Chứng Hôi Miệng: Một Số điền Cần Biết

10:14 AM 10/07/2019 Chứng hôi miệng là một thuật ngữ đặc biệt được dùng để mô tả tình trạng hơi thở hôi có nguồn gốc từ trong khoang miệng. Hôi miệng thường xuyên gây ra sự bối rối, có thể ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội giữa cá nhân với nhau. Mùi hôi miệng có thể xếp hạng chỉ sau bệnh sâu răng và nha chu theo lý do mà bệnh nhân phải đi đến bác sĩ khám, cảm nhận về hôi miệng khác nhau trong những cư dân khác nhau về văn hoá.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân chủ yếu của chứng hôi miệng là sự giải phóng các hợp chất sulphur dễ bay hơi

1. Vi khuẩn

Hợp chất sulphur dễ bay hơi được cho là được tạo ra bởi các vi khuẩn kỵ khí phân giải protein Gram âm. Những vi khuẩn này định vị tại những vùng ứ đọng của miệng, như là các túi nha chu, bề mặt lưỡi, vùng kẽ giữa các răng và trong sang thương sâu răng.

2. Nguyên nhân tạm thời

Khi ăn những thức ăn hay nước uống có chứa chất gây khô miệng, như chất lỏng có chứa alcohol (rượu vang hay một số nước súc miệng) và thuốc lá, hay cung cấp hàm lượng protein hay đường cao. Các thực phẩm từ sữa được khi phân huỷ trong miệng sẽ giải phóng các amino axit chứa rất nhiều sulphur. Hành và tỏi có chứa hàm lượng sulphur cao, có thể đi xuyên qua lớp lót đường ruột vào máu, và sau đó giải phóng vào trong phổi rồi bốc ra ngoài. Việc hút thuốc lá không chỉ tăng hàm lượng chất dễ bay hơi trong miệng và phổi mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng này bởi vì ảnh hưởng làm khô niêm mạc miệng của nó. Hơi thở vào buổi sáng có liên quan đến việc giảm sản xuất và tiết nước bọt dẫn tới làm khô miệng tạm thời và hôi miệng.

3. Nguyên nhân có nguồn gốc trong miệng

Bệnh nha chu và nướu (lợi) liên quan đến mảng bám, như viêm nướu, viêm nha chu, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính, viêm quanh thân răng, viêm quanh implant, áp xe.

Vết loét do ác tính, nguyên nhân tại chỗ, aphthous(ap-tơ) hay tác dụng của thuốc.

Giảm tiết nước bọt tuổi tác, do dùng thuốc, xạ trị, hoá trị liệu, hội chứng Sjogren.

Lớp cặn lưỡi do vệ sinh răng miệng kém, nhiễm nấm candida.

Sự lắng đọng các mảnh vụn trên các dụng cụ nha khoa (răng giả, khí cụ…)

Bệnh về xương như viêm tuỷ xương, hoại tử xương, viêm ổ răng khô và bệnh ác tính

4. Những nguyên nhân khác (không thuộc miệng) của hôi miệng

Chứng thở hôi thường xuyên ít liên hệ tới các nguyên nhân bên ngoài miệng.

Do thuốc

Một số thuốc có thể liên quan đến việc gây hôi miệng như amphetamine, chloral hydrate, thuốc gây độc tế bào, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate và nitrite, phenothiazine

Bệnh toàn thân:

Nhiễm trùng đường mũi họng: rối loạn hô hấp (của mũi, xoang, a - mi - đan và vùng hầu ), có thể dẫn đến với sự có mặt của khí có mùi trong không khí thở ra khỏi khoang miệng và mũi.

Bệnh về dạ dày - ruột: chứng hôi miệng là triệu chứng thường xuyên của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và có thể được coi là sự biểu hiện của trào ngược dịch dạ dày của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Thoát vị hoành cũng gây chứng trào ngược dạ dày- thực quản. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên viêm loét dạ dày cũng có thể là nguyên nhân của chứng thở hôi.

Tình trạng ketosisdo đái tháo đường, các bệnh của gan, thận…Đái tháo đường cũng có thể đưa tới nguy cơ cơ thể có mùi ketone trong hơi thở do sự phân huỷ mỡ.

Hội chứng mùi cá ươn(trimethylaminuria): là hội chứng di truyền hiếm gặp, hiện tại trên thế giới có khoảng 600 người mắc bệnh. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa, cơ thể không chuyển hóa trimethylamine có trong thực phẩm có mùi tanh khi ăn vào, làm cho hóa chất tích tụ bên trong cơ thể, nhất là gan trước khi nó được bài tiết ra ngoài dù bệnh nhân đã dùng mọi biện pháp như tắm rửa thường xuyên, vệ sinh nhiều lần trong ngày.

ĐIỀU TRỊ HÔI MIỆNG

Các phương pháp có sẵn để làm giảm mùi hôi miệng có thể được chia thành

Sử dụng các sản phẩm để che dấu (nguỵ trang)

Việc sử dụng chỉ các sản phẩm che dấu không phải là cách quản lý hôi miệng hiệu quả. Tuy nhiên, một số các sản phẩm thương mại có thể mua được như là bạc hà, kem đánh răng, nước súc miệng, bình xịt hay kẹo cao su để cố gắng kiểm soát hôi miệng với các mùi và hương thơm dễ chịu. Có thể đạt được hiệu quả che chắn trong thời gian ngắn với kẹo mềm chứa menthol.

- Giảm cơ học các vi khuẩn và các chất nền của chúng

Bằng cách ăn điểm tâm đặc, cải thiện sự giảm tiết nước bọt, dùng kẹo cao su, chải răng, chỉ nha khoa, sử dụng tăm xỉa răng, làm sạch lưỡi và chăm sóc sức khoẻ răng miệng chuyên nghiệp. Đường đi của thức ăn đặc qua bề mặt lưỡi có thể loại bỏ lớp màng phủ lưỡi. Việc giảm tiết nước bọt quá mức làm gia tăng việc tạo ra các hợp chất sulphur dễ bay hơi. Sự kích thích của nước bọt khi ăn điểm tâm, nhai kẹo hay ăn thức ăn có tính axit và các chất thay thế nước bọt làm giảm ảnh hưởng của việc giảm tiết nước bọt.

Hình 6: Làm sạch lưỡi bằng cây nạo lưỡi

Hình 7: Lấy thức ăn bằng chỉ tơ nha khoa

- Giảm tính hoá học của các vi sinh vật

Các kem đánh răng và nước súc miệng với đặc tính kháng khuẩn có thể làm giảm sự hôi miệng do làm giảm số lượng các vi sinh vật về mặt hoá học.Nước súc miệng nên được sử dụng hai hoặc ba lần mỗi ngày trong ít nhất 30 giây.Trong trường hợphôi miệng dai dẳng, có thể sử dụng một phác đồ 1 tuần metronidazole (200 mg x 3 lần mỗi ngày) với cố gắng loại bỏ những nhiễm khuẩn kỵ khí không xác định.

- Trung hoà hoá học các hợp chất gây mùi, bao gồm những hợp chất có chứa sulphur dễ bay hơi

Kem đánh răng, nước súc miệng, các loại kẹo ngậm và các sản phẩm khác làm giảm hôi miệng bằng cách trung hoà hoá học các hợp chất gây mùi, gồm có những hợp chất có chứa sulphur dễ bay hơi. Những thành phần có hoạt tính thường được sử dụng trong những sản phẩm này là các ion kim loại, và các chất oxy hoá.

- Probiotic là những vi khuẩn hoặc nấm men khi được đưa vào cơ thể sẽ có nhiều tác động tích cực không chỉ với hệ tiêu hóa. Tác dụng của probiotic trong hệ tiêu hóa ngăn chặn khả năng bám dính của tác nhân gây bệnh và giảm lượng chất độc của chúng trên biểu mô ruột.mục tiêu của probiotics là để ngăn chặn sự thành lập các vi khuẩn không mong muốn và vì vậy giới hạn sự xuất hiện trở lại mùi hôi miệng trong một thời gian dài.

- Chuyển bệnh nhân khám chuyên khoa tai mũi họng hay nội khoa để có điều trị thích hợp trên bệnh nhân chẩn đoán là hôi miệng nguồn gốc không thuộc khoang miệng.

KẾT LUẬN

Hôi miệng là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cá nhân ở tất cả các lứa tuổi. Các yếu tố bệnh nguyên chính bao gồm các vi khuẩn trong khoang miệng liên quan đặc biệt đến các bệnh nha chu và bề mặt của lưỡi. Ngoài ra còn các vấn đề về tai-mũi-họng, hệ tiêu hoá, tâm lý…

Vì phần lớn các chứng hôi miệng có liên quan đến miệng (90%), nên nhân viên nha khoa là người điều trị đầu tiên khi thực hiện điều trị răng/nha chu và hướng dẫn vệ sinh răng miệng cá nhân. Kháng sinh có khả năng làm giảm hôi miệng và chất che dấu mùi cũng nên được sử dụng tạm thời.

Mùi hôi không nên coi như là điều trị chỉ mang tính chất thẩm mỹ, bởi vì nhiều hợp chất chứa sulphur (trong mùi hôi bay hơi) gây độc cho mô nha chu, thậm chí khi hiện diện với nồng độ vô cùng thấp. Mô nha chu không được bảo vệ bởi lớp sừng hoá (keratinized) như niêm mạc lưỡi và xương ổ và đặc biệt có thể dễ bị tổn thương. Những thủ thuật thông thường như nạo túi lợi, lấy sạch cao răng và các thói quen vệ sinh răng miệng , kết hợp với nạo lưỡi có hiệu quả làm giảm những hợp chất này trong vùng miệng và thật sự là một điều trị mang tính chất thẩm mỹ. Cũng nên xem xét bệnh lý toàn thân vì đó có thể là một nguồn gốc căn nguyên của hôi miệng và có chỉ định điều trị thích hợp.

TS. Phạm Thị Thu Hằng - Bác sỹ khoa Răng miệng - Bệnh viện TWQĐ 108

Từ khóa » đi Khám Bệnh Hôi Miệng ở đâu