Chùa Hang (Kim Sơn Tự) – Tiên Lữ Phật Động, Tỉnh Thái Nguyên

alt

Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV ghi: núi đá Chùa Hang là núi Hoá Trung (Núi Nghiên) và sách "Đại Nam nhất thống chí" về triều nhà Nguyễn chép: núi Chùa Hang gọi là Núi Long Tuyền, vì trong lòng hang có suối Long Tuyền đi ngầm về hướng Tây – Nam, chảy ra cách chùa chừng hơn 100m thì có một ngách phun lên thành một vũng to tròn sâu, quanh năm nước tràn đầy trong mát, có nhiều cá, gọi là giếng "Mắt Rồng".

Tương truyền "Chùa Hang - Kim Sơn Tự" có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện rằng: vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện đêm qua nằm mộng, được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật. Có lẽ "Kim Sơn Tự" ra đời từ đây, nhưng nhân dân thường gọi nôm là Chùa Hang. Hiện nay trên cửa tam quan có 3 chữ Hán lớn "Kim Sơn Tự".

Qua Tam quan, vào chùa, hai bên trái phải có hai tượng Hộ pháp Khuyến thiện - Trừng ác, cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Càng vào sâu, hang rộng dần, trên vòm hang nhũ đá tưởng như "Mây già quyện đá quái chơi vơi", nhiều cột đá lớn sừng sững chống lên vòm hang như những trụ chống trời. Quanh vách hang nhiều nhũ đá nhô ra thành các bệ thờ và nhiều hình thù kỳ lạ hấp dẫn. Nhân đó người ta tạc thành các ông bụt ốc, cầu vồng, chó ngao, cảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh … Hang có nhiều ngóc ngách, có đường lên trời, đường xuống âm phủ, có cửa thông trước sau, nên không khí trong chùa rất trong lành, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, khói hương luôn toả mờ làm cho chùa càng trở nên thâm u kì bí.

Trong động có một số tượng Phật, đồ thờ cúng v.v.. Quanh hang cũng còn nhiều văn bia khắc trên vách đá, là những bút tích lưu đề có niên đại từ thời Lê Sơ đến Hậu Nguyễn, ca ngợi cảnh đẹp "Chùa Hang - Kim Sơn Tự" như: Thơ của Tiến sĩ Thượng thư Vũ Quỳnh - 1478; của danh sĩ Đặng Nghiệm, niên đại Hồng Đức 1497; của giải nguyên Cao Bá Quát - 1831; Phú văn của Chánh tổng Phạm Đức Độ, niên đại Khải Định năm thứ 10 (1925).

Chùa Hang là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu. Đến nay, chúng ta mới chỉ biết được một số vị như: Sư cụ Tâm Lai, Sư Ông Chính, Sư Ông Đức, Sư cụ Đàm Hinh, là những nhà sư đã có công lao lớn trong việc tu tạo bảo tồn chùa, phụng sự đạo tràng, không những phát triển Phật giáo tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc, mà còn có công lớn trong phát triển Phật giáo Việt Nam.

Năm 1985, lãnh đạo huyện Đồng Hỷ cùng nhân dân đã thỉnh Ni trưởng Thích Đàm Hinh (1906 - 2009) về trụ trì. Cụ đã cùng nhân dân dốc sức khôi phục lại chùa, với đạo tâm kiên cố cùng nhân dân trùng tu chùa cho sự nương náu chân tâm.

Sau khi Ni trưởng viên tịch, Đại đức Thích Nguyên Thanh được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm trụ trì Chùa Hang - Kim Sơn Tự. Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, đến nay Di tích Chùa Hang đã xuống cấp về mặt kiến trúc và quy mô. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, đồng thời phục vụ cho các hoạt động lễ hội của Chùa Hang, ngày 27-6-2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết công trình phục vụ Lễ hội Chùa Hang và xây dựng, trùng tu Di tích lịch sử - Văn hóa Chùa Hang, với tổng diện tích là 8,2ha, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm tôn vinh các giá trị tâm linh của đạo Phật, giúp con người hướng tới cái đích chân thiện mỹ.

Ngày 5-12 ( tức ngày 11/11 Âm lịch), Ban Quản lý Di tích Lịch sử Chùa Hang phối hợp với UBND huyện Đồng Hỷ đã tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Chùa Hang và công trình phục vụ lễ hội Chùa Hang.

Chùa Hang nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan trong và ngoài nước. Với những giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, ngày 26/2/1999 Chùa Hang chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa, Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, thị trấn Chùa Hang và Ban Quản lý Di tích tổ chức lễ hội Chùa vào các dịp: Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng giêng (Âm lịch) là lễ Thượng nguyên, cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc, đời sống yên lành; ngày 15 tháng 4 (Âm lịch) là lễ Phật Đản; ngày 15 tháng 7 (Âm lịch) là lễ Xá tội vong nhân. Về phần Hội có các trò chơi dân gian như: chọi gà, đánh cờ tướng, tung còn, đi cầu kiều, bắn cung, bắn nỏ, đẩy gậy, bịt m ắt bắt dê, bắt trạch trong chum, liên hoan văn hóa trà…

Nguồn: Sách Chùa Hang (Kim Sơn Tự) - Thái Nguyên. Đại đức Thích Nguyên Thanh chủ biên. NXB Thế giới, Hà Nội, 2012

Từ khóa » Sử Tích Chùa Hang Thái Nguyên