Chữ “trinh” Trong Truyện Kiều – Một Cái Nhìn Hiện đại Của Thi Hào ...

Nhà giáo Ưu tú Lê Thái Phong - Viết riêng cho Hà Tĩnh Online

Tôi không quên rằng Nguyễn Du (1765-1820) “chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam” những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nhưng những nghệ sĩ lớn trên trái đất, như Nguyễn Du, họ có những dự cảm, tiên đoán, quan niệm, tư tưởng, có khi đi trước thời mình sống hàng thế kỷ, hay hơn thế…

Động lực, “nội năng” của những dự cảm ấy có nhiều, khó nêu ra hết, thậm chí không dễ gì cắt nghĩa rõ ràng, nhưng ở Nguyễn Du, cũng như họ, theo tôi có 2 “bệ phóng”: trí thông minh, sự mẫn cảm và lòng nhân ái vô biên đối với kiếp người, cuộc đời vốn trộn hòa, nhào nặn đầy nước mắt, đau khổ và bi kịch.

Ở các nước á Đông, trong đó Trung Quốc, Việt Nam vào hàng số một, với triết lý khổng giáo ngự trị ngàn năm, vón cục thành những phong tục, tập quán đặc quánh: “nam tôn, nữ ti”, “chữ trinh đáng giá nghìn vàng” từ đó đẻ ra những ứng xử độc ác (nhiều nơi ghi rõ trong hương ước) như “cạo trọc bôi vôi”, “đóng bè thả sông” những cô gái lỡ làng mà phần đông vì tình với một người con trai mình yêu dấu. Những tưởng thành quách kinh tế, chính trị – xã hội phong kiến Việt Nam sụp đổ rồi (tháng 8-1945) thì những tập tục, định kiến ấy sẽ được thanh toán. Đâu phải.

Thế mà, trong Truyện Kiều (thế kỷ XVIII), những mấy lần, thi hào đã đề cập đến cái chuyện “tày đình” này. Đầu tiên, buổi giao duyên, thề ước:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song (1)

Kim Trọng trong khung cảnh “dải là hương lộn, bình gương bóng lồng” cùng Kiều, đã:

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

Kiều ngăn lại:

“Thưa rằng: đừng lấy làm chơi

Rẽ cho thưa hết một lời đã nao!”

Và: “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”

Thì không phải Kiều, nói chính xác, không phải Nguyễn Du phát ngôn một cách dễ dãi cái quan niệm phổ quát về chữ “trinh” của phụ nữ á Đông thời đại mình. Lại càng không phải, như một nhà nghiên cứu văn học tên tuổi, ở một công trình phê bình về Truyện Kiều trước đây đã cho rằng, Kiều và Nguyễn Du ứng xử như thế là mang cái tâm lý tính toán thiệt hơn của kẻ thị dân con buôn (?). Vậy Nguyễn Du, mà có thể nói Thúy Kiều nói hộ, nghĩ gì, quan niệm thế nào? Tình yêu Kim – Kiều là tình yêu rất đẹp, toàn bích, toàn mỹ, nghĩa là đạt đến lý tưởng ở mọi thời, tình yêu của đôi trai tài gái sắc “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Kiều ý thức rõ điều đó, nên nàng đã nói:

Đừng điều nguyệt nọ, hoa kia

Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai

Nghĩa là Kiều, trong tâm thức (có thể chưa đạt đến ý thức minh xác) xem chữ “trinh” theo nghĩa thân thể, sinh lý phải dành cho buổi hợp cẩn, hoa chúc của lễ tân hôn, hài hòa với chữ “trinh” tâm lý, tâm hồn. Nó phải đẹp như sự trao thân của Rômêô và Juyliét trong vở bi kịch nổi tiếng cùng tên của U.SếcXpia. Nhưng rồi cuộc đời vốn đầy nghịch lý, trớ trêu. Nhất là đời nàng. Bán mình. Thất thân với gã họ Mã:

“Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã mở đường đi lối về!”

Đau xé lòng vì chữ “trinh” của mình, cho mình. Đau đớn hơn cho tình lang Kim Trọng:

“Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”

Hàm nghĩa của nỗi xót xa tột độ này là cả 2 phương diện của chữ “trinh” – sinh lý và tâm hồn. Cái “đóa trà mi”, “rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” là thiên về mặt trinh – sinh lý, còn “nhị đào” lại thiên về chữ trinh – tâm lý, tâm hồn. Tôi nhớ câu chuyện đau lòng của một cô trinh nữ nông dân bị bắt vào tù sắp bị thằng chủ ngục phá cuộc đời trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” (ốt Trôpski). Buồng giam tối mò, Paven Gócsaghin nghe tiếng khóc ấm ức ở một góc, và… cuối cùng nhận một lời thỉnh cầu đột ngột: Xin cậu tuổi trẻ này nhận “trinh” của mình bởi nó sắp rơi vào tay kẻ ác. Thì so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng giữa chuyện này với chuyện Kim – Kiều trên có những tương đồng, cho dù ở Truyện Kiều chuyện tình Kim – Kiều không chỉ là tình tiết, cốt chuyện chính của tác phẩm, mà còn cao siêu, thiêng liêng hơn nhiều. Ông Hoài Thanh, có nói, đại ý, cái bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều trong đêm sang nhà Kim Trọng tự tình làm cho các cô gái thế kỷ XX phải giật mình. Tôi xin thêm: cái ý nghĩ “biết thân…” của nàng (nhớ là trước lúc thất thân bởi Mã Giám Sinh) hẳn ít cô gái thời nay dám tưởng đến, cả khi bản thân sắp rơi vào cảnh ngộ hôn nhân ngoài ý muốn… Nguyễn Du quả là táo bạo!

Trôi theo dòng thời gian, thân Kiều qua tay bao kẻ đàn ông, có tên và không tên, đê tiện, độc ác và cao quý, cao cả… Nhất là lũ làng chơi:

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.

Vậy mà, sau 15 năm tàn tạ của nàng, Kim Trọng “đáy bể mò kim” tìm lại được người tình xưa (xưa nhưng không cũ với chàng!) thì một mực xin ép nàng tái hôn (với Kiều – Kim kỳ thực đã đính hôn với nhau, làm chứng chính là “Vầng trăng vằng vặc giữa trời”) Kiều không muốn đem tấm thân tàn tạ (sinh lý), nhất là quãng đời kinh qua bao khúc nhôi, sự tình (tâm lý, tâm hồn) để đãi tình lang Kim Trọng. Đó là cao quý! Còn Kim Trọng hay chính là Nguyễn Du thì lại nghĩ khác:

Xưa nay trong đạo đàn bà

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

Thì ra Nguyễn Du đã có được ý thức, nhận thức, hay ít ra tâm thức về 2 phương diện của chữ “trinh” ở Kiều nói riêng, ở người phụ nữ cao quý nói chung: Trinh – sinh lý và trinh – tâm hồn, tinh thần. Với ông, chữ trinh – sinh lý là quan trọng, nhưng chữ trinh – tâm lý, tinh thần còn cao quý hơn. Theo đây, ta thấy, những gã Mã Giám Sinh, bọn đàn ông làng chơi vô sỉ, Hồ Tôn Hiến, kể cả Thúc Sinh (có trừ chăng là Từ Hải) chưa hề đụng đến được cái vành ngoài của chữ trinh – tinh thần, tâm hồn của Kiều. Cái vương quốc trinh – tinh thần ấy ở Kiều có lẽ chỉ một người duy nhất được bước vào: Kim Trọng. Có thế, ta mới hiểu: Lấy Vân rồi, con cái đề huề, khoa bảng đắc ý, nhưng Kim Trọng không nguôi quên được Kiều – không phải vì nghĩa mà cái chính là vì tình yêu.

Trở lại đoạn Kim – Kiều gặp lại sau 15 năm. Đôi bên đối đáp, thuyết phục nhau thật nhiều, lắm xúc động và đau đớn. Ai cũng có lý riêng nhưng họ lại có một nguyên khối chung được gây nên từ 15 năm trước: Tình yêu. ấy nên Kim Trọng, như trên đã nói cứ một lý trước sau:

Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay?

Và, với chàng. Tình yêu, chữ trinh (tâm hồn) Kiều không thể chết, thậm chí cứ là nguyên lành:

Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao?

Một lời đã trót tâm giao

Dưới dày có đất trên cao có trời

Dẫu rằng vật đổi sao dời,

Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh

Duyên kia có phụ chi tình

Mà toan chia gánh chung tình làm hai?

Do đó, Kim Trọng quyết tâm đi đến hôn nhân, chung sống cùng Kiều:

Thương nhau sinh tử đã liều

Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình

Chừng xuân tơ liễu còn xanh

Nghĩ sao cho thoát khỏi vành ái ân

Bởi với chàng, Kiều là:

Gương trong chẳng chút bụi trần

Nên:

“Bấy lâu đáy bể mò kim

Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?”

Còn Thúy Kiều – người con gái rất có ý thức về mình và ý thức về người, nhất là với người yêu Kim Trọng, nên nàng khăng khăng từ chối, lý do thì đã rõ. Có điều ý vị, đáng lưu tâm là từ miệng Kiều, hai lần cùng nói đến chữ Trinh:

“Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng

Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương

Chữ trinh đáng giá nghìn vàng (2)

Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa”

Và:

“Chữ trinh còn một chút này (3)

Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan!

Còn nhiều ân ái chan chan

Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi”.

Theo tôi, chữ trinh ở câu thơ 3.095 ý Kiều nói về phần trinh – sinh lý, còn chữ trinh ở câu thơ 3.161 Kiều nói tới trinh – tâm hồn. Thật ý vị và sâu sắc! Đọc câu 3.161, 3.162 cũng xót xa, nhưng cảm hứng, cảm nghĩ chủ đạo của chúng ta là cảm mến Thúy Kiều và kính phục vô vàn trí lực và dĩ nhiên tâm hồn cao viễn với con người, với tinh yêu của thi hào Nguyễn Du thế kỷ XVIII.

Kiều chấp nhận tái hôn với Kim Trọng sau bao lý lẽ từ chối, cũng là của một tình yêu “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai” mà Kiều ngẫm ra rằng, suốt 15 năm dù có gặp cả những người đàn ông có lòng vị tha (Thúc Sinh), anh hùng cái thế và cao cả bao dung (Từ Hải) nhưng không có ai như Kim Trọng đã cùng mình xây nên một lâu đài ái tình lý tưởng! Đây là đêm hợp cẩn, hoa chúc của họ:

“Nghe lời sửa áo cài trâm

Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng

Thân tàn gạn đục khơi trong

Là nhờ quân tử khác lòng người ta

Mấy lời tâm phúc ruột rà

Tương tư dường ấy mới là tương tư

Chở che đùm bọc thiếu gì?

Trăm năm danh tiết cũng về đêm nay.

Thoắt thôi tay lại cầm tay

Càng yêu vì nết càng say vì tình”.

Rồi đôi trái gái này sống – cho – nhau – cùng – ngày – tháng:

“Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”

Những thú vui, hạnh phúc ấy là gì, nếu không phải là tình yêu (từ này hầu như không có trong từ vị tiếng Việt khi nói về quan hệ trai gái thời phong kiến, thời ấy chỉ gọi là tình nghĩa) là chữ trinh – tâm hồn Kiều trao cho Kim Trọng, cái khu đất cấm suốt 15 năm nàng “gìn vàng giữ ngọc” để đến giờ mở cửa đón chàng!

Gương nga chênh chếch dòm song...

Thi sĩ Xuân Diệu, trên Báo Văn nghệ số 135 (26-11-1965) cho rằng, đoạn Kim – Kiều tái hợp là “Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều” (tên bài báo). Theo chúng tôi, cách nhìn này không phải không có lý, nhưng chỉ là về một trong nhiều cảm hứng sáng tạo Truyện Kiều của Thi hào – cảm hứng phê phán xã hội. Nếu nhìn theo góc độ tình yêu trai gái và con người – nhân loại thì chúng ta thấy Truyện Kiều còn lớn, rộng hơn nhiều về mặt tư tưởng, triết lý. Bởi Nguyễn Du, tiếng thơ Truyện Kiều không chỉ là tiếng nói của một thời đại, một dân tộc.

Soi vào Truyện Kiều “một viên đá triết học trong văn học Việt Nam” (Đỗ Lai Thúy), ta càng đọc, càng ngẫm thấy Nguyễn Du hiện đại, mới mẻ, tân tiến biết dường nào, trên rất nhiều phương tiện, mà ở bài viết này chỉ đề cập cái nhìn, tư tưởng “khác lòng người ta” của thi hào về chữ trinh người phụ nữ có tâm hồn, tinh thần cao đẹp. Và cũng từ Nguyễn Du thế kỷ XVIII ta nghĩ đến những quan niệm cứng nhắc về chữ trinh (sinh lý) ở phụ nữ trong đời sống tinh thần Việt Nam ngoài xã hội cũng như trên trang sách văn học hiện nay. Nên có một cái nhìn mới mẻ như Nguyễn Du. Và phải biết rằng, có những người thiếu phụ chưa một lần mất trinh – tinh thần, đó cứ còn là một thế giới bí ẩn chưa một lần người đàn ông được đụng đến.

L.T.P.

Từ khóa » Chừng Xuân Tơ Liễu Còn Xanh