Chữ Mông Và Tình Hình Dạy Chữ Mông Trong Trường Phổ Thông

Đáp ứng nguyện vọng của người Mông, Nhà n­ước ta đã sớm xây dựng và ban hành bộ chữ Mông. Năm 1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 206/CP ngày 27/11/1961 về việc phê chuẩn phương án chữ Mèo (Mông). Kể từ đó chữ Mông đã chính thức ra đời, đáp ứng mơ ước ngàn đời của người Mông ở Việt Nam.

Ngay sau khi có chữ Mông, Chính phủ đã chỉ đạo ngành giáo dục triển khai dạy chữ Mông trong trường học. Năm học 1962 - 1963, chữ Mông đã được đưa vào dạy trong trường phổ thông ở vùng người Mông thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La,... Liên tiếp những năm sau đó, việc dạy chữ Mông đã được triển khai rộng khắp vùng người Mông. Việc triển khai dạy học chữ Mông đã thu được những kết quả quan trọng trong việc huy động học sinh đến trường và giúp trẻ em người Mông thực hiện hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Không chỉ dạy chữ Mông trong trường phổ thông, việc dạy chữ Mông còn được triển khai trong phong trào bình dân học vụ. Tại nhiều địa phương, phong trào học chữ Mông, thanh toán nạn mù chữ bằng chữ Mông phát triển rầm rộ. Tiêu biểu trong phong trào đó phải kể đến thành tích của nhân dân xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã xoá xong nạn mù chữ chỉ trong vòng hai năm và được Chính phủ tặng thưởng Huân ch­ương Lao động hạng Ba vào năm 1964.

Sau một thời gian triển khai thực hiện dạy chữ Mông trong trường học, do không có sự chuẩn bị đầy đủ về đào tạo giáo viên, chương trình và sách giáo khoa nên việc dạy học chữ Mông bộc lộ những hạn chế. Vì vậy nhiều địa phương đã ngừng dạy chữ Mông. Riêng địa phương tỉnh Yên Bái do làm tốt công tác đào tạo giáo viên (dạy tiếng Mông trong trường sư phạm) nên vẫn duy trì việc dạy chữ Mông suốt từ những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ XX.

Rút kinh nghiệm về những thành công và hạn chế của việc dạy học chữ Mông những năm 60, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ngành giáo dục triển khai chương trình thực nghiệm mới về dạy chữ Mông trong trường học. Chương trình thực nghiệm đã chuẩn bị bài bản và đầy đủ về xây dựng chương trình, sách giáo khoa và bồi dưỡng giáo viên. Kết quả triển khai thực nghiệm dạy chữ Mông giai đoạn này đã đảm bảo chất lượng và được nhiều địa phương ủng hộ.

Với những thành công của chương trình thực nghiệm dạy tiếng Mông, năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 75/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2008 về việc Ban hành Chương trình tiếng Mông cấp tiểu học. Sau khi có chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành bộ sách giáo khoa tiếng Mông cấp tiểu học gồm 3 quyển. Từ đó việc dạy tiếng Mông trong trường phổ thông được thực hiện một cách bài bản và chất lượng.

Sau khi có chương trình và sách giáo khoa được ban hành chính thức, việc dạy tiếng Mông trong trường học đã được triển khai mạnh mẽ. Năm học 2008 -2009, mới chỉ có tỉnh Yên Bái triển khai dạy tiếng Mông trong 17 trường, 49 lớp và 1.402 học sinh. Sau 5 năm, đến năm học 2013 - 2014 đã có 5 tỉnh (Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An, Điện Biên, Sơn La) triển khai dạy học tiếng Mông, mở rộng quy mô gấp gần mười lần với 86 trường, 497 lớp và 9.374 học sinh. Cho đến năm 2019 quy mô dạy học tiếng Mông trong trường phổ thông đã là 114 trường, 584 lớp và 14.277 học sinh.

Trong hơn 50 năm duy trì và vận động, việc dạy tiếng Mông đã đem lại hiệu quả giáo dục to lớn đối với vùng đồng bào Mông. Việc dạy học tiếng Mông thực sự trở thành một thành tựu giáo dục góp phần làm thay đổi xã hội vùng người Mông. Cùng với thành tựu đó, chữ Mông đã trở thành giá trị văn hóa góp phần to lớn vào sự hưng thịnh của dân tộc Mông ở Việt Nam. Đến nay, người Mông ở Việt Nam vẫn luôn luôn coi chữ Mông Việt Nam là bộ chữ của dân tộc mình. Chữ Mông Việt Nam là một phần giá trị văn hóa của dân tộc Mông, là niềm tự hào của dân tộc Mông.

Hiện nay, bộ chữ Mông Việt Nam vẫn đang tiếp tục được đưa vào dạy học trong trường học. Tuy vậy, bộ chữ này có quá ít tài liệu, ấn phẩm, phương tiện sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến việc phổ biến và ứng dụng bộ chữ Mông Việt Nam còn hạn chế. Trong khi đó đang có một bộ chữ Mông khác gọi là chữ Mông Mỹ được sử dụng rộng rãi trong các văn bản Kinh thánh (Tin Lành), trang mạng Internet, băng đĩa Karaoke, truyện tranh, tờ rơi,… Do tần xuất sử dụng nhiều và rộng rãi nên bộ chữ Mông Mỹ có nhiều người biết và sử dụng.

Nếu đem so sánh bộ chữ Mông Việt Nam và bộ chữ Mông Mỹ, thấy rằng bộ chữ Mông Việt Nam có ưu điểm vượt trội. Chẳng hạn như bộ chữ Mông Việt Nam có hệ thống ký tự đơn giản hơn (số âm ghi bằng 3, 4 ký tự ít hơn), có bộ vần nhiều hơn (nhiều gấp 5 lần) và đặc biệt có khả năng ghi âm đầy đủ và chính xác tiếng của năm ngành Mông (chữ Mông Mỹ chỉ ghi âm được tiếng Mông Trắng). Những ưu điểm của chữ Mông Việt Nam đảm bảo cho việc thống nhất và phát triển ngôn ngữ dân tộc Mông.

Để bộ chữ Mông Việt Nam, cái “Chữ của Đảng, của Bác Hồ” ngày càng được phát huy, phát triển đáp ứng nhu cầu sử dụng của đồng bào Mông, chúng ta cần làm một số việc sau:

Thứ nhất: Cần tiếp tục mở rộng quy mô dạy học tiếng Mông trong trường phổ thông, trong trung tâm giáo dục thường xuyên. Đẩy mạnh việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông trong các trường sư phạm vùng dân tộc Mông đảm bảo cung cấp đội ngũ giáo viên dạy tiếng Mông chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu học tiếng Mông của trẻ em dân tộc Mông. Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tiếng Mông và chữ Mông Việt Nam cho đội ngũ cán bộ công chức công tác ở vùng dân tộc Mông, nhất là đội ngũ giáo viên. Các hoạt động dạy và học này sẽ góp phần tích cực trong việc mở rộng không gian sử dụng, thực hành tiếng Mông và chữ Mông Việt Nam.

Thứ hai: Chính quyền các địa phương vùng dân tộc Mông cần quan tâm công tác tuyên truyền về chữ Mông Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Mông. Chú trọng công tác sưu tầm văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Tổ chức công bố, giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, văn học, phong tục tập quán, sinh hoạt của người Mông. Chú trọng việc xuất bản các ấn phẩm văn hóa bằng chữ Mông Việt Nam để đồng bào Mông được thường xuyên tiếp xúc với chữ Mông Việt Nam.

Thứ ba: Các cơ quan văn hóa, giáo dục, y tế, nông - lâm nghiệp,... của các địa phương vùng đồng bào Mông cần tích cực và năng động sáng tạo trong việc biên soạn, in ấn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm, phim ảnh, tờ rơi,... bằng chữ Mông Việt Nam. Người Mông rất cần xem truyền hình, xem phim, xem ca nhạc,... bằng tiếng Mông và có phụ đề bằng chữ Mông Việt Nam. Trẻ em người Mông rất cần đọc truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ, câu đố, truyện, tiểu thuyết,... bằng chữ Mông Việt Nam. Bà con nông dân người Mông rất cần đọc các tài liệu tư vấn kỹ thuật, sách phổ biến kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi, sách phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, tờ rơi thông tin, quảng cáo,... bằng chữ Mông việt Nam,... Những nhu cầu đó là chính đáng và cũng là cơ sở để phát huy giá trị của bộ chữ Mông Việt Nam.

Không gì có thể thay thế được ưu thế của một bộ chữ viết nếu như bộ chữ ấy không đem ra sử dụng trong đời sống. Đó là tình trạng của chữ Mông Việt Nam hiện nay và nó đang đặt ra yêu cầu đối với việc sử dụng chữ Mông. Đáp ứng nhu cầu sử dụng chữ Mông đang đòi hỏi, hy vọng các cấp, các ngành và toàn thể đồng bào Mông tiếp tục chung tay xây dựng môi trường ngôn ngữ và đẩy mạnh sử dụng chữ viết để chữ Mông Việt Nam ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và giữ vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Mông ở Việt Nam.

Từ khóa » Dân Tộc H'mông Và Mông