Chúa ơi, Xin Cứu Con Khỏi Cái Tôi - Mục Vụ Tiên Phong

Đức Chúa Trời ôi! xin hãy phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa – Thi thiên 16:1

Câu Kinh Thánh nầy đã trở thành lời cầu nguyện quen thuộc nhất của tôi. Tôi cầu nguyện như thế vì tính đơn giản và sâu sắc của nó. Tính lô-gíc của lời cầu nguyện nầy đó là nó là lời cầu xin của một đứa trẻ: “Xin cứu con vì con đang gặp nguy hiểm và con xin Ngài giúp đỡ”. “Xin gìn giữ con vì con muốn được an toàn và được Ngài bảo vệ”. Không phải “gìn giữ con vì con đã trung tín hay sẽ trung tín”. Cũng không phải “phù hộ con vì là người có năng lực hay xứng đáng”. Nhưng “hãy phù hộ con vì con hãi hùng và mắt con ngửa trông nơi Ngài”.

Lời cầu xin với tinh thần của một đứa trẻ được Thomas Ken suy niệm trong bài “Thánh ca chiều”.

Đêm nay hết lòng ca ngợi Chúa tôi Vì bao phước hạnh nơi Cha sáng ngời Lạy Vua muôn vua kíp gìn giữ tôi Dưới cánh bóng Chúa oai nghi đất trời.

Nhưng lời cầu nguyện của một đứa trẻ không nhất thiết là lời cầu nguyện của con trẻ. Những lời cầu nguyện như thế lại có chiều sâu và trọng lượng khiến chúng phù hợp cho mọi lứa tuổi Cơ Đốc. Hãy cùng tôi suy gẫm chiều sâu của lời cầu nguyện đơn sơ nầy.

Lời cầu nguyện của Vua Đa-vít muốn nói lên những nguy hiểm mà chúng ta cần phải tìm nơi ẩn náu cho mình. Có những mối đe dọa, nguy hiểm, thế lực thù địch, thử thách. Chúng đang hiện hữu. Trong thế gian. Trong Hội thánh. Trong chính đời sống của tôi với bạn.

Câu Kinh Thánh trong Thi thiên không nói cụ thể những nguy hiểm là gì. Nhưng chúng ta có thể hình dung được. Những nguy hiểm ấy có thể là từ bên ngoài. Kẻ thù đang mưu tính và gài bẫy. Kẻ ác rình rập và giết hại người vô tội. Kẻ dối trá và giết người nói ra những điều sai trật để chống lại chúng ta. Bệnh tật và đau ốm khiến chúng ta bị yếu mỏn. Mất tài sản, mất việc, hay mất mát những điều mang lại sự an ninh trên đất.

Tất cả những điều kể trên (và còn nhiều điều khác nữa) có thể đang xuất hiện trong suy nghĩ của trước giả Thi thiên. Điều quan trọng hơn là khi chúng ta không biết một cách chi tiết thì chúng ta có thể điền vào chỗ trống những nguy hiểm, mối đe dọa và thử thách sao cho lời cầu nguyện của Đa-vít trở thành của chúng ta.

Tìm nơi nương náu

Khi đối diện với nguy hiểm (dù nguy hiểm đó là gì), phản ứng đều như nhau: chúng ta tìm nơi nương náu trong Đức Chúa Trời. Khái niệm về “sự nương náu” là điều rất phổ biến trong Kinh Thánh. Nó có nghĩa là tìm nơi trú ẩn, sự bảo vệ và sự an toàn ở trong điều gì đó. Khi tia nắng mặt trời rọi xuống, chúng ta tìm bóng cây để che nắng. Khi băng giá thổi tới và bão tuyến tràn về, chúng ta liền chui vào một ngôi nhà ấm áp.

Khung cảnh thường có một người đang đeo đuổi (Thi thiên 7:2; 17:7). Thí dụ, nếu một người vô tình giết hại ai đó, người đó phải tìm đến một thành ẩn náu để khỏi bị báo thù huyết. Hoặc là thành Si-ôn, do Yahweh làm chủ, là nơi ẩn náu cho dân sự đang chịu khổ sở (Ê-sai 14:32). Nếu ai đó bắn mũi tên vào chúng ta, thì chúng ta giấu mình đằng sau cái khiên.

Nơi ẩn náu nằm trong số những phạm trù Kinh Thánh chỉ về các nơi tôn nghiêm và có sức lực. Thi thiên 18 sắp xếp những phạm trù nầy nối tiếp nhau. “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn lũy tôi, Đấng giải cứu tôi; Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương náu mình: Ngài cũng là cái khiên tôi, sừng cứu rỗi tôi, và là nơi náu ẩn cao của tôi” (Thi thiên 18:2).

“Khi tính độc lập của chúng ta chứng tỏ nó vốn dĩ là sự dối trá, thì chúng ta sẽ cầu cứu ai đây?”

Tìm nơi nương náu có nghĩa là tìm được nơi không cần phải phòng vệ, là nơi không cần phải cảnh giác cao. Tìm nơi nương náu là tìm nơi yên nghỉ, là nơi chúng ta có thể ngủ một giấc bởi vì ai đó có sức mạnh và sự an ninh đang canh giữ mình. Những hình ảnh thêm ý nghĩa cho phạm trù nầy. Một đứa trẻ, bỏ chạy vì bị bắt nạt, giấu mình đằng sau người anh cả. Đàn gà con, nghe thấy tiếng động lớn, liền giấu mình dưới đôi cánh của gà mẹ. Một gia đình đang liều mạng tìm nơi ẩn náu ở trong nhà của Ten Boom khi quân lính đuổi bắt.

Lời cầu nguyện trong Thi thiên 16:1 có những câu hỏi thách thức chúng ta. Khi đối diện với những nguy hiểm và mối đe dọa, chúng ta sẽ cầu cứu ai đây? Khi tính độc lập của chúng ta chứng tỏ nó vốn dĩ là sự dối trá, thì chúng ta sẽ cầu cứu ai đây? Khi có nguy hiểm xuất hiện, chúng ta đều tìm nơi ẩn náu. Nhưng chúng ta có nương náu mình nơi Đức Chúa Trời chăng? Chúng ta có đến cùng Ngài không? Chúng ta có giấu mình trong Ngài chăng? Hay là chúng ta tìm nơi trú ẩn trên đất, đồn lũy của thế gian, những hình tượng giả dối?

Kẻ thù bên trong

Có những nguy hiểm thực sự đang ở ngoài kia trong thế gian. Khi đối diện với chúng, chúng ta phải nương náu nơi Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài gìn giữ chúng ta.

Mỗi ngày, tôi thường nhận ra mình cần được phù hộ và gìn giữ khỏi mối đe dọa lớn hơn, không phải là sự chống đối từ bên ngoài, không phải bị người chưa tin bắt bớ, hay là những đe dọa về thể chất, hay là xung đột trong mối liên hệ với bạn bè cũ, hay là bị vu khống và xuyên tạc. Mối đe dọa lớn nhất mà tôi cần phải được bảo vệ đó là sự vô tín của tôi. Không phải ở ngoài kia; mà là ở trong lòng. Sự vô tín là mối đe dọa, nguy hiểm và thử thách lớn nhất mà tôi phải đối diện. Tức là khi tôi cầu nguyện “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa”, ý tôi nói là “Tôi nương náu mình nơi Chúa để tránh cái tôi”. Tư tưởng của tôi. Tấm lòng của tôi. Dục vọng của tôi. Nghi ngờ của tôi. Cảm xúc của tôi. Sự vô tín của tôi.

Hơn nữa, tôi thấy Thi thiên 16:1 vừa là lời cầu xin mà cũng vừa có sự đáp lời cầu xin nữa. Tức là Đức Chúa Trời đang phần nào đáp lời cầu nguyện mà tôi đang cầu xin. Chúa đang gìn giữ tôi trong lời cầu xin cần được phù hộ. Chính lời cầu nguyện nầy làm gián đoạn những tư tưởng, tấm lòng, dục vọng, nghi ngờ và cảm xúc đang đe dọa đức tin của tôi.

Xin cứu con khỏi nghi ngờ

Hãy thử xem xét làm thế nào Thi thiên 16:1 làm gián đoạn những nghi ngờ. Tôi là một Cơ Đốc nhân đang sống bình an và trông cậy nơi Đấng Christ. Đấng Christ đã sống lại là một giả thiết sống củng cố cho lối sống và việc làm của tôi, còn Lời Chúa và Phúc âm của Ngài dựng lên thực tại trong đời tôi.

Rồi nghi ngờ xuất hiện làm xáo trộn đời sống Cơ Đốc. Có lẽ đó là những nghi ngờ về sự sống đời đời của tôi. Hay có lẽ đó là những nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và chân lý của Phúc âm. Cơ sở thuyết phục nhất trong đời đang bị rung chuyển. Đức tin trở nên yếu đuối hẳn đi, còn tôi tự hỏi mình sẽ được gìn giữ chăng! Trong giây phút ấy, những “thắc mắc về Đức Chúa Trời” rất dễ gây ra sự choáng ngộp. Sự vô tín và chủ nghĩa hoài nghi trở thành phản ứng mặc định của linh hồn, còn tâm trí thì quay vòng vòng đến vô tận, để tìm kiếm một lối thoát. Nói cách khác, tôi đang tìm nơi trú ẩn.

“Đức Chúa Trời không phải là câu đố cần lời giải đáp, mà là Đấng có thật đáng được tìm kiếm”.

Trong giây phút ấy, Thi thiên 16:1 vừa là lời cầu nguyện và cũng vừa là cách để được giải cứu. Lời cầu nguyện chấn chỉnh lại những ngờ vực và thắc mắc bởi vì Thi thiên 16:1 vừa là bản miêu tả vừa là đạo luật. Tôi không chỉ xin Ngài gìn giữ tôi bởi vì tôi đã từng nương náu mình nơi Ngài. Tôi tìm Chúa để nương náu mình ngày hôm nay, trong hiện tại, bằng cách xin Ngài gìn giữ tôi ngay bây giờ, trong hiện tại.

Khi cầu nguyện theo Thi thiên, tôi không còn nghĩ Đức Chúa Trời là một câu đố trí tuệ từ sự vô tín nữa. Thay vì thế, tôi đến với Chúa bằng thái độ khẩn thiết và đức tin như con trẻ. Sự khác biệt ấy là quan trọng lắm! Đức Chúa Trời không phải là câu đố cần lời giải đáp, mà là Đấng có thật đáng được tìm kiếm.

Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy phù hộ tôi

Thi thiên 16:1 làm gián đoạn dòng tư tưởng của tôi bằng cách khiến tôi tỉnh thức trước thực tại đó là chúng ta không bao giờ nói về Đức Chúa Trời một cách lén lút cả. Tư tưởng và việc làm của chúng ta, khao khát và nghi ngờ của chúng ta, thắc mắc và cảm xúc của chúng ta — tất cả đều được làm ra trong sự hiện diện của Ngài, ở trước mặt Chúa, ở bên hữu Ngài.

Lời cầu nguyện của Thi thiên 16:1 là lời cầu nguyện bằng đức tin, vì tôi không còn tìm cách lý luận về Đức Chúa Trời nữa, mà đến với Chúa là Cha ở trong sự hiện diện của Ngài. Qua sự can thiệp và sự đánh thức ấy, Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của tôi. Ngài gìn giữ tôi, vì tôi tìm cách nương náu mình nơi Chúa.

Đúng vậy, Thi thiên 16:1 vừa sâu sắc vừa đơn giản, vừa đơn giản mà cũng vừa sâu sắc. Đức Chúa Trời là nơi trú ẩn và sức lực của chúng ta, là Đấng cứu giúp trong lúc có cần. Do đó, tôi khuyên hết thảy chúng ta, khi đối diện với những nguy hiểm, lo lắng và sợ hãi, nghi ngờ và vô tín, hãy dùng Thi thiên 16:1 mà cầu nguyện.

Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa.

Từ khóa » Chúa ơi Cứu Con Với