Từ Chữ Nôm đến Chữ Quốc Ngữ - Văn Nghệ Quân đội
Có thể bạn quan tâm
Chiều ngày 6/12/2019, tại Trung Nguyên Legend 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tạp chí Tia sáng tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ: chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc” với sự tham gia của hai diễn giả khách mời là TS Trần Trọng Dương và TS Phạm Thị Kiều Ly.
Ý tưởng buổi toạ đàm được nảy sinh từ câu chuyện thời sự liên quan đến việc đề xuất lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ở Đà Nẵng. Đề xuất này đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội xung quanh vai trò, đóng góp của chữ Quốc ngữ với sự phát triển văn hóa dân tộc: chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”? Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc? Câu chuyện của chủ nghĩa công - tội đã nhận sự phản ứng dữ dội trong nhiều diễn đàn khác nhau. Và cuộc tranh luận ngày càng đa chiều, mở rộng, khởi đi từ vấn đề chữ Quốc ngữ, loang bện sang cả chữ Nôm, chữ Hán, cũng như lịch sử ra đời, vai trò của các loại chữ viết này trong lịch sử Việt Nam.
Buổi toạ đàm hướng tới kiến tạo thêm một diễn đàn, nhằm góp phần luận giải vấn đề bằng những căn cứ, sử liệu và một cái nhìn hệ thống, đa chiều.
Tại buổi toạ đàm, TS Trần Trọng Dương thuyết minh về quá trình kiến tạo các “bức tranh” khác nhau về chữ viết, bối cảnh lịch sử - văn hóa, nền tảng ý thức hệ, và các diễn ngôn lịch sử xoay quanh các vấn đề về hai hệ thống chữ viết dùng để ghi tiếng Việt là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Còn TS Phạm Thị Kiều Ly thuyết minh về lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615-1919, những tác giả xây dựng nên và hoàn thiện chữ viết này.
Theo TS Trần Trọng Dương, trên cơ sở chữ Hán, ông cha chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm từ rất sớm để ghi âm tiếng Việt, chữ Nôm trở thành chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc. Chữ Nôm đồng hành với tiếng Việt suốt trường kì lịch sử, từ chỗ ghi chép tiếng Việt dần trở thành “thao trường” để tiếng Việt nâng cấp/ hoàn thiện (dùng để dịch kinh điển các đạo Nho, Phật, Lão, Thiên Chúa, dịch văn học, sáng tạo văn học, biên chép lịch sử, ghi chép khoa học, văn bản hành chính, ghi chép văn hoá nghệ thuật… Về sau, chữ Quốc ngữ (trên cơ sở hệ thống chữ cái La tinh) từ thân phận là chữ viết ngoại lai trở thành công cụ của chính quyền, thành động năng/ xung lực để “thay máu tẩy não” dân tộc sau một thời gian dài chỉ biết đến Trung Hoa. Từ “Quốc ngữ” dùng để gọi chữ Nôm ngày trước được hiểu là ngôn ngữ của một bang quốc, một triều đình; còn từ “Quốc ngữ” khi dùng để gọi chữ viết chính thức ngày nay được hiểu là ngôn ngữ của một quốc gia, đồng đẳng với các từ khác có vế “quốc” như quốc dân, quốc học, quốc văn, quốc hồn…, châu tuần xung quanh cái gọi là nation, tất cả hướng đến một nền văn hoá cứu quốc. Từ năm 1945, chữ Quốc ngữ (ngày nay) trở công cụ chính thức để ghi âm tiếng Việt, trở thành công cụ chính trị, công cụ để kiến tạo bản sắc dân tộc, thứ bản sắc mà ai cũng có thể sở hữu/ tự hào. Bản sắc dân tộc là một thứ diễn ngôn được kiến tạo bởi nhà nước. Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ là một lựa chọn của lịch sử, mà lịch sử là những câu chuyện đã rồi, như viên đạn một khi đã bắn đi thì không thể quy hồi. Đứt gãy văn hoá khi thay thế chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ là rất lớn.
TS Trần Trọng Dương tại sự kiện
TS Phạm Thị Kiều Ly cho rằng chữ Quốc ngữ trở thành văn tự quốc gia của Việt Nam mà không phải là của các nước Đông Dương khác là Lào và Campuchia chẳng hạn, bởi đây là sự lựa chọn vừa bị động vừa chủ động của Việt Nam, hay nói cách khác là Việt Nam vừa được lựa chọn vừa bị lựa chọn. “Mẫu quốc” ban đầu muốn hiện thực hoá ý đồ dùng chữ Quốc ngữ làm cầu nối để trẻ con Annam học Pháp ngữ; người Annam lựa chọn chữ Quốc ngữ vì dễ học, dễ sử dụng so với chữ Nôm.
Về câu chuyện đang chia rẽ cộng đồng tranh luận, rằng chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”, Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc, theo TS Trần Trọng Dương thì cả hai nhóm cộng đồng đều xuất phát từ tình cảm yêu nước và tự cường dân tộc, đều muốn sở hữu lịch sử, phán xét lịch sử, nhưng yêu nước theo cách không giống nhau, sở hữu lịch sử theo cách không giống nhau, phán xét lịch sử theo cách không giống nhau. Còn TS Phạm Thị Kiều Ly thì đồng tình với quan điểm của một cử toạ khi cho rằng ghi nhận công của Alexandre de Rhodes là cần thiết, tuy nhiên không nên đánh giá có phần quá khích vai trò của Alexandre de Rhodes, của chữ Quốc ngữ như chúng ta đang chứng kiến; chữ Quốc ngữ chỉ là một sự lựa chọn đầu thế kỉ XX, chỉ là công cụ để ghi âm tiếng Việt; “tiếng ta còn, nước ta còn”, nếu không có chữ Quốc ngữ thì vẫn còn đó “tiếng ta”.
TS Trần Trọng Dương là nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. TS Phạm Thị Kiều Ly nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ, đã bảo vệ luận án về “Lịch sử ngữ pháp hóa tiếng Việt (1615-1919): Lịch sử ngữ pháp và chữ viết Latinh của tiếng Việt” tại Đại học Sorbonne Nouvelle Paris 3.
VIỆT HƯNG
VNQDTừ khóa » Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ
-
Chữ Nôm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phân Biệt Khái Niệm Chữ Hán, Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ
-
Phân Biệt Chữ Hán, Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ - Thư Pháp Ngọc Đình
-
Cuộc Chạy Tiếp Sức Của Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ - Báo Thanh Niên
-
Chữ Hán Nôm Và Chữ Quốc Ngữ, Cái Nào ưu Việt Hơn ? - LinkedIn
-
Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ Có Gì Giống Và Khác Nhau?
-
Bàn Thêm Về Nguồn Gốc Chữ Quốc Ngữ - Tạp Chí Tia Sáng
-
Phân Biệt Chữ Nho, Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ - Bạn Nên Biết
-
Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ Khác Nhau ở điểm Nào
-
Chữ Nôm, Chữ Hán Và Chữ Quốc Ngữ Có Gì Khác Nhau?
-
Chữ Nôm Hay Chữ Quốc Ngữ Mới Là Thuần Việt? - VietNamNet
-
Chữ Hán, Chữ Nôm, Chữ Quốc Ngữ Và Văn Học Viết Tiếng Việt
-
Chữ Nôm Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Chữ Hán Và Chữ Nôm