Chức Năng Của Các Protein Huyết Tương - MainFrame

HUYẾT TƯƠNG

► Thành phần của huyết tương

► Chức năng của các protein huyết tương

Dùng kỹ thuật điện di người ta có thể tách các protein huyết tương thành albumin, globulin ( a1, a2, b1, b2g) và fibrinogen. Do kích thước lớn, các protein được xếp vào loại chất keo.

Các protein huyết tương có nhiều chức năng quan trọng.

Protein huyết tương là nguồn dự trữ acid amin cung cấp cho các tế bào. Khi cơ thể cần, các đại thực bào trong gan, ruột, lách, phổi và các mô bạch huyết có thể thực bào các protein huyết tương, phân giải chúng thành các acid amin rồi giải phóng vào máu để các tế bào khác có thể sử dụng chúng để tổng hợp các protein mới.

Protein huyết tương đóng vai trò như những chất mang, nhiều phân tử nhỏ phải gắn với các protein mang để được vận chuyển từ cơ quan hấp thu (ruột) hoặc cơ quan dự trữ (gan) đến các mô khác. Ví dụ: Sắt gắn với protein  mang transferrin để được vận chuyển trong máu. Các ion, sắc tố, hormon, thuốc cũng được vận chuyển dưới dạng gắn với các protein mang.

Protein huyết tương tác dụng như những chất đệm, góp phần duy trì sự hằng định của pH máu trong khoảng từ 7,35 đến 7,45. Protein có khả năng gắn với ion hydro hoặc ion hydroxyl (OH-) tuỳ theo pH máu. Nhìn chung, protein huyết tương tác dụng như một base yếu và gắn với những ion hydro thừa do đó giữ cho máu hơi kiềm.

Một số protein huyết tương là những tiền chất không hoạt động của các yếu tố đông máu. Khi được hoạt hoá chúng sẽ tương tác với nhau và cùng với các yếu tố đông máu của mô và của tiểu cầu làm cho máu đông lại. Khi mạch máu bị tổn thương, đông máu là một trong những cơ chế bảo vệ giúp cơ thể chống lại sự mất  máu và chống sự xâm nhập của vi khuẩn và virus.

Các protein huyết tương tạo ra áp suất thẩm thấu do keo, có vai trò quyết định sự phân bố nước giữa máu và dịch kẽ.

Bình thường, áp suất thẩm thấu toàn phần của huyết tương là 7,3 atm hoặc bằng    5550 mmHg. Khoảng 99,5% áp suất thẩm thấu toàn phần là do các phân tử nhỏ như các chất điện giải, urê, glucose… Các phân tử này dễ dàng đi qua thành mao mạch cùng với nước. Như vậy, áp suất thẩm thấu do các chất hoà tan ở huyết tương và dịch kẽ là như nhau. Áp suất thẩm thấu do keo (cũng gọi là áp suất keo) chỉ chiếm 0,5% tức là bằng 28 mmHg, nhưng do các protein không qua được thành mao mạch, chúng ở lại trong huyết tương và duy trì một bậc thang nồng độ protein từ máu ra dịch kẽ để tác động lên sự vận chuyển của nước và các chất hoà tan giữa huyết tương và dịch kẽ.

Các dung dịch có cùng áp suất thẩm thấu với huyết tương được gọi là dịch đẳng trương. Dung dịch có áp suất thẩm thấu cao hơn áp suất của huyết tương là dung dịch ưu trương. Dung dịch có áp suất thẩm thấu thấp hơn của huyết tương là dung dịch nhược trương. Cả ba loại dịch huyết tương, dịch kẽ và dịch nội bào đều cân bằng thẩm thấu. Sự hằng định nội môi của ba dịch phụ thuộc vào sự điều hoà áp suất thẩm thấu của huyết tương. Bất cứ sự thay đổi nào khỏi giá trị bình thường của áp suất thẩm thấu dịch ngoại bào đều làm thể tích tế bào thay đổi (tế bào trương to hoặc teo lại) làm cho tế bào không hoạt động được hoặc bị chết.

Ngoài những chức năng chung, một số protein huyết tương còn có những tính chất và chức năng đặc biệt.

● Albumin

Albumin chiếm tỷ lệ 60% protein toàn phần. Albumin là một trong những phân tử nhỏ nhất trong huyết tương (trọng lượng phân tử 69.000). Do có số lượng rất lớn và kích thước nhỏ, albumin tạo ra khoảng 80% áp suất keo của huyết tương. Trong một số bệnh như suy dinh dưỡng nặng, bệnh gan, bệnh thận, nồng độ albumin huyết tương giảm, áp suất keo giảm làm cho dịch từ máu đi vào khoảng kẽ và gây phù.

Ngoài ra albumin cũng đóng vai trò protein mang của huyết tương. Các chất thường gắn với albumin là thuốc (barbiturat, penicillin); sắc tố (bilirubin, urobilin); hormon (thyroxin) và những chất khác. 

● Globulin

Globulin chiếm 40% protein toàn phần, trong đó:

a1 - globulin  : 4% a2 - globulin  : 8% b1 - globulin  : 7% b2- globulin   : 4% g - globulin    : 17%

- a1-globulin tạo thành glycoprotein và một ít lipoprotein. Lipoprotein tỷ trọng cao (HDLC) có chức năng vận chuyển mỡ đến các tế bào để tế bào sử dụng trong chuyển hoá năng lượng, tạo màng tế bào và tạo các hormon. HDLC có tác dụng ngăn cản sự lắng đọng cholesterol trong thành động mạch. Một số protein của nhóm a1-globulin cũng làm chức năng vận chuyển.

- a2-globulin bao gồm haptoglobin (gắn với hemoglobin tự do trong huyết tương khi có hiện tượng vỡ hồng cầu), protrombin, erythropoietin và angiotensinogen.

- b-globulin (b1 và  b2)  là những protein vận chuyển lipid. b1-lipoprotein còn gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDLC) vận chuyển cholesterol và acid béo đến mô. Ngoài ra, LDLC cũng kích thích sự lắng đọng cholesterol trong thành động mạch do đó có vai trò trong các bệnh tim mạch.

- g globulin chứa các globulin miễn dịch (kháng thể) IgA, IgG, IgM, IgD, IgE. Trên 99% globulin miễn dịch trong huyết tương thuộc các loại G, A, M. Các globulin miễn dịch góp phần bảo vệ cơ thể theo cơ chế miễn dịch dịch thể.

● Tỷ lệ albumin/globulin (A/G)

Nồng độ protein huyết tương toàn phần thường hằng định, trong đó nồng độ albumin nhiều gấp hai lần nồng độ globulin. Một người trưởng thành mỗi ngày tiêu thụ và thay thế khoảng 15 gam albumin và 5 gam globulin nhưng con số này thay đổi tuỳ theo nhu cầu cơ thể. Ví dụ ở một người bị viêm nhiễm, sự sản xuất các globulin miễn dịch tăng lên kèm theo sự giảm sản xuất một lượng tương đương albumin. Do đó tỷ lệ A/G giảm nhưng nồng độ protein huyết tương toàn phần (A+G) không đổi.

● Fibrinogen

Fibrinogen là yếu tố đông máu do gan sản xuất. Bình thường, fibrinogen là một protein hoà tan trong huyết tương. Khi fibrinogen được chuyển thành các sợi fibrin không hoà tan, các sợi fibrin sẽ trùng hợp thành một mạng lưới giam giữ các thành phần của máu và máu đông lại.

Từ khóa » Các Loại Protein Huyết Tương