Chưa Phai Dòng Tranh “bút Lửa”
Có thể bạn quan tâm
Tranh “bút lửa” - loại hình mỹ thuật độc đáo xuất hiện ở nước ta từ những năm 50 của thế kỷ XX, đến nay vẫn được nhiều họa sĩ kế thừa và gìn giữ. Mang trong mình nét đặc trưng riêng, tranh bút lửa khá kén người theo đuổi bởi dòng tranh này yêu cầu tính kiên trì, sáng tạo... để làm ra những tác phẩm có một không hai.
Cần sự công phu, đam mê...
Theo một số người trong nghề, tranh bút lửa xuất hiện ở Việt Nam khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ XX ở Đà Lạt và Đà Lạt cũng chính là cái nôi của nghệ thuật tranh bút lửa nước ta. Người đầu tiên phát hiện ra nghệ thuật tranh bút lửa là ông Bùi Văn Dưỡng, tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Paris. Năm 1973, ông Châu Văn Nghiêm, chủ một cửa hiệu thủ công mỹ nghệ tại Đà Lạt đã phát triển mạnh mẽ thể loại tranh này. Ngày ấy, trên những phiến gỗ bạch tùng, tranh bút lửa được nghệ nhân chạm tinh xảo và nghề làm tranh bút lửa rất thịnh hành.
Một trong những bức chân dung Bác Hồ bằng bút lửa của họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu.
Trong khi đó, theo họa sĩ khá nổi tiếng về dòng tranh bút lửa tại Việt Nam Hồ Ngọc Hiếu, tranh bút lửa có nguồn gốc xuất xứ từ các bộ tộc du mục ở một số nước châu Phi. Dụng cụ để vẽ tranh khá đơn giản với chỉ một “cây bút lửa” (dùng điện năng chuyển hóa thành nhiệt thông qua một sợi dây đồng làm ngòi bút để vẽ) và những tấm gỗ bạch tùng, thông, me hay tấm da phẳng. Để có thể hoàn thành được những tác phẩm tranh bút lửa có “hồn”, họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu chia sẻ, bản thân mỗi tác giả cần phải tỉ mỉ, kiên trì và thật sự có niềm đam mê. Tuy chỉ với hai màu chủ đạo là màu của gỗ và màu đen khi gỗ bị đốt cháy, nhưng người họa sĩ phải kiên nhẫn và có tính sáng tạo thì mới cho ra đời được những nét tối sáng, đậm nhạt, làm cho bức tranh có chiều sâu và mang một ấn tượng riêng không như các dòng tranh khác.
Điều thú vị, ít người biết việc tạo ra “bút lửa” để vẽ lên bề mặt gỗ lại khá... đơn giản. Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Thiện (Phú Yên), cấu tạo và nguyên lý của bút lửa được làm theo quy trình: mũi viết được uốn từ sợi dây thép, đấu nối với nguồn điện 12V cho mũi viết đỏ hồng để có thể “đốt” cháy mặt ván gỗ. Tuy nhiên trong thực tế, khi sợi thép đỏ hồng thì sẽ bị mềm và vẹo mũi ngay chứ chưa thể viết hay khắc gì được. Điều quan trọng là người họa sĩ cần tìm ra loại thép đặc biệt, không cứng quá cũng không mềm quá và điều chỉnh nhiệt độ từ ổn áp để tạo thành cây bút lửa phục vụ cho việc sáng tác.
Họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu cho biết thêm, công đoạn vẽ quan trọng nhất khi thực hiện một tác phẩm bằng bút lửa là khắc chi tiết và nhấn nhá phần ánh sáng. Ngoài nhiệt độ, loại bút thì bề mặt gỗ và áp lực của tay cũng sẽ quyết định phần ánh sáng và độ đậm nhạt của bức tranh. Khi vẽ, lực từ bàn tay phải vừa đủ, đều và liên tục. Vì nếu vẽ quá chậm hoặc dùng lực mạnh sẽ làm gỗ cháy đen, nếu quá nhanh hoặc nhẹ tay thì lại không kịp cháy. Bởi vậy, tranh bút lửa là dạng nghệ thuật đòi hỏi sự đam mê và lắm công phu.
Để gìn giữ và có nhiều tác phẩm độc đáo
Hiện nay, dòng tranh bút lửa vẫn phát triển ở nhiều địa phương, đặc biệt tại Đà Lạt, Phú Yên, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh... Tại Đà Lạt, không ai là không biết đến tranh bút lửa của họa sĩ Khánh Hoàng. Đi vào tranh bút lửa của Khánh Hoàng có hình tĩnh vật với hình ảnh hoa - quả Đà Lạt, là cặp đôi hạnh phúc và rất “phố núi” với mũ và khăn len, là hình ảnh môtô trên phố...
Tới TP. Hồ Chí Minh, nổi tiếng nhất là họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu. Có lần vào nhà riêng của người nghệ sĩ này ở quận 9, chúng tôi chứng kiến tầng trệt đều chật kín những tác phẩm bút lửa do anh sáng tác. Nổi bật hơn cả chính là việc họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu đã sáng tác bộ tranh gồm 17 bức chân dung Bác Hồ trên gỗ bạch tùng vào năm 2012. Các tác phẩm đó thật sự ấn tượng, thể hiện được thần thái lẫn trí tuệ của Bác Hồ kính yêu một cách sinh động và đậm nét nghệ thuật. Với 17 bức chân dung Bác Hồ được thực hiện bằng bút lửa trên gỗ bạch tùng có kích thước 45x70cm đến 67x88cm, năm 2013, họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người vẽ chân dung Bác Hồ bằng bút lửa nhiều nhất”.
Đam mê với nghề kết hợp với sự giản dị của thể loại tranh bút lửa, họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu cho biết dòng tranh bút lửa rất phù hợp để thể hiện những khung cảnh cổ xưa nên thơ, trữ tình, giúp người xem cảm nhận và hiểu biết thêm về những địa danh nổi tiếng của Việt Nam xưa. Vì điều đó, thời gian qua, anh đã thực hiện được nhiều bức tranh về chủ đề “Việt Nam xưa” gồm nhiều địa điểm nổi tiếng của Việt Nam như: Hồ Gươm năm 1908, cầu Long Biên năm 1915, Văn Miếu - Hà Nội năm 1920, Hạ Long xưa, cầu Tràng Tiền (Huế), Tháp Chàm (Phan Rang), Ga Đà Lạt, Chợ Lái Thiêu (Bình Dương)...
Nhiều người sáng tác tranh bút lửa ở nước ta cho biết, dòng tranh này hiện nay đang thịnh hành trở lại. Những người vẽ tranh được quan tâm nhiều hơn và có cảm hứng sáng tạo. Làm nghề, các họa sĩ không chỉ kiếm thu nhập mà còn có khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Trước đây vào những năm 1980, tranh bút lửa Việt thậm chí đã được xuất đi nhiều nước ở châu Âu, châu Á...
Từ khóa » Bút Lửa Là Gì
-
Giữ Lửa Cho Tranh Bút Lửa
-
Tranh Bút Lửa Đà Lạt : Loại Hình Nghệ Thuật độc đáo - Tour Da Lat
-
Độc đáo Tranh Bút Lửa
-
Bút Lửa Nhiệt Trạm Trổ Vẽ Tranh Cháy Sém Trên Gỗ 60W V2
-
Bút Lửa Đông Phong | Facebook
-
Tranh Lửa đà Lạt | Facebook
-
Yêu Quê Hương Qua Nghệ Thuật Vẽ Tranh Bút Lửa - UBND Tỉnh An Giang
-
Câu Chuyện Tranh Bút Lửa
-
An Giang: Người "thổi Hồn" Những Bức Tranh Trên Gỗ Bằng Bút Lửa ...
-
Độc đáo “Bút Lửa Dzũ Kha” -.:: Đắk Nông Online ::.
-
Bút Lửa Nhiệt Trạm Trổ Vẽ Tranh Cháy Sém Trên Gỗ 60W V2 - P321358
-
Độc đáo Nghệ Thuật Tranh Bút Lửa ở Đà Lạt Mộng Mơ | Văn Hóa