Chủ Biên Sách Tiếng Việt 1 Lên Tiếng Về Vụ Sách "bỏ Chữ P"

Mới đây, nhà giáo Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) viết thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phản ánh về việc sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ "P" độc lập thu hút sự chú ý của nhiều người.

Theo ông, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh.

Đa số mọi người không đồng tình với việc bỏ âm p khỏi sách giáo khoa
Đa số mọi người không đồng tình với việc bỏ "âm P" khỏi sách giáo khoa

Nhà giáo Đào Quốc Vịnh cũng cho rằng rất nhiều từ chỉ địa danh, tên người của đồng bào dân tộc thiểu số có chữ P đứng trước nguyên âm. Hay trong đời sống vẫn có những từ có "P" được sử dụng trong giao tiếp. Ví dụ như trẻ con chơi bắn súng sẽ dùng từ "pằng, pằng"…

"29 chữ cái, trong đó có chữ "P" được Nhà nước quy định trong Hiến pháp, từ thời Gia Long đã quy định thế rồi, không được bớt. Còn Bộ GD-ĐT chỉ quy định mẫu chữ thôi. Nếu bỏ đi là thiếu hụt ghê gớm", ông Vịnh nêu quan điểm.

Với tư cách quản lý giáo dục, ông đề nghị Bộ GD-ĐT vào cuộc, yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần bổ sung ngay việc dạy chữ P và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Ông hy vọng rằng Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc này để học sinh người dân tộc được học chữ P một cách danh chính ngôn thuận bằng hướng dẫn ngay trong sách giáo khoa, vừa không gây khó cho giáo viên, vừa giúp học sinh học xong lớp 1 biết đọc tên xã, tên trường, và tên cha mẹ mình, thậm chí ngay chính tên mình.

Theo cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên trường Tiểu học Newton: "Âm P thường dạy các con đọc những chữ cái phiên âm, ví dụ như Pi-a-nô hoặc trong tiếng Việt có một số từ như “Sa Pa, sạc pin”. Đúng là âm “P” đứng độc lập thì sử dụng khá ít trong tiếng Việt nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các ký hiệu toán học như hình chữ nhật MNPQ. Quan điểm của ông Vịnh đang tạo cuộc tranh cãi, đa số ý kiến phản đối việc loại bỏ chữ "P" khỏi chương trình dạy Tiếng Việt lớp 1, vì nếu bỏ chữ “P” thì trẻ sẽ đọc những từ “Sa Pa” thế nào.

Tôi cho rằng đây vẫn là một âm quan trọng và cần đưa vào chương trình giảng dạy ngang bằng như các chữ cái khác chứ không thể vì ít sử dụng mà bỏ đi được".

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho biết bảng chữ cái trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ở tập 2, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết cách dạy chữ P trong bộ sách này là trong bài về âm Ph chứ không phải dạy về âm P độc lập. Điều này là bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" kế thừa theo cách dạy của sách giáo khoa cũ.

Được biết, sau khi nhà giáo Đào Quốc Vịnh có ý kiến về việc “âm P” biến mất trong sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT về sự việc này.

Đại Minh

Từ khóa » Bỏ Chữ P Trong Tiếng Việt