Chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Chốn Thiêng

Giới thiệu chung

Chùa Quán sứ là ngôi chùa cổ trăm năm, có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Chùa tọa lạc tại số 73, phố Quán sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đây, địa phận này thuộc thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương.

Lịch sử hình thành

Theo Tiến sĩ Trần Bá Lãm trong La Thành cổ tích vịnh ( ký hiệu A1941, thư viện Hán Nôm) soạn năm 1787 ghi: “Vào khoảng đời vua Trần Dụ Tông ( 1341- 1369) triều đình cho xây dựng một tòa sứ quán ở đây để tiếp sứ thần các nước Chiêm Thành, Vạn Tượng, Ai Lao. Triều ta vẫn theo lề nếp ấy. Từ đời Lê Trung Hưng về sau sứ thần đến cống nạp phương vật nghỉ ngơi ở đây để trấn yểm, từ đó về sau mới được bình an vô sự. Chính vì lẽ đó mà chùa có tên là Quán Sứ”

Theo Phan Huy Chú ( 1782 – 1840), trong Hoàng Việt địa dư chí ( Nxb Thuận Hóa, 1997) quyển 1 phủ Lý Nhân: “ Chùa Quán Sứ tại thôn An Tập thuộc huyện Thọ Xương, từ thời Lê Trung Hưng về sau, các sứ nước như Nam Chưởng, Vạn Tượng, Trấn Ninh hàng năm đến cống đều đến nghỉ tại đó nên mới có tên là Quán Sứ”

Theo tấm bia công đức hiện còn lưu tại chùa Quán Sứ dựng năm Tự Đức thứ 8 ( 1855) do Tiến sĩ  Lê Hy Vinh soạn: “ Chùa nằm ở địa phận thôn An Tập, huyện Thọ Xương,… đến thời Lê Mạt, các danh lam thắng cảnh di tích nơi đô thành này bị tàn phá hết cả. Di tích ngôi chùa này cũng không mất hết diện mạo chân thực, lại không có bia ký để mà tra cứu…”

Theo Thăng Long cổ tích khảo ( Ký hiệu A 1820, thư viện Hán Nôm, bản chép tay không rõ người soạn và soạn năm nào): “… Đến thời Lê Trang tông ( 1533 – 1548)… ra lệnh cho dựng một ngôi chùa ba gian lợp ngói để thờ phụng Đức Phật… Triều đình ban cấp lương tháng cho sư tăng để thờ phụng Phật, nhân đó gọi là chùa Quán Sứ, ở phía nam thành”.

Từ những dẫn cứ trên ta thấy có 1 điểm chung là các tác giả đều khẳng định chùa có từ thời vua Trần Dụ Tông hoặc Lê Trung Hưng tọa tại thôn An Tập, huyện thọ Xương. Bên cạnh đó các tác giả cũng khẳng định vào thời Lê Trung Hưng chùa được xây dựng (1533 – 1750, đặc biệt theo Thăng Long cổ tích khảo thì chỉ rõ chùa được xây dựng vào thời Lê Trang Tông. Qua đây ta có thể khẳng định rằng vào thời Lê chùa đã được tiến hành xây dựng.

Đời Gia Long triều đình đóng quân ở khu vực này, có phó tướng Vĩnh Tài hầu là người mộ Phật nên chùa giáp đồn quân mà không bị phá dỡ.

Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chùa được sửa sang lại để làm chỗ lễ bái.

Năm 1827 Hòa thượng Thanh Phương ở làng Đan Thầm huyện Thanh Oai đến trụ trì tại chùa, đã lo việc thiết trí tôn tạo, tô tượng, đúc chuông…

Năm Tự Đức 8 (1855) chùa lại được tu sửa thêm và tô 27 tượng. Tới năm 1934, hội Phật giáo Bắc kỳ lấy chùa làm Hội quán. Năm 1942 chùa được xây lại theo quy mô kiến trúc và trang trí nội thất Việt Nam được thành lập, văn phòng trụ sở Hội được đặt tại đây.

Ngày nay, chùa Quán Sứ vẫn được sử dụng đúng chức năng là công trình tôn giáo phục vụ đời sống tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo của người dân trên cả nước. Ngoài ra nơi đây cũng là đầu não của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kiến trúc

Cổng chùa Quán Sứ

Đây là đơn nguyên kiến trúc có tính biểu tượng nhất của chùa Quán Sứ, dễ dàng được mọi người ghi nhớ trong tâm trí nhất. Tuy có dáng dấp tổng thể nhìn đơn giản mang tính cận hiện đại nhưng công trình vẫn thâu nhiếp nhiều yếu tố của một loạt các công trình kiến trúc cổ của hàng trăm thậm chỉ cả ngàn năm văn hóa, lịch sử, Phật giáo.

Cổng chùa gồm 3 tầng mái thu lại ở trên cùng và tỏa rộng xuống dưới kế thừa các tòa kiến trúc cổ trước đó như Tích Thiện Am chùa Bút Tháp huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh xây đời Lê Trung Hưng và Hiển Lâm Các ở Thế Tổ Miếu Đại nội Huế xây đời Minh Mệnh nhà Nguyễn. Bộ mái của cổng chùa Quán Sứ là mái cứng giống với mái đời Nguyễn và cũng có yếu tố của một công trình xây dựng có tính hiện đại bằng bê tông theo kiến trúc Đông Dương với hệ dầm console đua ra dạng đấu củng giống các biệt thự đời Pháp thuộc.

Điểm sáng tạo của bộ 3 tầng mái này so với các kiến trúc đời trước như Tích Thiện Am, Hiển Lâm Các là người thiết kế đã ngắt bỏ đoạn giữa của các mái tầng thứ 1 và 2. Từ đó tạo nên 1 thông tầng rất cao tại gian giữa nó cũng tạo ra hiệu ứng khác 1 chút, với 2 công trình kiến trúc cổ trước đó thì tạo ra 3 tầng rõ rệt theo chiều ngang nhưng cổng chùa Quán Sứ lại nhấn mạnh 3 gian theo chiều dọc. Sự tích hợp về công năng cũng thấy ở đây, khi gian giữa có mặt tiền thông tầng cao như vậy đôi khi còn dùng để treo 1 lá phướn dài 5 sắc từ mái tầng 3 xuống nhìn có cái gì đó rất “chùa làng Bắc Bộ” nơi có truyền thống treo phướn lớn ở gian giữa Chính điện, khi đến kì lễ hay sự kiện quan trọng, gian giữa cổng tầng trên cũng có thể treo ảnh cỡ lớn rất trang trọng và tiện dụng.

Tuy mang nét mái cứng của thời kỳ đó nhưng người thiết kế cũng vô cùng khéo léo khi hóa giải các đường thẳng, khối cứng bằng 3 vòm cửa và đặc biệt là cửa sổ tròn của tầng 2 cũng đồng thời là gác chuông.

Chỉ một hình tròn nhưng làm cho công trình trở nên hài hòa kỳ lạ và hơn thế nó còn là một điểm nhấn, một nét rất Thăng Long Hà Nội, ô cửa tròn này chúng ta có thể thấy ở rất nhiều công trình nổi tiếng ở Hà Nội như Khuê Văn Các của Văn Miếu Quốc Tử giám, cổng Tam quan đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, gò Đống Đa… một cái gì đó Hà Nội của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Phần nóc cổng đắp 3 ngọn tháp cũng là một cách trang trí rất ấn tượng và đặc trưng. Việc đắp hình Tháp Phật trang trí nóc mái khá phổ biến vào cuối thời Nguyễn nhưng thường chỉ đắp 1 ngọn và ở chính điện, ở đây là 3 ngọn có tính chất hô ủng cho nhau nhìn tựa như bố cục Tam Tháp của Sùng Thánh Tự bên Vân Nam.

Điều đáng ngạc nhiên là tuy chỉ là tháp nhỏ nhưng tòa tháp ở giữa mô phỏng chính xác về mặt hình học của các tháp cổ bên Trung Hoa với tầng 1 cao vọt và các lớp mái trên kề sát nhau, các tháp dạng này trải dài từ Tùy Đường đến Minh Thanh thậm chí dạng tháp gạch có tầng 1 xây cao hẳn này còn thấy cả ở cuối đời Ngụy Tấn. Chưa một công trình chùa nào ở Việt Nam dùng tháp trang trí mà lại tỉ mỉ và giống như công trình thật bên Trung Hoa được thu nhỏ kích thước như ở Quán Sứ đây.

Hai bên là các tháp vuông trên đỉnh đặt Hồ lô hay bình Cam Lồ như các tháp đá đời Lê tôn trí di thể các tổ sư nhưng ở đây nhiều tầng hơn. Tháp giữa tiết diện 8 cạnh, 2 tháp bên 4 cạnh nêu biểu các phạm trù như Bát Chính Đạo, Tứ Diệu Đế, Tứ Nhiếp Pháp, Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Chính Cần…Đặc biệt cả 3 bảo tháp đều có 9 tầng như nếu biểu Cửu Phẩm Liên Hoa của thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng như cho thấy sự thịnh hành của Pháp Môn Tịnh độ ở miền Bắc và cả Việt Nam từ xưa mà rõ ràng, liên tục nhất khoảng đời Lê Trung Hưng đến tận nay.

Cấu tạo gồm 3 cửa và 5 khối mái như ẩn dụ về Tam Quy và Ngũ giới. Tường công trình màu vàng không những đại diện cho “Ánh đạo vàng” hay màu y ca sa của Phật giáo mà còn là tông màu phổ biến, đặc trưng của các biệt thự thời kỳ đó.

Qua vài nét như vậy chúng ta như hiểu hơn về các kiến trúc sư của chùa Quán Sứ họ đã tích hợp rất nhiều phong cách của dân tộc, Á Âu, Tây Tàu,…một nét gì đó rất Đông Dương.

Chính điện

Lại nói sự tích hợp nhiều hình thái kiến trúc và công năng thì cũng phải kể đến chính điện chùa Quán Sứ.

Điện này nhìn tổng thể bên ngoài là một tòa nhà hình chữ Công (工) có 2 lớp mái hay còn gọi là kiểu Hiên Kép một loại mái thịnh hành ở đời Thanh bên Trung Hoa và từ cuối thời Lê Trung Hưng đến Nguyễn ở Việt Nam cũng vậy. Tuy bề ngoài như vậy nhưng bên trong chùa lại ngăn thành 3 điện ở giữa là điện lớn thờ Phật có không gian hình chữ Đinh (丁), và 2 cánh của Thượng điện được ngăn thành 2 điện nhỏ thờ Thánh Tổ Minh Không thiền sư, Đức Chúa Ông.

Như vậy ở đây đã có sự tích hợp giữa bề ngoài là ngôi điện hình chữ Công phổ biến thời Lê, Mạc và bên trong là ngôi điện hình chuôi vồ (丁) gọn gàng hơn của thời Nguyễn.

Chùa Việt Bắc Bộ thường thờ chúa Ông bên Tả, Thánh Hiền ở bên Hữu nhìn từ trong ra trừ làng nào cố ý (tráo lại) nhưng ở chùa Quán Sứ lại thờ đức Thánh Minh Không Quốc sư bên tả, chúa Ông bên hữu. Ở đây có một nguyên nhân riêng đó là trước đây chùa Quán Sứ vốn có điện thánh thờ ngài Minh Không phía sau chùa hay đúng hơn đây là một ngôi chùa Tiền Phật hậu Thánh nét rất riêng của Bắc Bộ Việt Nam.

Những nhà quy hoạch xây dựng chùa Quán Sứ đầu thế kỷ XX đã tích hợp ban Đức Thánh Hiền với ban Quốc sư Minh Không (phía trên thờ Quan Âm) thành một ban vừa thấy hình ảnh chung của một vị Tăng vừa có nét riêng của một chùa Tiền Phật hậu Thánh. Chữ Tiền Phật Hậu Thánh ở đây cũng là cách gọi chung của 2 loại bố cục thờ tự với 1 dạng có điện thánh riêng phía sau Tam Bảo như các chùa Keo Nam Định, Thái Bình… 1 dạng khác có ban thờ Thánh (Thánh đây là thánh tổ, thánh tăng hoặc các nhân vật tu hành) nằm bên Tả ban Phật như Khám thờ Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh ở chùa Thượng trong chùa Thiên Phúc Sài Sơn, Cung thờ Thánh Bối Nguyễn Bình An thiền sư ở bên Tả Tam bảo chùa Trăm Gian – Quảng Nghiêm tự hay thậm chí như ban thờ bà Chúa Mía bên tả Tam bảo chùa Mía – Sùng Nghiêm tự… cũng có trường hợp dị biệt như chùa Lại Yên – Nhạ Phúc tự lại đặt ban thờ Thánh Tổ Ni (vốn là bà hoàng triều Trần) bên tay Hữu của Tam bảo hậu.

Việc thờ Tiền Phật hậu Thánh này không chỉ mang nét độc đáo đại diện cho bề dày ngàn năm của tôn giáo và tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam mà còn mang một gì rất riêng của Hà Nội và đặc biệt tổng Thiên Thị xưa cùng với các chùa Lý Triều Quốc Sư (xưa là đền), cụm chùa Thần Quang, đình Ngũ Xã, chùa ở Lò Đúc …tạo nên một tổ hợp tôn vinh Quốc sư Minh Không một nhân vật nằm trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam – Lý Triều Tam Thánh Tổ rải rác khắp miền Bắc.

Ngoài giá trị liên kế với phong cách thờ tự xa xưa thì chùa Quán Sứ vẫn có nét hiện đại mà ít chùa đất Bắc có đó là hưởng phong trào cải cách không gian thờ tự chùa Bắc trong gian đoạn chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX thì cũng với số ít chùa như Vọng Cung, Nam Hải… chùa Quán Sứ không có bàn Tứ Phủ. Chùa cũng không bày biện các tượng Ngọc Hoàng hay nhị chúa Phạm thiên – Đế Thích, các vị Đại Hộ Pháo Khuyến Thiện Trừng Ác cũng không thấy thay vào đó là vị Đà Tôn Thiên đứng trên tiền án chính ( vị Vị Đà đứng ở đây có nét gì đó của chùa Tế Xuyên với nhiều vị từ trụ trì Quán Sứ như các tổ Doãn Hài, Tâm An, Tâm Tịch).

Qua đây ta chỉ thấy riêng Chính điện chùa này đã hòa quyện nhiều hình thái không gian kiến trúc, không gian thờ tự của các kim cổ, vùng miền.

Chùa Quán Sứ và Cát Tường Thụy Thú.

Khi nhìn các bộ mái cầu kỳ của chùa Quán Sứ ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính mang dáng dấp phong cách Đông Dương đầu thế kỷ XX chúng ta sẽ thấy đặc điểm rất riêng biệt của chùa này đó là hàng 3 con vật ngồi xếp hàng quay xuống dưới trên dải bờ mái, thần thú trang trí trên mái thì khá bình thường nhưng motip này ở chùa Quán Sứ khác với hầu hết các chùa cổ nó lại giống với cách trang trí Thụy Thú trên mái cung điện Trung Hoa, điều này ngay cả cung điện ở Huế cũng không giống thậm chí chùa Hưng Ký một ngôi chùa gần niên đại xây dựng với Quán sứ do chủ người Hoa hưng công cũng không thấy.

Nói về Thụy Thú, các vật cát tường trấn giữ trên mái ở cung điện thì tùy vào sự tôn nghiêm, địa vị của chủ nhân và công năng của công trình mà có số lượng ít nhiều khác nhau từ 1 đến 10 con. Từ dưới lên trên thường sẽ là:

  1. Tề Mẫn Vương cưỡi chim Phượng, đây là một nhân vật lúc bế tắc cùng đường lại gặp chim thần để cưỡi bay qua sông, ngụ ý ngay nơi tuyệt địa vẫn tìm được đất sống, tượng người cưỡi chim này đôi khi gọi là Chân Nhân, Tiên Nhân rất được vua chúa yêu thích và từ thời Thanh thì càng được ưa chuộng. Từ sau Tề Mẫn Vương ở đầu đao sẽ đến các Thụy Thú.
  2. Tiếp sau Tiên Nhân là Rồng thần vật của Đế Vương, tột cùng của tôn quý.
  3. Phượng Hoàng vua của các loài chim, báo hiệu cảnh tượng Thái Bình.
  4. Sư Tử vua của các loài thú dưới đất, cũng tượng trưng hộ pháp.
  5. Thiên Mã là vật cát tường, ngày đi ngàn dặm.
  6. Hải Mã trung dũng, thông tuệ, minh mẫn, đi khắp 4 phương, lên trời xuống biển, mở mang bờ cõi.
  7. Áp Ngư, dị thú dưới biển trấn thủy, trừ hỏa tai.
  8. Toan Nghê hàng yêu phục ma, kiêu dũng thiện chiến.
  9. Giải Trãi là hóa thân của trung thành, chính nghĩa, công bằng thẳng thắn, phân biệt đúng sai.
  10. Đẩu Ngưu biết nuốt mây nhả sương, trấn thủy, trừ tai chế ngự lũ lụt, gặp dữ hóa lành.
  11. Hành Thập đây là thần thú hiếm thấy nhất vì đứng thứ 10 nên gọi vậy, nó chỉ xuất hiện trên mái điện Thái Hòa còn các cung vua khác cũng chỉ dùng đến 9 con. Thần vật này nhìn giống Kim Sí Điểu tạc như 1 Đại Bàng cầm chày Kim Cương mà truyện dân gian cũng có thể gọi Lôi Chấn Tử. Tuy là thần vật mạnh mẽ và không xa lạ với Trung Hoa nhưng do Kim Sí Điểu là thiên địch của Rồng vốn là biểu tượng của Hoàng Đế nên nó ít xuất hiện, vì điện Thái Hòa tôn quý cao nhất cung điện nên Hành Thập xuất hiện để chế ngự Sét vì cũng điện nhiều khi bị sét đánh cháy cũng như hàng yêu trừ ma.

Các sườn mái cung điện có thể dùng ít, nhiều các loại thú trên, còn sườn mái Quán Sứ dùng 3 con vật giống nhau như 3 con Sư Tử hoặc Toan Nghê đều mang ý hộ vệ Phật Pháp, số 3 cũng là túc số hay xuất hiện ở Quán Sứ như cổng, nóc mái, sườn, chính điện… vì đó là số của Tam Bảo, Tam Vô Lậu…Việc sử dụng số 3 trong chùa thì không lạ, nhưng việc dùng rất nhiều lần số này trong kiến trúc thì dường như có ảnh hưởng của số học Phương Tây trong bối cảnh xã hội đầu thế kỷ XX.

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Ngọc Khánh, Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh Niên
  2. Nguyên Lâm, Chùa Quán Sứ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học
  3. Diệu Hỷ Đavis Le, Vài nét kiến trúc chùa Quán Sứ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2023
5/5 (1 bình chọn)

Từ khóa » Chùa Quán Sứ Hà Nội Thờ Ai