Chùa Hang – “Tiên Lữ Phật động”

“...Ngày xưa tiên xuống đây chơi

Yêu người mến cảnh đường mây quên về

Ngọc Hoàng nổi giận, chiếu phê

Đẩy vào hang vắng cấm về Thiên cung...”

Nơi được nói đến chính là chùa Hang - Kim Sơn Tự với huyền thoại “Động Tiên Lữ” nằm ở thị trấn Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, một bức tranh thủy mạc đã làm say đắm bao tâm hồn tao nhân mạc khách, hiện còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ Hán khắc trên vách hang, ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song khi đến vãng cảnh nơi đây.

Chính điện Tam bảo được xây dựng uy nghi, bề thế.

Chùa Hang nằm trên vùng đất bằng phẳng trong lòng 3 ngọn núi lớn là Thanh Long, Bạch Hổ và Huyền Vũ, phía trước là dòng sông Cầu uốn lượn. Tương truyền chùa Hang có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện rằng: Vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện đêm qua nằm mộng, được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật, sắc phong cho chùa là Kim Sơn Tự (chùa núi vàng). Có lẽ "Kim Sơn Tự" chính thức ra đời từ đây nhưng nhân dân thường gọi nôm là chùa Hang vì chùa ở trong hang.

Hiện, chùa Hang được chia làm 5 khu với tổng diện tích 8,2ha, đó là khu bảo tồn gồm toàn bộ hang động, núi đá; khu trục chính đạo tâm linh, gồm 8 công trình là chính điện Tam bảo, nhà thờ tổ, giảng đường hoằng pháp, bảo tháp, lầu chuông, lầu trống, tam quan nội, tam quan ngoại; khu thiền viện chuyên tu; trung tâm từ thiện xã hội; khu sân bãi để phục vụ lễ hội.

Chính điện Tam bảo được xây dựng uy nghi, bề thế chính giữa khuôn viên theo kiến trúc chùa cổ. Trên cùng là ban tam thế Phật vô lượng vô biên, cung Cửu Long; tiếp đến là ban thờ tượng Phật Như Lai thời thơ ấu. Toàn bộ nội thất bên trong tòa thượng điện được bài trí trang nghiêm, phía trên các cung, ban đều có các bức hoàng phi được sơn son thếp vàng. Bên phải là tượng Phật Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn cứu độ chúng sinh quy tâm dưỡng tính; bên trái chính điện thờ Dược sư Lưu Ly biểu trưng công đức và phước đức siêu việt; ngoài cùng điện Tam bảo là tượng ngài hộ pháp Đức Thánh Hiền và Đức Ông. Ngay sau tòa Tam bảo là nhà thờ tổ - Nơi thờ tự các vị chư tăng đã từng trụ trì tại chùa. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có lầu chuông, lầu trống, lầu trà và vườn tháp đá.

Vườn tháp đá.

Lối vào chùa cổ.

Sau khi thắp hương và vãn cảnh trong khuôn viên chùa mới, theo lối bê tông nhỏ ( có biển chỉ dẫn), du khách sẽ vào thăm ngôi chùa cổ trong hang đá. Càng đi vào sâu trong hang, không gian càng rộng với vòm hang mở rộng, lô nhô chùm nhũ đá. Chính giữa là tượng Phật A di đà cao trên 3m, mình mặc cà sa, khuôn mặt nhân từ. Phía trước tượng Phật A di đà là hình Phật Tổ nhỏ hơn, đầu đội lá sen. Khói hương được thắp thường xuyên trong lòng hang khiến cho chùa cổ càng thêm mờ ảo, thâm u, kì bí. Điều đặc biệt, dẫu du khách có đi sâu vào hang cũng không thấy ngột ngạt bởi có các ngách thông gió, cửa thông trước, sau. Lễ Phật xong, du khách sẽ có dịp thỏa sức khám phá trong lòng hang với nhiều nhũ đá kỳ thú, nhiều ngóc ngách mà dân gian ví như đường “lên trời” và đường “xuống âm phủ”, điều này khiến du khách khá thích thú.

Lễ hội chùa Hang được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng hằng năm.

Chùa Hang là ngôi chùa linh thiêng, một di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng của Thái Nguyên. Trải qua bao biến động của thời gian, di tích này đã được tu bổ, tôn tạo, trở thành một trung tâm phật giáo lớn của tỉnh và là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách thập phương hành hương kính lễ./.

Bài và ảnh: Nam Đan

Từ khóa » Sử Tích Chùa Hang Thái Nguyên