Chữ Hán Trong Niên Hiệu, Thụy Hiệu Và Miếu Hiệu

Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> C >> Phan Văn Các
6. Chữ Hán trong niên hiệu, thụy hiệu và miếu hiệu (TBHNH 2000)

Cập nhật lúc 22h44, ngày 07/04/2007

CHỮ HÁN TRONG NIÊN HIỆU, THỤY HIỆU VÀ MIẾU HIỆU

PHAN VĂN CÁC

PGS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nho gia hết sức coi trọng “danh”. Một lần, khi Tử Lộ hỏi nay vua Vệ mời thầy ra trông coi việc nước, thì thầy sẽ làm việc gì trước, Khổng Tử trả lời ngay: “Tất dã chính danh hồ! (Nhất định phải “chính danh”, tức là sửa cho đúng đắn mọi danh phận), rồi nói tiếp ý nghĩa quan trọng của việc “chính danh” “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô dĩ thố thủ túc” (Danh không chính thì lời không xuôi, lời không xuôi thì việc không thành, việc không thành thì lễ nhạc không hưng khởi, lễ nhạc không hưng khởi thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân chẳng biết để chân tay vào đâu được). Theo đó thì danh là cái đi trước cả lễ nhạc, hình phạt, nó quy định và ràng buộc các mối quan hệ đẳng cấp giữa vua tôi, cha con trong xã hội phong kiến.

Điều lí thú là tư tưởng coi trọng danh hiệu đó đã ảnh hưởng đến cách dùng chữ Hán. Liên quan trực tiếp đến việc sử dụng tư liệu Hán văn để nghiên cứu lịch sử là chữ Hán dùng trong niên hiệu, thụy hiệu và miếu hiệu.

Niên hiệu, thụy hiệu và miếu hiệu là những danh hiệu đặc thù không thể thiếu của đế vương Trung Hoa đồng thời cũng ảnh hưởng đến các nước trong khu vực văn hóa Hán. Xét trên một ý nghĩa nào đó, các danh hiệu ấy khác nào tiểu thu gọn của các nhân vật.

NIÊN HIỆU

Vào năm 842 tr.CN người dân Tây Chu khởi nghĩa, Chu Lệ Vương chạy đến đất Trệ (huyện Hoắc tỉnh Sơn Tây ngày nay). Năm đó hai ông Chu Công, Thiệu Công cùng trông coi chính sự (một thuyết khác nói là Cộng Bá Hòa được chư hầu ủng hộ, nắm lấy vương chính), được gọi là Cộng Hòa nguyên niên. Trong lịch sử Trung Hoa, việc ghi năm đáng tin cậy là từ bắt đầu từ đó. Nhưng trước thời Tây Hán, chỉ có niên thứ (năm thứ bao nhiêu của một đời vua) chứ không có niên hiệu, mỗi ông vua kế vị thì thay một kỉ nguyên mà thôi. Đến năm Nguyên Đỉnh 元 鼎 thứ ba (năm 114 tr.CN) thời Hán Vũ Đế mới bắt đầu dùng niên hiệu (các năm thứ nhất thứ hai của niên hiệu này là sự truy định về sau). Trước thời Minh, một ông vua không chỉ có một niên hiệu, như Hán Vũ Đế có tới 11 niên hiệu, Tống Nhân Tông có 9 niên hiệu. Hai thời Minh Thanh, nói chung mỗi đời vua có một niên hiệu (như Hồng Vũ 洪 武, Ung Chính 雍 正 v.v..). Cách mạng Tân Hợi lật nhào chế độ phong kiến, ghi năm bằng Trung Hoa dân quốc 中 華 民 國, từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời thì ghi năm theo công nguyên.

Trong cách nhìn của chúng ta ngày nay thì lịch sử phải ghi năm vốn là chuyện tự nhiên bình thường, son trong con mắt đế vương và quần thần thời xưa, thì xác định việc ghi năm theo niên hiệu nào là một sự việc trọng đại và thiêng liêng. Thời xưa khi đổi thay triều đại, vua mới lên ngôi chấp chính, cần phải định lại chính sóc để tỏ ý “phụng mệnh thiên thừa vận” (vâng mệnh trời, nối vận nước), trên vâng đạo Trời, dưới hợp lòng người, ghi năm bằng niên hiệu chính là một biểu hiện của “phụng chính sóc”.

Ở Trung Quốc, đế vương các đời đã sử dụng cả thảy 708 niên hiệu (thống kê theo Trung Quốc lịch sử niên đại giản biểu của nhà xuất bản Văn vật). Ý nghĩa của các niên hiệu có thể phân thành 6 loại như sau: (1) biểu thị sự vâng mệnh trời, như: Ứng Thiên 應 天, Thiên Hưng 天 興, Thiên Phượng 天 鳳, Thiên Thụ 天授, Vạn Tuế Thông Thiên 萬歲通天... (2) biểu thị thiêng liêng tốt lành, như: Vạn Lợi 萬利, Long Phượng 龍鳳, Hà Thanh 河清, Như ý 如意, Đại Thánh 大聖, Minh Thánh 明聖, Thần Lịch 神歷, Thần Thụy 神瑞, Thái Bình Chân Quân 太平真君... (3) biểu thị thay đổi triều đại, khởi đầu đổi mới, như: Thái Thuỷ 太水, Khai Nguyên 開元, Hoàng Sơ 皇初, Hoàng Thuỷ 皇水, Thái Thủy 泰水... (4) ca ngợi văn tự võ công, đức hạnh trọn vẹn, như: Đại Đức 大德, Thượng Minh 上明, Văn Trị 文治, Thánh Đức 聖德, Hiển Đạo 顯道, Chiêu Vũ 昭武, Thuần Hóa 淳化, Hiếu Trị 孝治... (5) mong ước an bình suôn sẻ, như: An Định 安定, Quảng Thuận 廣順, Đại An 大安, Vĩnh Ninh 永寧, Hàm Ninh 咸寧, Phụ Xương 阜昌, Thiên Hựu Dân An 天祐民安...(6) cầu nguyện giang sơn bền vững, như Trường Cửu 長久, Cửu Thị 久視, Thiên Thọ 天壽, Trường Lạc 長樂, Diên Thọ 延壽, Diên Tự Ninh Quốc 延嗣寧國...

Bởi niên hiệu được coi là liên quan đến sự hưng nguyên vận nước, nên hữu ý hoặc vô tình nó được phủ lên một sắc màu thần bí. Hán thư. Ai Đế kỉ chép rằng năm Kiến Bình 建平 thứ hai đời: Hán Ai Đế, “bọn Đãi chiếu Hạ Hạ Lương nói lời sấm của Xích Trinh Tử (Truyền thuyết nói rằng Hán Cao Tổ Lưu Bang cảm con rồng đỏ mà sinh ra, tự xưng là Xích Đế chi tinh), nhà Hán trải vận trung suy, nên phải thụ mệnh lại, cần cải nguyên dịch hiệu (thay đổi niên hiệu kỉ nguyên)”. Ai Đế bèn xuống chiếu đổi “Kiến Bình nhị” niên thành “Thái Sơ Nguyên Tướng 太初元將” nguyên niên.

Thời Đông Hán, Công Tôn Thuật chiếm Ích Châu xưng đế. Hậu Hán Thư bản truyện nói rằng “gặp lúc có rồng xuất hiện trong phủ điện, ban đêm mà sáng rực, thuật cho là điềm lành… bèn tự lập làm thiên tử… đặt kì nguyên là Long Hưng 龍興 nguyên niên”.

Chữ dùng cho niên hiệu, cố nhiên được chọn lựa cẩn thận. Song một mặt khác, lại có những người chơi chữ, chiết tự để đoán lành dữ Bắc sử. Tề bản kỉ chép rằng khi Tề Văn Tuyên Đế tên là Cao Dương mới lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Bảo 天保, có kẻ sĩ thâm thuý nói rằng: “Thiên Bảo chi tự, vi nhất đại nhân chỉ thập” 天保之字為一大人 (chiết tự hai chữ “thiên bảo” thành năm chữ “nhất đại nhân chỉ thập”) và nói rằng y chỉ ở ngôi được mười năm, quả nhiên mười năm sau thì Cao Dương băng. Bắc Tề tôn thất An Đức Vương Cao Diên Tông, niên hiệu là Đức Xương 德昌, “có người hiếu sự nói rằng y được hai ngày 其得二日 (hai chữ “nhật” là chữ “xương”), kết quả là “trong ngày đó bị vây, qua đêm đến giờ ăn hôm sau thì bại vong”.

Theo thống kê, 708 niên hiệu ấy đã dùng cả thảy 251 chữ Hán (chữ dịch âm là hết sức cá biệt), trong đó những chữ sử dụng trên 10 lần có 45 chữ là: an 安, đức 德, đại 大, quang 光, hòa 和, kiến 建, minh 明, bình 平, thánh 聖, thiên 天, thái 太, hưng 興, nguyên 元, vĩnh 永, chính 正, bảo 保, sơ 初, xương 昌, định 定, phượng 鳳, quốc 國, gia 家, cảnh 景, khang 康, khai 開, lịch 歷, long 龍, long 隆, ninh 寧, trang 莊, càn 乾, thụy 瑞, thuận 順, thọ 壽, thuỷ 水, thần 神, thông 通, thống 統, thái 泰, vũ 武, hi 熙, diên 延, ứng 應, trung 中, trị 治. Trong số này 15 chữ đầu dùng trên 20 lần.

Chữ thiên 天 trong văn tự giáp cốt, dưới ruộng hình người, trên thì đặc biệt nổi bật cái đầu to. Trong sơn hải kinh có nói đến một thần nhân bị Thiên Đế chặt đầu, gọi là Hình Thiên 刑天 (nghĩa là chặt đầu), chữ thiên được dùng với nghĩa gốc là “cái đầu”, sau đó chuyển nghĩa chỉ “bầu trời”, trong thư tịch chỉ Thiên Đế, vua, đấng tối cao … Nhĩ nhã – Thích hỗ nói: “Thiên, quân dã” (Thiên là vua) Đế vương thời xưa xưng là thiên tử (con trời), đón nhận ý trời cai trị muôn dân và được Trời phù hộ, cho nên trong niên hiệu các đời sử dụng nhiều nhất (Thiên Bảo 天寶, Thiên Minh 天明, Thiên Kiến 天建, Thiên Mệnh 天命...), đến 71 lần.

Chữ càn 乾 (kiền) trong triết học cổ đại Trung Quốc, đối nghĩa với khôn 坤, tượng trưng “dương” đặc chỉ Trời, Vua. Dịch - Thuyết quái nói: Càn vi thiên, vi hoàn, vi quân, vi phụ… (càn là trời, là xoay chuyển, là vua, là cha…) trong các niên hiệu dùng tới 17 lần, như Càn Nguyên 乾元, Càn Hưng 乾興, Càn Hanh 乾亨, Càn Minh 乾明, Càn Hựu 乾祐, Càn Long 乾隆...

Chữ nguyên nghĩa gốc là cái đầu. Nhĩ nhã. Thích hổ nói: “Nguyên, thuỷ dã”, phát triển thành nghĩa mở đầu, thứ nhất. Thuyết văn: “Nguyên, thuỷ dã”. Lại phát triển thành nghĩa lớn. Quảng vận. Nguyên vận nói: “Nguyên, đại dã”. Hai nghĩa “mở đầu” và “lớn” đều dùng trong niên hiệu, vì thế với nghĩa “mở đầu” có các niên hiệu Kiến Nguyên 建元, Nguyên Hưng 元興, Nguyên Sơ 元初, Nguyên Thuỷ 元始..., với nghĩa “lớn” có Nguyên Huy 元徽, Nguyên Đức 元德, Nguyên Vũ 元武, Nguyên Khang 元康, Nguyên Hanh 元亨, Nguyên Trinh 元貞.., tần số sử dụng trong niên hiệu chỉ kém chữ thiên 天, lên tới 47 lần.

Chữ đại 5 lần, như Đại Nghĩa 大義, Đại Phong 大豐, Đại Thánh 大聖, Đại An 大安, Đại Đồng 大同, Đại Đức 大德, Chí Đại 至大... Ngoài ra có chữ Thái là chữ phân hóa ra từ chữ Đại, ý nghĩa tương thông, dùng tới 20 lần, như Thái Thượng 太上, Thái Ninh 太寧, Thái An 太安, Thái Hòa 太太, Thái Khang 太康... Chữ chính nghĩa là ngay thẳng, là đúng, dùng trong niên hiệu để nói sự đúng đắn của đế vương, sử dụng tới 21 lần, như Chính Thống 正統, Chính Đức 正德, Chính Đại 正大, Chính Bình 正平, Chính Quang 正光, Chính Trị 正治...

Chữ dùng trong niên hiệu đều lấy ý nghĩa tốt lành, mừng vui. Một niên hiệu thường dùng hai chữ Hán, cũng có trường hợp dùng bốn chữ như Thái Bình Hưng Quốc 太平興國(Bắc Tống Thái Tông Triệu Cảnh 趙景), thậm chí tới sáu chữ, như Thiên Thụ Lễ Pháp Diên Tộ 天授禮法延祚(Tây Hạ Cảnh Tông Triệu Nàng Tiêu 趙囊宵)… Nhưng niên hiệu thì cứ tăng lên mãi mà chữ tốt lành thì có hạn, vì thế có thể xảy ra hiện tượng trùng lặp niên hiệu. Sử chép rằng Tống Thái Tổ niên hiệu Càn Đức 乾德, cứ tưởng là từ xưa chưa hề có. Về sau phát hiện trong cung có một cái gương với dòng chữ “Càn Đức tứ niên”, hỏi Hàn Lâm học sĩ Đậu Nghi mới biết đó là niên hiệu của Tiền Thục Hậu Chủ Vương Diễn 王衍thời: Ngũ đại Thập Quốc.

Theo thống kê của chúng tôi, niên hiệu của các triều đại Việt Nam có tổng số là 148, trong đó có 18 niên hiệu 4 chữ: 17 của thời Lý là Càn Phù Hữu Đạo 乾符有道 Thiên Cảm Thánh Võ 天感聖武 và Sùng Hưng Đại Bảo 崇興大寶 đều của Thái Tông; Long Thụy Thái Bình 隆瑞太平, Chương Thánh Gia Khánh 彰聖嘉慶 Long Chương Thiên Tự 隆章天嗣 và Thiên Huống Bảo Tượng 天貺寶象 đều của Thánh Tông; Anh Võ Chiêu Thắng 英武昭勝, Hội Tường Đại Khánh 會祥大慶 Thiên Phù Duệ Võ 天符睿武 và Thiên Phù Khánh Thọ 天符慶壽đều của Nhân Tông; Thiên Chương Bảo Tự 天彰寶嗣của Thần Tông; Chính Long Bảo Ứng 政隆寶應và Thiên Cảm Chí Bảo 天感至寶 của Anh Tông; Thiên Tư Gia Thụy 天資嘉瑞, Thiên Gia Bảo Hựu 天嘉寶祐 và Trị Bình Long Ứng 治平龍應 của Cao Tông; Thiên Chương Hữu Đạo 天彰有道 của Chiêu Hoàng; và 1 của thời Trần là Thiên Ứng Chính Bình 天應政平 của Thái Tông.

Có 2 trường hợp trùng lặp niên hiệu là Đaịi Định 大定 của Lí Anh Tông năm 1140 và của Dương Nhật Lễ năm 1369; Thuận Thiên 順天 của Lí Thái Tổ năm 1010 và của Lê Thái Tổ năm 1428.

THUỴ HIỆU 謚號

Chữ thụy , Thuyết văn viết là , theo Thuyết văn hiệu nghị 說文校議 của Nghiêm Khả Quân 嚴可圴 thì nên là .

Về thời điểm xuất hiện của thụy hiệu, đến nay chưa có sự nhất trí. Bạch hổ thông nghĩa. Thụy nói: “Hoàng đế thuỷ chế pháp độ, đắc đạo chi trung” cho rằng “thụy” có từ thời Hoàng Đế, xem ra thiếu căn cứ. Dật Chu thư. Thụy pháp giải nói rằng Chu Công Đán và Thái Công Vộng “mất, sắp chôn, bèn đặt thụy, bèn ra đời phép thụy”. Học giả cận đại Vương Quốc Duy 王國維(1877-1927) cho rằng thụy hiệu ra đời sau thời Chu Cung Vương, Chu Ý Vương (theo Quan đường tập lâm 觀堂集林 quyển 18 Duật Đôn bạt 矞敦跋). Nhưng dù theo thuyết nào thì thụy hiệu cũng đã ra đời khá sớm. Nói chung, đó là một tên gọi đặc biệt mà người ta đặt cho thiên tử chư hầu hoặc những người có danh vọng có địa vị sau khi chết. Thụy hiệu có cả một quá trình phát triển.

Thoạt đầu, thiên tử nhà Chu có thụy hiệu, các chư hầu không phải tất cả đều được ban thụy. Thời Xuân Thu, “lễ băng nhạc hoại”, ngoài chư hầu ra, khanh đại phu thông thường, cho đến cả quý phu nhân cũng có thụy hiệu, và còn có cả tư thụy Thiên tử nhà Chu và chư hầu sau khi chết đều tị huý cho nên cần có một mĩ hiệu khác: khi sống thì gọi tên chính 本名, hoặc tôn hiệu 尊號, sau khi chết thì gọi thụy hiệu. Thụy hiệu là một cách gọi kiếng huý, cho nên phép thụy gọi là lễ đổi tên (dịch danh lễ 易名禮 hoặc canh danh điển 更名典).

Thụy hiệu cần phải căn cứ vào sự tích bình sinh của người chết mà xác định bao biếm để “khuyến thiện trừng ác”, mục đích căn bản vẫn là nhằm bảo vệ nền thống trị phong kiến. Hành vi, sự tích của người ta có sự khác nhau giữa thiện, ác và bình thường, cho nên chữ dùng để đặt thụy hiệu cũng phân ra ba loại đẹp, xấu và trung bình. Sách Dật Chu thư 逸周書 có mục Thụy pháp giải 謚法解, liệt kê tất cả chữ dùng để đặt thụy, gồm 102 chữ. * Có các chữ biểu dương như:

Dân vô năng danh viết thần 神 (những người mà dân không thể hiểu được sự nghiệp để đặt tên thì lấy thụy là Thần) Kinh thiên vĩ địa viết văn 文 (dọc ngang trời đất thì lấy thụy là văn).

Khắc định họa loạn viết vũ 武 (chiến thắng hoặc dẹp yên được họa loạn thì lấy thụy là ).

Kính sự cung thượng viết cung 恭 (kính cẩn trong công việc cung kính với bề trên thì lấy thụy là cung).

Chiếu lâm tứ phương viết minh 明 (toả sáng đến bốn phương thì lấy thụy là minh).

Bác văn đa năng viết hiến 憲 (học rộng nhiều tài thì lấy thụy là hiến).

Ôn nhu thánh thiện viết ý 懿 (ôn hòa mềm mại thánh thiện thì lấy thụy là ý).

Ngữ tông an chi viết hiếu 孝 (tổ tiên được yên ổn thì lấy tên thụy là hiếu)

Có các chữ phê phán, như:

Loạn nhi bất tổn viết linh 靈 (loạn mà không hao tổn thì lấy thụy là linh).

Hiếu lạc đãi chính viết hoang 荒 (thích hưởng lạc, lười chính sự thì lấy thuỵ là hoang).

Hiếu nội viễn lễ viết dạng 煬 (ham nữ sắc mà xa điều lễ, thì lấy thụy là dạng).

Bất hối tiền quá viết lệ 淚 (không biết hối hận vì lỗi trước thì lấy thụy là lệ).

Hỗ uy tứ hành viết xú 醜 (cậy oai làm bừa thì lấy thụy là ).

Hiếu biến động dân viết táo 躁 (ham gây biến huy động dân chúng thì lấy thụy là táo).

Nghịch thiên ngược dân viết kháng 抗 (trái ý trời, ngược đãi dân chúng thì lấy thụy là kháng).

Động tế loạn thường viết u 幽 (vi phạm tế lễ, rối loạn cương thường thì lấy thụy là u).

Có các chữ thương xót thông cảm, như:

Cung nhân đoản chiết viết ai 哀 (cung kính nhân từ nhưng chết non thì lấy thụy là ai).

Tại quốc phùng nạn viết mẫn 愍 (ở nước mà gặp nạn thì lấy thụy là mẫn).

Niên trung tảo yểu viết điếu 悼 (tuổi trẻ chết sớm thì lấy thụy là điếu).

Đoản chiết bất thành viết thương 殤 (chết non không thành sự nghiệp thì lấy thụy là thương).

Qua việc dùng chữ đặt thụy hiệu, có thể thấy rằng:

(1) Thụy hiệu là để khuyến thiện trừng ác, đặt sau khi chết, cho nên ý nghĩa của chữ thụy thường mang hàm nghĩa đặc thù mà người ta gán cho nó một cách nhân tạo (có những cách giải thích mang tính áp đặt), không sát với nghĩa vốn có), chẳng hạnh như:

Mê nhi bất đề viết đinh 丁 (mê tối không kính nhường anh thì lấy thụy là đinh).

Tử ư nguyên dã viết trang 莊 (chết ở ngoài đồng thì lấy thụy là trang).

Một chữ thụy thường có đến mấy cách giải thích, như đối với chữ văn 文 có 6 cách giải thích:

- Kính thiên vĩ địa (dọc ngang trời đất) viết văn;

- Học cần hiếu vấn (ham học hỏi) viết văn;

- Từ huệ ái vân (nhân từ yêu dân) viết văn;

- Tứ dân tước vị (ban tước vị cho dân) viết văn;

- Đạo đức bác ăn (có đạo đức, hiểu biết rộng) viết văn;

- Mẫn dân huệ lễ (thương dân yêu lễ) viết văn;

Chữ trang 莊 cũng có 6 cách giải thích:

- Binh giáp cức tác (động nhiều giáp binh) viết trang;

- Duệ ngự khắc phục (khôn khéo phòng ngự mà thăng) viết trang;

- Thắng địch chí cường (có chí mạng thắng địch) viết trang;

- Tử ư nguyên dã (chết ở đồng nội) viết trang;

- Lũ chinh sát phạt (nhiều phen sát phạt) viết trang;

- Vũ nhi bất toại (vũ dũng mà không thành) viết trang;

Có lúc ý nghĩa quá trừu tượng hoặc nhập nhằng, khá là khó hiểu Thời Xuân Thu, có quan đại phu nước Vệ là Khổng Ngữ thụy là Văn, Tử Cống không hiểu bèn hỏi Khổng Tử, Khổng Tử giải thích: “Mẫn nhi hiếu học, bất sở hạ vấn, thị dĩ vị chi Văn dã” (thông minh mà ham học, không coi việc học hỏi người dưới là điều hổ thẹn, vì thế gọi là Văn - Luận ngữ. Công Dã Tràng)

(2) Đặt thụy tuy nói có khen có chê, song chữ khen nhiều hơn (như minh , khâm , định , đức , hiến , chiêu , liệt v.v..), còn chữ chê ít. Nguyên nhân thì đúng như Bạch hổ thông. Thụy đã nói: “Nhân thần chi nghĩa, mạc bất dục bao xưng kì quân, yểm ác dương thiện giả dã” (cái nghĩa của kẻ bề tôi, chẳng ai không muốn khen tốt vua mình, che đậy điều ác đề cao điều thiện của vua vậy).

(3) Về số lượng chữ cho mỗi thụy hiệu, thì thời thượng cổ phần nhiều dùng một chữ. Cũng có trường hợp dùng 2 hoặc 3 chữ (thụy hiệu đời sau thì ngoài hoàng đế ra, phần nhiều dùng hai chữ, như: Ngụy An Li vương 魏安釐王, Triệu Hiếu Thành vương 趙孝成王, Trinh Huệ Văn tử 貞惠文子, Tuyên Thành hầu 宣成侯(Hoắc Quang 霍光), Trung Vũ hầu 中武侯(Gia Cát Lượng 諸葛亮), Văn Chính công 文正公(Tư Mã Quang 司馬光)…

Thời cổ đại, lâm táng định thụy (đặt thụy lúc chôn cất) có quan hệ với việc đánh giá cả cuộc đời của người đã chết. Cái quan luận định (đậy nắp quan tài, xác định lời bàn), khen chê khác xa, dùng chữ này không dùng chữ kia, trở thành một việc rất nghiêm trọng. Như Tả truyện. Văn Công nguyên niên chép rằng Thái tử Thương Thần vào tháng mười mùa đông, dùng giáp sĩ trong cung tấn công Sở Thành Vương, ngày Đinh mùi, vương thắt cổ chết, chưa liệm đã đặt thụy cho vương là linh 靈, Thành Vương chét không nhắm mắt, đổi thụy là thành 成, thì mới nhắm mắt. Thụy hiệu đã là việc quan trọng như vậy, quan niệm đánh giá của người ta về một con người thật khó mà hoàn toàn nhất trí, cho nên lúc “nghị thụy” (bàn việc đặt thụy) tất nhiên khó tránh khỏi tranh cãi.

Thời Xuân Thu, Sở Cung Vương ốm nặng, lo đến việc đặt thụy sau khi chết, bèn bảo các quan đại phu rằng “bất cốc bất đức, thiếu chủ xã tắc” (không có đức tốt, lại làm chủ xã tắc từ khi còn tuổi thơ) nên “vi đại phu ưu” (khiến các đại phu lo lắng), sau khi chết xin đặt thụy là “linh” hoặc “lệ” (cả hai đều là “ác thụy”), tuỳ các đại phu chọn một trong hai. Nhưng sau khi Cung Vương chết, triều thần nước Sở cùng nhau nghị thụy, Tử Nang cho rằng nước Sở “phủ hữu di man, yểm chinh nam hải, dĩ chúc chư Hạ” (vỗ yên cac nước man di, chinh phục biển nam, ra lệnh cho chư hầu ở Trung nguyên), hơn nữa nhà vua lại biết nhận lỗi, nên lấy thụy là “cung”. Thế là thành thụy (x. Tả truyện. Tương Công thập tam niên).

Thời nhà Đường, Hoàng Phủ Vô Dật làm quan ở đất Thục, mẹ ốm chết ở kinh thành, Vô Dật bôn tang, dọc đường hồi hộp lo sợ mà chết, Thái Thường đặt thụy là “hiếu”. Nhưng Vương Khuê cho rằng Vô Dật làmquan ở ngoài mà không đưa mẹ đi theo, không được coi là hiếu, bèn đổi thụy là “lương”.

Thụy và phép đặt thụy là một bộ phận của lễ chế cổ đại Trung Quốc, mang màu sắc đẳng cấp phong kiến rõ rệt. Lễ kí Giao đặc sinh viết: “Cổ giả sinh vô tước, tử vô thụy” (Khi xưa, sống không có tước, chết không có thụy). Bạch hổ thông nghĩa Thụy càng chỉ rõ: “Thụy giả biệt tôn ti, chương hữu đức dã” (Thụy là để phân biệt tôn ti, biểu dương người có đức). Vương triều các đời có yêu cầu rất cao đối với tư cách của đối tượng được thụy. Ngoài đế vương hậu phi ra, những người được thụy khác (chủ yếu là văn võ đại thần) đều phải là người có công huân nổi bật, hoặc phảm tiết ngời sáng, hoặc hành vi có ảnh hưởng lớn lao. Đến đời Đường, quy định rõ quan chức tam phẩm trở lên mới được xin thụy (quy định này còn lưu hành mãi đến cuối đời Thanh), hơn nữa bản thân thụy hiệu cũng có nhiều sự phân biệt, vì thế đặt thụy trở thành một tỏng những tiêu chí phân biệt tôn ti sang hèn.

Lẽ ra, lập thụy là một việc làm hết sức nghiêm túc, song theo đà phát triển của xã hội phong kiến, phạm vi ban thụy ngày càng mở rộng, một số người gọi là tiết phụ liệt nữ, hiếu tử liệt sĩ, thậm chí các nhà phương thuật, vú nuôi của hoàng đế, ông cha của công thần v.v.. cũng được ban thụy tràn lan. Đạo Vũ Đế nhà Bắc Ngụy dựng nước xưng đế, bèn truy tôn từ thuỷ tổ trở xuống 14 đời đế, chưa đủ, còn từ thuỷ tổ trở lên suy tôn cực viễn tổ, thêm 14 đời đế nữa, tổng cộng 28 đời đế. “Thụy vi hành chi tích” (thụy là dấu vết của hành trạng), song trong lịch sử có biết bao trường hợp hành trạng một đằng, thụy một nẻo, đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại, cho nên Lí Ngu Trọng đời Đường đã nói: Ngày nay gần thì hai ba năm, xa thì vài chục năm, người chết đã lâu rồi mới xin thụy, nên chỉ dựa vào lời đồn, không thể tin được, còn như các bài ăn “lỗi” thì phần nhiều chỉ toàn lời phù phiếm.

Hơn nữa, quyền định thụy nắm trong tay hoàng đế, lòng yêu ghét cá nhân thường có ảnh hưởng quyết định trong việc đặt thụy, thì thụy lại càng xa với sự thật.

Ở Việt Nam, theo Đại Việt sử kí toàn thư, nếu không kể nhà Triệu, thì từ Lí Thái Tổ sử chép có thụy lạ Thần Vũ hoàng đế, Lí Thái Tông có thụy là Đại Hành hoàng đế v.v..

Đến thời Nguyễn thì việc đặt thụy và cho tên thụy đã có thể chỉ rõ ràng. Ngay năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua đã có chỉ ban thụy cho Võ Tánh là Trang liệt. Minh Mạng năm thứ hai (1821) ban thụy cho Nguyễn Văn Nhân là Trung Cẩm; năm thứ tư (1823) có chỉ rằng những quan chức văn võ ở trong kinh cùng ngoài các tỉnh, không may chết đi, chuẩn cho văn từ chánh nhi phẩm trở lên, võ từ tòng nhất trở lên, cùng những bầy tôi luân cựu, có công lao hơn người rõ rệt, thì cho bộ lễ tân xin ban tên thụy, còn đều tuỳ theo sự trạng quan chức người ấy mà cho thụy; năm thứ bày (1826) quy định thụy hiệu thống nhất cho văn giai và võ giai như sau:

* Thụy hiệu văn giai

Chánh nhất phẩm đặt là Văn Nghị; tòng nhất phẩm đặt là Văn Ý;

Chánh nhị phẩm đặt là Trang Lượng; tòng nhị phẩm đặt la Trang Khải;

Chánh tam phẩm đặt là Hiến Mục; tòng tam phẩm đặt là Hiến Tĩnh;

Chánh tứ phẩm đặt là Đoan Cần; tòng tứ phẩm đặt là Đoan Lượng;

Chánh ngũ phẩm đặt là Đoan Trực; tòng ngũ phẩm đặt là Đoan Thân;

Chánh lục phẩm đặt là Đôn Nhã; tòng lục phẩm đặt là Đôn Túc;

Chánh thất phẩm đặt là Đôn Giản; tòng thất phẩm đặt là Đông Kính;

Chánh bát phẩm đặt là Cung Doãn; tòng bát phẩm đặt là Cung Ý;

Chánh cửu phẩm đặt là Cung Mậu; tòng cửu phẩm đặt là Cung Phác.

* Thụy hiệu võ giai

Chánh nhất phẩm là Võ Nghi; tòng nhất phẩm là Võ Khác;

Chánh nhị phẩm là Trung Cẩn; tòng nhị phẩm là Trung Phấn;

Chánh tam phẩm là Anh Túc; tòng tam phẩm là Anh Mai;

Chánh tứ phẩm là Tráng Dực; tòng tứ phẩm là Tráng Nghĩa;

Chánh ngũ phẩm là Trạng Nhuệ; tòng ngũ phẩm là Tráng Hiển;

Chánh lục phẩm là Hùng Kính; tòng lục phẩm là Hùng Tiết;

Chánh thất phẩm là Hùng Quả; tòng thất phẩm là Hùng Cảm;

Chánh bát phẩm là Dũng Kiên; tòng bát phầm là Dũng Mậu;

Chánh cửu phẩm là Dũng Lệ; tòng cửu phẩm là Dũng Mẫn;

Trừ người chết có công to rõ ràng được gia ân đặc tứ tên khác, còn thì cứ theo chức hàm hiệu có mà điền vào, cho theo phẩm hàm đặt tên thụy để tỏ ra thống nhất.

Đến đây thì thụy hiệu không còn gắn với sự bình giá hành trạng cuộc đời nữa mà trở thành một danh hiệu ban thưởng theo phẩm hàm thuần tuý.

MIẾU HIỆU

Miếu hiệu cũng là một thứ tên gọi sau khi chết, song có khác với thụy hiệu. Thuyết văn: “Miếu, tôn tổ mạo dã” (tổ mạo: hình mạo của tổ tiên) Miếu chỉ tông miếu đặt bài vị của tổ tiên để cúng tế. Còn “miếu” với nghĩa nơi thờ thần, Phật thì về sau mới có. Trước thời Chu, thiên tử có ngũ miếu, miếu giữa thờ thuỷ tổ, còn hai bên trái phải thì có bốn miếu thờ cha, ông, cụ, kị (phụ, tổ phụ, tằng tổ, cao tổ) gọi là thân miếu. Đến thời Chu, lấy Tắc làm thuỷ tổ, coi Văn Vương và Vũ Vương là vua có đức, sáng nghiệp công cao, nên thêm hai miếu nữa là thất miếu. Thời xưa danh vị khác nhau thì lễ cũng khác nhau, cho nên Lễ kí. Vương chế nói: “Thiên tử thất miếu, tam chiên tam mục, dữ thái tổ chi miếu nhi thất. Chư hầu ngũ miếu, nhị chiêu nhị mục, dữ thái tổ chi miếu nhi ngũ. Đại phu tam miếu, nhất chiêu nhất mục, dữ thái tổ chi miếu nhi tam. Sĩ nhất miếu. Thứ nhân tế ư tẩm”. (Thiên tử có bảy miếu, ba chiêu ba mục, cùng với miếu Thái Tổ là bảy. Chư hầu năm miếu, hai chiêu hai mục, cùng với miếu thái tổ là năm. Đại phu ba miếu, một chiêu một mục, cùng với miếu thái tổ là ba. Sĩ một miếu. Dân thường tế ở phòng ngủ). Vì thế về sau “thất miếu” trở thành từ gọi thay cho vương triều. Quá Tần luận của Giả Nghị có câu “Nhất phu tác nạn nhi thất miếu huỷ” (Một người gây nạn mà vương triều sụp đổ).

Sách sử vật kỉ nguyên của Cao Thừa thời Tống cho rằng việc đặt miếu hiệu hiện đã có từ thời Thương, như Thái Giáp 太甲 gọi là Thái Tông 太宗, từ Hán về sau, các đời đều theo. Miếu hiệu được ghép bằng hai chữ, chữ sau là tổ 祖 hoặc tông 宗, như Hán Cao Tổ, Đường Huyền Tông. So với thụy hiệu thì việc dùng chữ cho miếu hiệu có hai điểm khác: một là dùng ít chữ; hai là chữ dùng đều có nghĩa biểu dương, tốt đẹp, không có nghĩa trung bình, càng không có nghĩa xấu. Ví dụ như các hoàng đế nhà Minh, miếu hiệu của 15 hoàng đế (Huệ Đế không có miếu hiệu, không tính) lần lượt là: Thái Tổ, Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông, Đại Tông, Hiến Tông, Hiếu Tông, Vũ Tông, Thế Tông, Mục Tông, Thần Tông, Quang Tông, Hi Tông, Tư Tông. Xét nói dung của chữ đầu trong miếu hiệu, ta thấy có những chữ biểu thị là ông vua khai quốc, đặt nền cơ nghiệp, như Cao Tổ 高祖, Thái Tổ 太祖 (ý nghĩa của chữ thái đã phân ở mục niên hiệu); có những chữ biểu thị sự kế tục giếng mối lớn, như Thế Tông 世宗, Trung Tông 中宗; còn lại là những chữ ca tụng công đức như Duệ 睿, Đức 德, Mục 穆, Uy 威, Túc 肅, Thần 神, Anh 英, Nhân 仁... Chữ thứ hai trong miếu hiệu là tổ hoặc tông. Chữ “tổ” trong giáp cốt văn viết @ được giải thích là tượng hình bộ phận sinh dục nam, biểu thị sự truyền giống trong tín ngưỡng phồn thực, về sau thêm bộ thị 示 biểu thị tế tự, viết 祖, với nghĩa tông miếu thờ tiên tổ, rồi từ đó có nghĩa tiên tổ, dùng trong miếu hiệu với nghĩa “ông vua mở nước” “người khởi thuỷ”. Cốc Lương truyện. Hi Công thập ngũ niên nói: “Thuỷ phong tất vi tổ” (Phong đầu tiên ắt là tổ). Sử kí. Hiếu Văn bản kỉ nói: “Thuỷ thủ thiên hạ giả vi tổ” (Người đầu tiên giành được thiên hạ là tổ), như Hán Cao Tổ, Tống Thái Tổ. Còn chữ “tông” trong giáp cốt văn viết @ hoặc @, bên ngoài là cái nhà, bên tỏng là thần chủ nên thuyết văn giải thích là “tôn tổ miếu” (miếu tôn thờ tổ), cũng có nghĩa tổ tiên, dùng ghép với chữ “tổ”, cho nên có cách nói “liệt tổ liệt tông” (tổ tiên nói chung). “Tông” dùng làm miếu hiệu cũng lấy nghĩa mở đầu. Sách cổ nói rằng “thuỷ thủ thiên hạ vi tổ, thuỷ trị thiên hạ vi tông” (người đầu tiên giành được thiên hạ là tổ, người đầu tiên cai trị thiên hạ là tông), thêm chữ “thái” thì ý nghĩa đó càng rõ, như Đường Thái Tông, Tống Thái Tông.

Người xưa cho rằng đề miếu hiệu, thờ tổ tông “giai suy kì bản thống dĩ sự kì chủ” (đều là suy từ chính thống để thờ chúa), biểu thị cái ý “tổ tông kế tự, đức hậu lưu quang” (nối dõi tổ tông, đức dày truyền sáng). Rõ ràng, miếu hiệu là sản phẩm của chế độ tông pháp phong kiến, nhằm mục đích bảo vệ nền thống trị thế thập cha truyền con nối của một dòng họ. Tổ có công, tông có đức, thờ phụng thần chủ trong tông miếu, tôn tổ kính tông là sự đãi ngộ chính trị đặc biệt của các triều đại phong kiến.

Trước đời Đường, không phải ông vua nào cũng xưng tổ xưng tông cả. Thời Tây Hán có 12 ông vua, chỉ 5 ông gọi bằng tổ và tông. Thời Đông Hán 13 vua, gọi bằng tổ và tông có 7 vua. Từ thời Đường về sau, thì hoàng đế sau khi chết đều có miếu hiệu, vua khai quốc gọi bằng “tổ”, các vua sau đời gọi bằng “tông”. Duy có một trường hợp ngoại lệ là ông vua thứ ba nhà Minh là Chu Đệ 朱棣 lại mang miếu hiệu Minh Thành Tổ 明成祖 (1360-1424). Thật ra lúc mới chế, miếu hiệu của ông là Minh Thái Tông 明太宗 nhưng về sau Minh Thế Tông 明世宗 Chu Hậu Thông 朱厚熜 cho rằng Chu Đề đã dẹp yên biển loạn dựng lại đế nghiệp, công lao sánh ngang Thái Tổ, nên mới đổi miếu hiệu là Thành Tổ.

Ở Việt Nam, miếu hiệu về cơ bản cũng giống như ở Trung Quốc. Các ông vua sáng nghiệp đều có miếu hiệu Thái Tổ. Duy có vua đầu nhà Trần là Trần Cảnh, miếu hiệu là Thái Tông. Bài thơ sớm nhắc đến miếu hiệu là bài thơ của Trần Dụ Tông (ở ngôi từ 1341 đến 1369) ca ngợi Trần Thái Tông.

Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,

Bỉ xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong.

Kiến Thành tru tử Yên Sinh tại,

Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.

(Sáng nghiệp Việt Đường hai Thái Tông,

Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong.

Kiến Thành bị giết, Yên Sinh sống,

Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng).

Qua niên hiệu, thụy hiệu và miếu hiệu ta hiểu thêm một khía cạnh của văn hóa Trung Hoa và của sự tiếp biến văn hóa ấy ở Việt Nam.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.50-70

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Thuỵ Trong Từ Hán Việt