Chu Kỳ, Hệ Số Lứa đẻ Và ảnh Hưởng Của Nó đến Năng Suất Heo Nái

Bài viết này giới thiệu Chu kỳ lứa đẻ, Hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại, sự ảnh hưởng của Chu kỳ lứa đẻ, Hệ số lứa đẻ/nái/năm đến năng suất sản xuất của trang trại; các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất sản xuất heo nái và một số giải pháp tăng năng suất sản xuất của trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản.

1. Chu kỳ lứa đẻ của heo nái trong trang trại là gì?

Chu kỳ lứa đẻ (Farrowing Interval) là một trong những thông số trong sản xuất chăn nuôi heo thường được sử dụng là một chỉ số phản ánh hiệu quả sản xuất nái sinh sản của trang trại. Chu kỳ lứa đẻ là số ngày trung bình từ lứa đẻ lần này đến lứa đẻ lần kế tiếp của nái sinh sản bao gồm thời gian mang thai, thời gian nái nuôi con và thời gian lên giống sau cai sữa. Chu kỳ đẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng heo con sau cai sữa của mỗi nái trong năm.

Trong thực tế, Chu kỳ lứa đẻ của nái hậu bị ngắn hơn chu kỳ lứa đẻ của nái rạ (nái đẻ từ lứa thứ 2 trở đi). Chu kỳ đẻ có thể được tính cho từng cá thể heo nái và cho toàn bộ trang trại.

Chu kỳ, hệ số lứa đẻ và ảnh hưởng của nó đến năng suất heo nái

Đối với một cá thể heo nái, Chu kỳ đẻ bằng số ngày mang thai cộng số ngày nuôi con cộng số ngày chờ lên giống sau cai sữa. Ví dụ nái có số ngày mang thai 115 ngày, số ngày nuôi con 25 ngày, số ngày lên giống sau cai sữa 5 ngày thì Chu kỳ đẻ của nái như sau:

Chu kỳ lứa đẻ nái = 115 ngày mang thai + 25 ngày nuôi con + 5 ngày lên giống sau cai sữa = 145 ngày.

Chu kỳ lứa đẻ của trang trại bằng bình quân gia quyền chu kỳ lứa đẻ của từng nái.

Giả sử một trại có 600 nái sinh sản, nếu 600 nái đều có số ngày mang thai, ngày nuôi con và ngày lên giống như nhau thì Chu ky lứa đẻ của nái trong đàn là 145 ngày. Giả sử trong một lý do nào đó trong đó 500 nái có cùng Chu kỳ lứa đẻ là 145 ngày (ví dụ trên), và trong đó có 100 nái có Chu kỳ lứa đẻ tăng lên thêm 21 ngày (145 + 21 ngày).

Như vậy, Chu kỳ lứa đẻ của trại được tính như sau:

                                       (145 ngày  x 500 nái ) + (166 x 100 nái)

Chu kỳ lứa đẻ trang trại =  ——————————————– = 147.1 ngày   (1)

                                                              Tổng 600 nái

 

Như vậy chu kỳ ngày đẻ của trại tăng lên 2.1 ngày (147.1 – 145)

2. Hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại

Hệ số lứa đẻ/nái/năm của một nái là số lứa đẻ của nái trong một năm. Chúng ta có thể tính hệ số lứa đẻ/nái/năm cho từng nái và cho cả trại. Công thức tính hệ số lứa đẻ/nái/năm từng nái và chung cả trại được tính như sau:

a) Hệ số lứa đẻ/nái/năm của một nái:

Hệ số lứa đẻ/nái/năm = 365 ngày/Chu kỳ lứa đẻ của nái   (2)

b) Hệ số lứa đẻ/nái/năm của cả trại:

Hệ số lứa đẻ/nái/năm của Trang trại  = 365 ngày/Chu kỳ lứa đẻ trang trại   (3)

Ví dụ: Một trang trại có 600 heo nái sinh sản.

Chu kỳ lứa đẻ của một nái bằng = 115 ngày mang thai + 25 ngày nuôi con + 5 ngày thời gian từ cai sữa đến lên giống = 145 ngày.

1) Nếu 600 nái có cùng chu kỳ đẻ giống nhau, thì Chu kỳ lứa đẻ của trang trại sẽ là 145 ngày. Hệ số lứa/nái/năm của nái sẽ là: 365 ngày/145 ngày = 2,52 lứa/năm.

2) Cùng ví dụ trên, giả sử có 500 nái có Chu kỳ đẻ giống nhau là 145 ngày, còn 100 nái có chu kỳ đẻ là 166 ngày (100 nái có số ngày lên giống sau cai sữa thêm 21 ngày, khi đó Chu kỳ lứa đẻ của 100 nái này bằng 115 ngày + 25 ngày nuôi con + 5 ngày từ cai sữa đến lên giống + 21 ngày tăng thêm = 166 ngày) vậy thì Chu kỳ lứa đẻ của trại được tính như sau:

                                                              365 ngày

Hệ số lứa đẻ/nái/năm trang trại là = —————- = 2.48 lứa/nái/năm     (4)

                                                            147.1 ngày

(Ghi chú: chu kỳ lứa đẻ của trại 147.1 ngày được tính theo công thức (1))

 

Đối với 100 nái chậm lên giống (tăng thêm 21 ngày) có hệ số lứa đẻ/nái/năm là 2.20 (365 ngày/166 chu kỳ đẻ). Trường hợp này cũng giống như trường hợp nái khi nái không bầu hoặc nái sẩy thai sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của trại. Vì làm giảm số lứa/năm của nái và đồng nghĩa với giảm số heo con/năm.

Trong thực tế, nếu chúng ta ngoại suy ví dụ trên với một trang trại nái sản trong một thời gian nhất định, chu kỳ lứa đẻ sẽ là tổng trung bình thời gian của chu kỳ cộng với trung bình thời gian cho con bú (thời gian heo con theo mẹ) và cộng với thời gian từ cai sửa đến phối và đậu thai trong suốt quãng thời gian này.

Ngoài ra, chúng có cách thứ hai tính toán thông số này bằng cách dựa vào tổng số lần đẻ của nái/năm. Ví dụ: nếu chúng ta biết số lứa đẻ của trại trong 6 tháng vừa qua và tổng số trung bình của đàn nái trong giai đoạn này thì áp dụng công thức như sau:

                                                          Tổng số lứa đẻ của trong 6 tháng * 2

Chu kỳ đẻ trung bình của nái/năm = ————————————————- 

                                                      Tổng số trung bình đàn nái trong 6 tháng

Công thức này có vẻ thực tế hơn công thức trên vì nó dựa vào số liệu thực tế trong 6 tháng đầu của trại để suy tính chu kỳ trung bình đẻ của nái/năm. Tuy nhiên, công thức này dựa vào số liệu của 6 tháng sau cũng giống như 6 tháng trước đó. Nếu 6 tháng sau có biến động lớn trong đàn nái thì độ chính xác sẽ bị giảm.

3. Những nhân tố ảnh hưởng đến Chu kỳ lứa đẻ

1) Không cho nái ăn đầy đủ, nái ăn kém trong thời gian nuôi con. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất, nái cần phải được cho ăn đầy đủ để có năng lượng để duy trì hoạt động hàng ngày của nái và có đủ sữa nuôi con. Đặc biệt đối với nái đẻ lứa một, thể trạng nái chưa phát triển toàn diện nên cần phải duy trì thể trạng tốt sau khi cai sữa. Nếu thể trạng nái kém, sau khi cai sữa nái sẽ lên giống chậm và ảnh hưởng xấu đến chu kỳ lứa đẻ  của nái. Có thể ảnh hưởng xấu đến năng suất của các lứa tiếp theo; Trong thực tế người ta có thể tính nhẩm như sau: nái nuôi con cần ăn khoảng 1.8 kg cám/ngày để duy trì các hoạt động hằng ngày của nái và cứ mỗi con heo con nái nuôi thì tăng thêm 0.50 kg cám/ngày/heo con. Ví dụ nái nuôi 10 heo con, lượng cám nái ăn/ngày = 6.80kg (1.80kg+0.50kgx10).

2) Thay đổi mùa (thời tiết) trong năm. Nói chung, khi nhiệt tăng trong mùa hè chúng ta có thể thấy sự gia tăng ngày trong chu kỳ đẻ. Vì thời tiết nóng và nái sẽ ăn ít. Khi nái ăn ít sẽ thiếu sữa và nái sẽ lên giống chậm vì mất thể trạng, đặc biệt khi nái được nuôi trong chuồng hở. Ngoài ra, nái ăn ít sẽ cho ra ít sữa và ảnh hưởng đến trong lượng của heo con khi cai sữa.

3) Thời gian nuôi con: Nếu thời gian nuôi con quá ít (ví dụ 16 ngày) sẽ dẫn đến nái lên giống chậm, bởi vì với thời gian này tử cung chưa hoàn toàn phục hồi. Ngược lại, nếu ngày nuôi con quá dài thì cũng ảnh hưởng đến Chu kỳ đẻ của nái.

4. Sự ảnh hưởng của Chu kỳ lứa đẻ đến năng suất của trại

Để thấy được sự ảnh hưởng của Chu kỳ lứa đẻ đến năng suất sản xuất của trang trại (số heo con cai sữa/năm) chúng ta xem ví dụ dưới đây.

Giả sử một trại có bình quân số con heo con cai sữa/lứa là 10 con. Chúng ta xem xét sự khác biệt năng suất khi

Chu kỳ lứa đẻ thay đổi:

1) Trường hợp thứ nhất: giả sử Chu kỳ lứa đẻ là 151 ngày:

Hệ số lứa đẻ/nái/năm: 365/151 = 2.42 lứa/nái/năm

Tổng số heo con cai sữa/nái/năm: 2.42 *10 con = 24.20 heo con cai sữa /nái/năm.

2) Trường hợp thứ hai: Giả sử Chu kỳ lứa đẻ là 158 ngày (tăng thêm 7 ngày):

Hệ số lứa đẻ/nái/năm: 365 ngày/158 ngày = 2.31 lứa/nái/năm

Tổng số heo con cai sữa/nái/năm: 2.31 *10 con = 23.1 heo con cai sữa /nái/năm.

Qua ví dụ trên, ta thấy khi Chu kỳ lứa đẻ tăng thêm 7 ngày thì sẽ giảm 1.1 con heo con cai sữa/nái/năm. Giả sử trại có 600 nái sinh sản, thì tổng số heo con cai sữa của trại sẽ giảm là 660 con heo con cai sữa/năm (600 nái x 1.1 con = 660), tương đương 94.28 con heo con cai sữa tính trên mỗi ngày tăng thêm trong Chu kỳ lứa đẻ.

Như vậy, Chu kỳ lứa đẻ có ảnh hưởng lớn đến của năng suất sản xuất của trang trại.  Do đó, chủ trang trại cần phải giảm Chu kỳ lứa đẻ của trang trại.

5. Một số nhân tố ảnh hưởng tới Chu kỳ lứa đẻ, Hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại

Trong các giai đoạn sản xuất của nái thì thời gian mang thai ít biến động và thường dao động từ 112 đến 116 ngày. Chu kỳ lứa đẻ, Hệ số lứa đẻ/nái/năm của từng nái và chung của Trại bị ảnh hưởng bởi một số chỉ tiêu: Số ngày nuôi con, số ngày lên giống sau cai sữa. Dưới đây xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố đến Chu kỳ lứa đẻ và Hệ số lứa đẻ/nái/năm:

1) Thời gian nuôi con (số ngày cai sữa):

Thời gian nuôi con ảnh hưởng rất lớn đến Chu kỳ lứa đẻ và Hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại và ảnh hưởng đến năng suất của trang trại. Khi tăng một ngày nuôi con thì Chu kỳ lứa đẻ tăng thêm một ngày nhưng Hệ số lứa đẻ/nái/năm của Trang trại giảm đi gần 1 phần trăm. Đây là một trong những nhược điểm của việc tăng số ngày nuôi con (ngày cai sữa). Tuy nhiên, trên thực tế nếu tăng số ngày nuôi con thì trọng lượng heo con cai sữa tốt hơn. Vì vậy trang trại cần giảm số ngày nuôi con nhưng vẫn đảm  bảo được  trọng lượng heo con cai sữa tốt.

2) Khoảng thời gian cai sữa đến phối và đậu thai:

Thông số này cũng có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ lứa đẻ của nái và chu kỳ lứa đẻ của Trang trại. Chủ yếu bởi hai chỉ số: khoảng thời gian cai sữa – phối giống và các tổn thất sinh sản do sẩy thai và nái không bầu…

3) Thời gian nái sau cai sữa đến lên giống:

Nếu khoảng thời gian này càng dài thì Chu kỳ lứa đẻ càng lớn. Do vậy, Chủ trang trại cần phải giảm đến mức tối thiểu tỷ lệ nái chậm lên giống (không quá 7 ngày). Nếu nái sau 7 ngày không lên giống sau cai sữa thì nái đó được xếp loại nái có “vấn đề” và cần có giải pháp xử lý kịp thời.

4) Vấn đề sinh sản (sẩy thai, không bầu):

Như chúng ta đã biết, mỗi khi nái có “vấn đề” sinh sản sẽ đưa đến khoảng thời gian đẻ tệ hơn, số ngày không làm việc (NPD) của nái sẽ lớn hơn. Ví dụ, một con nái bị sẩy thai ở gian đoạn 55 ngày sau khi phối và sau đó được phối lại sau 25 ngày. Như vậy tổng số ngày nái không làm việc là 80 ngày, điều này sẽ ảnh hưởng đến khoảng thời gian đẻ nhiều hơn 4 lần so với nái lên giống sau 20 ngày.

Do vậy, chủ trang trại cần làm giảm số ngày không làm việc (NPD) của nái và của toàn trang trại càng thấp càng tốt.

6. Một số giải pháp giảm Chu kỳ lứa đẻ

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp giảm Chu kỳ lứa đẻ:

1) Phải đảm bảo thể trạng nái tốt liên tục, tránh biến đổi lớn về thể trạng giữa thời gian mang thai và nuôi con;

2) Đảm bảo nhiệt độ trong chuồng ổn định, phù hợp, tránh nhiệt độ quá cao. Sử dụng các hệ thống làm mát hiệu quả trong những ngày hè có nhiệt độ cao;

3) Cung cấp nước đầy đủ cho nái uống, cho ăn nhiều lần/ngày (ví dụ 3-4/lần/ngày). Những ngày nóng bức, nên cho ăn lúc sáng sớm và chiều tối;

4) Đối với những nái đẻ nhiều con, chủ trại nên tách những con có trọng lượng lớn nhất sang bày khác và nên để nuôi ít nhất 7 heo con mỗi lứa. Không nên để nái nuôi quá ít con, nái có thể lên giống sớm trong lúc nuôi con;

5) Giảm căng thẳng tối đa cho nái mang thai, đặc biệt từ ngày 11 đến ngày 18 sau khi phối. Không để nhiệt độ trong trại bầu tăng giảm đột ngột, không gây tiếng động mạnh trong thời gian nái ngủ. Ngoài ra chuồng phải được thoáng mát và khô ráo.

6) Sử dụng sản phẩm dinh dưỡng có chứa các khoáng vi lượng như đồng, kẽm và mangan là 3 loại khoáng vi lượng cần thiết nhất đối với heo nái. Cho nái ăn đủ hàm lượng các khoáng chất này là điều rất quan trọng cho sức khỏe và khả năng sinh sản thành công của nái trong đàn. Ví dụ sản phẩn SowStart cho nái ăn trong thời gian nuôi con (từ ngày thứ 7 đến khi cai sữa) và sản phẩm LitterStart sau khi nái cai sữa cho đến khi nái được phối. Hai sản phẩm SowStart và LitterStart nằm trong danh mục được phép nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam do Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (địa chỉ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nhập khẩu từ Canada và Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp An Phú (địa chỉ tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là nhà phân phối khu vực phía Bắc.

Tóm lại, với giá thịt heo hơi và heo giống hiên nay xuống quá thấp, người chăn nuôi đang lỗ nặng. Vì thế người chăn nuôi cần nên tăng năng suất và giảm chí phi, bằng cách chú ý đến Chu kỳ đẻ của trại, phân tích và truy suất các nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu và từ đó cần phải có những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục hậu quả. Trong tình trạng chăn nuôi tại Việt nam hiện nay Chu kỳ đẻ trung bình khoảng từ 2.1 đến 2.35, nếu chúng ta biết cách quản lý tốt hệ số này có thể tăng lên từ 2.45 đến 2.55./.

Phan Văn Danh

Nguồn: HTX Dịch vụ Chăn nuôi Xuân Phú, Đồng Nai

Từ khóa
  • chăm sóc lợn nái
  • năng suất heo nái

1 Comment

  1. Lê Tiến Song 21/09/2024

    Nuôi 600 nái CP làm chuồng trại hết bao nhiêu bác?

    Bình luận

Để lại comment của bạn

Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.

Họ tên:

Email:

Bình luận

Δ

Từ khóa » Hệ Số Lứa đẻ