Chùa Tam Bảo (Tam Bảo Tự – Rạch Giá, Kiên Giang) - Chốn Thiêng
Có thể bạn quan tâm
Chùa Tam Bảo (Tam Bảo Tự) hiện tọa lạc tại số 03 đường Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa Tam Bảo hay còn gọi là Chùa Sắc tứ Tam Bảo là một ngôi chùa Phật giáo thiêng liêng cổ kính, lâu đời tại Rạch Giá có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo của tỉnh Kiên Giang.
Lược sử
Tương truyền rằng, chùa Tam Bảo được lập bởi bà Dương Thị Oán, với kiến trúc ban đầu khá đơn sơ, chỉ là tre nứa. Lịch sử phát triển của chùa gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền.
Năm 1913, hòa thượng Thích Trí Thiền được Phật tử địa phương thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo.
Năm 1915, ông vận động phật tử đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa với lối kiến trúc còn được lưu lại đến ngày nay.
Năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng Sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật học Kiêm Tế, chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa Hội Phật học Kiêm Tế. Hội đã mở Cô nhi viện, các lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai,… Hòa thượng Trí Thiền giữ chức Chánh tổng lý của Hội.
Năm 1940, chùa Tam Bảo được hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân dùng làm địa điểm liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ .
Tháng 6 năm 1941, thực dân Pháp cho khám xét chùa, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Ân bị bắt. Ra Tòa Đại hình, Hòa thượng Trí Thiền bị kết án năm năm đày Côn Đảo, Sư Thiện Ân bị kết án tử.
Năm 1943, Hòa thượng Trí Thiền tuyệt thực phản đối chế độ được cho là “chế độ lao tù khắc nghiệt” và mất trong ngục tại Côn Đảo.
Sau khi Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân bị bắt, chùa Tam Bảo bị đóng cửa, không ai được lui tới. Sau Cách mạng Tháng Tám , chùa mới được mở cửa trở lại. Tăng tín đồ Phật tử và người dân tại đây tổ chức một lễ cầu siêu lớn tại chùa để cầu nguyện cho Hòa thượng Trí Thiền, Sư và các đồng chí đã chết.
Năm 1988, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Năm 1996, Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân được truy nhận là liệt sĩ.
Kiến trúc cảnh quang
Chùa Tam Bảo lúc ban đầu được dựng bằng gỗ và lợp lá. Đến năm 1917, hòa thượng Trí Thiền đã cho trùng tu lại ngôi chùa.
Cổng chùa được xây theo kiến trúc mái Tam Quan, lợp ngói ống, các họa tiết trang trí như chữ “Vạn”, bông sen tượng trưng cho Phật pháp.Trong sân chùa có ngọn Tam Bảo Tháp được xây ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên Hoa. Tầng trên cùng là để thờ Phật. Tầng giữa thờ kinh và tầng dưới thờ tro cốt của các Hoà thượng trụ trì như Hòa thượng Thích Trí Thiện, hòa thượng Thích Bảo Châu.
Chánh điện được thiết kế theo kiểu thượng lầu hạ hiên, có chiều ngang 14,5 m, chiều dọc 22m. Điện thờ bày trí tôn nghiêm với tượng Đức Phật A Di Đà bằng đá xanh cao 1,03m ở vị trí cao nhất, kế dưới là các tượng Phật Thích Ca, Phật Đản Sanh với nhiều tượng gỗ quý khác, như: tượng Di Lặc, Quan Thế Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Chuẩn Đề, Địa Tạng,… được điêu khắc với trình độ mỹ thuật cao. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trỗ công phu, thếp vàng rực rỡ theo dạng “Lưỡng Long triều Nguyệt“, “Song Phụng Triều Châu”, “Bát Tiên”.
Bên phải Chánh điện là nhà Tây Lang gồm 3 gian, mái lợp ngói, nền lót gạch Tàu dùng để làm Phòng thuốc nam miễn phí gọi là “Tuệ Tĩnh Đường”. Từ Tây Lang thông ra một hồ sen trồng toàn sen trắng. Có một cây cầu nhỏ, cong cong được bắc ngang hồ sen tạo lối dẫn lên bậc tam cấp đặt bức tượng Quan Thế Âm Nam Hải cao khoảng 2 mét, đang đứng trên một toà sen. Hai bên cầu trang trí hình bánh xe tròn tượng trưng cho vòng luân hồi của tạo hóa. Xung quanh hồ sen là đủ các loại cây kiểng: Hải Đường, Thược Dược, Thiết Mộc Lan,…
Đối diện với Tây Lang là Đông Lang. Đây là dãy nhà dùng làm Trụ sở Văn phòng thường trực của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Trong dãy nhà Đông Lang còn dành ra một gian làm phòng truyền thống trưng bày nhiều hình ảnh truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Trong đó có những hình ảnh của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm chùa qua các thời kỳ. Ảnh chân dung các vị Hòa thượng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng chùa như các vị: Thích Trí Thiện, Thích Thiện An, Thích Thiện Chiếu, Pháp Linh,…
Nhà Hậu Tổ là dãy nhà ba gian lợp ngói ống dùng làm nơi thờ vị tổ phái thiền dòng Lâm Tế và các vị Hòa thượng trụ trì chùa Tam Bảo qua các thời kỳ. Điểm độc đáo nhất của nhà Hậu Tổ là hai cánh cửa bằng gỗ lim dày khoảng 10 cm được biến thành một tác phẩm điêu khắc tinh xảo tuyệt đẹp với hình tượng thần Kim Cang gác cửa.
Câu chuyện của chúa Nguyễn Ánh tại chùa
Sách Đại Nam thực lục chép rằng, tháng 7 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ nghe tin Nguyễn Phúc Ánh đang ở đảo Côn Luân, bèn sai phò mã Trương Văn Đa đem thủy binh đến vây bắt. Bỗng mưa to gió lớn nổi lên, bốn bề mây mù giăng kín. Trận bão đã nhấn chìm đội thủy binh của Trương Văn Đa.
Thuyền của chúa Nguyễn nhân đó vượt vòng vây, đến hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc. “Ở đây quân lương thiếu thốn, binh sĩ phải hái cỏ tìm củ mà ăn. Bấy giờ có người đàn bà tên là Thị Uyển chở một thuyền gạo đến dâng. Thuyền vua gặp gió, buồm và cột buồm bị hỏng, lại có thuyền buôn đem lá buồm đến dâng”.
Thị Uyển mà Đại Nam thực lục nói đến chính là bà Dương Thị Oán, người Rạch Giá. Nhà văn Sơn Nam trong quyển hồi ký của mình thì cho rằng bà Oán đã dâng cho Nguyễn Phúc Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển, thay cho loại quai chèo thắt bằng gai.
Về sau, bà Oán cất một ngôi chùa ở Rạch Giá để tu hành. Khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, có nhã ý trả ơn nhưng bà từ chối. Nhớ công lao xưa, vua đã sắc tứ ngôi chùa do bà lập.
Bài viết tham khảo
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Tam_B%E1%BA%A3o_(R%E1%BA%A1ch_Gi%C3%A1)
- https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/tham-chua-sac-tu-tam-bao-o-rach-gia-kien-giang.html
- http://www.kitra.com.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=3454:di-tich-chua-sac-tu-tam-bao-kien-giang&lang=vi
- http://www.vncgarden.com/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/kien-giang/chua-tam-bao-rach-gia
Từ khóa » Chùa ở Rạch Giá
-
7 Ngôi Chùa Cổ Kiên Giang Nổi Tiếng Tại Miền Tây
-
Vãn Cảnh Những Ngôi Chùa đẹp Và Nổi Tiếng Nhất ở Kiên Giang
-
Thăm Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá - Kiên Giang
-
Chùa Sắc Tứ Kiên Giang: Lịch Sử Trong Những Bức Tượng Cổ
-
Điểm Danh Top Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng Tại Kiên Giang
-
Chùa Phật Lớn (Rạch Giá) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chùa Tam Bảo (Rạch Giá) - Cảm Nhận Việt Nam
-
Chùa Phật Lớn Rạch Giá - Kiên Giang |Cuộc Sống Quê Miền Tây
-
Kiên Giang: Chùa Thôn Dôn (TP. Rạch Giá) Thăm Và Cúng Dường 20 ...
-
Chùa Phổ Minh - TP Rạch Giá, Tỉnh Kiên Giang
-
Top 5 Ngôi Chùa Nổi Tiếng Và Linh Thiêng Nhất Tại Kiên Giang
-
Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Chùa Phật Lớn Rạch Giá - Tàu Cao Tốc
-
Địa điểm Du Lịch Rạch Giá – Kiên Giang Thú Vị Không Thể Bỏ Qua