(VOV5) - Khu di tích Côn Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, Hải Dương, mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Điểm nhấn của khu di tích này là Chùa Côn Sơn, nơi hội tụ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá, tôn giáo của Việt Nam.
Ảnh: cinet.vn
Nghe âm thanh bài viết tại đây:Chùa Côn Sơn, hay còn gọi là chùa Hun, nằm dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 và được mở rộng rất nguy nga đồ sộ vào thời Trần thế kỷ 13. Kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ công bao gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, nhà thờ Tổ. Thượng điện là nối là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật cao tới 3 mét. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Tổ thứ hai của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và Thiền sư Huyền Quang), cùng với tượng Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, cho biết: Dân gian có câu “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến, Thiền Tâm chưa thành”, vì chùa Côn Sơn là một trong những trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Theo văn bia và các tài liệu thì năm 1329, Thiền sư Pháp Loan, Tổ thứ hai của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, đã về trùng tu, tôn tạo và mở rộng chùa. Sau đó Thiền sư Huyền Quang, Tổ thứ ba của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, về đây “hoằng dương phật pháp” (truyền bá Phật pháp), mở rộng phong cảnh chùa, in kinh, đúc tượng và đưa Côn Sơn thành một trong những trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Chùa Côn Sơn có kiến trúc cung đình, phía trước chùa là hồ bán nguyệt, với cổng tam quan. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm tuổi xen lẫn những tán vải thiều xum xuê. Tam quan của chùa có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Chùa Côn Sơn được trang trí bằng những hình trạm khắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cùng những giá trị tôn giáo đặc sắc. Hệ thống điêu khắc, trạm khắc của chùa Côn Sơn tuân thủ theo mô típ Tứ linh quần hùng là long (rồng) ly (kỳ lân), quy (rùa), phượng (chim phượng hoàng) và tứ quý gồm các loại cây quý tùng, cúc, trúc, mai. Ngoài tứ linh, các bức trạm trổ trên mái chùa xuất hiện cả những con cua, cá, hươu, nai… trong đó các con vật đều quay đầu trong phật điện thể hiện ý nghĩa bình đẳng của Phật Pháp, con người và chúng sinh đều có thể được Đức Phật giáo hóa và trở thành người tốt. Ông Lê Duy Mạnh cho biết thêm: "Hiện nay, chùa Côn Sơn còn giữ lại được rất nhiều các di vật và cổ vật có giá trị, trong đó có hệ thống văn bia có niên đại từ thế kỷ thứ 13 đến 18. Tiêu biểu là 4 tấm bia bài trí ở sau chùa. Bên tay phải là tấm bia Thanh hư động, đây là ngự bút của vua Trần Duệ Tông viết tặng quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Bia có giá trị đặc biệt về giá trị về mỹ thuật cũng như văn hóa, tôn giáo, giúp cho chúng ta tìm hiểu về khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đầy đủ. Năm 2015, bia Thanh hư động đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia".
Ảnh: cinet.vn
Với những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc, mỗi năm, Chùa Côn Sơn đón hàng vạn lượt du khách trong nước và nước ngoài cùng kiều bào đến thăm quan. Chị Lê Thị Quyên, một du khách ở Hà Nội, chia sẻ: "Hằng năm chúng tôi đều tổ chức các chuyến đi đến Côn Sơn – Kiếp Bạc. Về với chùa Côn Sơn, thấy cảnh vật hài hòa, bình an, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống. Chúng tôi cũng hay đưa các cháu nhỏ đến thăm chùa để các cháu có thể hiểu được những nét đẹp về văn hóa, truyền thống của dân tộc". Hằng năm chùa Côn Sơn có hai mùa lễ hội. Lễ hội mùa xuân diễn ra từ ngày 16-23 tháng Giêng Âm lịch, tưởng niệm ngày mất của Thiền sư Huyền Quang với nhiều nghi lễ đặc sắc như: Lễ khai hội, lễ rước nước, lễ cùng đàn mông sơn thí thực và lễ tế trời đất trên núi Ngũ nhạc linh từ cùng các hội như đấu vật, trò chơi dân gian, đầu cờ tướng, cờ người, hát quan họ. Lễ hội mùa thu diễn ra từ ngày 16-20 tháng 8 âm lịch, tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Trong đó có nhiều hoạt động như Lễ khai hội, lễ Diễn xướng hầu Thánh, Lễ hội quân trên sông Lục đầu, lễ cầu siêu và hội hoa đăng, cùng các trò chơi dân tộc như bơi, đấu vật.
Vĩnh Phong
Phường múa rồi nước Hồng Phong – Nơi những người nông dân cũng là nghệ sỹ
Giá trị lịch sử của Gốm Chu Đậu qua các hiện vật khảo cổ
Đền Tranh và câu chuyện về Thủy thần sông Tranh
Phản hồi
Vũ Văn Vĩnh
Giá như Côn Sơn vẫn như trước đây, không xây dựng thêm nhiều công trình....vv.. nhiều nhà dân đừng để... Xem thêm
Giá như Côn Sơn vẫn như trước đây, không xây dựng thêm nhiều công trình....vv.. nhiều nhà dân đừng để tiến sâu tiến sát khu vực chùa thì hay hơn hiện nay. Thật buồn khi đến đây bị biến tướng quá nhiều.