Hôi Miệng Trầm Trọng - Tuổi Trẻ Online

Lúc trước em từng bị viêm nướu, đã phẫu thuật rồi. Mùi hôi của em rất nặng. Em nhai kẹo hay nước súc miệng cũng vẫn không hết hôi. Kể cả em đeo khẩu trang thì người khác vẫn nghe hôi.Thưa BS, em bị gì vậy và em phải đi khám ở đâu để chữa tận gốc mùi hôi này?

cobematbuon_

- Trả lời của BS Nguyễn Duy Thạch - Phòng mạch online:

Chào bạn,

Triệu chứng hôi miệng có rất nhiều nguyên nhân, thông thường nhất là tại răng-nướu-lưỡi tại chỗ, rồi đến nguyên nhân tai mũi họng, một số bệnh lý đường tiêu hóa và đường hô hấp cũng biểu hiện bằng hôi miệng (hơi thở hôi).

Cơ chế chung là sự phát triển của các vi khuẩn sinh ra mùi, tất cả những ổ vi khuẩn nằm trong vùng hầu họng - mũi - xoang hoặc lân cận thông thường đều có thể gây ra hôi miệng. Một số điều kiện thuận lợi làm hôi miệng càng tăng như uống nước ít, khô miệng, hút thuốc lá, ăn thức ăn nặng mùi như tỏi, kim chi...

- Nguyên nhân từ răng miệng như sâu răng, viêm nướu răng, ápxe chân răng, viêm mô-tế bào vùng hàm mặt, bệnh lý nha chu, vôi răng, đánh răng không kỹ còn mảng thức ăn bám ở các kẽ răng, ở các hốc, các lỗ sâu răng, các miếng trám răng...

- Nguyên nhân tai mũi họng như viêm họng, viêm amiđan cấp, mạn, rất nhiều trường hợp viêm amiđan kéo dài, thỉnh thoảng từ amiđan bong ra làm bệnh nhân khạc một cục mủ nhỏ như hạt đậu, cứng và rất hôi; viêm mũi, viêm xoang cấp, viêm xoang mạn cũng có thể gây hôi miệng, nhất là khi bệnh kéo dài làm ứ dịch-mủ trong các xoang...Một số trường hợp áptơ, loét miệng bội nhiễm đôi khi cũng gây hôi miệng

- Nguyên nhân đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày - thực quản, loét thực quản, viêm dạ dày cấp - mạn, hẹp tâm vị...

- Nguyên nhân đường hô hấp như dị vật phế quản, viêm phổi, ápxe phổi...

Biện pháp phòng tránh là uống nhiều nước, đánh răng thật kỹ và đúng cách sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và sáng sớm mới thức dậy, có thể dùng chỉ nha khoa để lấy hết những mảng thức ăn giữa các kẻ răng, nạo lưỡi sạch mỗi lần đánh răng, bỏ hút thuốc lá. Điều trị khỏi hẳn bệnh lý viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan.. có thể trị dứt điểm bằng phẫu thuật ngoại khoa như cắt amiđan, nạo xoang..., điều trị triệt để những bệnh lý răng miệng, bệnh lý dạ dày, thực quản, bệnh đường hô hấp...

Nhai kẹo cao su, súc họng với nước muối thường xuyên cũng là phương pháp phòng ngừa có hiệu quả, một số nước súc miệng bán trên thị trường cũng có tác dụng nhất định.

Hôi miệng là một triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh lẫn người nói chuyện với họ, làm người ta mất tự tin. Bạn không nên bi quan, vấn đề của bạn là tìm chính xác nguyên nhân, bạn cần khám bệnh theo từng chuyên khoa để tìm và điều trị dứt điểm nguyên nhân.

Trước tiên bạn cần khám răng miệng và tai mũi họng là hai nguyên nhân thường gặp nhất, nếu không có vấn đề thì bạn kiểm tra đường tiêu hoa và đường hô hấp. Bạn có thể khám ở các BV đa khoa hoặc chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng hoặc một số BV tư nhân.

Chúc bạn hết hôi miệng và lấy lại sự tự tin

Từ khóa » đi Khám Bệnh Hôi Miệng ở đâu