Toggle navigation - Trang Nhất
- Giới thiệu
- Dòng chảy
- Bình luận văn nghệ
- Văn xuôi
- Thơ
- Người lính
- Thế giới
- VNQĐ kết nối
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Dòng chảy
- Quốc phòng
- Chính trị - xã hội
- Văn nghệ
- Bình luận văn nghệ
- Điểm sách
- Phê bình văn nghệ
- Diễn đàn văn nghệ
- Trao đổi
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Văn xuôi
- Sáng tác
- Nửa thế kỉ văn xuôi
- Tác giả & tác phẩm
- Bút kí - Phóng sự
- Truyện ngắn dự thi
- Thơ
- Sáng tác
- Tác giả & tác phẩm
- Thơ trên bàn biên tập
- Thơ dự thi
- Người lính
- Chuyển động
- Giải trí
- Chiến sĩ +
- Hôm qua & Hôm nay
- Camera của tôi
- Thế giới
- Chân dung
- Sáng tác
- Phê bình văn học
- Tin tức
- VNQĐ kết nối
- Thư tòa soạn
- VNQĐ số mới
- Văn học & nhà trường
- NHÂN VẬT TUẦN NÀY
- Tư liệu VNQĐ
Chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ và văn học viết tiếng Việt
Thứ Bảy, 14/01/2017 00:41 Email
. TRẦN ĐÌNH SỬ
Tiếng nói, chữ viết (văn tự) có mối quan hệ vô cùng mật thiết với văn học. Những thứ tiếng mà không có chữ viết đi kèm, không có tác phẩm văn học để ngưng kết thành những kiệt tác ngôn ngữ, sống trong tâm hồn người đời, thì sẽ có nguy cơ bị diệt vong. Theo tài liệu Bản đồ ngôn ngữ đang lâm nguy của UNESCO, toàn thế giới có 7.000 thứ tiếng, trong đó một nửa sẽ bị tiêu vong trong thế kỉ này, 80-90% số còn lại sẽ tiêu vong trong vòng 200 năm nữa. Tốc độ tiêu vong của ngôn ngữ còn nhanh hơn tốc độ diệt chủng của các loại thú quý hiếm trên trái đất. Cứ hai tuần trôi qua, trên thế giới có một ngôn ngữ bị tiêu vong. Nhà ngữ học Mĩ David Harrison cho rằng, ngôn ngữ là di sản có giá trị hơn nhiều so với các di sản mắt thường ai cũng thấy như Kim tự tháp, rừng Amazon..., bởi nó là di sản của nhân loại, trong đó kết tinh phương thức tư duy, phương thức tồn tại và kinh nghiệm sống của một tộc người. Tiếng nói chết chủ yếu do người nói ít dần, người nói thứ tiếng đó nói thứ tiếng khác nhiều hơn, do không có văn tự ghi lại, do không có tác phẩm văn học để đời. Chúng ta tin tưởng ở tiếng Việt, vì nó có sức sống bền bỉ, kết tinh ở nhiều kiệt tác văn học, có số dân nói tiếng mẹ đẻ ngày càng đông... Một ngôn ngữ như thế, của một dân tộc như thế, không thể bị diệt vong. Nhưng xét về khía cạnh chữ viết, chúng ta trải qua nhiều bước thăng trầm.
Văn học viết của bất cứ dân tộc nào đều hình thành trên cơ sở tiếng nói, chữ viết của dân tộc đó, do đó việc sử dụng chữ viết có ảnh hưởng trực tiếp rất to lớn đến sự hình thành văn học viết dân tộc. Đối với nhiều nền văn học phương Tây, trong suốt thời kì trung đại, dưới sự thống trị của tiếng Latinh, văn học viết bằng tiếng dân tộc chưa xuất hiện. Phải đến thời Phục hưng, khi A.Dante (1265-1321) bắt đầu dùng tiếng Ý để sáng tác Thần khúc, G.Chauser (1343-1400) dùng tiếng Anh sáng tác, M.Opitz (1597-1639) và H.Grimmelhausen (1621-1676) dùng tiếng Đức sáng tác, thì văn học dân tộc các nước đó mới được khởi sinh. Điều thú vị là cũng vào thế kỉ XV ở Việt Nam, Nguyễn Trãi (1380-1442) đã có tập thơ bằng chữ Nôm, đánh dấu thời điểm ra đời của văn học tiếng Việt, phân biệt với văn học chữ Hán. Chứng tỏ, văn học viết tiếng Việt cũng ra đời cùng thời điểm với các nền văn học phát triển ở châu Âu. Thế nhưng, văn học Việt Nam phát triển rất chậm chạp, phải sang đầu thế kỉ XX ta mới bắt đầu tiếp cận được với trình độ của văn học thế giới. Điều đó ngoài nguyên nhân về thể chế, kinh tế, còn có nguyên nhân ở chữ viết.
Tuy nhiên, từ tác phẩm đầu tiên đến sự hình thành đầy đủ các thể loại văn học dân tộc phải trải qua một chặng đường dài nhiều thế kỉ, trong đó chữ viết đóng vai trò cực kì quan trọng. Mọi người đều biết, văn học Việt Nam hình thành đầu tiên bằng chữ Hán, một ngôn ngữ không phải của người Việt. Sau vài thế kỉ mới xuất hiện văn Nôm với chữ Nôm, và mãi đến cuối thế kỉ XIX mới hình thành văn học quốc ngữ hiện đại nhờ có chữ quốc ngữ. Các giai đoạn phát triển văn học ấy đều dựa vào sự xác lập chữ viết.
|
Mộc bản triều Nguyễn - Ảnh: ST |
Trong giai đoạn đầu, chúng ta đã di thực toàn bộ ngữ văn Hán làm thành văn viết Việt Nam, từ ngôn ngữ, hệ thống thể loại văn bản, thể thức cấu tạo, phương thức tu từ cho đến hành văn, từ thể loại hành chính cho đến thể loại văn chương học thuật, thi, phú... Dĩ nhiên đó là quá trình hình thành dần dần qua các triều đại. Bài văn chữ Hán sớm nhất được cho là bài Bạch vân chiếu sơn hải của Khương Công Phụ, sau có người khẳng định là bài Nam quốc sơn hà, tương truyền của Lý Thường Kiệt, gần đây theo khảo chứng mới, có căn cứ khẳng định sớm nhất là bài Quốc tộ của nhà sư Đỗ Pháp Thuận (915-990). Nếu không có chữ Nôm, mà văn học chữ Hán cứ đều như thế, thì chẳng mấy chốc mà nước ta hoàn toàn bị Hán hoá.
Điều đặc biệt là trí thức Việt Nam không chấp nhận tình trạng ấy. Biết bao người tài đã sáng chế ra chữ Nôm và văn học Nôm. Chữ Nôm, một thứ chữ, theo Nguyễn Tài Cẩn, hình thành vào cuối đời Trần, theo Nguyễn Quang Hồng, hình thành không thể muộn hơn thời nhà Lý (thế kỉ XII). Thế nhưng văn học Nôm thật sự, được thể hiện qua Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, phải đến ba thế kỉ sau, thế kỉ XV, mới xuất hiện. Đến thế kỉ XVI, trên cơ sở tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, xuất hiện bản dịch ra chữ Nôm tương truyền của Nguyễn Thế Nghi, có thể coi là bản văn xuôi chữ Nôm đầu tiên trong văn chương Việt Nam. Từ thế kỉ XVI, trải qua rất nhiều quanh co, khúc khuỷu thêm năm thế kỉ nữa, phải đến đầu thế kỉ XX, với sự sử dụng chính thức chữ quốc ngữ, thì văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn xuôi tiếng Việt nói riêng mới thực sự hình thành. Ở đây vai trò chữ viết hết sức quan trọng. Tại sao thơ Nôm, phú Nôm phát triển mà văn xuôi Nôm không phát triển được? Đã ai nghiên cứu vấn đề này chưa?
Không đơn giản chỉ là có chữ viết rồi thì văn học viết tự nhiên xuất hiện theo chữ viết ấy, hay nói cách khác không phải chữ viết ghi nguyên xi lời ăn tiếng nói hàng ngày là có ngay văn học viết. Văn học viết như một hình thái biểu đạt, phân biệt với lời ăn tiếng nói khẩu ngữ hàng ngày và văn học truyền miệng. Văn viết phải hình thành trên cơ sở hệ thống chữ viết, mà sự hình thành chữ viết lại phải trên cơ sở hệ thống ngữ âm hình thành quy củ. Thế nhưng, tiếng Việt thời kì thế kỉ X-XII, theo các nhà ngôn ngữ học, thuộc vào giai đoạn sơ thuỷ sau khi tách khỏi tiếng Việt Mường chung không lâu để trở thành thứ tiếng độc lập. Trạng thái sơ thuỷ thể hiện ở chỗ chưa hình thành cơ chế đơn tiết triệt để và chưa có đủ sáu thanh.# Văn học viết phải hình thành sau chữ viết một thời gian, bởi vì nó phải được mài giũa bằng văn tự, tạo thành quy tắc, thể thức. Chữ viết không chỉ là phương tiện ghi âm tiếng nói, không chỉ là phương tiện cố định lời nói, khắc phục tình trạng lời nói gió bay, làm cho lời nói được bảo tồn, mà còn là một phương thức tồn tại khác của ngôn ngữ. Nó làm cho văn viết tách khỏi tiếng nói phát ra âm thanh, khẩu ngữ, một tiếng nói không bao giờ tách khỏi âm lượng, ngữ điệu nói, nét mặt, động tác tay chân, ánh mắt... của người nói và ngữ cảnh cụ thể, tách khỏi không gian, thời gian cụ thể để có khả năng giao tiếp với muôn đời. Ngay văn quốc ngữ buổi đầu của Nam Bộ rất là quý giá, song sang đầu thế kỉ XX nói chung người ta không viết như thế nữa. Với chữ viết, ngôn ngữ được trừu tuợng hoá khỏi người nói và người nghe cụ thể, được tự tổ chức thành văn bản, cô đọng, chuẩn hoá, phong phú thêm bởi những tín hiệu và phương tiện chỉ có trong văn viết. Tất nhiên văn viết không tách khỏi mối dây liên hệ với ngôn ngữ khẩu ngữ hàng ngày, vì đó là nguồn sáng tạo vô tận của văn viết.
Hán văn đối với người Việt là một tử ngữ, giống như tiếng Latinh, tiếng Hi Lạp cổ, tiếng Nga cổ. Có thể ở đời nhà Đường sự giao lưu trực tiếp nhiều, văn chữ Hán lúc đó còn là sinh ngữ. Nhưng từ ngày độc lập, khoảng cách xa dần, chữ Hán thành tử ngữ. Cho nên người Việt tiếp nhận và bảo lưu nguyên vẹn hình thức biểu đạt của nó, và người dùng buộc phải học thuộc, nhập tâm, rồi mới bắt chước các mẫu văn có sẵn mà viết ra. Tình trạng đó dẫn đến sự sáng tạo bị hạn chế nhiều. Chỉ những bậc đại khoa uyên thâm mới có năng lực vượt qua khuôn mẫu để sáng tạo tự do. Chữ Hán nhập vào Việt Nam trở thành tiếng Hán Việt, khác hẳn với văn ngôn của người Hán, ít nhất là về âm đọc. Điều thú vị là trong khi văn ngôn đổi thay theo sinh ngữ của người Tàu, tiếng Hán Việt Việt Nam vẫn bảo lưu các âm cổ. Thơ ca Trung Quốc cổ đại gieo vần theo âm cổ, đến người Trung Quốc hiện đại đọc thơ cổ của họ thì xảy ra tình trạng sai vần. Nhưng thơ ca Hán Việt với âm Hán Việt cổ, vẫn gieo vần theo nguyên điệu, không hề sai. Với thứ chữ đó người Việt không thể tạo ra bất cứ thể loại nào mới so với văn học chữ Hán của người Hán. Nhiều lắm là có người dùng chữ Hán để viết theo thể loại Việt, hoặc đưa chen chữ Hán vào thể hát nói đôi câu đối, hoặc đưa vào ngôn ngữ tuồng. Thứ văn ấy, ông Bùi Kỷ trong sách Quốc văn cụ thể gọi là “Hán Việt hợp dụng thể”. Hầu hết tác phẩm Nôm đều mang nhan đề Hán.
Chữ Nôm được sử dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, nhưng không được phát triển, bởi không có trường dạy chữ Nôm, mà muốn hiểu chữ Nôm buộc phải thạo chữ Hán, bởi vì chữ Nôm cấu tạo chủ yếu bằng các thành phần của chữ Hán. Để có các thể loại văn Nôm, văn viết đòi hỏi có thể thức. Sở dĩ văn Nôm hình thành trước hết ở thơ ca là bởi vì có các khuôn thức có sẵn của thơ chữ Hán, có cơ sở ca dao, dân ca. Lời thơ có âm luật và cấu trúc song hành của ngôn ngữ gián cách, như cái khuôn để người làm thơ lắp chữ vào. Tất nhiên Nguyễn Trãi làm thơ lục ngôn có nhiều phá cách so với thơ chuẩn chữ Hán, song sự đó rất hiếm, về sau người ta vẫn theo lệ cũ. Các thể loại truyện Nôm, ngâm khúc, hát nói là sáng tạo đột xuất của người Việt nhờ có chữ Nôm. Văn xuôi Nôm trái lại phát triển chậm chạp, bởi văn xuôi đòi hỏi hành văn liên tục, phi gián đoạn, đòi hỏi những thể thức khác với văn vần, thơ ca. Chỉ cần đọc bản dịch Nôm của Nguyễn Thế Nghi thì thấy cách hành văn xuôi chưa hình thành, Việt Hán lẫn lộn, đầy những “chưng”, “thửa” có thể do từ vựng Việt chưa đầy đủ để biểu đạt. Có ý kiến cho rằng trong lĩnh vực hành chính, có lẽ do thiếu chuẩn mực thống nhất của chữ Nôm dẫn đến bất tiện trong quản lí, kém ưu thế so với chữ Hán. Nhưng thiết nghĩ đó chỉ là một lí do. Chưa định hình thể thức mới là lí do chính. Bản văn của Nguyễn Thế Nghi chỉ là văn dịch, chuyển nghĩa từ Hán sang Việt, mức độ lệ thuộc vào bản Hán văn rất cao, tối nghĩa, là một minh chứng cho sự thiếu hụt về thể thức câu văn và tổ chức liên kết các câu văn và từ ngữ để thành văn bản. Thực tế này cũng có thể nhìn thấy qua một số văn bản văn bia bằng chữ Nôm, trong đó ảnh hưởng của văn vần vẫn rất lớn, và ảnh hưởng này kéo dài cho tới đầu thế kỉ XX. Đối với các tài liệu sử Việt, hoặc là viết bằng văn xuôi chữ Hán, hoặc là viết bằng thể văn vần để thành diễn ca, đó là vì các tác giả Việt Nam lại chuyển sang diễn ca như Thiên Nam ngữ lục, Việt sử diễn âm cho dễ đọc và dễ thuộc. Người Việt lúc ấy cũng chưa biết đọc văn xuôi. Văn xuôi chỉ có được hình thức độc lập khi nào tạo được thể thức độc lập, trong đó câu văn xuôi trần thuật, biểu cảm, nghi vấn, câu điều kiện, câu giả thiết, câu mệnh lệnh hình thành, có vị trí độc lập.
Chữ quốc ngữ manh nha từ khi các cha cố Bồ Đào Nha, Pháp sang Việt Nam truyền đạo từ thế kỉ XV, nó được sáng tạo và lưu hành trong giáo hội và giáo dân. Theo Nguyễn Huệ Chi, các cha cố Việt, các tầng lớp thông ngôn đã bước đầu sử dụng chữ Nôm để viết truyện các thánh, ví như sách Quan quang Nam Việt, gồm hai tập được viết dần dần từ thế kỉ XVII, rồi được cha cố sửa chữa, đem in năm 1902, trong đó ngôn ngữ thuần Việt, trong sáng theo lời nói hàng ngày, không dùng các hư từ Hán Việt, lại còn dùng khẩu ngữ. Rõ ràng loại văn quốc ngữ này đã làm mẫu và lan ra ngoài giới Thiên Chúa giáo. Nhà văn Trương Vĩnh Ký, người Công giáo viết văn quốc ngữ, là một minh chứng cho sự lan toả của văn xuôi Công giáo sang văn xuôi tiếng Việt. Do tính ưu việt, và chính sách của Pháp muốn dạy chữ quốc ngữ, song họ vẫn không bỏ chữ Hán, chỉ bỏ khoa cử. Các nhà cách mạng Đông Kinh Nghĩa Thục vì mục đích cách mạng đã cổ xuý học chữ quốc ngữ. Rồi báo quốc ngữ xuất hiện từ 1865 đã làm cho người đọc quen với quốc ngữ, văn quốc ngữ. Trong việc thay đổi này, nhất là sự hình thành nền văn xuôi mới, yếu tố văn Pháp có vai trò không nhỏ. Mọi người biết tiếng Pháp dĩ nhiên có quan niệm về câu cú, về ngữ pháp, tạo thành ý thức về ngôn ngữ. Họ biết phân biệt chữ ghi âm, biết tri thức ngôn ngữ. Chính ý thức này thúc đẩy văn xuôi quốc ngữ phát triển. Sự hình thành nền văn xuôi Nam Bộ là một thành tựu lớn, nó kích thích dòng văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỉ XX. Tiểu thuyết tiếng Việt và thơ ca tiếng Việt quốc ngữ, văn chính luận, báo chí quốc ngữ... đều là những thành tựu đột xuất.
Song song với chữ quốc ngữ, giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là giai đoạn xã hội Việt Nam và khu vực biến động dữ dội. Phong trào Duy Tân nổi lên cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam, sự tiếp nhận ồ ạt hàng loạt từ ngữ mới của Nhật Bản, những từ mà người Nhật dùng yếu tố Hán hoặc từ Hán có sẵn để dịch các thuật ngữ, danh từ của phương Tây khiến cho việc tiếp nhận phương Tây được thuận lợi. Cho nên vốn từ xã hội, chính trị, triết học, văn hoá, quân sự, y học, giáo dục, khoa học ồ ạt được gia tăng đột biến. Đây là thời kì tiếp nhận tiếng Hán Nhật nhiều nhất, đồng thời sử dụng lại từ Hán Việt đã biết để tạo ra từ mới. Trước khi có chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm cũng không hoàn toàn tách biệt. Xem Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều có thể nhận biết tỉ lệ tiếng Việt và tiếng Hán Việt được sử dụng là bao nhiêu. Rồi đem so với văn xuôi, văn báo chí, văn chính luận thời đầu thế kỉ XX, xem tỉ lệ tiếng Việt và tiếng Hán Việt bao nhiêu thì có thể kết luận được các giai đoạn tiếp nhận từ Hán Việt truyền thống và từ Hán Việt gốc Nhật. Đồng thời đây cũng là thời gian tiếng Việt tự cải tạo mình. Biết bao nhiêu khái niệm mới, sự vật mới phải được gọi tên, và do đó, người Việt sẽ dùng các yếu tố Hán Việt để tạo từ Việt mới, hoặc sử dụng từ Hán Việt theo nghĩa riêng của tiếng Việt, mà tiếng Hán không có. Ví dụ ta nói chiến tranh ác liệt, từ ác liệt chỉ sự dữ dội, sự tàn khốc, trong khi đó trong tiếng Hán, ác liệt nghĩa là xấu xa, thấp hèn. Ta gọi hài kịch, Tàu gọi là hỉ kịch, ta nói anh hùng ca, Tàu nói sử thi. Loại từ này rất nhiều mà chưa được nghiên cứu. Đáng buồn là giới ngôn ngữ học hiện nay chỉ nói áng chừng từ Hán Việt chiếm 60-80% từ vựng Việt, mà không có chứng minh đầy đủ.
Sự phát triển của tiếng Việt gắn bó với chữ viết. Sự chính xác của chữ quốc ngữ vượt xa lối ghi âm của chữ Nôm. Chữ viết làm cho số người sử dụng trở nên đông đúc, cơ hồ toàn thể xã hội, trong khi chữ Hán ngay ở thời trung đại chỉ lưu hành trong bộ phận thư sinh, nho sĩ và quan lại. Chữ Nôm lưu hành trong phạm vi hẹp hơn. Vị thế đó không thể làm cho chữ Nôm phát triển. Nếu có con số thống kê người học chữ Hán trên số người dân đương thời thì vấn đề này được chứng minh rõ ràng. Người ta thường chỉ thấy chữ quốc ngữ ghi tiếng nói hàng ngày mà không thấy thứ chữ đó đã làm cho gần như toàn dân đều đọc được, viết được. Và các phong trào chính trị, xã hội, văn hoá có tác động rất lớn đến sự phong phú vốn từ và cách diễn đạt. Không chỉ đầu thế kỉ XX, mà hầu như suốt thế kỉ XX chúng ta vẫn tiếp tục tiếp thu từ Hán Việt. Sau năm 1954, những từ như liệt xa viên, liệt xa trưởng, thủ trưởng, chuyên chính vô sản, đại táo, tiểu táo, uỷ viên trung ương, bộ chính trị, tập huấn, chỉnh huấn, tố khổ… đều tiếp thu từ phong trào cách mạng vô sản, trong số đó có nhiều từ đã chết.
Tóm lại, chữ Nôm tuy rất tuyệt vời, ghi được những áng văn bất hủ của dân tộc, song nó không làm cho tiếng Việt phát triển, vì người sử dụng nó chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp. Chỉ chữ quốc ngữ, một thứ chữ ghi âm đích thực, mới có tác dụng thúc đẩy toàn xã hội tham gia đóng góp, sử dụng tiếng Việt trong vận hội mới, thời đại mới.
Chữ viết gắn bó với vận mệnh của văn học, điều này đã được lịch sử chứng minh. Ngoại trừ nhà chuyên môn, toàn dân mà trước hết là toàn bộ học sinh các cấp phổ thông không nhất thiết trở lại học thứ chữ chỉ có chức năng sử dụng hẹp. Đây là lúc cần nghiên cứu kĩ lưỡng vốn từ Hán Việt để dùng yếu tố Việt và Hán Việt mà làm phong phú cho tiếng Việt hiện đại, thay vì sử dụng tiếng Anh tràn lan như hiện nay trên các loại hình báo chí.
Cũng cần lưu ý thêm, sách Hán được dịch ra tiếng Việt nói chung đều chưa hay, vì người dịch bị lệ thuộc quá nhiều vào từ Hán mà họ dễ dàng phiên âm, làm rối thêm tiếng Việt, văn dịch kém trong sáng. Trong khi đó khi dịch các văn bản tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, do không có chỗ để dựa dẫm, người dịch phải tự mình vắt óc sáng tạo, và quả nhiên họ dịch thành công hơn. Tất nhiên các bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp... cũng có nhiều thảm hoạ, song đó là bởi giới hạn của người dịch, chứ không phải của một thứ tiếng.
T.Đ.S
VNQD
Tin tức khác -
Một vài đặc điểm tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li
-
Người “nhốt đam mê”
-
Vấn đề đô thị trong văn chương Việt Nam hiện đại
-
Kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng và văn học đại chúng
-
Nhớ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang
-
Kì vọng là một áp lực nặng nề với người viết
-
Khúc vĩ thanh của một cuốn tiểu thuyết
-
Với Văn nghệ Quân đội
-
Bộ sách nên đọc
-
Từ cái đinh lịch sử...
Bài đọc nhiều nhất - Tết đến sớm với cán bộ chiến sĩ canh giữ vùng biển Tây Nam
- Thơ của Thái Cường
- Thơ của Phú Hanh
Ống kính nhà văn Nhiều sản phẩm tác chiến hiện đại của Việt Nam lần đầu được giới thiệu
Những người lính giữ biển
Lặng lẽ đường biên xanh
Hoà Lam, xóm nhỏ bình yên bên bờ sông Lam
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn
Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)
Anh Tựu trong "Vượt lũ"
Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)
Giọt nước mắt mang hình vết thương
Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)
Tiếng chim bắt cô trói cột
Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)
Sách từ Nhà số 4 Đặt mua tạp chí Văn nghệ Quân đội Lịch phát sóng trên kênh - Lịch phát sóng thứ 7 ngày 6/4
- Lịch phát sóng thứ 6 ngày 5/4
Quảng cáo 1 Cửa sổ văn nghệ Hội thảo Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cuộc đời và sự nghiệp
Nguyễn Quang Sáng được biết đến là nhà văn có lối viết mang đậm chất Nam Bộ. Giọng văn của ông mộc mạc, hồn hậu, tự nhiên nhưng có chiều sâu như chính tính cách của đất và người Nam Bộ.
"Truyện cổ Andersen" dưới góc nhìn của nghệ thuật múa rối
Nghệ thuật múa rối Việt Nam từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân tộc.
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo thiêng liêng”
Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo thiêng liêng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục lòng yêu nước, bồi đắp tình yêu biển, đảo
Triển lãm tranh dân gian Việt Nam
Với nội dung phong phú, sinh động, các dòng tranh đều thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân hướng tới cuộc sống tốt đẹp, hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Liên hoan phim hoạt hình “Dòng khát vọng” lần thứ nhất
Với mong muốn khuyến khích các thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ hoạt hình trẻ tiếp tục theo đuổi đam mê, mang tới cho khán giả nhiều dự án phim hoạt hình mãn nhãn,
Ra mắt tập đầu tiên bộ tiểu thuyết kì ảo
Thể loại kì ảo sử thi vẫn rất mới mẻ đối với người viết trong nước, điều này mở ra cơ hội lớn cho bộ tiểu thuyết
Sách tranh giúp trẻ thêm yêu nét đẹp văn hóa nghề truyền thống
Bộ sách có minh họa tươi sáng, gần gũi, mang đậm màu sắc Việt, giúp các em nhỏ thêm yêu mến và trân trọng nét đẹp làng nghề truyền thống
Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam mùa 6
Chủ đề chính của VFCD năm nay là Tái tạo, bao gồm ba trọng tâm: môi trường, cộng đồng và không gian, và văn hóa và di sản.
Thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới qua giới thiệu sách
Dự án 8 được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần bảo vệ, chăm sóc cho phụ nữ và chị em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn thực hiện bình đẳng giới.
Ngày rộng 4: hài hòa trong đa dạng
Không giới hạn về đề tài, phong cách, Ngày rộng 4 đem đến những góc nhìn đa chiều về thời gian, văn hoá, cuộc sống, con người, tình yêu…
- Trang nhất
- Giới thiệu
- Dòng chảy
- Bình luận văn nghệ
- Văn xuôi
- Thơ
- Thế giới
- VNQĐ kết nối
Tạp chí văn nghệ quân đội điện tử - tổng cục chính trị - QĐND Việt Nam
Tổng biên tập: Nguyễn Bình Phương - Tòa soạn và trị sự: 4 Lý Nam Đế - Hà Nội
Tel: (84 - 024)8454370 Fax: (84 - 024)7333979
Email: info@vannghequandoi.vn / vnquandoi@gmail.com
Thường trú phía Nam: 161 - 163 Trần Quốc Thảo, P9, Q3, TP.Hồ Chí Minh