Chú ý Phát Hiện Loại Ký Sinh Trùng Sốt Rét Hiếm Gặp (14/06/2010)

Truyền thông GDSKChú ý phát hiện loại ký sinh trùng sốt rét hiếm gặpNgày cập nhật 14/06/2010

Theo báo cáo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, trong năm 2009 tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 27 trường hợp người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét loại Plasmodium malariae; 4 tháng đầu năm 2010 tiếp tục phát hiện thêm 9 trường hợp. Trong khi đó, các địa phương khác chưa có thông báo phát hiện được chủng loại ký sinh trùng này. Riêng loại Plasmodium ovale hiếm khi được phát hiện và báo cáo. Vấn đề đặc thù, hiếm gặp các loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium malariae và Plasmodium ovale hiện nay tại nước ta cần được các nhà khoa học chú ý quan tâm.

Các chủng loại ký sinh trùng sốt rét Ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người có 4 chủng loại là Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale. Ở Việt Nam trước đây xác định có đủ 4 chủng loại gây bệnh nhưng chủ yếu là P. falciparum và P. vivax; riêng chủng loại P. malariae và P. ovale chiếm tỷ lệ thấp. Cơ cấu chủng loại ký sinh trùng sốt rét có tỷ lệ khác nhau tùy theo từng vùng, thường P. falciparum chiếm tỷ lệ từ 70-90%; P.vivax chiếm tỷ lệ từ 10-30%; P. malariae chiếm tỷ lệ từ 1-3%; riêng chủng loại P. ovale mới được phát hiện bằng kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) ở một số vùng sốt rét lưu hành nặng. Gần đây, bằng kỹ thuật PCR, đã phát hiện được cả 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét ở một số vùng sốt rét lưu hành nặng tại Việt Nam như Khánh Hòa, Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai... Tỷ lệ nhiễm P. malariae chiếm từ 3,2-6,3% và nhiễm P. ovale chiếm từ 1,3-2,8%. Đặc biệt có một số trường hợp đã phát hiện trên lam máu xét nghiệm của bệnh nhân bị nhiễm phối hợp của cả 2, 3 và 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét với tỷ lệ từ 24-81%. Bằng kỹ thuật thường quy soi tiêu bản lam máu xét nghiệm nhuộm giemsa, chưa phát hiện được chủng loại P. ovale ở Việt Nam nhưng theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-1971) đã phát hiện một số trường hợp bị nhiễm P. ovale ở những người lính Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Cũng bằng kỹ thuật soi tiên bản lam máu xét nghiệm, sau những năm tác động biện pháp phòng chống sốt rét, chủng loại P. malarae ít được phát hiện và hầu như chưa bắt gặp chủng loại P. ovale. Vấn đề này cần được các nhà khoa học quan tâm phát hiện, chẩn đoán bằng các kỹ thuật mới và hiện đại hơn để có thông báo, đồng thời xây dựng chiến lược sử dụng thuốc điều trị và quản lý điều trị bệnh phù hợp.

Đặc điểm chủng loại ký sinh trùng sốt rét P. malariae Khi bị nhiễm bệnh, ký sinh trùng sốt rét loại P. malariae thường tồn tại trong cơ thể người từ 4-5 năm, có trường hợp kéo dài đến 10-52 năm. Thời gian ủ bệnh từ 18 đến 35 ngày, trung bình 21 ngày; một số trường hợp có thể kéo dài tới vài tháng, vài năm, thậm chí vài chục năm vì loại P. malariae có thể phát triển chậm trong hồng cầu. Trong thời kỳ phát bệnh, người bệnh có những cơn sốt điển hình thường có chu kỳ rõ rệt, tương ứng với chu kỳ hồng cầu của loại ký sinh trùng. Bệnh nhân có cơn sốt cách 3 ngày (72 giờ), nói một cách khác đặc điểm cơn sốt cách 2 ngày này rất đặc trưng khi bị nhiễm P. malariae. Khoảng cách giữa các cơn sốt có thể thay đổi. Có khi sốt hai cơn (sốt đôi) hoặc ba cơn rồi ngừng một thời gian. Cơn sốt khá nặng và kéo dài nhưng chu kỳ cơn sốt thưa, bệnh nhân không suy sụp nhiều, ít rối loạn trong cơ thể. Theo quan điểm của một số tác giả, loại ký sinh trùng P. malariae mặc dù không có thể ngủ ký sinh ở gan để gây tái phát xa như P. vivax hoặc P. ovale nhưng nó có một số lượng ít merozoite tồn tại trong hồng cầu. Những merozoite này cũng chịu tác động của thuốc trong quá trình điều trị nhưng chưa đến mức bị tiêu diệt; vì vậy ký sinh trùng vẫn tồn tại và phát triển, gây nên những cơn sốt rét tái phát xa. Về đặc điểm hình thể, P. malariae xuất hiện ở máu ngoại vi như P.vivax. Thể tư dưỡng trẻ với thể nhẫn có hình dạng kích thước như P. vivax và chỉ có một thễ nhẫn trong một hồng cầu. Thể tư dưỡng già có hình dải khăn vắt ngang qua hồng cầu, hạt sắc tố ở một phía, nhân dài ở một phía. Thể phân liệt không to hơn hồng cầu bình thường, tạo ra 6-12 mảnh merozoite, trung bình 8 mảnh; các mảnh xếp thành hình cánh hoa, giữa là cục sắc tố. Thể giao bào giống như giao bào của P. vivax nhưng không to hơn hồng cầu; hạt sắc tố tròn, thô, màu nâu ở giao bào đực, màu đen ở giao bào cái. Hồng cầu bị ký sinh không trương to, không nhược sắc, có hạt Zieman. Cần dựa vào đặc điểm hình thể này để so sánh, đối chiếu với hình thể của P. vivax nhằm chẩn đoán phân biệt và kết luận chính xác chủng loại ký sinh trùng, tránh được sự nhầm lẫn. Đặc điểm chủng loại ký sinh trùng sốt rét P. ovale Khi bị nhiễm bệnh, ký sinh trùng sốt rét loại P. ovale thường tồn tại trong cơ thể người từ 2-3 năm, có trường hợp kéo dài tới 4 năm 4 tháng. Thời gian ủ bệnh từ 12-20 ngày, trung bình 14 ngày; một số trường hợp có thể kéo dài tới vài tháng, vài năm, thậm chí vài chục năm vì loại P. ovale có các chủng thoa trùng phát triển chậm trong tế bào gan hay còn gọi là thể ngủ trong tế bào gan như loại P. vivax. Thời gian ủ bệnh có thể ngắn hoặc dài, đặc điểm bệnh giống như P. vivax. Trong thời kỳ phát bệnh, người bệnh có những cơn sốt điển hình thường có chu kỳ rõ rệt, tương ứng với chu kỳ hồng cầu của loại ký sinh trùng. Bệnh nhân có cơn sốt cách nhật (48 giờ) giống như khi bị nhiễm loại P. vivax. Cơn sốt thường xảy ra đột ngột, sốt ngắn và nhẹ; hay xảy ra vào buổi chiều và tối. Sốt kèm theo đau mỏi cơ, xương, khớp, đặc biệt đau nhiều ở cột sống. Loại P. ovale có thể gây nên những cơn sốt tái phát xa do nó có những chủng thoa trùng (sporozoite) phát triển chậm ở trong tế bào gan. Về đặc điểm hình thể, P. ovale cũng xuất hiện ở máu ngoại vi như loại P. vivax. Thể tư dưỡng với thể nhẫn có hình dạng, kích thước như P. vivax; thường thấy 2-3 thể nhẫn trong một hồng cầu. Thể phân liệt không to hơn hồng cầu bình thường, tạo ra 4-16 mảnh merozoite, trung bình 8 mảnh; có từng đám hạt sắc tố nằm xen kẻ với các mảnh merozoite. Thể giao bào giống như giao bào của P. vivax. Hồng cầu bị ký sinh bị trương to, hình bầu dục, có mép hình răng cưa; có hạt James. Mặc dù loại ký sinh trùng sốt rét P. ovale hiếm gặp nhưng cũng cần nên dựa vào các đặc điểm hình thể này để xem xét, chẩn đoán khi bắt gặp những trường hợp nghi ngờ từ các tiêu bản lam máu phát hiện P. vivax. Cần chú ý phát hiện loại ký sinh trùng sốt rét hiếm gặp Tại các cơ sở y tế của nước ta hiện nay, kỹ thuật phát hiện ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất vẫn sử dụng phương pháp làm tiêu bản lam máu nhuộm giemsa và soi bằng kính hiển vi quang học. Một số nơi có sử dụng các thử nghiệm (test) chẩn đoán nhanh như Paracheck Pf để phát hiện riêng loại P. falciparum; Malaria combo để phát hiện cả 4 loại P. falciparum, P. vivax, P. malariae, P. ovale nhưng không phân tích riêng được các trường hợp nhiễm P. vivax, P. malariae và P. ovale mà chỉ gom chung vào một kết quả cả 3 loại. Để có được kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) phát hiện chính xác cả 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét, không phải cơ sở y tế nào cũng có thể trang bị. Vì vậy, kỹ thuật thường quy bằng cách lấy lam máu nhuộm giemsa và xét nghiệm bằng kính hiển vi quang học vẫn là kỹ thuật phổ biến. Việc xét nghiệm phát hiện loại ký sinh trùng chủ yếu P. falciparum và P. vivax đã được các xét nghiệm viên thực hiện tốt trong thời gian qua. Các loại ký sinh trùng hiếm gặp như P. malariae và P. ovale cũng cần được chú ý để phát hiện. Đứng trước thực trạng này, các xét nghiệm viên phải nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ công tác. TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

Nguồn:www.impe-qn.org.vn

Ks. Nguyễn Đào sưu tầm

Gửi tin qua email In ấnTin mớiBỆNH DẠI (Rabies) (20/03/2024)Khuyến cáo của Bộ Y tế: Các biện pháp phòng chống bệnh Dại (19/03/2024)Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại (19/03/2024)10 nguyên tắc vàng của WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm. (10/04/2023)Vệ sinh phòng bệnh: Phòng tránh nhiễm giun móc (08/01/2023)« Trước12345678910...118Sau »
Xem tin theo ngày
chỉ đạo, điều hành
Đảm bảo cung ứng thuốc điều trị cúm mùa
Kinh doanh trang thiết bị y tế
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ dược liệu, thuốc cổ truyền
Tăng cường quản lý thuốc điều trị COVID-19 và test nhanh COVID-19
Về việc bán thuốc và trang thiết bị Y tế phòng chống COVID-19
BẢN QUYỀN THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế hoặc https://syt.thuathienhue.gov.vn.vn khi phát hành lại thông tin Địa chỉ: Tầng 4, tầng 6 - Tòa nhà 6 tầng- Khu Hành chính tập trung tỉnh, đường Võ Nguyên Giáp, phường Xuân Phú, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điện thoại: 0234.3822015 - Fax:0234.3832021 - Email: syt@thuathienhue.gov.vn Thống kê truy cậpTổng truy cập 47.281.853Lượt truy cập hiện tại 7.045

Từ khóa » Hình Thể Ký Sinh Trùng Sốt Rét Falciparum