“Chồng Bạn Lương Tháng Bao Nhiêu?" - Báo Phụ Nữ

Chẳng phải vì vợ chồng tôi giấu giếm hay xa cách gì với nhau, hoặc là thu nhập của anh phức tạp nên tôi không nắm được con số. Mà vì những năm gần đây, tôi đã không còn giữ thói quen “hạch hỏi” xem chồng làm được bao nhiêu tiền nữa.

Những năm gần đây tôi không hỏi lương chồng nữa (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Những năm gần đây tôi không hỏi lương chồng nữa (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Lý do, bởi tôi dần nhận ra: Tiền của chồng không phải là tiền của mình. Trước kia, lúc mới lấy nhau, tôi coi việc “chồng nộp tiền cho vợ” là chân lý, cần áp dụng triệt để. Anh phải đưa ít nhất 80% thu nhập cả tháng của anh cho vợ thì mới đúng chuẩn chồng. Vợ còn bao nhiêu thứ phải lo, tay hòm chìa khóa nào phải nhiệm vụ dễ dàng.

Mỗi khi có việc đột xuất, chồng lại hỏi xin tiền vợ. Nếu đó là khoản nhỏ, tôi có thể du di bỏ qua. Nhưng nếu hơi lớn chút, hoặc cả tháng vài lần bị “mượn lại”, là tôi nổi cáu, càu nhàu, tra xét. “Anh tiêu xài gì mà quá trớn vậy! Anh cũng có tiền dằn túi, phải biết quản trị tài chính chứ.

Chi dùng cá nhân còn không làm chủ được, thì những việc khác còn tệ cỡ nào”…

Những lời ấy khiến gia đình “mất nhiệt” dần. Vì chuyện tiền bạc mà cãi nhau chắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong các lý do khiến vợ chồng bất hòa, thậm chí ly thân, ly hôn. Nhà tôi cũng không phải ngoại lệ.

Rồi một lần, bạn đồng nghiệp kể về em trai của cô ấy. Rằng từ ngày cậu em lấy vợ, cô ấy dường như mất hẳn đứa em vô cùng thân thiết. Nay mua cho cháu bộ đồ chơi hay dẫn đi ăn một lần cũng khó, bởi cậu không có tiền. “Xin” tiền vợ hoài cũng ngại và khó lắm. “Lẽ nào khi kết hôn rồi thì đàn ông phải cháy túi vì nộp tiền cho vợ kia chứ!”, bạn tôi bực bội.

Đàn ông thường xuyên trong tình trạng cháy túi, việc nhỏ việc to đều phải xin tiền vợ, có ổn không nhỉ? (Ảnh minh họa)
Đàn ông thường xuyên trong tình trạng cháy túi, việc nhỏ việc to đều phải xin tiền vợ, có ổn không nhỉ? (Ảnh minh họa)

Tôi suy nghĩ mãi về câu bức xúc của bạn tôi. Rằng nếu như mình cũng đi làm vất vả, và cuối tháng phải nộp tiền cho chồng, thì sẽ thế nào? Mình có muốn nỗ lực làm lụng hay không, khi bản thân chẳng được sử dụng đồng tiền mồ hôi kiếm được? Nếu như mình bị kiểm soát chi tiêu kỹ lưỡng như thế, liệu có sống sót mà không đối phó hay nổi loạn? Câu trả lời thật dễ hình dung…

Phát hiện ra việc chồng có quỹ đen là chuyện động trời của vô số gia đình. Nhưng cánh phụ nữ lại coi đấy là việc hiển nhiên của bản thân phái mình: “Tôi đàn bà thì tôi phải thủ chứ. Tôi cần giúp đỡ cha mẹ, sắm sanh váy áo, trang sức, mỹ phẩm, muốn mua bán gì thì tôi cũng chủ động được”... Chị em chúng ta quá sung sướng rồi, luôn miệng kêu đòi bình đẳng, nhưng lại muốn quản tiền chồng tới đồng xu cuối cùng, không cho “chúng nó” thoát!

Đành rằng các ông không khéo léo trong việc chi tiêu, hay vung tay quá trán, nhưng chẳng có nghĩa là họ không được quyền quyết định đồng tiền tự tay họ kiếm được. Tôi dần thay đổi, bằng cách đề nghị chồng phụ tôi một khoản theo khả năng của anh ấy. Sau vài năm, tôi tin rằng chồng mình đã được tăng lương, và việc đóng góp theo đó cũng tự nguyện tăng lên.

Đàn ông thường vung tay quá trán nên rỗng túi (Ảnh minh họa)
Đàn ông thường vung tay quá trán nên rỗng túi (Ảnh minh họa)

Có thể tôi may mắn, gặp được người chồng hiểu chuyện, tự giác, có trách nhiệm. Nhưng cũng một phần, là tôi đã cho anh cơ hội được sống thoải mái hơn, được tùy thích chi dùng đồng tiền mình khó nhọc làm ra. Những khoản thu ngoài lề của chồng, tôi không nắm, nhưng hiểu rằng khi anh mua thức ăn ngon mang về, sắm thêm con rô bốt hút bụi chạy loăng quăng vui mắt dưới sàn, hay bất ngờ tặng vợ chiếc lắc tay bằng vàng khá nặng đô, thì đều từ tiền anh tích cóp được.

Đấy được gọi là tiền riêng của chồng, và nhờ đó chúng tôi đối đãi với nhau lịch sự, trân trọng hẳn. Thi thoảng chúng tôi mời nhau ăn nhà hàng, đãi cả nhà đi du lịch xa chẳng hạn.

Được xài tiền của mình thì mới làm việc hăng hái chứ. Tôi tin rằng suy nghĩ này cực kỳ chuẩn xác. Tôi có lạc quan không khi cho rằng, chính sự “rộng rãi” của mình (chữ mà chồng tôi vui vẻ xài) đã giúp cho gia đình tôi hạnh phúc hơn, cũng như giúp anh có động lực phấn đấu nhiều hơn, thu nhập tăng hơn hẳn. Chúng tôi tuy không quản tiền nhau, nhưng vẫn có quỹ chung của gia đình, và biết rằng người kia có tài khoản ở những ngân hàng nào, để đề phòng bất trắc.

Nếu bạn cho rằng đây là một phương pháp đóng góp tài chính văn minh cho gia đình, thì bạn cứ thử áp dụng nhé. Chúc bạn thành công, như chúng tôi đã từng.

Thùy Lâm

Từ khóa » Vợ Hỏi Lương Chồng