Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Thi Hào Nguyễn Du Với Nhà Thơ Đỗ Phủ - CAND

“Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “người thọ 70 xưa nay hiếm”. Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là “lớp người xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 tuổi, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”.

Thực ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến Đỗ Phủ với một câu thơ của ông chỉ để làm cớ dẫn dắt lý do viết bản Di chúc. Nhưng đối với một vĩ nhân, việc nhắc đến ai trong giờ phút quan trọng thường là có duyên cớ đặc biệt ở bên trong với một sự lôgic sâu sắc mà phải có những công trình nghiên cứu thật khoa học mới có thể lý giải hết.

Khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi đặc biệt chú ý đến hai chi tiết, cũng có thể gọi là hai sự kiện, ấy là việc Người nhắc đến ông Đỗ Phủ trong Di chúc và việc Người nhắc đến bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ để mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới ông Đỗ Phủ trong một văn bản quan trọng thể hiện sự kính trọng đối với ông, thể hiện sự ngưỡng mộ và hiểu biết sâu sắc của Người đối với nền thơ Đường, nền văn hóa Trung Hoa; nhưng cũng thể hiện sự tương đồng sâu sắc giữa tâm hồn hai nhà thơ.

Những giá trị hiện thực của tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhà thơ lớn Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã ví như “những bài Đường thi tuyệt tác” rất gần gũi với thơ Đỗ Phủ ở giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

Nhà thơ Đỗ Phủ sinh năm 712 ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đỗ Phủ lớn lên khi xã hội phong kiến đời Đường đạt tới sự phồn thịnh. Tuy sống trong gia đình quan lại sa sút nhưng ông thông minh học giỏi, mười lăm tuổi đã nổi tiếng về văn chương.

Hai mươi tuổi ông bắt đầu vừa giao du vừa làm thơ qua nhiều vùng đất. Mười năm trời sống ở Trường An ông đã chứng kiến bao sự nhiễu nhương, thối nát của xã hội phong kiến và mới nhận được một chức quan nhỏ “hữu vệ soái phủ vị tào tham quân” tức là chức quan quản lý kho quân giới.

Rồi giặc giã nổi lên, nhà thơ phải chạy loạn qua nhiều vùng đất, chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân. Bản thân nhà thơ cũng đói rét khổ cực, bệnh tật và mất trong nghèo khó vào năm 770 ở đất khách quê người.

Nhưng đó cũng là những năm tháng cho nhà thơ viết được nhiều bài thơ có giá trị hiện thực và nhân đạo lớn nhất của ông. Ông được người đời tôn là “Thi thánh”.

Câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong Di chúc nằm trong bài thơ “Khúc giang II”, được Đỗ Phủ viết năm 757 ở Tràng An.

Khúc giang II

Triều hồi nhật nhật điển xuân y

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy

Hữu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hy

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện

Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi

Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển

Tạm thời tương thưởng, mạc tương vi.

Dịch thơ

Bên sông II

Khỏi bệ vua ra, cố áo hoài

Bến sông say khướt, tối lần mai

Nợ tiền mua rượu đâu không thế?

Sống bảy mươi năm đã mấy người?

Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn

Chuồn chuồn giỡn nước lửng lơ chơi

Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi

Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài

(Tản Đà dịch)

Trong hàng nghìn năm chế độ phong kiến Việt Nam, tuy có thời gian dài độc lập về chính trị và văn hóa nhưng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa là rất lớn. Các nhà văn Việt Nam nhiều thế hệ đã biết đến Đào Uyên Minh, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha... từ lâu.

Những đồng cảm, giao lưu, ảnh hưởng và học hỏi là có sự giao thoa và sáng tạo. Tôi đặc biệt chú ý sự tâm đắc của thi hào Nguyễn Du với nhà thơ Đỗ Phủ. So sánh thì thấy hai ông có những sự tương đồng rất lớn. Có thể nói Đỗ Phủ và Nguyễn Du là hai đỉnh cao nhất của thơ ca hiện thực của hai dân tộc.--PageBreak--

Thơ Đỗ Phủ tố cáo chế độ phong kiến thối nát với những cuộc chiến tranh liên miên làm cho nhân dân vô cùng cơ cực bần hàn; thì “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng là một bản cáo trạng tố cáo chế độ cường quyền.

Tấm lòng nhân đạo của Đỗ Phủ trong lều cỏ dột ướt đêm mưa ước có ngôi nhà ngàn vạn gian để không ai phải chịu rét, khác nào khi Nguyễn Du thốt lên trước thân phận của người phụ nữ: “Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Nhân dân Trung Quốc đã tôn nhà thơ Đỗ Phủ là “thi thánh”. Nhân dân Việt Nam đã tôn nhà thơ Nguyễn Du là đại thi hào.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Nguyễn Du tuy sinh sau Đỗ Phủ hơn mười một thế kỷ (Nguyễn Du sinh năm 1765) nhưng sự đồng cảm thì thật là sâu sắc hiếm có. Trong chuyến đi xứ Trung Quốc năm 1813 cách đây gần hai trăm năm Nguyễn Du đã làm bài thơ “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ”, nói lên sự giao cảm đặc biệt của tâm hồn mình với tiền nhân Đỗ Phủ.

Bài thơ vừa sâu sắc vừa thấm thía của một tâm hồn lớn trước một tâm hồn lớn. Nhà thơ Nguyễn Du cũng đánh giá rất cao giá trị của thơ ca Đỗ Phủ, thương cảm đời sống nghèo khổ của Đỗ Phủ, đặt ra câu hỏi mà chỉ có những tâm hồn thực sự lớn mới có thể nghĩ tới.

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư

Bình sinh bội phục vị thường ly

Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ

Thu phố ngư long hữu sở tư

Dị đại tương liên không sái lệ

Nhất cùng chí thử khởi công thi?

Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị?

Địa hạ vô linh quỷ bối xi.

Dịch nghĩa

Mộ Đỗ Thiếu Lăng (Đỗ Phủ) ở Lỗi Dương

Văn chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thày của muôn đời

Tôi bình sinh khâm phục ông, không lúc nào xa rời

Cây tùng, cây bách ở Lỗi Dương không thấy đâu nữa

Trong lúc cá rồng nằm bến thu, chạnh lòng tưởng nhớ

(Ông với tôi) ở hai thời đại khác nhau, thương nhau luống rơi nước mắt

Ông cùng khổ như thế há phải vì thơ hay?

Cái bệnh lắc đầu cũ (bệnh điếc) bây giờ đã khỏi chưa?

Dưới suối vàng đừng để bọn quỷ cười.

Nguyễn Du khẳng định vị trí của Đỗ Phủ và giá trị của thơ Đỗ Phủ: “Văn chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thày của muôn đời”. Đó là một sự đánh giá cao nhất, nhưng cũng là đúng đắn nhất. Sự bất tử của thơ Đỗ Phủ đã được thời gian khẳng định. Giá trị của thơ Đỗ Phủ ngày càng được truyền tụng vì thơ ông là “vì con người”, đặc biệt là người nghèo khổ.

Nguyễn Du thể hyện sự đồng cảm hiếm có của một trái tim thi sĩ lớn đối với một tấm lòng nhân đạo lớn: “Tôi bình sinh khâm phục ông, không lúc nào xa rời” và “ở hai thời đại khác nhau, thương nhau luống rơi nước mắt”.

Tìm hiểu lịch sử và cuộc đời của Nguyễn Du, chúng ta sẽ hiểu tâm sự này của Nguyễn Du là hoàn toàn chân thực. Cái sự nhọc nhằn, cay đắng mà Đỗ Phủ phải trải qua thì cũng là cái cơ cực, túng quẫn mà Nguyễn Du phải chịu đựng. Từ sự đồng cảm lớn ấy đã cho Nguyễn Du đặt câu hỏi lớn mà nghìn năm cũng không dễ trả lời, ấy là sự bất tương đồng giữa thơ và cuộc sống: “Ông cùng khổ như thế há phải vì thơ hay?”.

Tại sao thi sĩ cứ phải chịu sự đắng cay nghèo khó trong khi mang lại bao vàng ngọc cho đời là những câu thơ hay? Có gì bí ẩn giữa tài năng và thân phận con người? Đây là một tâm sự day dứt của Nguyễn Du trong nhiều năm mà ông đã ký thác trong tác phẩm lớn nhất của đời ông là “Truyện Kiều”: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” và “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ bước đầu của tôi về mối quan hệ giữa nhà thơ Đỗ Phủ và thơ văn của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam, nhân một năm mới sắp về. Quả là những tên tuổi Đỗ Phủ - Hồ Chí Minh - Nguyễn Du đã bước ra ngoài biên giới của một nước và trở thành những giá trị văn hóa của nhân loại

Từ khóa » đỗ Phủ Hà Nội