên rừng. Em ơi, chua ngọt đã từng, Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Thuyền về có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Núi cao chi lắm, núi ơi! Núi che mặt trời không thấy người thương.
Ngày ngày em đứng em trông, Trông non, non ngất [1], trông sông, sông dài, Trông mây, mây kéo ngang trời, Trông trăng, trăng khuyết, trồng người, người xa.
Chiều chiều mây phủ Sơn Chà, Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm.
Muối ba năm muối đang còn mặn, Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đôi ta nghĩa nặng tình dày, Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu nghìn ngày mới xa.
Ðôi ta như thể con tằm Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong. Ðôi ta như thể con ong Con quấn con quít, con trong con ngoài. Ðôi ta như thể con bài Chồng đánh, vợ kết chẳng sai con nào.
Trăm năm ai chớ bỏ ai, Chỉ thêu nên gấm [2], sắt mài nên kim.
Yêu nhau anh muốn lại gần, Cầu không tay vịn, anh lần anh đi.
Thương anh mấy núi cũng trèo, Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Thương anh không quản chi xa, Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều.
Ai đem em tới giữa đồng, Chân bùn tay lấm mà lòng anh say?
Trên trời sa xuống hai tiên, Lòng anh không mộ, mộ duyên của nàng.
Thấy em đẹp nói đẹp cười, Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng. Vậy nên anh gửi thư sang, Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi.
Cơm này là nghĩa đá vàng [2] Chồng em vẫn đợi mấy chàng bưng mâm.
Ai nuôi con gà trống con gà vàng Nửa đêm dậy gáy cho nàng nấu cơm.
Gió đưa tờ giấy lên mây, Gió đưa cô ấy lại đây ăn trầu. Yêu nhau thì ném bã trầu, Chớ ném gạch đá vỡ đầu nhau ra.
Lấy chồng nghề ruộng em theo, Chồng làm nghề biển hồn treo cột buồm.
Đây là những câu ca dao nói về tình cảm gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó giữa thanh niên trai gái. Nhiều câu ca dao dùng những chi tiết gới cảm (ruột đau chín chiều, nước mắt và lộn cơm…), dùng phép so sánh (như chuối nhiều tàu…), dùng phéo điệp từ, điệp ngữ (trông non, non ngất, trông sông, sông dài, trông mây, mây kéo ngang trời…), hoặc dùng phép ẩn dụ (Thuyền về có nhớ bến chăng…). Những biện pháp tu từ ấy có tác dụng làm cho câu ca dao có sức diễn tả tình cảm thêm sáng tỏ, nổi bật hoặc thêm sâu sắc, mạnh mẽ.
Chú giải trong phần những câu ca dao về tình cảm và tình yêu đôi lứa
- Ngất: cao lắm.
- Gấm: hàng dệt bằng tơ nhiều màu, có hình hoa lá.
- Đá vàng: câu này có ý chỉ sự thủy chung, son sắt.
Từ khóa » Ca Dao Việt Nam
-
Ca Dao Việt Nam ❤️️ Trọn Bộ 1001 Câu Đầy Đủ Hay Nhất
-
Tổng Hợp Ca Dao Việt Nam
-
Ca Dao Việt Nam - Wikiquote
-
Tổng Hợp Các Câu Ca Dao - Tục Ngữ Việt Nam đầy đủ Nhất
-
Tuyển Tập Các Câu Ca Dao, Tục Ngữ, Thành Ngữ Việt Nam Hay Nhất
-
300 Câu CA DAO VIỆT NAM Hay Tổng Hợp | VĂN HỌC DÂN GIAN
-
3000 Câu Ca Dao Tục Ngữ Theo Chủ đề | Văn Học Dân Gian
-
Ca Dao Việt Nam Paperback – November 19, 2015
-
Ca Dao Việt Nam - Tác Giả, Bố Cục, Tóm Tắt, Nội Dung, Dàn ý - Haylamdo
-
Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam - Thư Viện PDF
-
Những Câu Ca Dao, Dân Ca Việt Nam (Vần B) - Doc Truyen Co Tich
-
Giới Thiệu Về Ca Dao Việt Nam 2023
-
Sách - Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam (Thu Giang)