Chủ Tịch Hồ Chí Minh Từ Hiệp định Sơ Bộ 6-3 đến Tạm ước 14-9-1946
Có thể bạn quan tâm
Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Jean Sainteny, Cố vấn chính trị Leon Pignon, đại diện Đảng Xã hội Pháp Luis Caput (ảnh: Nguyễn Bá Khoản).
Sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945, thực dân Pháp mất quyền cai trị Liên bang Đông Dương. Tuy nhiên, sau khi Nhật đầu hàng khối Đồng Minh, Việt Minh đã chớp thời cơ giành chính quyền từ tay Đế quốc Việt Nam được Đế quốc Nhật Bản bảo hộ, nhanh chóng kiểm soát đất nước và thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945.
Theo thỏa thuận của ba cường quốc Đồng Minh là Trung Quốc, Anh và Hoa Kỳ, 20 vạn quân của quân đội Trung Hoa Dân quốc đã tiến vào miền Bắc Việt Nam để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản. Ở miền Nam Việt Nam, quân Anh cũng tiến vào với nhiệm vụ tương tự. Tuy người Việt Nam đã tự thành lập chính quyền và tuyên bố độc lập nhưng chính phủ Pháp vẫn quyết tâm tái lập quyền cai trị Đông Dương. Trước tình hình đó, Tưởng Giới Thạch nhanh chóng nhận thức được rằng với vị thế cường quốc của Trung Hoa, Pháp sẽ phải chấp nhận các điều kiện do ông ta đưa ra để giải quyết những xung đột lợi ích giữa Trung Hoa và Pháp nếu Pháp muốn quay lại thuộc địa cũ của mình.
Trước tình hình chính trị nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc”, sáng ngày 6-3-1946, một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ đã được tổ chức với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số Bộ trưởng, Cố vấn tối cao của Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc Hội, Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến và Thư ký Hội đồng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo, Hội đồng bàn bạc và nhất trí cử Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ với Pháp theo một số điều kiện đã được thỏa thuận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện nước Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 (ảnh tư liệu).
Nội dung của Hiệp định sơ bộ gồm một số điểm chính, trong đó Chính phủ Pháp công nhận nước VNDCCH là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng; Chính phủ VNDCCH đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế cho 200.000 quân Trung Hoa Quốc dân đảng để làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Pháp hứa sẽ rút hết quân trong thời hạn 5 năm, mỗi năm rút 3.000 quân; Pháp đồng ý thực hiện trưng cầu dân ý tại Nam Kỳ về việc tái thống nhất với VNDCCH; hai bên ngưng bắn, giữ nguyên quân đội tại vị trí hiện thời để đàm phán về chế độ tương lai của Đông Dương, quan hệ ngoại giao giữa VNDCCH và nước ngoài và những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam...
Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 đã giúp cách mạng Việt Nam loại trừ nguy cơ của 20 vạn quân Trung Hoa chiếm đóng, tránh được tình thế bất lợi là “phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động”, tập trung đối phó với người Pháp và các đảng phái phản động, đồng thời tranh thủ được thời gian hòa hoãn quý báu để “bảo toàn thực lực giành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí mới đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào”[1].
Tuy nhiên, do Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt chỉ mang tính chất là khung pháp lý chứ chưa phải văn bản pháp lý chính thức nên Bộ Ngoại giao Pháp chưa phê chuẩn cho đến khi có Hiệp ước chính thức giữa hai bên Việt - Pháp. Sau khi ký Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt, hai bên tiếp tục xúc tiến hội đàm tại Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau để đàm phán về nền độc lập của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và việc thống nhất đất nước Việt Nam. Thực tế lịch sử diễn ra sau đó đã chứng minh rằng Pháp không thực tâm muốn đàm phán hòa bình mà chỉ câu giờ để có thời gian chuẩn bị đủ lực lượng tái chiếm Đông Dương.
Thi hành Hiệp định Sơ bộ, ngày 31-5-1946, phái đoàn Việt Nam đã lên đường sang Paris dự đàm phán chính thức giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi với đoàn nhưng không tham gia đàm phán. Người tới nước Pháp với tư cách là thượng khách do chính phủ Pháp mời.
Âm vang về chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 ở Paris vẫn còn đọng lại trong một hồ sơ được lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre Mer – ANOM) ở Aix-en Provence (miền Nam nước Pháp) với tiêu đề “Hồ Chí Minh 1946-1953”[2]. Hồ sơ này gồm một bộ sưu tập các bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành tại Paris và các bản tin về Người của các hãng thông tấn Pháp, Mỹ từ 1946 đến 1953. Chiếm gần một nửa hồ sơ là các bài báo viết về Người trong thời gian thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của chính phủ Pháp.
Dưới ngòi bút của phóng viên các báo nổi tiếng của Paris như “La Tribune des Peuples”, “Le Monde”, “La Résistance”, “L’Aube”, “La France liberté”, “Le Marché colonial”, “Les voix du peuple de France”…, người đọc có thể hình dung được thủ đô Paris đã chờ đón và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào.
Trước ngày Bác Hồ của chúng ta chính thức lên đường sang thăm nước Pháp (ngày 31-5-1946) với cương vị là Chủ tịch nước VNDCCH, cái tên “Hồ Chí Minh” còn rất xa lạ với nhân dân Pháp. Ngày 12-4-1946, dưới đầu đề “Hồ Chí Minh - người có 20 tên”, Jean Michel đã viết trên báo “Tribune des Peuples” về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi Đô đốc D’Argenlieu đón tiếp Người tại chiến hạm Emile Bertin như sau: “54 tuổi, Hồ Chí Minh bước ra từ bóng tối để đàm phán với nước Pháp về vấn đề Pháp-Việt. Đã 30 năm nay Ông chờ đợi ngày này”.
Tiếp đó, Jean Michel viết: “Hồ Chí Minh, không phải tên của Ông. Tất cả các cơ quan mật vụ của châu Á đều biết Ông dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, nhưng đó cũng không phải tên của Ông. Có thể tên thật của Ông là Nguyễn Tất Thành? Người ta cũng không tin chắc điều đó...
Vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nói tiếng Pháp một cách hoàn hảo. Ngoài ra Ông nói tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và cả tiếng Nga cũng lưu loát, dễ dàng như nói tiếng Việt. Ông nói nhẹ nhàng, với một phong thái cực kỳ lịch sự. Chưa bao giờ vẻ lịch lãm, tinh tế của châu Á lại được biểu hiện một cách tuyệt vời như thế.
Tôi tin rằng tôi sẽ làm đa số bạn đọc phải sửng sốt hoặc hoang mang. Hồ Chí Minh yêu nước Pháp. Từ những cuộc nói chuyện luôn luôn thân thiết của chúng tôi, tôi chỉ giữ lại những câu này, và tôi cảm thấy hình như nó là điều chủ yếu trong thời điểm mà cuộc đàm phán Pháp-Việt sắp tới sẽ làm thay đổi tình thế của Đông Dương: nước Pháp và nước Việt Nam từ lâu đã ký kết một cuộc hôn nhân. Cuộc hôn nhân này luôn luôn không có hạnh phúc, nhưng chúng tôi không muốn phá vỡ nó. Sự hoà giải, sự hiểu biết lẫn nhau còn có thể dẫn tới hạnh phúc”.
Dưới đầu đề “L’écho de Ho Chi Minh”, báo “Le Monde” ngày 24-4-1946 viết: “Bề ngoài, đó là một con người mảnh khảnh, nhỏ nhắn, với vầng trán cao, ánh mắt rực sáng, đôi môi dày và giọng nói thường nhẹ nhàng như những người Việt Nam khác, nhưng giọng nói này đã chinh phục được công chúng trong các bài diễn văn”.
Tiếp đó, bài viết trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu nói mà nhiều tờ báo khác cũng đề cập tới: “Nước Pháp là một xứ sở kỳ lạ. Nó là quê hương của những ý tưởng tuyệt vời. Nhưng những ý tưởng này, khi nước Pháp đi xa, nước Pháp không mang nó cùng đi”. Để kết luận, bài báo viết: “Chúng ta phải rút ra kết luận gì từ câu nói đó? Rất có thể, chúng ta sẽ biết điều này khi vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có mặt tại Paris trong một vài tuần tới”.
Cao ủy Pháp Thierry d’Argenlieu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên vịnh Hạ Long ngày 24-3-1946 (ảnh tư liệu).
Ngày 22-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Paris sau một cuộc hành trình dài từ Hà Nội, qua Pê-gu (Mi-an-ma), Can-quýt-ta, A-gra (Ấn Độ), Ka-ra-si (Pa-ki-xtăng), Ha-ba-nha (I-rắc), Cai-rô (Ai-cập), Bít-kra (An-giê-ri) và cuối cùng là Bi-a-rít (miền Tây nước Pháp)[3]. Ngay từ những ngày đầu tiên, Người đã thu hút sự chú ý của các nhà báo, đặc biệt là các phóng viên nhiếp ảnh ở Paris. Các báo đã đăng nhiều bài về Người như báo “L’Aube” ngày 27-6-1946 với bài “Hồ Chí Minh có phải là người thợ ảnh ở ngõ hẻm Công-poăng?”. Báo “La France liberté” ngày 9-7-1946 với bài “Cuộc đời đầy gian truân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, báo “Les voix du peuple de France” ngày 22-10-1946 với bài “Hồ Chí Minh với điều bí ẩn”…
Ba ngày sau khi tới Paris (ngày 25-6-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cuộc gặp mặt với hơn một trăm nhà báo ở một khách sạn lớn trên một đại lộ ở Paris. Phóng viên của tờ “La Résistance” đã viết về cuộc gặp mặt đó trên số báo ngày 26-6-1946 như sau:
“Vì là thượng khách của Chính phủ Pháp và vì cuộc đàm phán chính thức còn chưa bắt đầu, vị Chủ tịch của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà từ chối tất cả những lời tuyên bố chính thức”. Tại buổi gặp mặt này, “giản dị trong bộ quân phục sẫm mầu, không một vật trang sức, không huân huy chương, giọng nói rất nhẹ nhàng, ánh mắt nhanh nhẹn và tươi vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp các nhà báo thân mật đến nỗi người ta ngạc nhiên vì đã được gặp một vị nguyên thủ quốc gia mà cũng biết làm một người chủ nhà”.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm ơn các nhà báo về sự đón tiếp mà nước Pháp đã dành cho Người. Người cũng nói lên ấn tượng của mình đối với nước Pháp, một nước Pháp tràn đầy sự hồi sinh sau chiến tranh, với những cánh đồng mầu mỡ và những khu rừng xanh tốt bạt ngàn…
Ở Việt Nam, ngay sau hôm Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn ta lên đường sang Paris, bọn thực dân phản động Pháp đã tiến hành các hoạt động khiêu khích quân sự nhằm thực hiện âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 21-6-1946, Cao ủy Pháp D’Argenlieu ra lệnh cho quân đội Pháp chiếm đóng vùng Tây Nguyên. Tiếp đó, ngày 25-6, quân Pháp lại chiếm giữ Phủ Toàn quyền cũ (Résidence supérieure au Tonkin) ở Hà Nội. Hành động khiêu khích đó của Pháp đã gây nên một sự phẫn nộ lớn trong nhân dân ta.
Mặc dù thực dân Pháp ở Việt Nam đã cố tình bưng bít tin tức nhằm gây trở ngại cho cuộc đàm phán của chính phủ ta ở Pháp, song với cảnh giác cao độ và tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên theo dõi tình hình Việt Nam qua báo chí và đã kịp thời lên án những hành động gây chiến của chúng. Điều đó được thể hiện rất rõ trong hai lá thư phản kháng của Người về hai sự kiện trên[4].
Hồ Chủ tịch tới sân bay Le Bourget ở Paris ngày 22-6-1946 (ảnh tư liệu).
Trong bức thư gửi cho Bộ trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại (Ministère de la France d’Outre-Mer)[5] là Marius Moutet ngày 27-6-1946, phản kháng về việc quân đội Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, Người viết:
“Như tôi đã có dịp bày tỏ với Ngài ngày hôm qua, theo tin tức đăng trên báo “Le Monde” số ra ngày 26-6, quân đội Pháp đã chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, việc đó đã gây ra cho tôi một sự lo lắng vô cùng…”. Tiếp đó, Người viết: “Dưới con mắt của nhân dân chúng tôi, Phủ Toàn quyền cũ giống như ngục Bastille, một biểu tượng của chế độ thực dân, kẻ đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho nhân dân Việt Nam”.
Sau khi nhắc lại hai sự việc:
1. Theo Hiệp ước đã ký kết ngày 20-4-1946 giữa Việt Nam và Pháp, Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội không nằm trong danh sách những ngôi nhà thuộc quyền của phía Pháp.
2. Theo sự thỏa thuận giữa tướng Valluy, Ủy viên của nước Pháp ở Bắc Kỳ và đại diện của chính phủ Việt Nam là các ông Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám (vài ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Paris) thì “trong khi chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán chính thức ở Paris, Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội sẽ ở trong tình trạng “trung lập” (neutralisé)”, có nghĩa là cả quân đội Pháp và quân đội Việt Nam đều không được chiếm giữ.
Người kết luận: “Nếu tin tức đăng trên tờ “Le Monde” chính xác, việc chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội sẽ là trách nhiệm của những người cầm quyền Pháp… và là một hành động không thân thiện mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ gây ra sự bất bình trong nhân dân Việt Nam ngay cả khi các cuộc đàm phán diễn ra”.
Cuối cùng, Người khẩn thiết yêu cầu chính phủ Pháp can thiệp để quân đội Pháp ngay lập tức rút ra khỏi Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, để ngôi nhà này giữ nguyên trạng thái “trung lập” cho tới khi cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ kết thúc.
Ngày 6-7-1946, Hội nghị Pháp-Việt khai mạc sau những hàng rào cung cấm của lâu đài Fontainebleau cách thủ đô Paris 60 km. Lúc này, vấn đề Việt Nam vẫn còn chưa được đưa ra ánh sáng. Vì thế, ngày 12-7-1946, một lần nữa, thay mặt chính phủ nước VNDCCH, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi một lá thư nữa cho chính phủ Pháp ở Paris, phản kháng thái độ hiếu chiến của quân đội Pháp ở Việt Nam. Trong thư Người vạch rõ:
“Những người chỉ huy quân sự Pháp ở Việt Nam, mà những hành động của họ ở Nam Bộ (Nam Kỳ cũ) từ ngày 6-3, ngày càng vi phạm Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết giữa Việt Nam và Pháp, là người khởi xướng và chịu trách nhiệm về hai hành động có tính chất xâm lược mà bản chất của nó là làm rối loạn nghiêm trọng đến không khí của cuộc hội nghị Pháp-Việt sắp tới”.
Về việc quân đội Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bộ Chỉ huy quân sự Pháp đã cho rằng tòa nhà này được Liên bang Đông Dương dựng lên.
Thế mà, điều lệ của Liên bang Đông Dương còn chưa được xác định và nó sẽ chỉ được Hội nghị sắp tới[6] xác định”.
Sau khi nhắc lại hai sự việc đã nêu trong thư gửi Marius Moutet ngày 27-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận:
“Thái độ khiêu khích của những người chỉ huy quân sự cục bộ Pháp có nguy cơ làm mất thiện chí của nhân dân Việt Nam đối với nước Pháp và có thể gây trở ngại đáng kể cho diễn biến của cuộc đàm phán ngoại giao sắp tới giữa hai chính phủ chúng ta”.
Về việc quân đội Pháp chiếm đóng Tây Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Chính phủ tôi vừa thông báo cho tôi rằng Đô đốc D’Argenlieu, Cao ủy Pháp đã ra lệnh đánh chiếm vùng Cao nguyên Mọi[7], lãnh thổ của Việt Nam do lực lượng quân đội Việt Nam giữ. Trong khi thi hành lệnh đó, quân đội Pháp đã bất ngờ tiến công các vị trí của quân đội Việt Nam ở xung quanh Plây-ku và Cap Varella”[8]. Trong thư, Người tỏ ra rất tiếc vì đã nhận thấy “sự gia tăng của các hành vi thù địch” của phía Pháp đúng vào lúc trước khi khai mạc Hội nghị Pháp-Việt, một hội nghị mà theo Người “phải xây dựng được tình hữu nghị giữa hai dân tộc trên nền tảng bền vững”.
Người chỉ rõ: “Những hành vi thù địch, nói đúng ra, chưa bao giờ hoàn toàn dừng lại kể từ ngày 6-3[9], không khí thuận lợi cần thiết tạo ra cho các cuộc đàm phán ngoại giao sắp tới chắc chắn không phải là những hành động khiêu khích quân sự lặp đi, lặp lại”. Vì thế, Người khẩn thiết yêu cầu chính phủ Pháp ra lệnh cho quân đội Pháp “ngay lập tức” rút khỏi vùng Cao nguyên Mọi cũng như Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội mà chúng đã chiếm được bằng bạo lực. Theo Người, đó là “biện pháp duy nhất” để có thể hy vọng Hội nghị Pháp-Việt sắp tới đạt kết quả tốt.
Trong khi bọn thực dân phản động Pháp cố tình che giấu sự thật ở Việt Nam thì bằng hai bức thư phản kháng gửi cho chính phủ Pháp ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất những thủ đoạn khiêu khích quân sự của chúng. Người cũng tỏ rõ nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta là chấm dứt các cuộc xung đột, tạo không khí thuận lợi cho cuộc đàm phán giữa hai chính phủ, vì tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Pháp và vì hòa bình ở Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp đón của Việt kiều tại Pháp tháng 6-1946 (ảnh Nguyễn Triển - Việt kiều tại Pháp).
Một tuần sau khi Hội nghị Fontainebleau khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc họp báo tại khách sạn Royal Monceau, các nhà báo, nhà quay phim và các nhà nhiếp ảnh đã kéo đến rất đông. Hầu hết các báo ở Paris đều có bài viết về cuộc họp báo này dưới các hàng tít lớn: “Lập trường của ông Hồ Chí Minh về mối quan hệ Pháp-Việt”, “Ông Hồ Chí Minh nói về mối quan hệ Pháp-Việt”… Nhiều tờ báo cùng bắt đầu bài viết của mình bằng đoạn: “Tại khách sạn Royal Monceau phấp phới cờ đỏ sao vàng, trong cuộc họp báo ngày 13-7, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam, đã trình bày lập trường của mình về bốn vấn đề quan trọng: mối quan hệ giữa nước Pháp và nước Việt Nam, liên bang Đông Dương, Nam Bộ và quyền lợi của người Pháp ở Việt Nam”.
Các báo đều trích đăng diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Về phương diện chính trị, mối quan hệ giữa nước Pháp và nước Việt Nam phải được sinh ra từ một hiệp ước. Hiệp ước này phải được dựa trên một nguyên tắc cơ bản: đó là quyền tự quyết của các dân tộc. Trong lĩnh vực kinh tế và văn hoá, chúng tôi là thành viên của một tổ chức, cùng với nước Pháp, trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp. Cả hai quốc gia sẽ cộng tác chặt chẽ vì lợi ích chung”.
Về vấn đề Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Việt Nam khẳng định rằng Nam Bộ là đất của Việt Nam. Đó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Sự đòi hỏi đó dựa trên những nguyên nhân về chủng tộc, lịch sử và văn hoá. Trước khi Corse trở thành đất Pháp, thì Nam Bộ đã là đất của Việt Nam. Về vấn đề này, tôi khẳng định rằng tôi tin cậy ở nước Pháp mới”. Chủ tịch kết thúc bài diễn văn của mình bằng một câu nói: “Tôi tin rằng Hội nghị Việt-Pháp cuối cùng sẽ đưa đến kết quả. Hai dân tộc chúng ta đang cho thế giới thấy một tấm gương rất lớn”.
Tại cuộc họp báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo Pháp và nước ngoài ở Paris về vấn đề Nam Bộ và cuộc trưng cầu dân ý, về quyền lợi của người Pháp ở Việt Nam, về vấn đề đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.
Được hỏi về con đường chính trị mà người ta nghĩ rằng có nhiều tình tiết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tôi tham gia phong trào giải phóng dân tộc từ khi tôi còn rất trẻ. Tôi luôn luôn hoạt động bí mật và chỉ công khai vào cuối tháng Tám năm 1945”.
- Chủ tịch có lần nào bị tù không?
- Có.
- Có lâu không?
- Ở trong tù thì bao giờ cũng lâu.
- Chủ tịch bị tù ở đâu?
- Ở rất nhiều nơi.
Nhiều tờ báo đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm kết luận cho bài viết của mình: “Nhưng điều quan trọng là - như Chủ tịch đã nói - tại Hội nghị Fontainebleau, chúng ta đã bắt đầu hiểu nhau”.
Ngày 12-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với báo Libération: “Tôi không đặt điều kiện cho việc tiếp tục Hội nghị”. Và ngày 15-8-1946, Người tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn”.
Nhờ các nỗ lực dàn xếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-8-1946, Hội nghị Fontainebleau được nối lại theo hình thức trao đổi văn kiện và họp nhóm trong phạm vi hẹp. Từ ngày 3-9-1946, Việt Nam và Pháp thỏa thuận cử một tiểu ban gồm bảy đại biểu: ba người Pháp (Pignon, Torel, Goron) và bốn người Việt Nam (Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Trịnh Văn Bính, Dương Bạch Mai) để dự thảo trong bảy ngày (từ ngày 3 đến ngày 10-9-1946) một thỏa thuận về các vấn đề cơ bản: độc lập của Việt Nam; vấn đề ngoại giao; vấn đề quân sự và vấn đề Nam Bộ.
Tuy nhiên, sau bảy ngày, tiểu ban này đã không đi đến một thỏa thuận nào. Như vậy Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc ngày 10-9-1946, nếu không muốn nói là ngay từ ngày 1-8-1946.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Fontainebleau ở Pháp vào ngày 6-7-1946 (ảnh tư liệu).
Ba ngày sau, ngày 13-9-1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và phần lớn thành viên phái đoàn Việt Nam rời Paris đi cảng Toulon và lên tàu thủy Pasteur về nước ngày 16-9-1946. Để cứu vãn tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nán lại Paris thêm vài ngày. Người chủ động gặp Thủ tướng Pháp George Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet một văn bản thỏa thuận trong ngày 14-9-1946.
Đến 1 giờ sáng ngày 15-9-1946, tại nhà riêng của Marius Moutet, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Moutet đã ký bản Tạm ước (modus vivendi) 14-9-1946 gồm 11 điều khoản có tính chất nguyên tắc và sau này sẽ được hai bên tiếp tục đàm phán cụ thể hóa. Tạm ước 14-9-1946 quy định hai bên sẽ tiếp tục cuộc đàm phán chậm nhất là tháng 1-1947, sẽ cùng ấn định thể thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ. Tạm ước 14-9-1946 có hiệu lực thi hành từ ngày 30-10-1946, chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp. Đó là những nhân nhượng cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam có thể cam kết. Nếu nhượng bộ thêm nữa sẽ vi phạm đến độc lập, chủ quyền tối cao của đất nước, của dân tộc Việt Nam.
Sáng 16-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Paris đi cảng Toulons và lên tàu Dumont d’Urville về Việt Nam ngày 19-9-1946. Cùng về Việt Nam với Người ngoài hai vị sĩ quan tùy tùng và thư ký riêng là các ông Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện còn có các trí thức nổi tiếng sau này là các ông Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Đặng Chấn Liêu, Lâm Ngọc Huấn. Với thiện chí mong muốn duy trì kênh liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một Phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH ở lại Paris do ông Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn, gồm các ông Dương Bạch Mai và Trần Ngọc Danh. Có thể coi đây là Cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của VNDCCH ở ngoài nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ định.
Với dã tâm quyết lập lại chế độ thực dân lỗi thời ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương không ngừng gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây chiến ngày càng nghiêm trọng chống lại Chính phủ và nhân dân ta, nên chỉ vài tháng sau khi được ký kết, Tạm ước 14-9-1946 đã bị phá bỏ, nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14-9-1946 là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá cho Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng cho tới ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.
Đã tròn 75 năm trôi qua. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nỗ lực trong cuộc đấu tranh ngoại giao với chính phủ Pháp thời kỳ từ Hiệp định sơ bộ 6-3 đến Tạm ước 14-9-1946 nhằm giành độc lập toàn vẹn cho đất nước vẫn ngời sáng trên những trang báo Pháp. Hình ảnh của Bác sẽ mãi toả sáng không chỉ ở Pháp mà còn ở tất cả các nước đã từng đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14-9-1946 (ảnh tư liệu).
Hồ Chủ tịch dặn dò Giáo sư Hoàng Minh Giám tại sân ga Lyon, Paris ngày 16-9-1946 trước lúc Người rời Paris đi cảng Toulon (ảnh tư liệu).
[1] Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: “Hoà để tiến”, ngày 9-3-1946, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội 2001, tập 8.
[2] Fonds: Agence des Colonies, carton: 263, dossier: 415.
[3] Theo D.H. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ Tịch bốn tháng sang Pháp, bản đánh máy lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[4] Bản đánh máy bằng tiếng Pháp do một thành viên trong phái đoàn đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[5] Thực chất là Bộ Thuộc địa.
[6] Tức Hội nghị Fontainebleau.
[7] Tức Tây Nguyên.
[8] Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
[9] Ngày ký Hiệp định Sơ bộ.
Từ khóa » Diện Tích Vndcch
-
Việt Nam Cộng Hòa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Ra đời (2/9/1945)
-
02/09/1945: Vì Sao Liên Xô Không Công Nhận VNDCCH? - BBC
-
VNCH: Thuộc địa Kiểu Mới Hay Quốc Gia Có Chủ Quyền? - BBC
-
Thừa Nhận Việt Nam Cộng Hòa Là Bước Tiến Quan Trọng - Báo Tuổi Trẻ
-
Hiến Pháp 1946 Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
-
Sự Tiếp Nối Chủ Quyền Việt Nam đối Với Hai Quần đảo Hoàng Sa Và ...
-
Tìm Hiểu Về Chiến Tranh Việt Nam (Viet Nam War) - TẠI SAO LÀ VĨ ...
-
Người Chắp Bút Dự Thảo Hiến Pháp đầu Tiên
-
Ngành Công Thương Bình Định Góp Phần Phát Triển KT-XH Của Tỉnh
-
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, Khai Sinh Nước Việt ...
-
Địa Lý Hành Chính - Huyện Phổ Yên - Giới Thiệu Chung - Cổng Thông ...