Thăm Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá - Kiên Giang
Có thể bạn quan tâm
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tọa lạc trên đường Sư Thiện Ân ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa là một di sản văn hóa quý báu của tỉnh không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn đang lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ quý.
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá – Kiên Giang
Chùa Tam Bảo có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo Kiên Giang. Nơi đây từng là trụ sở của hội Phật Học Kiêm Tế, hội Phật Học Nam Việt – Kiên Giang. Từ năm 1982 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trải qua các thời kỳ, với bề dày lịch sử, chùa Sắc tứ Tam Bảo đã để lại dấu ấn sâu đậm. Nơi đây, được xem là lá cờ đầu cho các hoạt động Phật sự Phật giáo ở Kiên Giang. Vì vậy, khi nhắc đến những ngôi chùa tiêu biểu nhất của Phật giáo tỉnh Kiên Giang, không ai không biết đến chùa Tam Bảo – Rạch Giá.
Quá trình hình thành ngôi chùa cổ này là một sự tích gắn liền với dòng chảy lịch sử vùng đất Kiên Giang. Chùa Tam Bảo được thành lập vào cuối thế kỷ XVIII, một Phật tử tại Rạch Giá – bà Dương Thị Oán đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa bằng cây lá đơn sơ đặt tên là Tam Bảo. Trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên khi lên ngôi ông đã ban sắc tứ để tỏ lòng biết ơn. Từ đây, chùa có tên là“ Tam Bảo tự” hay chùa Tam Bảo. Tên khác là “Sắc Tứ Tam Bảo”.
Đến năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng) được Phật tử địa phương thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo. Vào năm 1915, Hòa thượng cho đại trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1917, công trình đại trùng tu hoàn thành, với lối kiến trúc cơ bản còn được lưu lại đến nay. Thời gian gần 30 năm trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo của Ngài là quãng thời gian ngôi chùa có nhiều sự kiện lịch sử nhất vì thế cư dân địa phương còn gọi chùa Tam Bảo là chùa Ông Đồng.
Vào năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng nhà sư Thiện Chiếu thành lập hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa là cơ quan ngôn luận của Hội. Chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa. Hội đã chủ trương tổ chức các hoạt động xã hội như: mở phòng thuốc miễn phí, thành lập cô nhi viện, cứu trợ đồng bào hạn hán, lũ lụt, lớp học bình dân…
Trong giai đoạn 1939 – 1941 chùa cũng là trạm liên lạc của Xứ ủy Nam Kỳ – địa điểm họp bí mật của Đảng; nơi chế tạo lựu đạn bởi nhà sư Thiện Ân (Trần Văn Thâu); nơi cất giấu vũ khí, in truyền đơn chuẩn bị cho cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa. Tuy nhiên, do bị chỉ điểm hoạt động cách mạng của chùa bị bại lộ. HT. Trí Thiền, sư Thiện Ân và nhiều đồng chí khác bị bắt. Chùa Tam Bảo bị đóng cửa. Mãi cho đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới được mở cửa trở lại.
Mặc dù gặp nhiều biến động nhưng sức sống chùa Tam Bảo vẫn luôn duy trì một cách mãnh liệt và còn là cái nôi của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1956, khi hai vị Thượng tọa Thích Huyền Vi và Thích Thanh Từ về chùa Tam Bảo mở lớp Phật học Phổ thông, vận động quý Phật tử thành lập chi hội – Hội Phật Nam Việt tỉnh Kiên Giang, chùa được chọn làm trụ sở của Hội. Từ ngôi chùa Tam Bảo này đã kết nối với các tự viện trong tỉnh, nêu cao tinh thần học Phật, phục hưng chánh pháp, đào tạo tăng tài, chấn chỉnh giáo lý khiến cho không khí học Phật phát triển rầm rộ trở lại. Nơi đây đã từng tiếp đón nhiều dấu chân của Chư tôn thạc đức, trong đó có HT. Thích Bổn Châu. Để đáp lời kiền thỉnh của Phật tử, Giáo hội Tăng già Nam Việt cử Ngài xuống trông coi ngôi Tam Bảo tự từ năm 1962. Có thể nói, sau HT. Trí Thiền thì HT. Bổn Châu là người có nhiều đóng góp tích cực và tiếp tục giữ gìn nêu cao vị thế chùa Tam Bảo trong lòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang.
Chùa Tam Bảo được trùng tu tôn tạo nhiều lần với nhiều thế hệ nhà sư trụ trì. Đây là ngôi chùa có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc khá đẹp với một không gian yên tĩnh, trang nghiêm. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2000, chùa được xây dựng lại sạch đẹp, khang trang.
Từ ngoài lộ du khách bước vào cổng chùa được xây theo lối kiến trúc mái Tam Quan, lợp ngói ống, các họa tiết trang trí như chữ “Vạn”, bông sen tượng trưng cho Phật pháp.
Cổng chùa
Trong sân có cây bồ đề cổ thụ bốn mùa xanh tươi. Dưới cội bồ đề, người nghệ nhân đã khéo léo tạo tác hình tượng đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định, trên đầu là 7 con rồng che chở cho ngài. Trong sân chùa có ngọn Tam Bảo Tháp được xây ba tầng. Tầng trên cùng là để thờ Phật. Tầng giữa thờ kinh và tầng dưới thờ tro cốt của các Hoà thượng đã trụ trì chùa Tam Bảo như Hòa thượng Thích Trí Thiện, hòa thượng Thích Bảo Châu vv…
Tượng đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định và ngọn Tam Bảo Tháp
Từ sân chùa, du khách vào Tây Lang là dãy nhà phía trước, bên phải Chánh điện. Nhà Tây Lang gồm 3 gian, mái lợp ngói, nền lót gạch Tàu dùng để làm Phòng thuốc nam miễn phí gọi là “Tuệ Tĩnh Đường”.
Từ Tây Lang có cửa thông ra một hồ sen trồng toàn sen trắng. Một cây cầu nhỏ, cong cong được bắc ngang hồ sen tạo lối dẫn lên bậc tam cấp đặt bức tượng Quan Thế Nam Hải cao khoảng 2 mét, đang đứng trên một toà sen. Hai bên cầu trang trí hình bánh xe tròn tượng trưng cho vòng luân hồi của tạo hóa. Xung quanh hồ sen là đủ các loại cây kiểng, nào là Hải Đường, nào là Thược Dược, Thiết Mộc Lan… Hương thơm từ hoa cỏ quyện lẫn trong mùi hương trầm ngan ngát khiến du khách và Phật Tử cảm thấy sảng khoái, quên hết mọi ưu phiền.
Tượng Quan Thế Nam Hải đang đứng trên một toà sen
Đối diện với Tây Lang là Đông Lang. Đây là dãy nhà được dùng làm Trụ sở Văn phòng thường trực của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Trong dãy nhà Đông Lang còn dành ra một gian làm phòng truyền thống trưng bày nhiều hình ảnh truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Trong đó có những hình ảnh nổi bật như các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm chùa qua các thời kỳ. Anh chân dung các vị Hòa thượng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng chùa Tam Bảo như các vị: Thích Trí Thiện, Thích Thiện An, Thích Thiện Chiếu, Pháp Linh…
Tòa Chánh Điện là dãy nhà tường xây, nền tôn cao 70 cm thiết kế theo kiểu thượng lầu hạ hiên. Điện thờ bày trí tôn nghiêm với tượng đức Phật A Di Đà bằng đá xanh cao 1,03m ở vị trí cao nhất, kế dưới là các tượng Phật Thích Ca, Đản Sanh cùng nhiều tượng gỗ quý như tượng Di Lặc, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Chuẩn Đề, Địa Tạng. Bao lam quanh các bàn thờ được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng các hình rồng phượng, hoa lá, chim muông, đầy tính nghệ thuật tạo ấn tượng linh thiêng cho người xem. Những mặt tường bên trong chánh điện có vẽ các bức tranh theo điển tích của đức Phật.
Chánh Điện
Nhà Hậu Tổ là dãy nhà ba gian lợp ngói ống dùng làm nơi thờ vị tổ phái thiền dòng Lâm Tế và các vị Hòa thượng trụ trì chùa Tam Bảo qua các thời kỳ. Điểm độc đáo nhất của nhà Hậu Tổ là hai cánh cửa bằng gỗ lim dày khoảng 10 cm được biến thành một tác phẩm điêu khắc tinh xảo tuyệt đẹp với hình tượng thần Kim Cang gác cửa.
Năm 1988 chùa Sắc tứ Tam Bảo được công nhận là Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Quốc gia
Chùa Tam Bảo từ khi thành lập đến nay đã trải qua bao biến đổi thăng trầm theo thời gian nhưng vẫn giữ được vị trí quan trọng của mình trong tiến trình phát triển Phật giáo tỉnh Kiên Giang và đồng hành với dân tộc, trong phong trào đấu tranh giải phóng đất nước, giữ gìn trật tự xã hội, hộ quốc an dân. Chính vì vậy, năm 1988 chùa Sắc tứ Tam Bảo – Rạch Giá được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Quốc gia trở thành địa điểm du lịch Kiên Giang thu hút nhiều khách tham quan chiêm bái mỗi năm.
Từ khóa » Chùa ở Rạch Giá
-
7 Ngôi Chùa Cổ Kiên Giang Nổi Tiếng Tại Miền Tây
-
Vãn Cảnh Những Ngôi Chùa đẹp Và Nổi Tiếng Nhất ở Kiên Giang
-
Chùa Sắc Tứ Kiên Giang: Lịch Sử Trong Những Bức Tượng Cổ
-
Điểm Danh Top Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng Tại Kiên Giang
-
Chùa Phật Lớn (Rạch Giá) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chùa Tam Bảo (Rạch Giá) - Cảm Nhận Việt Nam
-
Chùa Phật Lớn Rạch Giá - Kiên Giang |Cuộc Sống Quê Miền Tây
-
Kiên Giang: Chùa Thôn Dôn (TP. Rạch Giá) Thăm Và Cúng Dường 20 ...
-
Chùa Phổ Minh - TP Rạch Giá, Tỉnh Kiên Giang
-
Top 5 Ngôi Chùa Nổi Tiếng Và Linh Thiêng Nhất Tại Kiên Giang
-
Chùa Tam Bảo (Tam Bảo Tự – Rạch Giá, Kiên Giang) - Chốn Thiêng
-
Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Chùa Phật Lớn Rạch Giá - Tàu Cao Tốc
-
Địa điểm Du Lịch Rạch Giá – Kiên Giang Thú Vị Không Thể Bỏ Qua