Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Cả Cuộc đời Vì Nước, Vì Dân

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh tư liệu

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấu hiểu nhu cầu, lợi ích của nhân dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của nhân dân và làm thế nào để đem lại lợi ích, hạnh phúc cao nhất cho nhân dân. Người đã từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn khai thác, tìm tòi những nhu cầu lợi ích thiết thân và chính đáng của nhân dân để nhân dân đem hết tài năng, trí lực, sáng tạo của mình hăng hái tham gia.

Đối với mọi dân tộc trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, mong ước cao nhất là được tự do, được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột thực dân. Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, sự áp bức, bóc lột tàn bạo, dã man của thực dân Pháp làm cho nhân dân ai cũng có mong muốn được giải phóng và nhân dân ở mọi miền đất nước đều vùng dậy đấu tranh chống lại. Hàng loạt các phong trào yêu nước mang các khuynh hướng khác nhau đã diễn ra sôi nổi, đòi tự do, chống lại áp bức, bóc lột, cường hào,… Song, các phong trào yêu nước đó đều lần lượt thất bại, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng đường lối tưởng chừng không có đường ra, cả dân tộc chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Nhu cầu bức thiết nhất của mỗi người dân Việt Nam lúc bấy giờ là phải tìm ra con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Pháp và tay sai của chúng.

Thấu hiểu cảnh mất nước, làm nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau một quá trình bôn ba đến nhiều nước trên thế giới, nghiên cứu các cuộc cách mạng lớn, các học thuyết nổi tiếng trên thế giới, Người đã tìm ra con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc: Con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và từ đó, Người xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân giành độc lập, tự do, đáp ứng nhu cầu giải phóng của quần chúng nhân dân.

Sau khi đất nước được độc lập, nhân dân phải được hưởng đời sống vật chất và tinh thần no ấm, bởi đó là những nhu cầu chính đáng, tối thiểu của mỗi con người. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải chăm lo đến đời sống nhân dân “phải quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất của nhân dân. Cán bộ từ trên xuống dưới phải chăm nom đến chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của công nhân... tổ chức nhà ăn, nhà ở, nhà gửi trẻ cho tốt, cho chu đáo” . Người khẳng định: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đời sống vật chất của nhân dân không chỉ bằng lời nói, mà bằng những việc làm rất cụ thể thiết thực hàng ngày. Người luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân như nhu cầu được học hành, nâng cao dân trí; quyền làm chủ của nhân dân phải được phát huy rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Người nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện đời sống của nhân dân.

Như vậy, những nhu cầu lợi ích của nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến chính là những nhu cầu lợi ích lớn nhất của đất nước, cũng chính là mong muốn, khát vọng mãnh liệt của Người. Những lợi ích và nhu cầu thiết thân đó của nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức như của chính mình và Người đã cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân để thực hiện những nhu cầu và lợi ích ấy thông qua đường lối, chính sách, luật pháp, những cơ chế, những giải pháp... phù hợp với từng thời kỳ và từng đối tượng.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy các nguồn lực trong nhân dân, nhằm xây dựng một đất nước vì nhân dân

Là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng Người luôn gắn bó với nhân dân, mọi lời nói, việc làm đều xuất phát từ lợi ích của đại đa sống quần chúng nhân dân. Do đó, Người luôn chỉ dạy phát huy các nguồn lực của nhân dân để phục vụ nhân dân.

Nhân dân có nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực vật chất, của cải, có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả của cải vật chất trong xã hội, đều do công nhân và nông dân làm ra”; “... Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hoá, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”. Nguồn lực của cải, tài chính trong nhân dân là rất nhiều, Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào dân, phát huy nguồn lực của cải, tài chính trong dân để làm cho dân giàu, nước mạnh. Với Người, từ việc to đến việc nhỏ, từ xa đến gần, dựa vào dân, huy động sức dân là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.

Về nguồn lực sức lao động: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lao động, coi người lao động là vốn quý nhất và Người đòi hỏi phải tổ chức lao động cho tốt để tiết kiệm sức lao động. Người nói: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của lao động. Người từng khẳng định: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy, lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người. Cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc.”. Với lao động, con người đã tạo ra lịch sử của chính mình, với lao động, con người đã cải tạo tự nhiên, cải biến xã hội và nâng mình lên thành chủ nhân chân chính của tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, để lao động của nhân dân đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mỗi người công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, viên chức, đều phải hiểu nghĩa vụ vẻ vang của mình là phục vụ sản xuất... Muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng suất lao động và muốn nâng cao năng suất lao động thì phải tổ chức lao động cho tốt” . Để phát huy được nguồn lực lao động của nhân dân thì phải hiểu lao động thế nào cho khoa học, phải có phương thức, cách thức đúng đắn để phát huy nguồn lực đó.

Về nguồn lực trí tuệ: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ cũng là tri thức, là sự hiểu biết, là tài năng. Người coi “dốt cũng là một thứ giặc”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người cho rằng, muốn phát triển kinh tế, xã hội cần phải huy động được trí tuệ của nhân dân: “Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cái thuộc về quyền lợi của họ”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là vốn liếng quý báu của dân tộc; có những việc cán bộ, đảng viên nghĩ mãi không ra nhưng quần chúng nhân dân lại có cách giải quyết rất đơn giản, đầy đủ và hiệu quả: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” .

Như vậy, quan điểm “đem sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân” của Hồ Chí Minh, có nghĩa là phát huy các nguồn lực vốn có trong dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, tức là đem toàn bộ những sức người, sức của, tinh thần, vật chất, tài năng, của cải, tài sản trong dân để làm lợi cho dân.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí Life.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những biện pháp phát huy nguồn lực của nhân dân để làm lợi cho nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn đem sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân thì cán bộ từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương; từ Đảng, chính quyền cho đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; từ cán bộ lãnh đạo cho đến mọi đảng viên, tất cả phải hết lòng hết sức vì dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Người nêu lên những biện pháp để phát huy tối đa nguồn lực của nhân dân:

Thứ nhất là, phải bài trừ lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của dân tộc, tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán chủ nghĩa cá nhân vì nó lấy của dân làm lợi cho cá nhân, do đó nó là một thứ “rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Người cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó.” và “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Thứ hai là, phải có lòng thương yêu nhân dân vô hạn. Người cho rằng, muốn phát huy được các nguồn lực của nhân dân, Đảng, chính quyền, đoàn thể phải cảm thông, tin tưởng tuyết đối vào nhân dân, tin dân, yêu dân. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội. Thái độ phải mềm mỏng: đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn. Mong anh em đi tuyên truyền làm đúng như thế, thì chắc sẽ thành công to” .

Thứ ba là, xác lập một hệ thống chính sách tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho lợi ích của dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Để phát huy các nguồn lực vốn có trong nhân dân, Hồ Chí Minh cùng Đảng, Chính phủ hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách để phục vụ đời sống của nhân dân, nhất là những vấn đề an sinh xã hội. Người nhấn mạnh: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc..." .

Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy các nguồn lực của nhân dân, đem sức dân, tài dân, của dân phục vụ nhân dân, là những nội dung sâu sắc và toàn diện, thấm đượm tính cách mạng và khoa học. Không chỉ đánh giá cao vị trí, vai trò của nhân dân, thấy được tính tất yếu của vấn đề phát huy các nguồn lực của nhân dân, Hồ Chí Minh đã xây dựng được một hệ thống các giải pháp toàn diện, coi việc thực hiện đúng đắn các giải pháp đó là khâu then chốt, quyết định thành công trong phát huy các nguồn lực đó. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân cần phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục dựa vào dân, gần dân, tin dân và phải làm cho dân tin; phải chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, phải thực hành và mở rộng dân chủ... để nhân dân có điều kiện tham gia đóng góp sức lực, tài năng cho sự phát triển của đất nước. Quan điểm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đem sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân, là sự bổ sung, đóng góp to lớn cho kho tàng lý luận cách mạng dân tộc và thời đại về phát huy sức mạnh của nhân dân./.

TS MINH DƯƠNG – HỌC VIỆN CTQG HỒ CHÍ MINH

Từ khóa » đây Là Ai 1 đời Vì Nước Vì Dân