Chữ Quốc Ngữ Và Phiên Dịch Quốc Ngữ - THPT Lê Quý Đôn - Tam Kỳ

₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪

CHỮ QUỐC NGỮ VÀ

PHIÊN DỊCH QUỐC NGỮ

* Nguyễn Nam (Harvard University)

₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪

Tác phẩm dịch thuật là chứng tích của giao lưu văn hoá. Kho tàng dịch thuật của một nước phản ánh tình hình văn hoá-xã hội của nước ấy trong quan hệ với thế giới bên ngoài qua những thời kỳ lịch sử nhất định. Chuyển dịch một tác phẩm từ ngôn ngữ nguồn (source language) sang ngôn ngữ tiêu đích (target language) cũng là quá trình chuyển dịch từ một hệ văn tự này sang một hệ văn tự khác. Nếu như có thể thô thiển đặt một nhát cắt, phân cách giữa văn chương chữ Hán và Nôm, với văn chương chữ quốc ngữ trong tiến trình văn học Việt Nam, có thể thấy ngay rằng trong thời văn chương Hán-Nôm, phiên dịch chủ yếu là phiên dịch từ Hán sang Việt qua phương tiện chữ Nôm. Trong buổi đầu thời văn chương quốc ngữ, phiên dịch Hán-Việt vẫn chiếm phần lớn, nhưng từ từ nhượng bộ, dành thêm chỗ cho các mảng Việt dịch khác. Chính trong buổi giao thời từ văn học Hán-Nôm sang văn học quốc ngữ, phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch Hán-Việt, cũng mật thiết gắn bó với những đổi thay trong xã hội Việt Nam. Mặt khác, so với tiền kỳ, phiên dịch thời văn học quốc ngữ là một sự phát triển vượt bực cả về chất và lượng trong thời gian chỉ khoảng hơn trăm năm. Chính vì thế, khảo sát phiên dịch quốc ngữ (trọng tâm là từ Hán sang Việt) trong buổi đầu của nó có một ý nghĩa đặc biệt, cho thấy những biến đổi trong xã hội qua các thành viên của nó (ở đây là dịch giả và độc giả) trong quá trình chuyển từ một hệ văn tự khối vuông cấu thành trên cơ sở Hán tự sang hệ mẫu tự hoàn toàn khác biệt – mẫu tự La tinh «quốc ngữ».

« Chữ quốc ngữ »

Nếu như câu hỏi «ai là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ?» không bao giờ có được một lời đáp thật cụ thể,[1]vấn đề «cụm từ chữ quốc ngữ khởi sự được dùng từ khi nào?» có thể tìm được lời đáp ít nhiều khả tín.

Các nghị định của thực dân Pháp được thu thập trong Chữ, Văn Quốc Ngữ cho phép xác định thời điểm cụm từ chữ quốc ngữ được chính thức sử dụng.[2]Ngày 22 tháng 2 năm 1869, chính quyền thực dân ra «Nghị định về chữ viết của tiếng An-nam bằng mẫu tự Âu-châu trở thành bó buộc trong giấy tờ chính thức.» Quyết định ngày 18 tháng 3 năm 1869 về Gia Định Báo cũng được ký trên cơ sở của nghị định trên «về những giấy tờ chính thức được công bố bằng tiếng An-nam phải được viết bằng mẫu tự La tinh.» Mười năm sau, người Pháp chính thức bắt đầu cưỡng bách «dùng chữ An-nam bằng mẫu tự La tinh» với nghị định do thống đốc Lafont ký ngày 6 tháng 4 năm 1878.[3]Chỉ vài ngày sau khi nghị định này được ban hành, ngày 10 tháng 4, trong thông tư của giám đốc nội vụ Béliard đã thấy có đoạn viết,

Tôi hân hạnh gởi Quí vị kèm theo đây nghị định của Thống-đốc ký ngày 6 tháng này liên hệ đến việc thay thế kể từ 1.1.1882 chữ Nho bằng mẫu tự La tinh gọi là quốc ngữ trong các văn thư chính thức.[4]

Như vậy tên gọi quốc ngữ để chỉ mẫu tự La tinh ghi tiếng Việt được dùng chính thức vào năm 1878, cùng với chính sách cưỡng bách văn tự nhằm làm «tiêu tan dần dần chữ nho mà việc dùng thứ chữ đó chỉ có thể có một ảnh hưởng tai hại đối với công trình đồng hoá mà chính phủ [Pháp] đang dồn mọi nỗ lực thực hiện.» [5]

Nhiều học giả Pháp đã không ngớt than phiền về cách gọi dành cho «hệ thống phiên âm tiếng Việt phổ thông bằng chữ La tinh mà chúng ta, tôi [Gustave Dumoutier] không hoàn toàn đoan chắc vì sao, gọi là quốc-ngữ...» [6]Không ít người cho rằng cụm từ chữ quốc ngữ là «không chính xác» (A. Landes và Leopold Cadière), «ngộ dụng» (Abel Lahille), và «vô nghĩa» (Georges Maspéro).[7]Tuy nhiên, đến năm 1898, chữ quốc ngữ đã chính thức được đưa vào tự điển. Bộ tự điển Việt – Pháp của J.F.M. Génibrel định nghĩa chữ quốc ngữ là «chữ Âu châu để ghi tiếng Việt» (Caractère européen pour écrire la langue annamite).[8]

Ra đời trước bộ tự điển của Génibrel vài năm, Đại Nam Quấc Âm Tự Vịtuy có chú thêm trong tựa sách «Tham dụng chữ nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ,»có nói đến «quốc ngữ Latin» trong bài «Tiểu tự,» nhưng không có mục từ riêng giải thích «chữ quốc ngữ.» Mặt khác, bộ tự điển này cho thấy «quốc âm» và «quốc ngữ» có thể dùng thông với nhau, và cả hai cùng chỉ «Tiếng nói riêng trong nước.» [9]Điều này gợi nhớ đến hàng loạt sách chữ Nôm có tựa bao hàm những từ «quốc âm» và «quốc ngữ,» ví như Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi và Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tậpcủa Nguyễn Bỉnh Khiêm.[10]«Quốc âm» và «quốc ngữ» trong những bộ sách trên chỉ tiếng nói dân tộc (tiếng Việt), và cũng đồng thời hàm nghĩa văn tự để ghi tiếng nói ấy (chữ Nôm). Khi Ngũ Tinh Tụ Đẩu ở Nam Định đề xuất phương án Quốc Âm Tân Tự vào thế kỷ XIX,[11]hay Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) điều trần dùng Quốc Âm Hán Tự để ghi tiếng Việt,[12]các ông đã tính đến việc thay thế, hoặc cải cách chữ Nôm để ghi tiếng Việt một cách đơn giản nhưng hiệu qủa hơn.[13]

Thế nên, trước khi thay thế chữ Hán theo chính sách cưỡng bách ngôn ngữ văn tự của thực dân Pháp, như tên gọi của nó, chữ quốc ngữ (chỉ hệ mẫu tự La tinh ghi tiếng Việt) trước hết là sự triệt tiêu vai trò của chữ Nôm trong việc ghi chép ngôn ngữ dân tộc. Khi vạch một đường phân cách giữa chữ «bình dân bậc tiểu học» (chữ quốc ngữ) và «chữ của văn hoá, văn học» của bậc trung và đại học (chữ Hán và chữ Pháp), học giả Pháp Landes đã bàn đến sự bất lực của chữ quốc ngữ khi đứng trước khối từ vựng Hán-Việt phong phú của tiếng Việt. Triệt tiêu hệ chữ Nôm với các thành tố Hán tự cố kết nhưng phân minh, chữ quốc ngữ giản hoá quá trình học chữ, nhưng không vì thế mà làm cho người ta hiểu tiếng Việt dễ dàng hơn:

Cái tiếng An-nam thông thái này, phải nhận rằng nó đặc biệt khó hiểu và đây là lúc phải tìm hiểu những nguyên nhân của sự kiện không thể chối cãi trên. Những nguyên nhân này, tất cả đều do việc ghi âm bằng chữ cái La-mã. Nếu người ta tiếp tục viết tiếng An-nam bằng những chữ Nôm, có thể sẽ khó để đọc hơn, nhưng trái lại chắc chắn sẽ vô cùng dễ hiểu hơn.[14]

Khác với chữ Nôm, chữ quốc ngữ được quan phương hoá dưới chế độ thuộc địa, sau khi bước xa ra ngoài cánh cổng nhà chung.

Ở tập Quốc Văn Tập Độc do Đông Kinh Nghĩa Thục ấn hành năm 1907, có «Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ,» trong đó chữ quốc ngữ đã được các nhà yêu nước đầu thế kỷ XX tôn xưng là «hồn trong nước,» và được nhận là phương tiện hữu hiệu để truyền bá tri thức nhằm gióng lên hồi «chuông độc lập,»

Đứng làm trai (giai) sinh trong trời (giời) đất,

Phải làm sao cho rõ mặt non sông,

Kìa kìa mấy bậc (bực) anh hùng,

Cũng vì thủa (thửa) trước học không sai đường.

Cuộc (quộc) hoàn hải liệt cường canh trạnh,

Mở trí dân giàu (dầu) mạnh biết bao,

Nước ta học vấn thế nào,

Chẳng lo bỏ dại nhẽ (lẽ) nào được khôn.

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,

Phải đem ra tính trước dân ta.

Sách các nước sách Chi na,

Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường... [15]

Bài ca này được phổ biến rộng rãi từ bắc vào nam. Năm 1910, trong bài «Khuyên học chử [chữ] quốc-ngữ» đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn (số 118, thứ năm 28 tháng 4), J.B. Bùi Minh Tường trích lại bài ca khuyên học chữ quốc ngữ nọ, và lồng nó vào trong bối cảnh chính sách ngôn ngữ văn tự của người Pháp ở xã hội thuộc địa Việt Nam. Ông cũng đồng thời nhắc lại khả năng to lớn của hệ tự mẫu La tinh trong việc phiên dịch các tác phẩm ngoại văn sang tiếng Việt,

Ông Simoni, đang làm quan Thống sứ quyền tại Bắc-kỳ, mới gởi tờ châu tri cho các quan công-sứ nói về việc phải lo dạy chữ quốc-ngữ khắp xứ cho dân sự mau thông thuộc đàng văn-minh. Tự hậu trong các tờ giấy công văn và yết thị, phải dùng chữ quốc-ngữ trong cả xứ Bắc-kỳ, cũng như trong đất Nam-kỳ ta đây đã khởi sự rồi mà đặng thành việc may mắn.

...Biết chữ quốc-ngữ rồi, xem tới nhiều thứ sách của các đấng cao minh kiến thức dịch ra trong chữ tàu hay là chữ đại-pháp, dể [dễ] hiểu không biết chừng nào. (trg. 7)

Đoạn tuyệt với văn hoá truyền thống?

Trong quyển Le nouveau Monde sinisé (Thế giới Hán hoá mới), Léon Vandermeersch nhận xét,

Ở Việt Nam, việc từ bỏ Hán tự đã thực sự giải phóng một lượt tầng lớp trí thức khỏi tất cả những trở ngại của văn hoá truyền thống. Nhưng thay vì là sự nhảy vọt của cả nước lên trình độ các nước tiên tiến, kết quả lại chỉ là mở đường cho lớp tinh hoa người Việt thâu nạp một cách toàn hảo văn hoá phương Tây trong từng cá thể một, và cùng lúc làm cho lớp tinh hoa này mất gốc rễ. Vào thời thực dân Pháp, không một thuộc địa nào khác lại cung cấp cho chính quốc nhiều điển hình cá nhân tiếp nhận văn hoá thành công đến như thế, nhưng đó là những thành công bật gốc khỏi môi trường dân tộc.[16]

Thực tế cho thấy những nỗ lực của lớp trí thức tân và cựu học trong việc phiên dịch quốc ngữ từ Hán sang Việt đã không để tình trạng đoạn tuyệt hoàn toàn với các giá trị văn hoá truyền thống xảy ra. Nhưng cũng phải thấy rằng sự nối kết với kho di sản văn hoá dân tộc của những thế hệ về sau ngày càng lơi lỏng hơn. Người đọc chỉ đọc được những gì được phiên, được dịch ra quốc ngữ. Và mặt khác, với bề dày hiểu biết văn hoá truyền thống Hán-Nôm ngày một mỏng, mức độ thông hiểu và niềm hứng thú đối với vốn cổ (qua bản dịch) ngày càng sút giảm. Phiên dịch Hán-Việt (đặc biệt là Hán văn Việt Nam) sẽ mãi đồng hành với tiến trình Việt Nam, và việc bồi dưỡng tri thức truyền thống Hán-Nôm cho những thế hệ sau cũng mãi là việc làm cần thiết nhằm vun bồi căn gốc dân tộc.

Điều đáng ngạc nhiên là sau khi điểm qua phần dịch thuật trong «Bảng thư tịch sơ bộ» của văn học Sàigòn-Gia Định, người đọc không tìm được một tác phẩm Hán văn Việt Nam nào được dịch ra quốc ngữ.[17]Thực ra, những tác phẩm như Truyền Kỳ Mạn Lục Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã sớm xuất hiện trên báo chí, như Gia Định Báo, Lục Tỉnh Tân Văn,và xuất bản thành sách.[18]Cố nhiên, số lượng tác phẩm Hán văn Việt Nam được dịch ra quốc ngữ là không nhiều, nhưng sự hiện diện của các dịch phẩm này là niềm tự hào về di sản văn hoá của dân tộc, cho thấy trong khi phiên dịch sang quốc ngữ văn chương Trung Hoa, người Việt vẫn không quên di sản văn hoá của mình.

Phiên dịch quốc ngữ trong tiến trình văn học dân tộc

Trong thư tịch cổ Việt Nam hiện tồn, dấu tích của phiên dịch văn chương từ Hán văn sang Việt ngữ hiển lộ khá sớm và có cả một chiều dài lịch sử.[19]Có thể đơn cử một vài ví dụ: Đường thi được dịch thành thơ luật Nôm ở thế kỷ XV,[20]bản đối dịch Truyền Kỳ Mạn Lục sang quốc văn tiếp tục tồn tại như một kho ngữ liệu cổ quý giá của thế kỷ XVI,[21]và bản dịch Tỳ Bà Hành, Chinh phụ ngâm thực sự là những kiệt tác văn chương giàu sinh khí, trường tồn trong tâm trí nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, trong một xã hội khoa cử mà Hán văn là ngôn ngữ quan phương, dường như không mấy người dành thời gian và tâm trí cho việc dịch Nôm. Tự do, phóng khoáng hơn và do đó, cũng tiện cho việc khái quát tư tưởng, dễ dàng thể hiện sự cảm thông cùng nỗi niềm riêng tư, cải biên từ văn xuôi tự sự (tiểu thuyết Hán văn) sang vận văn quốc âm (truyện thơ Nôm lục bát) trở thành con đường chủ yếu giới thiệu các giá trị văn chương nước ngoài (chủ yếu là từ Trung quốc) đến đại chúng. Chữ quốc ngữ và những hoàn cảnh xã hội, chính trị, và văn hóa đặc biệt của nó đã khiến các bản dịch quốc ngữ trưởng thành trong những điều kiện đặc thù mà các bản dịch Nôm (với chữ Nôm là phương tiện thể hiện) không thể nào có được.

Các nhà nghiên cứu đã đề cập đến ba điều kiện cho «sự phát triển vượt bực» của chữ quốc ngữ. Một là sự xâm lược thắng lợi của thực dân Pháp; hai là trình độ tinh luyện của hệ chữ này cùng với sự tồn tại của một đội ngũ những người đọc thông, viết thạo quốc ngữ, sẵn lòng hợp tác với Pháp; và ba là tính khoa học của hệ thống văn tự này.[22]

Hẳn nhiên, cũng thật khó hình dung được quá trình tinh luyện của văn xuôi quốc ngữ nếu như không có tiền đề của một nền văn xuôi quốc âm được người Việt thể hiện qua chữ Nôm truyền thống. Những nỗ lực dùng chữ Nôm, như dưới triều Hồ Quý Ly [23] (và sau này với Quang Trung Nguyễn Huệ [24]), hẳn đã dẫn đến thành tựu tuy ít, nhưng khả quan trong lĩnh vực văn xuôi tiếng Việt. Đó là trường hợp tập truyện dịch Tân Biên Truyền Kỳ Mạn Lục ở thế kỷ XVI của Nguyễn Thế Nghi. Thế nhưng từ sau dịch phẩm này, tình hình văn xuôi chữ Nôm cơ hồ triệt thoái, «ai cũng biết văn học cổ của nước ta, cho đến cuối thế kỷ XIX, rất hiếm những tác phẩm quốc âm bằng văn xuôi.» [25]Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi khảo sát, có thể thấy được một lượng đáng kể tác phẩm văn xuôi Công giáo viết bằng chữ Nôm. Chỉ riêng ba bộ truyện các thánh do J. Maiorica (1672 trang, soạn năm 1646), Marti Gia Op (12 quyển, 1848), và J.M. Bigollet Kính Mep (1905-1906), đã cho thấy văn phong dịch thuật đa dạng, «chải chuốt về văn thể cũng như tiếng dùng.» [26] Các giáo sĩ nước ngoài khi soạn sách Nôm đều phải nhờ đến sự trợ giúp của người bản xứ, ví như trường hợp công trình văn Nôm công giáo của Maiorica có sự cộng tác của một vị Hoà Thượng Thành Phao (?).[27]Văn xuôi quốc âm vì thế tiếp tục được hoàn thiện trong tiến trình văn hoá của dân tộc nói chung, và trong một bộ phận trí thức Công giáo Việt Nam nói riêng.

Chính sách cưỡng bức dùng chữ quốc ngữ của người Pháp ở Việt Nam không thong dong đi thẳng một đường, mà gặp phải nhiều sự chống đối từ lớp sĩ phu yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu,[28]cho đến cả số thân hào nhân sĩ thân Pháp.[29]Cũng đáng chú ý là những ý kiến của quan chức Pháp về tình trạng suy đốn của xã hội Việt Nam cả về đạo đức và tri thức ngay sau thập niên đầu tiên cưỡng bức dùng chữ quốc ngữ. Trong Histoire de la Cochinchine Française de origine à 1883 (Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp – từ khởi thuỷ đến 1883), Cultru cho rằng

[C]hỉ lấy việc dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ làm nền tảng cho việc giáo dục là thủ tiêu giáo dục... là đào tạo ra bọn người vô học, vì biết đọc, biết viết làm gì nếu không hiểu bản văn đọc.

...Việc dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, như đã áp dụng trong những năm đầu thuộc địa đã hoàn toàn xao lãng việc phát huy trí thức và luân lý người bản xứ, và do đó đã đẩy phần lớn 300.000 trẻ em Nam kỳ, đã đi qua các trường học của chúng ta, vào một tình trạng ngu ngốc thực sự.[30]

Để cứu vãn tình hình, Giám đốc Trường hậu bổ Luro đã gửi một phúc trình cho Đề đốc Dupré, Thống đốc Nam kỳ. Qua so sánh với việc dạy chữ Nho và luân lý Nho giáo rộng khắp ở các địa phương trong nước trước đó, Luro cho thấy việc dạy để biết đọc và viết chữ quốc ngữ trong một thời gian cực ngắn chỉ đào tạo ra những «con vẹt» đọc công báo quốc ngữ, những người thiếu tri thức và nền tảng đạo đức. Luro cũng đưa thêm một so sánh khác, cho thấy một lượng lớn các «chuyện đạo đức» và «chuyện các thánh» đã giúp cho trẻ nhỏ học chữ quốc ngữ ở trường làng Công giáo của các thừa sai thắt chặt hơn quan hệ của chúng với cộng đồng, đồng thời làm cho dân làng thấy được lợi ích, đặc biệt về tinh thần, của việc học thứ chữ này. Luro kết luận,

Chúng ta đã mở trường, nhưng chúng ta không in một cuốn sách giáo khoa nào. Đó là lý do tại sao ít thành công. Đã từ lâu tôi yêu cầu mà không được để có thể dịch những sách lịch sử An nam và đạo lý Trung quốc dưới sự coi sóc của một uỷ ban chuyên môn. Dân chúng, ít khi nghe biết thứ tiếng bác học, sẽ hoan hỉ có được những sách đó trong tay dịch ra bằng tiếng bình dân.[31]

Phương hướng này đã được chấp thuận, khởi đầu là truyện Nôm Lục Vân Tiên được Janneau phiên sang quốc ngữ và in ở Paris với tài trợ nhà nước theo lệnh của Đề đốc Dupré năm 1873.[32]Đẩy mạnh dịch Hán-Việt và phiên Nôm qua chữ quốc ngữ là một bước lùi trong chính sách đồng hoá của thực dân Pháp nhằm cắt rời người Việt khỏi căn rễ truyền thống của họ: các dịch phẩm từ Hán sang Việt, tác phẩm phiên Nôm sang quốc ngữ đã là mối dây nối kết người Việt với di sản văn hoá của họ. Các nhà Nho chủ trương Đông Kinh Nghĩa Thục cũng sớm nhận ra mặt tích cực của hệ mẫu tự La tinh này trong việc canh tân xứ sở, «có thể dùng chữ quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay.» [33]

Hoạt động phiên dịch quốc ngữ bắt đầu với Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và Huình Tịnh Của (1830-1908).[34]Các ý kiến quy công cho ông Trương là «người yêu nước...nhẫn nại phát động một cuộc cách mạng học vấn, ra sức làm ra sách vở ‘cho con trẻ ngày nay nó học cho mau’,» [35]cho ông Huình là đã «ý-thức chữ Quốc-ngữ là một thứ lợi-khí tiến-hoá, giúp người Việt học-hỏi tiện-lợi, nhanh-chóng hơn là dùng chữ Hán và chữ Nôm,» [36] hay buộc tội, cho họ là «những người Việt đi tiên phong trong việc truyền bá chữ quốc ngữ trong chính sách văn hoá, báo chí, giáo dục của thực dân [37]đều là những nhận định từ góc độ ngôn ngữ, lịch sử nhất định về vấn đề phức tạp của một số trí thức tham bác học thuật Đông-Tây hợp tác với Pháp ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Một điều cần nói thêm: cả hai ông Trương và Huình đều là trí thức Công giáo, hẳn nhiên quen thuộc với bộ phận văn xuôi quốc âm bằng chữ Nôm. Phiên dịch quốc ngữ, vì thế, phát triển trên một cơ tầng truyền thống sẵn đúc trước đó.

Phiên dịch quốc ngữ đảm đương hai việc. Trước hết là dịch các tác phẩm nước ngoài. Tỷ lệ tác phẩm văn học của các nước được dịch cũng dao động theo từng thời kỳ, ví như, trong giai đoạn từ sau 1975 đến 1984, «văn học Liên Xô, trong đó có văn học Nga, vẫn được hâm mộ nhất»; sang đầu những năm 90, «sách Anh, Pháp, Mỹ chiếm từ ½ đến tổng số sách dịch, trong số này hầu hết là best seller của văn hóa đại chúng...» [38]Trong buổi đầu của phiên dịch quốc ngữ, dịch văn học Trung Quốc sang Việt ngữ chiếm vị trí chủ yếu. Cũng quan trọng không kém là việc dịch các tác phẩm của người Việt viết bằng ngoại ngữ, đưa chúng về lại cội nguồn ngữ ngôn của tác giả.

Phiên dịch tiểu thuyết Hán văn đầu thế kỷ XX

Đã có không ít phát biểu cho phép tái hiện dung mạo của văn học dịch vào những thập niên đầu của thế kỷ vừa qua. Năm 1942, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp đã có một khoảng cách thời gian vừa đủ để hồi cố tình hình phiên dịch tiểu thuyết Trung Hoa sang quốc ngữ trước đấy một vài thập niên:

Từ ngày có chữ Quốc ngữ, thật là một vật báu cho ta (...) Các cụ Nho ở Nam Kỳ còn sót lại hồi ấy, tự cho mình là không thích hợp với phong trào Thái tây, mà kể ra cũng trái mùa thật. Hoặc vì sinh kế, hoặc vì buồn không có việc, đem các tiểu thuyết Tàu dịch ra Quốc ngữ; các nhà xuất bản lợi dụng đem in ra để trục lợi. Rồi từ đó ở Nam Kỳ lan ra đến Bắc (...) Hồi đó Quốc ngữ gọi là phổ thông nên các thanh niên mê thích tiểu thuyết Tàu lắm, các thanh niên hồi đó mê thích truyện Tàu không khác gì các thanh niên hiện thời mê thích Cinéma (...) Đến hồi bãi bỏ khoa cử ở Bắc Kỳ thì trào lưu truyện Nam Kỳ cũng theo đó mà kém dần đi. Các văn sĩ Hán học ở Bắc lúc bấy giờ vô sự cũng lại xoay ra dịch truyện Tàu, phần thì bán cho các nhà xuất bản trục lợi, phần thì bán cho các nhà nhật trình in vào phụ trương.[39]

Trích văn trên đây cho thấy biến động xã hội, đặc biệt là việc bãi bỏ khoa cử, đã tác động mạnh đến giới trí thức Nho học thời bấy giờ. Do không thích ứng được với những chuyển biến thời cuộc, một số trí thức Nho học thu mình về với kho sách Hán văn, và chợt nhận ra vòng rào «cấm thư» truyền thống cũng đã bị ngọn gió Tây học cuốn mất tự bao giờ. Trước đó, tiểu thuyết bị xem như độc phẩm có khả năng làm «băng hoại tâm thuật con người,» [40]chẳng giúp được gì cho con đường khoa bảng:

Các cụ ta xưa chuyên theo Khổng học, rồi sau chuyển sang lối khoa cử; khi đi học, ngoại Tứ thư, Ngũ kinh, Sử ký ra các sách khác cho là ngoại thư, cấm không được xem. (...) Trừ một ít người gia giáo kém nghiêm, học thuật lỗ mãng thì mới dám xem.[41]

Ngoại thư đến đây đã không còn là «cấm thư,» và việc các nhà Nho mở kho sách «cấm» này ra cho độc giả, đại chúng hóa các bộ tiểu thuyết Trung Quốc thông qua dịch phẩm quốc ngữ đã là một chuyển biến đáng chú ý trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.[42]Cùng với sự phát triển của nhà in và thị trường xuất bản sách, báo, tiểu thuyết Trung Quốc dịch sang quốc ngữ với tình tiết ly kỳ, diễn biến phù hợp với tâm lý - tình cảm của người Việt, đã đáp ứng ngay được nhu cầu cuả một lớp độc giả mới, trẻ tuổi, quen thuộc với vần quốc ngữ nhưng cũng chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với truyền thống Hán học. Phiên dịch tiểu thuyết Trung Quốc thoạt đầu trở thành một phương kế sinh nhai cho các nhà Nho lỡ vận ở cả hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, đấy cũng không hẳn là động lực duy nhất. Không ít dịch giả còn gửi gắm trong bản dịch của mình những ưu tư đối với tiền đồ của dân tộc, mong muốn dịch phẩm của mình ít nhiều tác động đến hoàn cảnh chính trị-xã hội lúc bấy giờ. Có thể đơn cử trường hợp Phan Mạnh Danh [43]với bản dịch Đa Tình Hận của Từ Chẩm Á làm ví dụ:

Ở bên Tàu lúc bấy giờ, lại vừa xuất bản một quyển tiểu thuyết của Từ Chẩm Á, nhan đề là Đa tình hận, nói về cái họa tự do trong nữ giới nước Tàu. Tự nghĩ: «Sách ấy có thể đánh thức những si nam, oán nữ đương trong giấc mộng say mê,» tiên sinh đem dịch Nôm vào hồi 1919.[44]

Thành phần dịch giả cũng không đồng nhất. Điểm qua danh sách và chức nghiệp của các người dịch, có thể thấy không ít các viên chức, thương nhân người Việt và Hoa tham gia vào đội ngũ dịch giả phiên dịch tiểu thuyết Trung Hoa. Bên cạnh những tên tuổi lớn có đóng góp đáng kể trong sự nghiệp văn chương - báo chí Việt Nam ở đầu thế kỷ vừa qua, như Phan Kế Bính (1875-1921),[45]Nguyễn Đỗ Mục (1866-1948),[46]còn có:

Hoa Nhân Lý Ngọc Hưng Hoa kiều

Nguyễn Thành Ký Chủ tiệm kim hoàn ở Tân An (Nam Kỳ)

Huyền Trí Phú Thương gia Mỹ Tho

Nguyễn Hữu Sanh Nhân viên Đông Dương học hội

Trần Phong Sắc Giáo học Hán văn trường Tân An

Nguyễn Chánh Sắt Chủ bút Nông Cổ Mín Đàm

Đinh Thái Sơn (Phát Toán) Chuyên sửa xe đạp và buôn sách quốc ngữ

Huỳnh Khắc Thuận và Đỗ Văn Hòa thư ký nhà nước [47]

Giáo sư Đặng Thai Mai đã khái quát tình hình dịch thuật văn học Trung Quốc thời kỳ này như sau:

Sự thực thì trong thời gian ba mươi năm từ cuộc thế giới đại chiến lần thứ nhất bắt đầu, đến khi cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai kết thúc, trên các báo chí nước ta, nhiều nhà văn cũng đã dịch khá nhiều văn học cổ điển Trung-hoa (...) nhất là tiểu thuyết Tam quốc, Thủy hử, Thuyết Đường, Ngũ Hổ, dịch Bồ Tùng Linh, dịch...cả Từ Chẩm Á.[48]

Hiển nhiên, các vấn đề người dịch, tác phẩm chọn dịch, bản thân dịch phẩm xét trong hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội cụ thể của thời kỳ này vẫn còn để ngỏ, và hưá hẹn nhiều khám phá lí thú.

Phiên dịch học và văn học Việt Nam

Tuy được ấn hành lần đầu năm 1942, Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan phải được xếp vào vị trí khai phá, tiên phong của phiên dịch học Việt Nam. Khi được nối kết thành một chỉnh thể, các bài khảo luận đầy ắp tư liệu của ông về Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Quang Oánh vv. vừa cho phép tái hiện một diện mạo bao quát trên bình diện vĩ mô về một thế hệ dịch giả trong bối cảnh lịch sử cụ thể của họ, lại vừa giúp người đọc có điều kiện tường khảo từng chân dung từ góc độ khảo sát vi mô.

Tình hình phiên dịch văn học ở Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của học giả nước ngoài. Các học giả này thường thiên về khảo sát ảnh hưởng của một nền văn học đối với văn học Việt Nam. Tiếp theo sau chuyên luận công bố năm 1985 của Nhan Bảo (Yan Bao),[49]Lâm Minh Hoa 林明華dành trọn một tiết chuyên bàn về «Dịch giới và truyền bá văn học Trung Quốc ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.» Lâm Minh Hoa khái quát tình hình dịch thuật văn học Trung Quốc ở Việt Nam trong thời kỳ này thành hai giai đoạn: nửa đầu và nửa sau thế kỷ XX.[50]

Vấn đề phiên dịch từ Hán sang Việt đã được các học giả trong nước thảo luận từ nhiều góc độ khác nhau. Đáng chú ý nhất có lẽ phải kể đến tập Dịch Từ Hán Sang Việt - Một Khoa Học, Một Nghệ Thuật xuất bản năm 1982.[51]Trong tập sách, những vấn đề chung của lý luận phiên dịch đã được tổng thuật,[52]lịch sử phiên dịch từ Hán sang Việt ở Việt Nam cũng được giới thiệu khái quát cùng với những đặc điểm của nó.[53]

Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, một số chuyên khảo về phiên dịch ở Việt Nam đã được công bố.[54]Đáng chú ý hơn cả là loạt bài «Dịch văn học» «Văn học dịch» của các dịch giả, giáo sư, nhà nghiên cứu đăng tải đều đặn trên tạp chí Văn Học Nước Ngoài (Hội Nhà Văn Việt Nam), góp phần xây dựng lý luận phiên dịch và khảo sát các tác phẩm dịch ở Việt Nam.[55]

Đáng lưu tâm là các nghiên cứu về việc dịch và phổ biến Liêu Trai Chí Dị ở Việt Nam. Đồng ý về sự tồn tại của một quá trình lịch sử phiên dịch của bộ đoản thiên tiểu thuyết này ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã truy cứu đến một bản dịch quốc ngữ xuất bản vào những năm 80 của thế kỷ XIX trong tập Chuyện giải buồn của Paulus Của.[56] Những phát hiện liên quan đến lịch sử phiên dịch của bộ sách đã cho phép xác định mức độ phổ biến của Liêu Trai ở Việt Nam,[57] khởi điểm của việc phiên dịch văn học Trung quốc sang chữ quốc ngữ (thập niên 80 của thế kỷ XIX) cùng với người khởi xướng (Huình Tịnh Paulus Của), đặc điểm phong cách ngôn ngữ của dịch phẩm,[58] cũng như bối cảnh chính trị, văn hoá, xã hội của từng bản dịch cụ thể.[59] Hiển nhiên, khảo sát việc phiên dịch một tác phẩm cụ thể đã đem lại những hiểu biết khái quát hơn về những tương quan văn hoá-văn học cũng như con người của một thời kỳ lịch sử nhất định. Bài khảo cứu công phu, có tính tổng kết và khái quát của Gs. Trần Nghiã công bố trong năm đầu thế kỷ này cho thấy diện mạo phong phú của tình hình phiên dịch từ Hán văn ra quốc ngữ ở Việt Nam ở thế kỷ XX, trong đó số lượng tác phẩm văn học chiếm đa số.[60]

Văn học của một nước không phát triển cô lập mà luôn tồn tại trong mối quan hệ giao thoa văn hoá với các nước khác. Qua việc tìm hiểu việc lưu hành các ấn phẩm có nguồn gốc bản địa hay ngoại lai trong độc giả của một thời kỳ lịch sử có thể thấy được sinh hoạt trí thức, cùng với các ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài ở thời ấy. Thế nên những ghi chép về tình hình thư tịch ở Việt Nam trong Thù Vực Chu Tư Lục của Nghiêm Tòng Giản,[61]An Nam Cung Dịch Kỷ Sự của Chu Thuấn Thủy,[62]cũng như các tác phẩm được dẫn trong phần tập chú Truyền Kỳ Mạn Lục, là những dữ liệu quý về nguồn sách vở ngoại nhập có mặt ở Việt Nam ở các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Trong các nước chịu ảnh hưởng văn hoá Hán, như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, việc dùng Hán văn để sáng tác là một hiện tượng phổ biến. Các tác phẩm Hán-Hàn, Hán-Nhật, và Hán-Việt chung cuộc cũng đều được dịch trở lại quốc văn, để yết lộ anh hoa trong tấm áo ngôn ngữ dân tộc, nối kết quá khứ với hiện tại, duy trì nguồn mạch truyền thống trường tồn với thời gian và không gian. Phiên dịch với tư cách là hoạt động chuyển phiên, diễn giải một tác phẩm từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, xét trong một trường nghiã rộng hơn, thâu tóm không chỉ những tác phẩm ngoại ngữ du nhập vào bản địa, mà còn xử lý cả những tác phẩm bản địa viết bằng tiếng nước ngoài, hay các tác phẩm cổ viết với ngôn ngữ cổ vốn đã trở thành xa lạ với độc giả đương đại (như trường hợp phiên dịch văn ngôn ra bạch thoại ở Trung quốc).[63]Nếu như Hán văn Việt Nam cần được nghiên cứu từ góc độ song ngữ để làm sáng tỏ các hiện tượng giao thoa ngôn ngữ của nó,[64]văn chương Hán văn Việt Nam cũng nên được tìm hiểu như một đối tượng của phiên dịch học, xét trong quan hệ tương tác, đồng đẳng với các tác phẩm văn học dịch từ Trung quốc và các nước khác.

Nếu như đã có thể xác định được khởi điểm của lịch sử phiên dịch quốc ngữ của văn học Trung Quốc, lẽ nào không tìm được điểm khởi đầu của lịch sử phiên dịch Hán văn Việt Nam sang tiếng Việt với hệ tự mẫu la tinh? Tác phẩm nào đã được chọn dịch và vì sao? Ai là dịch giả? việc lựa chọn này có liên hệ gì với việc chọn dịch bộ sách của Bồ Lưu Tiên?

Còn rất nhiều câu hỏi chưa có được lời đáp. Phiên dịch học ở Việt Nam là vẫn là một khu rừng nguyên sinh phong phú còn vắng dấu chân thám sát. Quy tập tư liệu, vận dụng các tri thức liên ngành vào phân kỳ, khảo sát các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phiên dịch với các thể loại văn chương khác nhau, là những việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Cánh cửa phiên dịch học dẫn vào văn học Việt Nam vẫn còn để ngỏ, không chỉ với các tác phẩm Hán văn, mà còn với những dịch phẩm từ tiếng Hàn, Nhật, Pháp, Nga, Anh, Đức, Tây Ban Nha v.v. Phiên dịch học Việt Nam còn non trẻ, nhưng đang đứng trước một con đường rộng mở, với những tầng tư liệu đang chờ tái phát hiện và một diện mạo văn học dân tộc đầy đủ hơn đang đợi phục hiện.

Nguồn: Nguyễn Nam, Phiên Dịch Học Lịch Sử - Văn Hoá Trường Hợp Truyền Kỳ Mạn Lục, Nxb Đại Học Quốc Gia, Tp HCM, tr.23-52. (Trích đăng với sự đồng ý của tác giả.)

Chú thích

1. Các tác giả Trần Văn Giàu, Thanh Lãng, và Hoàng Xuân Việt trong chương «Chữ quốc ngữ trên đất Sài Gòn – Gia Định những thế kỷ XVII – XVIII – XIX» có viết, «Đờ Rốt [Alexandre de Rhodes] không phải là ông tổ chữ quốc ngữ. Vậy ông tổ chữ quốc ngữ là ai? Mọi người đều trả lời: Không có cá nhân nào hết (Tựa như không có ai là ông Tổ của chữ Nôm). Song cần phải biết rằng trong quá trình sáng chế chữ quốc ngữ, những ông giáo sĩ người Bồ – A-ma-ran [Gaspar d’Amaral] và Bac-bô-da [Antonio Barbosa] – là những vị lập nhiều công, hai vị là tác giả hai quyển từ điển Việt-Bồ và Bồ-Việt nay không còn thấy đâu nữa...Chắc là sự tìm tòi về vai trò của người Việt trong việc sáng chế chữ quốc ngữ sẽ còn đem lại nhiều kết quả hơn nữa. Làm sao những ông thầy (nhà nho, nhà sư) dạy chữ Nôm, chữ Hán cho các nhà truyền giáo tây phương, lại không tham gia vào việc sáng chế và tinh luyện chữ quốc ngữ được?» (G.S. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, G.S. Nguyễn Công Bình (chủ biên), Địa Chí Văn Hoá Thành Phố Hồ Chí Minh: II. Văn Học, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1988, trg. 137 và 138. Xem thêm Đỗ Quang Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ: 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Saigon, 1972.

2. Xem Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, Nam Sơn, Saigon, 1974.

3. Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., «Tuy nhiên họ cũng để một thời gian 4 năm mới thi hành trong toàn cõi Nam kỳ (1882).» (trg. 26).

4. Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 25-30. Phần in nghiêng trong các trích dẫn do người viết (N.N.) nhấn mạnh.

5. Như trên, trg. 29-30.

6. Dumoutier, Gustave, Les débuts de l’enseignement français au Tonkin (Bước đầu của giáo dục Pháp ở Bắc Kỳ), Hanoi, 1887, trg. 9. Chuyển dẫn từ DeFrancis, John, Colonialism and Language Policy in Viet Nam (Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam), Mouton Publishers, The Hague, Paris, New York, 1977, trg. 85.

7. Landes, A., «Notes sur le Quoc-Ngu» (Ghi chú về chữ quốc ngữ) Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, đệ nhất bán niên, 1886, trg. 6; Cadière, Leopold, «La question de quoc-ngu» (Vấn đề chữ quốc ngữ), Revue Indochinoise, số 9(15 tháng 5), trg. 585; Lahille, Abel, «De l’enseignement du français en Indochine» (Về giảng dạy tiếng Pháp ở Nam Kỳ), Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, số 69(1918), trg. 9; và Maspéro, Georges, Un empire colonial français: l’Indochine (Một vương quốc thuộc địa Pháp: Đông Dương), 2 tập, Paris, 1929-1930, tập 1, trg. 79. Chuyển dẫn từ DeFrancis, John, Colonialism and Language Policy in Viet Nam, như trên.

8. Génibrel, J.F.M., Dictionnaire annamite – français, Imprimerie de la mission à Tân Định, Saigon, 1898, trg. 145.

9. Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Saigon, 1895.

10. Xem liệt kê các tựa sách khởi đầu với «quốc âm» và «quốc ngữ» trong Gs. Trần Nghiã, Gs. François Gros (đồng chủ biên), Di Sản Hán Nôm Việt Nam - Thư Mục Đề Yếu, 3 tập, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993, tập 3, «Bảng tra tên tác phẩm,» trg. 94.

11. Xem Nguyễn Quang Hồng, «Quốc Âm Tân Tự – Một phương án chữ Việt ghi âm thế kỷ 19,» Tạp Chí Hán Nôm, 1/1986, trg. 66-73. Phương án này đề nghị ghi âm tiếng Việt với 132 ký hiệu đơn (trong đó có 22 ký hiệu gốc (cán tự), và 110 ký hiệu nhánh (chi tự).

12. Nguyễn Trường Tộ viết, «Tôi tính quốc âm ta ước chừng hơn một vạn tiếng, trong đó chỉ có lối ba ngàn tiếng không thể viết như chữ Hán. Trường hợp đó ta dùng những chữ Hán tương tự rồi thêm hiệp vần vào một bên mà thôi. Còn sáu, bảy ngàn tiếng đã viết được như chữ Hán thì cứ viết, chỉ đọc như quốc âm thôi. Đó gọi là ‘chữ Hán quốc âm’» Xem Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: Con Người Và Di Thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1988, trg. 77.

13. Phân tích điều trần dùng quốc âm Hán tự của Nguyễn Trường Tộ, John DeFrancis viết, «Không thật rõ là nhà điều trần nghĩ gì khi đề nghị phương án nọ mà thực chất là cải cách hệ thống chữ Nôm. Không dùng từ ‘Nôm’ để chỉ hệ thống chữ viết quan phương mới mà ông đề xuất, ông có thể đã xuất phát từ thái độ cẩn trọng, bởi lẽ ông chủ yếu đang khuyên một hoàng đế triều Nguyễn chấp nhận cùng một hệ thống [văn tự] trước đó đã được nhà Tây Sơn, những người thù địch của tổ tiên Nguyễn triều, sử dụng. Cũng có thể là khi Nguyễn Trường Tộ nói về ‘cải cách,’ ông có lẽ đã hình dung đến việc thay đổi chữ Nôm đến mức độ một tên gọi mới có thể biện minh thoả đáng...Có lẽ ông muốn nói đến việc điển chế hoá chữ Nôm theo cách này hay cách khác. Một phương hướng thực hiện điều này sẽ là dùng cùng một yếu tố ngữ âm cho tất cả các từ được phát âm theo một cách, có lẽ cũng tựa như điều mà Midan hiển nhiên đã nghĩ đến khi đề nghị là chữ Nôm có thể được viết chỉ với hai hay ba nghìn chữ.» (Colonialism and Language Policy in Viet Nam, sđd., trg. 104). Xem thêm P. Midan, «Bui-quang-Nghia. L’union merveilleuse de Kim et de Thach: Manuscrit en chu-nom précédé d’une introduction, transcription en Quoc Ngu, et traduction en français» (Bùi Quang Nghĩa. Kim Thạch Kỳ Duyên: Bản nôm chép tay với lời giới thiệu, phiên âm ra quốc ngữ, và phiên dịch sang Pháp văn), Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 1934, số 9(1-2), trg. 1-456.

14. Landes, A., «Notes sur le quốc ngữ,» bđd. Chuyển dẫn từ Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 63.

15. Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn Thơ Đông Kinh Nghĩa Thục – Prose et poésies de Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb. Văn Hoá, Cục Lưu Trữ Nhà Nước Việt Nam, và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Hà Nội, 1997,trg. 110.

16. Vandermeersch, Léon, Le nouveau Monde sinisé, Presses Universitaires de France, Paris, 1986, trg. 149. Xem bản tổng lược dịch Việt ngữ (Nguyễn Nam dịch và chú giải phần Introduction và tiểu mục 7:3 «L’écriture partagé») dưới tiêu đề «Cùng chung văn tự» trong Lê Đình Khẩn, Những Vấn Đề Cơ Bản Của Chữ Hán (Chữ Hán: Viết, Đọc, Nhớ), Đông Phương Học – Trường Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1995, trg. 148-173.

17. Địa Chí Văn Hoá Thành Phố Hồ Chí Minh: II. Văn Học, sđd., trg. 200-217.

18. Xem các chương sau.

19. Về lịch sử phiên dịch và dịch thuật ở Việt Nam, xem Trần Nghiã, «Những vấn đề mới đặt ra trong việc dịch từ Hán sang Việt hôm nay,» Dịch từ Hán Sang Việt - Một Khoa Học, Một Nghệ Thuật, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1982, trg. 13-28. Gs. Trần Nghiã tổng quy các phương thức dịch thành «hai trường phái»: dịch chữ (trực dịch) và dịch ý (nghiã dịch). Dịch chữ chủ yếu được áp dụng trong giai đoạn đầu, «ít ra là từ cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ V,» với việc phiên dịch kinh Phật. Tuy vậy, ngay trong thời Bắc thuộc, «phong trào 'dịch chữ' (trực dịch) đã dần dần nhường chỗ cho phong trào 'dịch ý' (nghĩa dịch)». Từ thế kỷ X trở về sau, «dịch chữ» lại được khôi phục, chủ yếu được dùng cho loại sách giáo khoa hoặc sách tra cứu. Nó song song tồn tại và hỗ trợ cho phương thức «dịch ý», vốn được dùng rộng rãi hơn trong hầu hết các lĩnh vực khác.

20. Nguyễn Quảng Tuân, «Những bài dịch Đường thi đầu tiên trong văn học Việt Nam,» Tạp Chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2000, trg. 91-95.

21. Đáng chú ý nhất là hai công trình khảo cứu xuất bản gần đây, trong các năm 1999-2001, xem Hoàng Hồng Cẩm, Tân Biên Truyền Kỳ Mạn Lục: Nghiên Cứu Văn Bản Và Vấn Đề Dịch Nôm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999; Hoàng Hồng Cẩm (phiên âm và chú thích), Kiều Thu Hoạch, Cung Khắc Lược (hiệu đính), Tân Biên Truyền Kỳ Mạn Lục: Tác Phẩm Nôm Thế Kỷ XVI, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000; Nguyễn Quang Hồng (phiên âm và chú giải), Truyền Kỳ Mạn Lục Giải Âm, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2001.

22. Địa Chí Văn Hoá Thành Phố Hồ Chí Minh: II. Văn Học, sđd., trg. 148.

23. Lịch Sử Việt Nam, 2 tập, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1975: «Hồ Quý Ly có thái độ coi trọng chữ Nôm, đã từng làm thơ Nôm và đã dịch một số sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy cho vua và cung phi.» (tập 1, trg. 233).

24. Lịch Sử Việt Nam, như trên: «Đặc biệt, Quang-trung rất coi trọng tiếng nói dân tộc, muốn đưa chữ nôm lên địa vị chữ viết chính thức của quốc gia. Quang-trung cho lập viện Sùng-chính để dịch sách chữ Hán ra chữ nôm. Các văn kiện của nhà nước dần dần viết bằng chữ nôm. Chữ Hán không còn chiếm địa vị độc tôn nữa. Đó là một thắng lợi lớn của tiếng nói dân tộc.» (trg. 361).

25. Nguyễn Thế Nghi, Tân Biên Truyền Kỳ Mạn Lục – Tác Phẩm Nôm Thế Kỷ XVI, Hoàng Thị Hồng Cẩm (phiên âm, chú thích), Kiều Thu Hoạch, Cung Khắc Lược (hiệu đính). Nxb. Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội, 2000, trg. 7.

26. Linh mục Nguyễn Hưng, Sơ Thảo Thư Mục Hán Nôm Công Giáo Việt Nam (Lưu hành nội bộ), 2000, trg. 159-163. Sách cũng viết: «Theo sử Phương Tây, thì Jeronimo Maiorica là nhà truyền giáo gốc nước Ý, trong khoảng thời gian 1632 đến 1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm...Nổi bật nhất là bộ Các Thánh Truyện dài 1.672 trang. Truyện chép gần 500 nhân vật hay những vị Thánh cả Phương Đông lẫn Phương Tây, bằng một thể văn mộc mạc dân gian, nhưng không kém phần hấp dẫn. Mỗi câu truyện được coi như một đoản thiên tiểu thuyết, được viết cách đây 400 năm, nhiều truyện na ná như «Tê-lê-mác phiêu lưu ký.» Nhiều truyện giống như truyện Đức Phật Thích Ca xuất hành ra 4 cửa thành. Không thiếu những truyện «Phật Bà Quan Âm Thị Kính,» truyện gái giả trai sống chung đứng đắn trong những cộng đồng người tu.» (trg. 23, 24-25).

27. Sơ Thảo Thư Mục Hán Nôm Công Giáo Việt Nam, sđd., trg. 23.

28. Khi hương chức trong làng đến xin cho Nguyễn Đình Chiêm, con thứ bảy của Đồ Chiểu, đi học chữ quốc ngữ, ông Đồ đã gắt rằng, «Tôi vì đâu mà phải đến góc biển chân trời này, các ông sao lại còn đem chuyện đó mà nói cùng tôi.» Chuyển dẫn từ Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 95.

29. Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 97-101.

30. Chuyển dẫn từ Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 103.

31. Luro cũng đề nghị phúc trình của mình được chuyển cho Philastre và Legrand de la Liraye duyệt xét. Đồng ý với Luro, hai viên chức này viết: «Nếu người ta biết chắc sẽ dạy ỏ trường chữ nho, nghĩa là triết lý, lịch sử, và tất cả các môn khác mà người An Nam biết, người ta sẽ đến trường nếu việc dạy không quá đắt...» (22/12/1872; phần in nghiêng do người viết nhấn mạnh – N.N.). Xem Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 107-109.

32. Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 90.

33. Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1982, trg. 48.

34. Ở miền nam, Trương Vĩnh Ký thường được nhắc qua tên thông xưng «Pétrus Ký» («Pétrus» là tên thêm sức của ông). Xem Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (Con Người Và Sự Thật), Ban Khoa Học Xã Hội Thành Uỷ, Tp. Hồ Chí Minh, 1993; Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký – Nhà Văn Hoá, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1993. Cũng như Trương Vĩnh Ký, Hùinh Tịnh Của thường được biết đến với tên “Paulus Của” (“Paulus” là tên thánh). Xem Nguyễn-Văn-Y, “Huỳnh-Tịnh-Của và công-trình biên-soạn bộ Đại-Nam Quấc-Âm Tự-Vị,” Tiểu-luận cao-học ngữ-học, Trường Đại-học Văn-khoa, Saigon, 1974.

35. Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (Con Người Và Sự Thật), sđd., trg. 247

36. Nguyễn-Văn-Y, «Huỳnh-Tịnh-Của và công-trình biên-soạn bộ Đại-Nam Quấc-Âm Tự-Vị,» sđd., trg. 25.

37. Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, sđd., trg. 113. Phần in nghiêng trong trích dẫn là của tác giả Nguyễn Văn Trung.

38. Xem Thúy Toàn, Không Phải Của Riêng Ai – Dịch Văn Học, Văn Học Dịch, Nxb. Văn Học – Trung Tâm Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, trg. 24 và 30.

39. Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, «Lược khảo tiểu thuyết Tàu,» Thanh Nghị, số 11(4/1942), trg. 14.

40. Dịch chữ «hoại nhân tâm thuật,» vốn được Lê Quý Đôn dùng trong Vân Đài Loại Ngữ, quyển nhất, «Mục lục dẫn,» Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Saigon, 1972, trg. 6b.

41. Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, «Lược khảo tiểu thuyết Tàu,» bđd, trg. 14.

42. Đáng chú ý là trước đó, nhiều bộ tiểu thuyết Trung quốc đã được cải biên thành truyện thơ Nôm. Tuy đều là những hình thức khác nhau của tiếp nhận văn học, tác dụng - ảnh hưởng của cải biên và phiên dịch tất nhiên không hoàn toàn như nhau. Về việc tiếp nhận tiểu thuyết Trung Hoa và cải biên thành truyện thơ Nôm, xem Trần Quang Huy, «Việt Nam Nôm truyện dữ Trung quốc tiểu thuyết chi nghiên cứu,» (thượng, hạ), luận văn tiến sĩ, Taiwan University, 1973.

43. Phan Mạnh Danh (1866-1942) người làng Phù Ủng, phủ Ân Thi, huyện Hưng Yên, tên chữ là Trung, sau đổi là Mạnh Danh. Ông là con trưởng thị độc Phan Trác Hoạt, cháu Hoàng giáp Phan Trứ.

44. Lời giới thiệu của Đào Sỹ Nhã trong Phan Mạnh Danh, Bút Hoa - Thơ Tập Cổ. Phạm Văn Sơn, Saigon, 1962, trg. 13.

45. Cùng với Nguyễn An Cư, Nguyễn Liên Phong, Phan Kế Bính là một trong những người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghiã. Bản dịch của ông được Nguyễn Văn Vĩnh nhuận sắc, xuất bản vào năm 1909. Vũ Ngọc Phan xem đó «là một bộ truyện dịch cực hay, có thể làm khuôn mẫu cho tất cả các truyện dịch.» Xem Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại (4 tập), Thăng Long, Saigon, tập 1, trg. 71-77.

46. Theo Vũ Ngọc Phan, «Có lẽ ông [Nguyễn Đỗ Mục] là một nhà văn dịch truyện Tàu ra quốc văn nhiều nhất. Ông dịch nhiều đến nỗi khi nghe ai nói đến một quyển tiểu thuyết Tàu dịch ra quốc văn, người ta có thể ngờ là một quyển sách do ông dịch. (...) Nhưng những truyện dịch của ông phần nhiều đã được người ta rất ham đọc.» (Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại (4 tập), sđd., tập 1, trg. 79-89).

47. Xem Yan Bao, «The Influence of Chinese Fiction on Vietnamese Literature» (Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam), trong Salmon, Claudine (biên tập), Literary Migrations - Traditional Chinese Fiction in Asia (17-20th centuries) (Truyền nhập văn học - Tiểu thuyết truyền thống Trung quốc ở châu Á (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20)), International Culture Publising Corporation, Beijing, 1987, trg. 278-284. Xem thêm giản bản Trung văn của sách: Trung Quốc Truyền Thống Tiểu Thuyết Tại Á Châu, Bắc Kinh Đại Học Tỷ Giảo Nghiên Cứu Tùng Thư - Quốc Tế Văn Hoá Xuất Bản Công Ty, Bắc Kinh, 1989.

48. Đặng Thai Mai, «Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt-Nam và văn học Trung-quốc» trong Trên Đường Học Tập Và Nghiên Cứu - Phê Bình Và Tiểu Luận, tập 2, in lần thứ 2, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1969, trg. 233. Giáo sư Yan Bao cũng công bố một danh mục sơ bộ gồm 316 đề mục tiểu thuyết Trung quốc dịch sang quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1954. Danh mục này hẳn nhiên là chưa đầy đủ và cần được bổ sung thêm; xem Yan Bao, "The Influence of Chinese Fiction on Vietnamese Literature," bđd., trg. 286-312.

49. Yan Bao. «The Influence of Chinese Fiction on Vietnamese Literature,» bđd.

50. Xem «20 thế kỷ Trung Quốc văn học tại Việt Nam đích dịch giới dữ truyền bá 20 世紀中國文學在越南的譯界與傳播 » trong Nhiêu Bồng Tử 饒芃子 (chủ biên), Trung Quốc Văn Học Tại Đông Nam Á 中國文學在東南亞 (Văn học Trung Quốc ở Đông Nam Á), Ký Nam Đại Học Xuất Bản Xã 暨南大學出版社, Quảng Châu, 1999, trg. 24-30.

51. Viện nghiên cứu Hán-Nôm, Dịch Từ Hán Sang Việt - Một Khoa Học, Một Nghệ Thuật, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982.

52. Lý luận dịch thuật của các học giả nước ngoài như T. H. Savory, G. Steiner, R. Jakobson, V. N. Krupnov, I. Levy, J. Albrecht, P. J. Vinay cũng đã được giới thiệu. Xem Phan Văn Các, «Mấy ý kiến về phiên dịch cổ Hán-Việt,» Dịch từ Hán..., sđd., trg. 66-73; Nguyễn Quang, «Vận dụng một số kiến thức ngôn ngữ học vào việc dịch các tài liệu Hán-Nôm,» trg. 100-111.

53. Xem Cao Tự Thanh, «Bước đầu suy nghĩ về việc dịch các tác phẩm văn học chữ Hán Việt Nam,» trg. 84-92. Cao Tự Thanh nhấn mạnh đặc điểm của Hán văn Việt Nam, «từ thế kỷ thứ X trở đi, chữ Hán ở Việt Nam dần dần có những giá trị riêng biệt và độc lập với chữ Hán ở Trung Quốc.» Trong bài «Về tầm quan trọng của công tác dịch thuật ở nước ta và sự cần thiết của việc dịch từ Hán sang tiếng Việt,» sđd., trg. 29-37, Gs. Huỳnh Lý nêu bật bốn yếu tố thuận lợi trong việc phiên dịch Hán-Việt, «1. Thể điệu, thi cách giống hoặc gần nhau, 2. Văn phạm giống nhau, ít nhất là tai ta quen, 3. Âm hưởng tiết tấu có phần dễ bảo tồn hơn là đối với thơ Âu châu, 4. Nhiều từ và bộ phận câu xưa nay nói như nhau chỉ cần chuyển qua thôi.» (trg. 30).

54. Tham khảo: Trương Đăng Dung, «Văn học dịch và những vấn đề lý luận của văn học so sánh» (Tham luận đọc tại Hội thảo khoa học về Văn học dịch tổ chức tại Hà Nội ngày 7/12/1990) in lại trong Trương Đăng Dung, Từ Văn Bản Đến Tác Phẩm Văn Học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, trg. 81-90; Bằng Giang, «Truyện Tàu, nước mội và sóng gầm?» trong Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ, 1865-1930. Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, trg. 234-281; Những Vấn Đề Ngôn Ngữ Và Dịch Thuật, Hội Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Hà Nội, 1993; Phong Lê, «Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX» (Tham luận tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội) in lại trong Việt Nam Học – Kỷ Yếu Hội Thảo Quốc Tế Lần Thứ Nhất, Hà Nội 15-17/7/1998. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000, tập II, trg. 387-394. Đặc biệt trong năm 1996, hai chuyên luận về việc dịch thơ Đường ở Việt Nam đã được xuất bản: Nguyễn Tuyết Hạnh, Vấn Đề Dịch Thơ Đường Ở Việt Nam, Nxb. Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nội, 1996; Ngô Văn Phú, Thơ Đường Ở Việt Nam, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1996. Riêng về việc truyền nhập một số bộ tiểu thuyết Trung quốc vào Việt Nam, xem: Nguyễn Nam, «Tài tử thư ở Việt Nam,» Tạp Chí Hán Nôm, số 4(37)-1998, trg. 15-28; «Tình Sử Loại Lược - Lưu truyền và aÛnh hưởng ở Việt Nam,» Tạp Chí Hán Nôm, số 1(42)-2000, trg. 41-56; «Quá trình truyền nhập và lưu hành Tiễn Đăng Tân Thoại ở Việt Nam,» Tạp Chí Hán Nôm, số 4(45)-2000, trg. 22-29.

55. Phiên dịch học (translation studies) cũng được thảo luận trên tạp chí này; xem Lưu Văn Bổng, «Văn học so sánh và nghiên cứu dịch thuật,» Văn Học Nước Ngoài, số 5 (9-10/1999), trg. 203-209.

56.Xem Nguyễn Huệ Chi, «Lời giới thiệu,» trong Liêu Trai Chí Dị (Tuyển Tập), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tập 1; Cao Tự Thanh, «Vài bản dịch Liêu Trai Chí Dị đầu thế kỷ XX ở Lục tỉnh,» Tạp Chí Hán Nôm, số 4(29)-1996, trg. 17-20; Nguyễn Văn Hiệu, «Góp phần tìm hiểu lịch sử phiên dịch Liêu Trai Chí Dị ở Việt Nam,» Tạp Chí Hán Nôm, số 1(46)-2001, trg. 31-36.

57. Cao Tự Thanh, «Vài bản dịch Liêu Trai Chí Dị...» bđd.: «Nó [Liêu Trai Chí Dị] được phổ biến rộng rãi tới mức đã hội nhập vào nhiều truyện kể dân gian Việt Nam từ Bắc tới Nam, đồng thời một số truyện khi được sao chép, phổ biến riêng rẽ còn đã hòa lẫn vào hệ thống các truyện kể Việt Nam viết bằng chữ Hán.» (trg. 17).

58. Nguyễn Văn Hiệu, «Góp phần tìm hiểu lịch sử phiên dịch...» bđd., trg. 35-36.

59. Cao Tự Thanh xem bản dịch của Lương Dũ Thúc như một thái độ phản kháng nhằm bảo vệ văn hoá dân tộc chống lại sự bài trừ chữ Hán của thực dân Pháp. Mặt khác, bản dịch của Nguyễn Đoan Khai lại được xem như thuộc «khuynh hướng đồng hoá các giá trị quốc tế vào sinh hoạt văn học Việt Nam ở Lục tỉnh đầu thế kỷ XX.» (bđd., trg. 20).

60. Kết quả thống kê cho thấy có trong thế kỷ XX có khoảng 418 tác phẩm văn chương «được phiên chuyển từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ, hoặc từ chữ Hán ra tiếng Việt hiện đại.» Xem Trần Nghiã, «Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX,» Tạp Chí Hán Nôm, 1(46), 2001, trg. 3-13.

61. Xem Nguyễn Nam, «Quá trình truyền nhập và lưu hành Tiễn Đăng Tân Thoại ở Việt Nam» (bđd.)

62. Chu Thuấn Thủy, Ký Sự Đến Việt Nam Năm 1657 - An Nam Cung Dịch Kỷ Sự, Vĩnh Sính (dịch và giới thiệu), Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội 1999.

63. Gs. Phan Văn Các khái quát hoạt động phiên dịch thành hai loại hình chủ yếu. Một là phiên dịch các tác phẩm nước ngoài «nối mạch tương thông tâm hồn và trí tuệ các dân tộc.» Hai là hoạt động phiên dịch «chuyển tải các giá trị văn hoá của các thế hệ xa xưa đến công chúng hôm nay và mai sau theo chiều dọc lịch sử của từng dân tộc.» Xem Phan Văn Các. «Phiên dịch các tác phẩm Hán văn Việt Nam» Những Vấn Đề Ngôn Ngữ Và Dịch Thuật, sđd., trg. 41-43.

64. Phạm Văn Khoái. «Hán văn Việt Nam nhìn từ góc độ song ngữ» Tạp Chí Hán Nôm 100 Bài Tuyển Chọn, sđd., trg. 216-223.

₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪

Từ khóa » Dịch Chữ Nôm Ra Chữ Quốc Ngữ