Chủ động Phòng Chống Bệnh Bạc Lá Hại Lúa Vụ Mùa 2019

Ảnh: Bệnh bạc lá gây hại lúa vụ xuân 2019

Trong những năm gần đây bệnh bạc lá lúa không còn xa lạ với bà con nông dân tỉnh Bắc Ninh. Bệnh thường xuyên phát sinh gây hại trong vụ mùa. Song vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thường; đầu vụ ấm nhiệt độ cao hơn TBNN từ 0,5-10C, tuy nhiên từ cuối trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5 nhiệt độ hạ thấp (21-27 độ ) ẩm độ cao (85-92%) đặc biệt từ 28/4 đến 12/5 nhiều ngày mưa nhỏ, kèm theo mưa dông lốc từ ngày 28-30/4 tạo điều kiện cho bệnh bạc lá gây hại mạnh trên lúa. Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi quy luật phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh trong đó có bệnh bạc lá, một loại bệnh thường xuyên phát sinh gây hại trong vụ mùa thì nay gây hại mạnh trong vụ xuân. Tính đến ngày 15/5 toàn tỉnh có hơn 1.100 ha lúa bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hại có ruộng 70-100% số lá, phân bố chủ yếu ở những vùng trũng, lưu nước, chăm sóc thừa đạm và giống mẫn cảm như Thái xuyên 111, Bắc thơm số 7, TBR225... Đây có thể coi là bệnh nan y bởi giai đoạn lúa trỗ bông đến chín sữa là giai đoạn mẫn cảm nhất với bệnh, bộ lá công năng bị hại sẽ làm giảm năng suất rất lớn. Hơn nữa vi khuẩn gây bệnh hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phòng trừ, mặc dù có những thuốc được khuyến cáo cho bệnh này nhưng hiệu lực không cao.

Vụ mùa năm 2019, theo dự báo của TTKTTV Quốc gia thời tiết sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường; nền nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao hơn TBNN từ 0,5-1,0 oC. Mùa bão năm 2019 có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN; có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quĩ đạo phức tạp. Tổng lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 10/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng xảy ra vào các tháng 6 - 8/2019. Như vậy, cùng với nguồn bệnh bạc lá có từ vụ xuân chuyển tiếp sang vụ mùa kết hợp thời tiết mưa dông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh gây hại mạnh trên lúa mùa, khả năng mức độ hại cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Để hạn chế tác hại do bệnh bạc lá gây ra trên lúa vụ mùa 2019, cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để áp dụng tổng hợp các giải pháp từ khống chế nguyên nhân, đến các giải pháp ngăn chặn bệnh lây lan như sau:

* Nguyên nhân và đặc điểm lây lan: Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonasn oryzae gây ra. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào lá lúa qua lỗ khí khổng và các vết thương cơ giới trên lá.

Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn phát triển là 26-300C, pH thích hợp là 6,8- 7, ẩm độ không khí trên 90%. Bệnh truyền lan trên đồng ruộng chủ yếu nhờ nước tưới, mưa, gió và tiếp xúc cọ sát giữa các lá, các cây trong ruộng.

Ảnh: Triệu chứng bệnh bạc lá

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ấm nóng, ấm, ẩm ướt, nhiều mưa, gió bão. Những ruộng bón quá nhiều đạm, bón lai rai, bón phân NPK không cân đối, cây lúa xanh tốt, thân lá mềm yếu, hàm lượng đạm tự do trong cây tích lũy cao làm cây dễ nhiễm bệnh. Những chân ruộng chua, trũng, đặc biệt là những vùng đất hẩu, hàng lúa bị bóng cây che phủ, ruộng đã bị bệnh từ vụ xuân thì bệnh phát triển mạnh hơn và hại nặng.

Các giống lúa khác nhau thì mức độ mẫn cảm với bệnh cũng khác nhau; giai đoạn lúa trỗ bông đến chín sữa là giai đoạn lúa mẫn cảm nhất với bệnh. Nếu bệnh nặng toàn bộ lá lúa bị khô trắng, đặc biệt là lá đòng cháy khô tỷ lệ hạt lúa bị lép lửng cao, năng suất lúa có thể giảm trên 50%.

Bệnh gây hại nặng hay nhẹ phụ thuộc chặt chẽ vào 3 yếu tố: cây trồng (giống mẫn cảm, giai đoạn sinh trưởng phù hợp); thời tiết (nóng, mưa nhiều kèm theo dông gió bão) và chế độ chăm sóc bón phân (chân ruộng trũng, nước thải, bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón lai dai).

* Biện pháp quản lý bệnh bạc lá:

Giải pháp quan trọng nhất để chủ động phòng, chống bệnh bạc lá lúa là sử dụng giống chống chịu bệnh và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác, cần tập trung vào một số điểm sau:

1. Bố trí cơ cấu giống hợp lý, hạn chế cấy các giống mẫn cảm với bệnh như: Lúa lai, Bắc thơm số 7... Nếu cấy các giống này cần chủ động phòng chống bệnh tích cực ngay từ đầu vụ.

Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh, bón vôi từ 15-20 kg/sào để xử lý đất, nhất là những vùng thường xuyên bị bệnh. Đây là khâu rất quan trọng vì nguồn bệnh chuyển tiếp từ vụ xuân sang vụ mùa rất lớn.

Xử lý hạt giống trước khi gieo. Gieo cấy tập trung, đúng lịch thời vụ theo chỉ đạo địa phương để thuận tiện chăm sóc và phòng trừ bệnh.

Gieo cấy đúng mật độ, bón phân đúng kỹ thuật, đúng giai đoạn, bón đạm nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cân đối với kali theo tỷ lệ nhất định (1:1).

Tăng cường sử dụng phân hỗn hợp N:P:K để tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt và tăng khả năng chống chịu bệnh.

2. Ngay sau mỗi trận dông gió lớn hoặc lúc lúa mới chớm bị bệnh có thể dùng từ 2-3 kg vôi bột/sào để rắc khi lá lúa còn ướt nhằm sát khuẩn vết thương hạn chế sự lây lan của bệnh.

3. Khi bệnh xuất hiện, dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng.

4. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Phát hiện bệnh sớm và phun khi tỷ lệ bệnh dưới 5% số lá, dùng một trong các loại thuốc như : Staner 20WP, Ychatot 900SP, Xantocin 40WP, Totan 200WP, Lobo 8WP hoặc hỗn hợp Totan 200WP + Tilt super 300 EC. Phun vào buổi sáng khô sương hoặc chiều mát, không phun buổi sáng đối với lúa đang trỗ bông. Phun rải đều lượng thuốc trên bề mặt lá lúa, hạn chế phối trộn thêm nhiều loại thuốc khác. Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì thuốc trước khi sử dụng.

Từ khóa » Hình ảnh Bệnh Bạc Lá Lúa