Chữ Ký Scan Trong Hợp đồng Có Giá Trị Pháp Lý Không?

Chữ ký scan trong hợp đồng có giá trị pháp lý không hiện là vấn đề còn gây tranh cãi. Tiện ích mà công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại đem lại đã giúp hình thành những thói quen GIAO DỊCH mới, điển hình là giao dịch dưới dạng điện tử. Hệ quả hình thành các dạng chữ ký điện tử, chữ ký scan có được xem là chữ ký điện tử. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị pháp lý của chữ ký scan.

Hợp đồng giao dịch dưới dạng điện tử đang trở nên phổ biến

Hợp đồng giao dịch dưới dạng điện tử đang trở nên phổ biến

Mục Lục

  • 1 Chữ ký điện tử là gì?
  • 2 Chữ ký scan
  • 3 Giá trị pháp lý của chữ ký scan theo pháp luật Việt Nam
    • 3.1 Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005
    • 3.2 Theo Bộ luật Dân sự năm 2015
    • 3.3 Cách tiếp cận của Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến giá trị của chữ ký điện tử
  • 4 Hậu quả pháp lý khi hợp đồng có chữ ký scan

Chữ ký điện tử là gì?

Pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa thế nào là chữ ký điện tử. Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chỉ ra các đặc tính của chữ ký điện tử, bao gồm: Được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử; Được gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với hợp đồng điện tử (ví dụ dưới định dạng PDF hoặc Word); Có khả năng xác nhận người ký hợp đồng điện tử và xác nhận sự chấp thuận của người.

Các hình thức phổ biến của của chữ ký điện tử hiện nay là: Chữ ký số, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh.

Chữ ký scan

Chữ ký scan là một giải pháp hữu hiệu dành cho các hợp đồng trong trường hợp các bên hay nhiều bên của hợp đồng không ở cùng một địa điểm. Đặc biệt, chữ ký scan được sử dụng thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia và có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể.

Cách thức sử dụng chữ ký scan: Hợp đồng được người ký in ra từ dữ liệu điện tử và người ký của mỗi bên ký trực tiếp trên văn bản giấy của hợp đồng bằng chữ ký sống; hợp đồng cùng với chữ ký trên hợp đồng sẽ được chuyển thành dạng điện tử (ví dụ: bằng cách quét hình (scanning) và bản quét hình (tệp dữ liệu điện tử) của hợp đồng đã ký, sau đó được gửi đi bằng thư điện tử.

Giá trị pháp lý của chữ ký scan theo pháp luật Việt Nam

Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005

Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử như sau:

  • Đối với văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
  • Đối với văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.

Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định rõ về chữ ký số là một loại chữ ký điện tử. Còn về chữ ký scan, chữ ký hình ảnh Pháp luật Việt Nam lại chưa quy định cụ thể đó có phải là một loại chữ ký điện tử hay không.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hình thức giao kết hợp đồng có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Liên quan đến hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản, Khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Theo quy định này thì không yêu cầu cụ thể chữ ký sống hay chữ ký điện tử. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng công nhận “hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản” và công nhận giao dịch thông qua phương tiện điện tử.

>>> Xem thêm: Quy định sử dụng chữ ký điện tử trên hợp đồng kinh tế

Cách tiếp cận của Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến giá trị của chữ ký điện tử

Các án lệ và bản án của Tòa án nhân dân tối cao đưa ra trong thời gian gần đây cho thấy tòa án ngày càng xem xét bản chất của sự chấp thuận hơn là hình thức của sự chấp thuận và điều này giúp hạn chế rủi ro hợp đồng bị vô hiệu khi có vấn đề liên quan đến hình thức thỏa thuận (trong đó có vấn đề về chữ ký).

Cách tiếp cận của Tòa án nhân dân tối cao

Cách tiếp cận của Tòa án nhân dân tối cao

Các án lệ điển hình:

Án lệ số 04/2016/AL ngày 6/4/2016 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tranh chấp giữa Kiều Thị Tý và Chu Văn Tiến với Lê Văn Ngự -Án lệ 04)

Án lệ 04, bên bán trong một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hai vợ chồng nhưng chỉ có một mình người chồng ký hợp đồng. Tuy nhiên, người vợ đã biết về giao dịch này, đã không phản đối giao dịch và đã sử dụng tiền có được từ việc chuyển nhượng cho các mục đích khác nhau, bao gồm việc cho tặng con cái. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên rằng, hợp đồng không bị vô hiệu mặc dù đã có vi phạm về yêu cầu phải có chữ ký (cụ thể là người vợ đã không ký hợp đồng này) do người vợ đã không phản đối hợp đồng và việc người vợ sử dụng tiền có được từ việc chuyển nhượng chứng tỏ có sự chấp thuận của người vợ đối với hợp đồng.

Án lệ số 07/2016/AL ngày 17/10/2016 về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 (tranh chấp giữa Nguyễn Đình Sông, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hương với Đỗ Trọng Thành, Đỗ Thị Nguyệt, Vương Chí Tường, Vương Chí Thắng, Vương Bích Vân, Vương Bích Hợp – Án lệ 07)

Án lệ 07, trong hợp đồng mua bán nhà chỉ được bên bán ký và ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền. Bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Trong trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên rằng, hợp đồng mua bán nhà không bị vô hiệu và được công nhận giá trị pháp lý.

Theo các án lệ trên, chữ ký không quan trọng để xác định hiệu lực của hợp đồng. Đây là xu hướng phát triển rất đáng lưu ý trong thực tiễn áp dụng pháp luật gần đây của tòa án.

Hậu quả pháp lý khi hợp đồng có chữ ký scan

Pháp luật Việt Nam hiện chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và được ký bằng chữ ký số. Pháp luật chưa quy định rõ giá trị pháp lý của chữ ký scan cho nên hợp đồng được ký bằng chữ ký scan không đương nhiên có hiệu lực.

Giá trị của chữ ký scan chưa được pháp luật công nhận

Giá trị của chữ ký scan chưa được pháp luật công nhận

Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ hiệu lực của văn bản, giao dịch được ký bằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh nếu giao dịch đó đáp ứng các điều kiện của giao dịch có hiệu lực.

Bài viết trên đây là khái niệm về chữ ký scan và giá trị pháp lý của chữ ký scan trong hợp đồng theo pháp luật Việt Nam. Nếu quý khách còn có thắc mắc liên quan đến bài viết hoặc cần hỗ trợ TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Chữ Ký Không ổn định