Dân Tộc “H'Mông” Hay Dân Tộc “Mông”?
Có thể bạn quan tâm
Đồng bào dân tộc Mông ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên) vui tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Kim Oanh
Tiếng Việt và tiếng Mông hiện nay đều là những ngôn ngữ sử dụng chữ cái latinh để ghi văn bản. Đó là loại chữ viết ghi từng âm vị nguyên âm, phụ âm trong hệ thống ngôn ngữ. Cách viết và đọc các tiếng (âm tiết) đều thực hiện theo trật tự trước, sau của các phụ âm, nguyên âm trong các tiếng. Việc này có thể thấy trong cách đánh vần.
Số lượng và cách ghi ký hiệu các phụ âm, nguyên âm bằng chữ cái latinh của tiếng Việt và tiếng Mông có những điểm khác biệt (tiếng Việt có 22 phụ âm chuẩn, tiếng Mông có 57 phụ âm). Các phụ âm giống tiếng Việt thì tiếng Mông đều có, số còn lại không giống. Vậy khác ở điểm nào? Các phụ âm tiếng Mông được cấu tạo khá phức tạp bởi tất cả các vị trí của lưỡi, họng, lưỡi con, mũi. Một phương thức phát âm của phụ âm tiếng Mông là phương thức mũi rất khác với nhiều ngôn ngữ, nhất là các ngôn ngữ họ Nam Á như Tày - Thái, Việt - Mường. Tức là phụ âm tiếng Mông sẽ có những cặp âm chỉ phân biệt bởi tiêu chí mũi - thường. Ví dụ: mor (cơm) – hmor yuô (yêu mến); Yuô (quý, mến) – nyuô (con chấy); Luôs (họ) – hluôs (trẻ)…
Các dấu hiệu “h, n” đi kèm các phụ âm là hình thức biểu thị cho phương thức mũi của các phụ âm tiếng Mông. Phụ âm /m/ và /hm/ của tiếng Mông cũng là cặp tương đồng, liên quan như vậy. Chúng được phân biệt bởi tính chất mũi và đối với người bản ngữ thì phải phát âm chuẩn, nếu không sẽ dẫn đến sai nghĩa hoặc vô nghĩa của từ. Khi đọc là “Hơ Mông” tự nhiên thành hai tiếng riêng biệt và đương nhiên là không có nghĩa. Trong khi đó ở tiếng Mông thì chỉ là một tiếng (một âm tiết). Phụ âm/hm/tiếng Mông là âm môi - môi. Khi phát âm luồng hơi từ phổi đi ra khoang miệng chia ra hai phần, một phần luồn qua khoang mũi tạo nên sự tiếng xát nhẹ. Phần còn lại được chặn lại khoang miệng và bật ra như phụ âm /m/ bình thường nhưng phát ra nhẹ hơn, mềm hơn, do thể tích và áp lực luồng hơi ở khoang miệng yếu. Do đó, phụ âm này có thể gọi là tiền xát mũi..
Người Mông có nhiều ý kiến không thống nhất về cách viết và đọc ở chữ viết các văn bản tiếng Việt: là “Mông” thì hợp lý, có người thì lại cho rằng chưa chuẩn, phải là “H’Mông” mới đúng. Có điều, chúng ta cần phải hiểu rằng: mỗi ngôn ngữ có tính bản sắc riêng về cấu tạo âm, số lượng âm và cách khái quát nghĩa của từ, không thể áp đặt hay đòi hỏi một ngôn ngữ khác phải đáp ứng được yêu cầu này. Tiếng Việt không thể đòi hỏi như chữ viết tiếng Nga, Anh phải thể hiện được dấu thanh điệu khi viết tên riêng, tên địa danh Việt! Tiếng Việt không có phương thức mũi hoá và chỉ có một phụ âm /m/ nên đã dùng chữ Mông “hm” để biểu thị. Nếu như yêu cầu viết là “H’Mông” mới được thì các phụ âm mũi khác của tiếng Mông khi viết bằng chữ Việt sẽ không giải quyết được. Hơn nữa, do cách nhìn hình thức chữ viết và đọc “hm” của người đọc, viết sẽ dẫn đến cách đọc hoặc suy diễn khác thành “Hơ Mông” làm cho nghĩa của từ sai lạc hẳn. Tiếng Mông lại không có từ nào là “Hơ Mông”, nhất là tên của dân tộc mình.
Rõ ràng người Mông khi nói tên tộc danh của mình là một tiếng “Mông”, có điều âm thanh này có giọng mũi nên rất nhẹ. Nó vẫn là một phụ âm đơn nhưng nhẹ hơn phụ âm /m/ thường. Nếu dùng chữ /hm/ trong tiếng Việt thì rất dễ đọc thành hai âm (phụ âm kép) “hờ mờ”. Chẳng hiểu sao dân tộc mình thế nào mà lại thành là “Hơ Mông” cơ chứ? Mình có phải là người Hơ Mông đâu, là người Mông chứ! Thật là lợi bất cập hại, chả ai biết đọc cả. Chỉ có người Mông và những người biết rõ về tiếng Mông là thấy buồn cười với cách phát âm “Hờ Mông, Hơ Mông”, còn những người không biết thì cứ thản nhiên, vô tư đọc và viết thành nhiều cách do chính hai chữ cái biểu thị phụ âm /m/ mũi hoá là “hm” gây nên.
Có phải ai cũng biết chữ Mông và phát âm tiếng Mông thế nào mới đúng và chuẩn đâu. Ngay cả những người học nói tiếng Mông và sống với người Mông mà vẫn không phân biệt được tính chất mũi hoá. Để viết bằng tiếng Việt và đảm bảo được tính đơn âm của phụ âm, đảm bảo được nghĩa của từ và tên tộc danh, chúng ta sử dụng một con chữ “m” của tiếng Việt để biểu thị là hợp lý nhất. Vì tính chất mũi hoá của phụ âm này nói riêng và các phụ âm mũi nói chung trong các danh từ tên riêng, danh từ chỉ địa danh của ngôn ngữ Mông không thể hiện hết được bằng chữ Việt kể cả các ngôn ngữ khác trong các nhóm Việt - Mường, Tày – Thái.
Trên đây là vài điểm về ngôn ngữ để chúng ta hiểu một phần về tiếng Mông, có cách nhìn nhận hợp lý hơn, nhất là trong cách viết, đọc và nói tên tộc danh “Mông” khi sử dụng trên phương diện tiếng phổ thông.
Từ khóa » Dân Tộc H'mông Và Mông
-
H'Mông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ý Kiến - Đề Nghị: Thống Nhất Cách Viết Và đọc Tên Dân Tộc Mông
-
Dân Tộc Mông (H'Mông) - UBND Tỉnh Sơn La
-
Dân Tộc Mông (HMông) - UBND Huyện Yên Châu
-
Dân Tộc Mông (H'Mông) - Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam
-
Dân Tộc H'Mông,dan Toc H'mong - Du Lịch Tây Bắc 2022
-
Quân đội Nhân Dân Việt Nam - Bộ Quốc Phòng
-
Hội Thảo Lấy ý Kiến Sửa đổi, Cách Viết, Tên Gọi Dân Tộc Hmông
-
Trang Phục Người Dân Tộc H'Mông - Du Lịch Hồ Ba Bể
-
Dân Tộc Mông - UBND Tỉnh Lai Châu
-
Người H'Mông ở Phố - Báo Nhân Dân
-
Chữ Mông Và Tình Hình Dạy Chữ Mông Trong Trường Phổ Thông
-
Nhóm Ngôn Ngữ Mông - Dao | Ban Dân Vận Trung ương