CHỮ NÔM VÀ VĂN HỌC CHỮ NÔM - Khoa Ngữ Văn

Việt Nam cũng như các nước Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc qua giao lưu đã chịu ảnh hưởng văn hóa Hán của Trung Quốc và đã sử dụng chữ Hán trong một thời gian nhất định. Ở Việt Nam, chữ Hán có mặt từ rất sớm, có thể kể từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, sau này, đến hết thời kỳ “Bắc thuộc” - thời kỳ đô hộ của chế độ phong kiến phương Bắc (thế kỷ I - X) chữ Hán tiếp tục phát triển. Từ năm 939 trở về sau, Việt Nam thoát khỏi sự thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán vẫn được thịnh hành và khẳng định vị trí quan trọng của nó trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của người Việt. Chữ Hán trở thành một phương tiện quan trọng để nâng cao dân trí, thi cử, đào tạo nhân tài và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam.

Từ chữ Hán, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm, được sử dụng và phát triển trong đời sống văn hóa của người Việt. Xét về mặt vị trí, thì chữ Hán được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng, được xem là văn tự chính thống của quốc gia. Còn chữ Nôm chủ yếu được phát triển trong sáng tác văn học, tuy nhiên cũng có những triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng chữ Nôm, như triều Tây Sơn (1788 - 1802).

Chữ Nôm ra đời có ý nghĩa hết sức lớn lao, đánh dấu bước phát triển của nền văn hóa dân tộc, ý thức tự cường và khẳng định vai trò, địa vị của tiếng Việt. Như mọi người đều biết, tiếng Việt của chúng ta rất giàu hình ảnh, là tiếng nói của nhân dân, là lời văn trong sáng của các nhà ngoại giao và là ngôn ngữ cảm xúc văn học trong các sáng tác của các nhà thơ, nhà văn và là kho tàng ca dao trong sáng tác văn học dân gian. Tiếng Việt của chúng ta giàu tình cảm, nhiều màu sắc và âm điệu, phản ánh tâm hồn trong sáng và cốt cách vĩ đại của nhân dân Việt Nam trải hàng ngàn năm lịch sử.

Có nhiều học giả trong và ngoài nước đã đi sâu tìm hiểu về sự ra đời của chữ Nôm và có nhiều ý kiến khác nhau: Lê Dư và GS. Nguyễn Đổng Chi đã căn cứ vào ý “Sĩ Vương bắt đầu lấy chữ Hán để dịch ra tiếng ta” của Nguyễn Văn San trong Đại Nam quốc ngữ, để đưa ra nhận định cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ II)(1). Nguyễn Văn Tố thì dựa vào chữ “Bố Cái” mà nhân dân suy tôn Phùng Hưng là “Bố Cái đại vương” để cho rằng chữ Nôm có từ cuối thế kỷ thứ VIII(2). Học giả Trần Văn Giáp đã căn cứ vào chữ “Cồ” trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt”, để cho rằng chữ Nôm có từ thời nhà Đinh(3). Trần Huy Bá dựa vào chữ “Ông Hà” khắc trên quả chuôngVân Bản tự chung minh tìm được ở Đồ Sơn có niên đại năm 1076, để cho rằng chữ Nôm có từ thời nhà Lý(4). Hai nhà nghiên cứu là GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS. Lê Văn Quán đã căn cứ vào mặt thanh mẫu, vận mẫu để chứng minh chữ Nôm không thể có từ thời Sĩ Nhiếp(5)mà xuất hiện sau thời Đường Tống(6). GS. Đào Duy Anh cho rằng: do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới các triều Đinh, Lê và đầu Lý, chữ Nôm đã xuất hiện(7).

Bắt đầu từ thời nhà Lý, chúng ta thấy trong các văn bia hiện còn lưu giữ được, xuất hiện những chữ Nôm ghi tên đất và tên người, như:Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí (niên đại 1173) có các chữ:: “Bà Cảm, đầu đình, cửa ngõ, bến sông”; Chúc Thánh Báo Ân tự bi(niên đại 1185-1214) có các chữ: “Bà Đỗ, đồng Mộc”; Báo Ân thiền tự bi ký (niên đại 1210) có các chữ” “đồng Hấp, đồng Chài, đồng Nhe”. Những chữ Nôm khắc trên các văn bia thời Lý là sản phẩm của giai đoạn đầu trong quá trình hình thành và phát triển của chữ Nôm trong các văn bản và làm tiền đề tạo nên văn học chữ Nôm ở Việt Nam sau này.

Chữ Nôm ra đời, đã đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển của nền văn hóa dân tộc, giai đoạn nước Đại Việt vững bước trong kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất. Ở thời nhà Lý, chữ Nôm xuất hiện trong các văn bản chỉ đơn thuần là những từ ghi tên người hay tên đất; nhưng sang thời nhà Trần thì đã phát triển thịnh hành và bắt đầu dùng trong ghi chép trước thuật để tạo nên văn học chữ Nôm.

Thời Trần, theo các tài liệu đã công bố, chúng ta còn lưu giữ được một số văn bản được coi là văn học chữ Nôm ở vào thời kỳ này. Trước hết phải kể đến Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của vua Trần Nhân Tông (1258-1308), tổ thứ nhất của phái Thiền tông Trúc Lâm; tiếp đến là Hoa Yên tự phú của Lý Đạo Tái (1254-1334), đạo hiệu là Huyền Quang, tổ thứ ba của phái Thiền tông Trúc Lâm và Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi (thế kỷ XIV). Bốn bài phú này, hiện còn được ghi chép trong sách Thiền tông bản hạnh.

Ngoài ra, các bộ sử lớn của Việt Nam, như Đại Việt sử ký tiền biên(q.5, t.37) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (q.7, t.26) đều ghi: “Mùa thu tháng 8 năm Nhâm Ngọ niên hiệu Thiên Bảo thứ 4 (1282), có cá sấu đến sông Lô, Vua sai quan Thượng thư Bộ Hình là Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu tự bỏ đi. Vua cho việc ấy giống việc làm Hàn Dũ (đời nhà Đường) nên ban cho ông họ Hàn. Thuyên giỏi thơ phú quốc ngữ, nhiều người bắt chước làm. Nay gọi thơ quốc âm là Hàn luật bắt đầu từ đây”. Rất tiếc bài văn của Nguyễn (Hàn) Thuyên đã bị thất truyền, còn tập thơ của ông làPhi sa tập cũng đã thất truyền, nhưng theo Phan Huy Chú ghi trongLịch triều hiến chương loại chí (phần Văn tịch chí) thì “Tập này có nhiều thơ quốc âm”. Như vậy, theo các tư liệu lịch sử thì Nguyễn (Hàn) Thuyên là người giỏi về văn và thơ Nôm, rất tiếc các tác phẩm của ông hiện không còn. Căn cứ vào ghi chép của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì Chu Văn An (?-1370) cóTiều ẩn quốc ngữ thi tập (đã bị thất truyền), sau này các nhà nghiên cứu cho rằng có thể trong tập thơ này có thơ chữ Nôm. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, q.7, t.44) thì Nguyễn Sĩ Cố (thế kỷ XIV) cũng giỏi làm văn thơ quốc âm, để cho mọi người theo; và cũng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, q.11, t.3 và t.22) có chép việc Hồ Quí Ly (cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV) có làm thơ quốc âm để tặng vua Trần Nghệ Tông và dịch thiên Vô dật trong Kinh Thư ra quốc ngữ để dạy cho các quan gia (nhưng đều thất truyền). Theo Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử thì Hồ Tông Thốc (thế kỷ XIV) có soạn cuốn Phú học chỉ nam và Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) cùng nhiều nho sĩ có làm bài phú Con ngựa lá.

Nhìn chung, tác phẩm văn học chữ Nôm thời Trần truyền lại đến nay không được nhiều; những tác phẩm này tuy thuộc thời Trần, nhưng chắc chắn đã được người đời sau sửa chữa, thay đổi, vấn đề giám định văn bản vẫn đang được đặt ra cho giới Hán Nôm học. Nhưng đây là những văn bản có giá trị giúp chúng ta tìm hiểu về sự hình thành văn Nôm (đặc biệt là văn Nôm biền ngẫu) nói riêng và văn học chữ Nôm thời Trần nói chung. Các tác gia văn học thời Trần đã tạo nền móng cho việc sáng tác văn học bằng ngôn ngữ dân tộc. Đây là sự khởi đầu, tạo tiền đề cho sự phát triển nở rộ những tác phẩm văn học chữ Nôm các thế kỷ tiếp theo.

Thời Lê, vào thế kỷ XV, nền văn học của nước Đại Việt phản ánh tinh thần của một dân tộc đã cường thịnh, với nhiều tác phẩm văn học rất có giá trị về nội dung và thể loại; trong xu hướng phát triển chung của lịch sử, văn học chữ Nôm thời kỳ này đạt được những thành tựu nhất định. Những tác phẩm thơ Nôm điển hình của thời kỳ này, trước hết phải nói đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442), với tập thơ quốc âm gồm 254 bài thơ Nôm, Nguyễn Trãi được đánh giá là một trong những tác giả làm thơ Nôm hay nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm; tiếp đến là Hồng Đức quốc âm thi tập, trong đó Lê Thánh Tông có 128 bài và sau này người ta sưu tầm các bài thơ Nôm xướng họa của các tác giả khác trong Hội Tao đàn, tạo thành tập thơ quốc âm với khoảng 328 bài thơ Nôm. Quốc âm thi tập và Hồng Đức quốc âm thi tập được sáng tác bằng chữ Nôm, ghi lại tiếng nói của dân tộc, nói lên sức sống mãnh liệt, một bước tiến mới của ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác văn học và khẳng định vai trò của văn học chữ Nôm trong văn học Việt Nam thế kỷ XV. Ngoài ra còn có các tác phẩm, như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn chép trong Thiên Nam dư hạ tập tương truyền là của Lê Thánh Tông, Kim lăng ký và Phan Trần tương truyền là của Đỗ Cận (thế kỷ XV), Hồng Châu quốc ngữ thi tập của Lương Như Hộc (thế kỷ XV); rất tiếc, những tác phẩm này hầu hết đã thất truyền.

Tình hình văn bản các tác phẩm viết bằng chữ Nôm thế kỷ XV, tuy còn nhiều vấn đề cần xem xét, nhưng những tác phẩm còn lại đến hôm nay thể hiện sức sống, âm hưởng cảm xúc của ngôn ngữ dân tộc, tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ nhà văn, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn học chữ Nôm.

Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, trải qua các triều đại phong kiến: Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn và Nguyễn, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội có nhiều biến đổi lớn lao. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam phát triển lúc thịnh lúc suy, nhưng văn học Việt Nam nói chung và văn học chữ Nôm nói riêng, lại có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều điểm mới trong sáng tác văn học nghệ thuật được hình thành cả về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật. Văn học chữ Nôm phát triển toàn diện về chất lượng nội dung và số lượng tác phẩm. Nhiều tác phẩm văn thơ Nôm có tư tưởng tiến bộ, thể hiện nhận thức và quan điểm ngoài khuôn khổ đạo lý chính thống của nhà nước phong kiến; và vì thế, nhà nước phong kiến đã ban hành những có thời kỳ chủ trương cấm đoán hay hủy hoại văn học chữ Nôm(8). Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tác phẩm văn học Nôm giai đoạn này đã không đề tên tác giả. Nhưng việc sáng tác văn thơ Nôm là khuynh hướng tất yếu của phát triển lịch sử, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của công chúng. Bên cạnh sự tiến bộ về giá trị nội dung tác phẩm, văn học chữ Nôm còn có sự phát triển về thể loại, nhằm góp phần vào sự hoàn thiện hệ thống thể loại văn học trung đại Việt Nam. Khi đánh giá về đặc điểm thể loại văn học chữ Nôm, GS. Bùi Duy Tân nhận xét “Sáng tạo về mặt thể loại chỉ có thể tìm thấy ở văn học chữ Nôm, cả quá trình Việt hoá và quá trình dân tộc hóa”(9). Điều này đã được thể hiện rất rõ về sự hình thành và phát triển thành phần thể loại của văn học chữ Nôm từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX.

Về biền văn Nôm, tiếp nối thành tựu từ thời Trần, biền văn Nôm giai đoạn này phát triển ngày càng nhiều về số lượng, như Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh (1482-?); Cung trung bảo huấn của Bùi Vịnh (1508-1545), Tịch cư ninh thể phú và Đại đồng phong cảnh phú của Nguyễn Hãng (thế kỷ XVI); Huyền Quang cho vàng một cung nữ của Nguyễn Thế Nghi (thế kỷ XVI), Phạm Lãi đi chơi Ngũ Hồ của Vũ Duy Đoán (1621-1688), Ngã ba Hạc phú và Giai cảnh hứng tình của Nguyễn Bá Lân (1701-1785), Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng (?-1808), Chiến tụng Tây Hồ của Phạm Thái (1777-1813), v.v... Nhiều kịch bản tuồng viết chữ Nôm theo lối văn biền ngẫu (có xen chữ Hán) đã ra đời trong giai đoạn này, như Sơn Hậu (khuyết danh), Tam nữ đồ vương (khuyết danh), Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh (1716-1763). Nhìn chung, xét về phong cách thể hiện và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ dân tộc, văn biền ngẫu Nôm giai đoạn này có những phát triển mới so với thời Trần, từ ngôn ngữ điển cố sang ngôn ngữ tả thực, từ phong cách khoa trương sang phong cách bình dị.

Thơ chữ Nôm, giai đoạn này có Bạch Vân quốc ngữ thi khoảng 170 bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Ngự đề Thiên hòa doanh bách vịnh gồm 90 bài của Trịnh Căn (1633-1709), Càn nguyên ngự chế thi tập có 231 bài thơ của Trịnh Doanh (?-1767); ngoài ra phải kể đến nhiều tác giả khác có sáng tác thơ Nôm, như Nguyễn Cư Trinh (1716-1763), Mạc Thiên Tích (1706-1780), Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), Hoàng Sĩ Khải (thế kỷ XVI), Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII), Bà huyện Thanh Quan (thế kỷ XIX). Sau này xuất hiện nhiều nhà thơ sáng tác thơ Nôm và thơ Nôm theo thể ca trù, như: Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Cao Bá Quát (?-1854), Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867), Nguyễn Khuyến (1835-1909), Dương Khuê (1839-1902), Dương Lâm (1851-1920), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), Trần Tuấn Khải (1895-1983) v.v...

Văn học Việt Nam giai đoạn này, với sự đóng góp của văn học chữ Nôm đã xuất hiện những thể loại văn học mới, như: ca trù, diễn ca, truyện thơ lục bát, song thất lục bát và truyện thơ luật Đường, đây là những thể loại sử dụng ngôn ngữ thi ca dân tộc.

Có thể nêu ra hàng loạt tác phẩm, trước hết phải kể đến: Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao (1462-1529), tác phẩm gồm 128 câu thơ, chia làm nhiều đoạn; mỗi đoạn thường bắt đầu 2 câu thất (hoặc 2 câu ngũ), đoạn giữa là lục bát (thỉnh thoảng có xen song thất lục bát) và đoạn kết là 4 câu song thất lục bát.

Thể truyện Nôm lục bát phải kể đến là Lâm tuyền vãn của Phùng Khắc Khoan (1528-1613), gồm khoảng 200 câu, Ngoạ Long cương vãn gồm 136 câu và Tư Dung vãn gồm 332 câu đều của Đào Duy Từ (1572-1634), Hoán tỉnh châu dân từ của Đinh Nho Hoàn (1671-?), Lư khê vãn tương truyền là của nhóm Chiêu Anh Các, Nhạc Xương phân kính của Nguyễn Thế Nghi (thế kỷ XVI), Song tinh bất dạ gồm 2000 câu của Nguyễn Hữu Hào (?-1713), Sứ trình tân truyện gồm 600 câu của Nguyễn Tông Khuê (1693-1767). Sau này có những tác phẩm truyện thơ Nôm lục bát được lưu hành sâu rộng trong nhân dân và được nhiều người học thuộc lòng, như: Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777-1813), Lục Vân Tiêncủa Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Ngoài ra còn hàng loạt các tác phẩm thơ Nôm lục bát khuyết danh, như: Nhị độ mai, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Lý Công Hoàng Trừu, Phan Trần v.v...

Đặc biệt, giai đoạn này xuất hiện các tác phẩm Nôm thể lục bát diễn ca lịch sử, điển hình là Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh), đây là tác phẩm viết bằng chữ Nôm dài nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm với hơn 8000 câu thơ lục bát; Truyện Song tinh (khuyết danh), Việt sử diễn âm, Thiên Nam quốc ngữ lục ký (khuyết danh), sau này cóĐại Nam Quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (1827-1875). Tiếp thể diễn ca lịch sử là các tác phẩm diễn ca truyện cổ tích, đặc điểm của loại truyện này là nhiều tác phẩm khuyết danh, như: Ỷ Lan phu nhâncủa Trương Thị Ngọc Trong (thế kỷ XVIII), Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca, Chúa Thao cổ truyện, Ông Ninh cổ truyện, Tấm Cám, Thạch Sanh, Trương Chi v.v... Rồi loại ký sự lục bát cũng ra đời, như: Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), Bất phong lưu truyện của Lý Văn Phức (1875-1849), v.v...

Thể ca khúc viết theo lối song thất lục bát ở giai đoạn này cũng phát triển và thành thể ngâm, như các tác phẩm: Tứ thời khúc của Hoàng Sĩ Khải (thế kỷ XVI), Thiên Nam minh giám (khuyết danh), Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm (1705-1748) và của Phan Huy ích (1750-1822), Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân (thế kỷ XVIII), Chức cẩm hồi văncủa Hoàng Quang (?-1801), Văn triệu linh của Phạm Thái (1777-1813), Văn chiêu hồn của Nguyễn Du (1765-1820), Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ (thế kỷ XIX), Tỳ bà hành của Phan Huy Thực (1778-1844), Bần nữ thán (khuyết danh) v.v...

Thể truyện thơ Nôm luật Đường, như: Vương Tường, Tô công phụng sứ, Lâm tuyền kỳ ngộ, Tam quốc thi v.v.., đều là những truyện khuyết danh cũng lần lượt xuất hiện.

Ngoài ra, còn phải kể đến việc dịch sách và diễn ca kinh truyện sang chữ Nôm của các tác giả văn học thời kỳ này, tiêu biểu là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú của Nguyễn Thế Nghi; rồi Hương Hải thiền sư dịch và chú giải kinh phật ra quốc âm, Đặng Thái Phương (1678-?) diễn ca Kinh Dịch, Nguyễn Bá Lân (1701-1785) diễn ca Kinh Thi v.v..., để phổ biến bằng ngôn ngữ dân tộc.

Kho tàng thư tịch về chữ Nôm và văn học chữ Nôm, hiện được lưu giữ tương đối đầy đủ nhất và phong phú nhất ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, với số lượng tác phẩm khoảng 1500 tên sách (trong đó sách viết toàn chữ Nôm khoảng 500 tác phẩm, sách chữ Hán diễn Nôm khoảng 200 tác phẩm, sách chữ Hán lẫn Nôm khoảng 800 tác phẩm), đó là chưa kể tới hàng vạn thác bản văn bia có chữ Nôm (trong đó văn bia toàn khắc chữ Nôm khoảng gần 200 đơn vị). Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã sưu tầm được hàng ngàn cuốn sách chữ Nôm của các dân tộc ít người như Tày, Nùng, Dao, Thái v.v...

Để giới thiệu với thế hệ người Việt Nam hôm nay về vai trò của chữ Nôm trong ngôn ngữ văn học dân tộc và một nền văn học chữ Nôm có giá trị, sáng tạo tiến bộ về nội dung và giàu phong cách nghệ thuật; nhiều thế hệ nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ XX đã tiến hành nghiên cứu chữ Nôm và giám định, phiên dịch, công bố nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị ra tiếng Việt hiện nay. Có thể nêu ra như sau:

Về nghiên cứu chữ Nôm có: Chữ Nôm với chữ Quốc ngữ (Lê Dư),Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến (Đào Duy Anh), Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm (Trần Văn Giáp), Một số vấn đề về chữ Nôm(Nguyễn Tài Cẩn), Nghiên cứu về chữ Nôm (Lê Văn Quán), Nghiên cứu chữ Nôm Tày (Hoàng Triều Ân và Cung Văn Lược), Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt (Nguyễn Tá Nhí), Cấu trúc nghĩa trong chữ Nôm Việt (Lã Minh Hằng), Mối tương quan giữa âm Hán Việt và âm Nôm trong cách đọc chữ Nôm (Trương Đức Quả),Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Hoàng Thị Ngọ), Chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm), Truyền kì mạn lục - Nghiên cứu văn bản và vấn đề dịch Nôm (Hoàng Hồng Cẩm) v.v...

Về việc phiên âm các văn bản Nôm, có: Truyện Kiều, Hoa Tiên, Phan Trần, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Lục súc tranh công, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Lâm tuyền kỳ ngộ, Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Chỉ nam ngọc âm, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, Ngọc Kiều Lê, Thơ ca trù, Thiên Nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục, Việt sử diễn âm, Đại Nam quốc sử diễn ca, Lục Vân Tiên, thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thơ Nôm Nguyễn Khuyến và nhiều tác gia khác v.v...

Về biên soạn những bộ sách công cụ, nhằm góp phần tạo nên những phương tiện tra cứu khi tiếp cận di sản chữ Nôm, có thể kể như:Bảng tra chữ Nôm (Viện Ngôn ngữ học), Đại từ điển chữ Nôm (Vũ Văn Kính), Từ điển chữ Nôm Tày (Hoàng Triều Ân chủ biên), Từ điển chữ Nôm Việt (Nguyễn Quang Hồng chủ biên) v.v..

Về nghiên cứu khai thác và biên dịch những bộ tùng thư theo chuyên đề, nhằm xã hội hóa ngày càng nhiều các tư liệu Nôm, giúp cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay hiểu được giá trị đích thực của văn hóa truyền thống trong lịch sử, có thể kể như: Thư mục sách Nôm, Thơ Nôm Hàn luật, Văn Nôm biền ngẫu, sắp tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ triển khai xuất bản bộ Tổng tập văn học chữ Nôm - một sưu tập văn học chữ Nôm đầy đủ lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi v.v...

Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy chữ Nôm, dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm cùng các chuyên gia tin học trong và ngoài nước đã xây dựng bảng mã chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế IRG/ISO, tổng số chữ Nôm đã đưa vào kho chữ chung quốc tế là 9.299 chữ, trong đó số chữ Nôm không trùng hình với chữ của các nước trong khu vực khoảng 4.200 chữ. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tiếp tục sưu tầm và vẽ chữ Nôm để đưa vào bảng mã chuẩn quốc tế (gồm chữ Nôm Kinh và chữ Nôm Tày), kế hoạch sẽ đưa thêm khoảng hơn 2.000 chữ mới. Khi chữ Nôm được khẳng định trong bảng mã chuẩn quốc tế, như vậy chủ quyền đã được khẳng định, điều này rất có ý nghĩa về quốc tế, cũng như phát huy giá trị khoa học của chữ Nôm trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa Việt Nam.

Tóm lại, từ những chứng cứ mà các nhà khoa học đã chứng minh cho sự hình thành chữ Nôm từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, chữ Nôm lưu hành trong các văn bản từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII, chữ Nôm phát triển từ thế kỷ XIII đến thế kỷ đầu thế kỷ XX và hình thành nên văn học chữ Nôm. Cần phải khẳng định rằng văn học chữ Nôm, trải theo chiều dài lịch sử đã phát triển ngày càng rộng rãi trong đời sống văn học của xã hội, đáp ứng nhu cầu tình cảm của tầng lớp nhân dân, phản ánh tư tưởng yêu nước nhân đạo theo khuynh hướng nhân đạo chủ nghĩa, đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn học chữ Nôm trong lịch sử văn học Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, việc nghiên cứu cấu tạo chữ Nôm, giám định văn bản Nôm, biên soạn sách tra cứu chữ Nôm, biên soạn thư mục Nôm, và phiên dịch công bố các tác phẩm chữ Nôm có giá trị đã được các nhà nghiên cứu quan tâm; bước đầu thu được những kết quả khả quan, phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu di sản chữ Nôm trong đời sống văn hóa xã hội. Chúng tôi mong muốn rằng, giới nghiên cứu Hán Nôm trong và ngoài nước, cần quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, khai thác và bảo tồn di sản chữ Nôm trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam và trong bối cảnh giao lưu, hoà nhập với văn hóa khu vực và quốc tế; tạo cho chữ Nôm và văn học chữ Nôm có một vị trí nhất định, trong kho tàng di sản văn hóa thành văn của thế giới.

T.K.M

CHÚ THÍCH

(1) Lê Dư: Chữ Nôm với chữ Quốc ngữ trong Tạp chí Nam Phong , tập XXX và Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử, 1942.

(2) Nguyễn Văn Tố: Bài đăng trong Tạp chí B.E.F.E.O, tập XXX.

(3) Trần Văn Giáp: Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm trong Nghiên cứu lịch sử, số 127, 1969.

(4) Trần Huy Bá: Một quả chuông 700 năm dưới đáy biển trong Tạp chí Tổ quốc, số 3/1963. Nhưng gần đây, theo ý kiến của một số nhà khoa học thì văn bản này có niên đại vào thời Trần.

(5) và (6) Nguyễn Tài Cẩn: Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kỳ xuất hiện chữ Nôm trong Ngôn ngữ học, số 1, 1971 và GS. Lê Văn Quán: Góp phần tìm hiểu nguồn gốc chữ Nôm trên cơ sở cứ liệu thanh điệu Hán Việt trong Ngôn ngữ học, số 4, 1973.

(7) Đào Duy Anh: Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

(8) Các chúa Trịnh, như Trịnh Tạc, Trịnh Cương và Trịnh Doanh; đã ban hành những lệ vào các năm 1663, 1718 và 1760 để thu hồi, tiêu hủy sách chữ Nôm đã in không có lợi cho giáo hóa của triều đình và hạn chế việc in sách chữ Nôm mới. Nhưng các chúa Trịnh lại là những người rất giỏi làm thơ Nôm.

(9) Bùi Duy Tân: Văn học chữ Nôm: tinh hoa - sáng tạo của văn học cổ điển Việt Nam thời trung đại trong Tạp chí Văn học, số 8/1998.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1/ Đào Duy Anh: Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

2/ Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. ĐH & THCN, H. 1985.

3/ Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1981.

4/ Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Lộc và nhiều tác giả: Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1945 (ba tập), Nxb. Giáo dục, H. 2000-2002 (tái bản)./.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0406.htm

Từ khóa » Chữ Nôm Có ý Nghĩa Gì