Có Hay Không Việc Bỏ Chữ Cái "P" Ra Khỏi Danh Mục Dạy Chữ Cho Học ...

(MTD) Mới đây, nhiều giáo viên và phụ huynh bày tỏ nghi ngại và bất ngờ trước việc Sách Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN), không xuất hiện chữ cái “P” trong danh mục bảng chữ cái.

Trước sự việc này, nhà giáo Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, nêu ý kiến về sách “Tiếng Việt 1” bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ dạy chữ “P” khi kết hợp với H tạo thành “PH” đọc là ” phờ”.

Ông bày tỏ sự ngỡ ngàng khi một chủ biên của bộ sách này có phản hồi với ông rằng việc chưa dạy chữ “P” khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ “P” đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Trong tâm thư, ông cũng đã phân tích những yếu tố phi khoa học trước phản hồi của nhà biên soạn này. theo Hiệu trưởng Đào Quốc Vịnh, với các công trình dịch thuật ở nhiều lĩnh vực như dược, hóa học, văn học… khi dịch sang tiếng Việt thì tần suất sử dụng chữ P là tương đối lớn.

Sách Tiếng Việt 1 Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”

Thậm chí, có rất nhiều địa danh, tên người cụ thể… có chữ “P” đứng trước nguyên âm, chưa kể tên một số dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có chữ “P” đứng trước nguyên âm, nên việc không dạy chữ “P” và âm “pờ” là một lỗi nghiêm trọng.

“Nếu thay thế P bằng PH sẽ cho kết quả ra sao? Hàng triệu học sinh Tiểu học vô tình “què quặt” ngay với tiếng mẹ đẻ, khi trong cả cách nói và cách hành văn đều gặp nhiều lúng túng. Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc. Ai sẽ chịu trách nhiệm với hệ quả đau lòng này, chỉ vì sự tùy tiện của người biên soạn sách?”, Hiệu trưởng Đào Quốc Vịnh nêu quan điểm.

Theo quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 đã quy định bảng chữ cái chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái. Trong đó có phụ âm “P”. Cũng trong Quyết định số 31 kể trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai khi đó cũng đã kí ban hành Mẫu chữ viết trong Trường Tiểu học gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ “P”. Như vậy, bảng chữ cái đã được chuẩn hóa, có tính khoa học, tính pháp lí và thống nhất trong phạm vi cả nước. Không một tập thể, một cá nhân nào được phép tùy tiện thay đổi, cắt xén, chỉnh sửa.

“Xin các “nhà”, nào là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà biên soạn, hãy để yên cho Tiếng Việt, để yên cho con cái chúng ta, đừng xáo trộn gì nữa. Nếu cần bổ sung, sửa đổi, thì phải khoa học, phù hợp với thời đại”, Hiệu trưởng Đào Quốc Vịnh thẳng thắn.

Sách “Tiếng Việt 1” bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” chỉ dạy chữ “P” khi kết hợp với H tạo thành “PH” đọc là ” phờ”

Dựa theo đó, việc biên soạn sách giáo khoa phải tuân thủ các nguyên tắc kể trên một cách chặt chẽ với yêu cầu cao nhất. Hiệu trưởng Đào Quốc Vịnh cũng khẩn thiết kêu gọi Bộ GD&ĐT cùng các ban ngành hữu quan cần vào cuộc, yêu cầu NXB GDVN và cụ thể là PGS.TS.Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ sách Kết nối tri thức với sống cần bổ sung ngay việc dạy chữ “P” và đưa chữ cái này trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy đinh.

Chiều qua 24-2, PGS.TS.Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên “sách giáo khoa Tiếng Việt 1” bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng đã lên tiếng trả lời. Trong đó, ông khẳng định: “Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có dạy chữ ‘P’ (chữ pê), âm đầu và âm cuối ‘P’ (pờ) (ghi bằng chữ ‘P’). Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua. Bộ sách có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GDĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định ‘cứng’, không có bất kỳ bộ sách giáo khoa nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi”.

Theo PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, dư luận đang hiểu lầm giữa chữ “P” và âm “P” và ý kiến cho rằng sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ “P” là hoàn toàn không có cơ sở.

Nói với tờ Thế giới và Việt Nam, PGS.TS.Bùi Mạnh Hùng cho rằng, trong tiếng Việt, khi âm cuối “P” được mặc nhiên thừa nhận dựa trên hàng loạt cứ liệu thực tế như các từ: “cặp da, cá mập, tia chớp… thì nhiều nhà Ngữ âm học hàng đầu, “ông tổ” của ngành Ngữ âm học Việt Nam, không coi tiếng Việt có âm đầu “P” (theo Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm học tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, trang 157 – 158; Hoàng Tuệ và Hoàng Minh (Cao Xuân Hạo), Remarks on the Phonological Structure of Vietnamese, Vietnamese Studies: No 40, p.76).

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” lên tiếng (ảnh: Thế giới và Việt Nam)

Theo PGS.TS.Bùi Mạnh Hùng, nếu có coi tiếng Việt có âm đầu “P” thì đó không phải là việc hiển nhiên và âm đầu “P” không phải có vị trí “bình đẳng” như các âm đầu khác trong tiếng Việt. Âm này xuất hiện trong các từ vay mượn như: pi-a-nô/piano, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô, pê-nê-xi-lin… các âm tiết được viết liền hoặc có dấu nối.

Ngoài ra, âm đầu “P” có thể xuất hiện ở một số tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì…). Trong miêu tả ngữ âm học, tất cả các hiện tượng ngữ âm thuộc từ vay mượn mà chưa Việt hóa (pi-a-nô/piano, pê-nê-xi-lin, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô…), hay tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì…), cùng với từ tượng thanh, từ cổ… đều thuộc hiện tượng ngữ âm “ngoại biên”, không được lấy làm ngữ liệu để miêu tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ.

Nguyên Minh tổng hợp

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
Lượt xem: 2.853

Từ khóa » Bỏ Chữ P Trong Tiếng Việt