Chứng Khoán Phái Sinh Là Gì? Kiến Thức Cần Biết - Gia Cát Lợi

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Toggle
  • Chứng khoán phái sinh là gì?
  • Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam?
    • Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:
  • Giao dịch hợp đồng tương lai có gì khác biệt so với giao dịch cổ phiếu?
  • LỢI ÍCH CỦA HỢP ĐỒNG TƯƠNG LAI
    • GIAO DỊCH DỄ DÀNG, THUẬN TIỆN
    • LỢI ÍCH NHỜ TỈ LỆ ĐÒN BẨY CAO
    • CÓ THỂ MUA/BÁN LIÊN TỤC TRONG NGÀY
    • CƠ HỘI TÌM KIẾM LỢI NHUẬN KHI THỊ TRƯỜNG GIẢM ĐIỂM
  • Các khái niệm của hợp đồng tương lai

Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.

Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v,v.. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, v.v.

Chứng khoán phái sinh là gì? Kiến thức cần biết
Đầu tư chứng khoán phái sinh

Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam?

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

– Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

– Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

– Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

– Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

Xem thêm kiến thức video tổng hợp về đầu tư phái sinh hàng hóa

Chứng khoán phái sinh

Giao dịch hợp đồng tương lai có gì khác biệt so với giao dịch cổ phiếu?

Việc giao dịch Hợp đồng đồng tương lai diễn ra tương tự so với giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận.

Các Hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào Hợp đồng tương lai. Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.

Đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu phải có đủ số cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán.

LỢI ÍCH CỦA HỢP ĐỒNG TƯƠNG LAI

GIAO DỊCH DỄ DÀNG, THUẬN TIỆN

Giao dịch hợp đồng tương lai diễn ra tương tự như giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu dự đoán thị trường tăng điểm sẽ đặt lệnh mua để mở vị thế mua hợp đồng tương lai, khi thị trường tăng đúng như kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận. Ngược lại, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán hợp đồng tương lai để kiếm lời trong thị trường giảm điểm.

LỢI ÍCH NHỜ TỈ LỆ ĐÒN BẨY CAO

Với đặc thù chỉ cần ký quỹ một phần giá trị hợp đồng, hợp đồng tương lai sẽ mang lại cho nhà đầu tư mức đòn bẩy rất cao, khiến cho số lãi nhận được có thể lớn hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, đòn bẩy cao cũng có thể mang lại thiệt hại lớn nếu thị trường đi ngược lại với dự đoán của nhà đầu tư, do vậy nhà đầu tư cần theo dõi thị trường chặt chẽ khi đã nắm giữ hợp đồng tương lai.

CÓ THỂ MUA/BÁN LIÊN TỤC TRONG NGÀY

Nếu như trong giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu phải chờ 2 ngày để cổ phiếu về tài khoản mới có thể thực hiện bán, thì ở giao dịch hợp đồng tương lai, lợi ích từ việc nhà đầu tư có thể ngay lập tức đóng vị thế vừa mở (bất kể là vị thế mua hay vị thế bán). Như vậy, nhà đầu tư có thể liên tục mở và đóng vị thế trong phiên để tìm kiếm lợi nhuận trên mọi biến động của thị trường.

CƠ HỘI TÌM KIẾM LỢI NHUẬN KHI THỊ TRƯỜNG GIẢM ĐIỂM

Hiện tại trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư đang không có công cụ để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng. Khi chỉ số giảm đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận từ giao dịch bán hợp đồng tương lai của mình.

Các khái niệm của hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai: Là thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về một giao dịch diễn ra trong tương lai với mức giá được xác định trước.

Tài sản cơ sở: Là đối tượng được thỏa thuận trong hợp đồng phái sinh.

Ký quỹ: Khoản đặt cọc để tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh, đóng vai trò đảm bảo khả năng thanh toán của hai bên hợp đồng.

Vị thế: Trạng thái giao dịch và khối lượng của hợp đồng phái sinh mà nhà đầu tư hiện đang nắm giữ.

Đóng vị thế: Mở một vị thế đối ứng với một vị thế đang nắm giữ có cùng tài s ản cơ sở và ngày đáo hạn.

Giá thanh toán cuối ngày: Mức giá của hợp đồng phái sinh được dùng để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày của từng hợp đồng.

Giá thanh toán cuối cùng: Mức giá của tài sản cơ sở được xác định vào ngày giao dịch cuối cùng của chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở đó, dùng để tính t oán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng.

Hệ số nhân hợp đồng: Hệ số quy đổi giá trị của Hợp đồng tương lai chỉ số thành tiền.

Khối lượng mở: Số lượng hợp đồng của một loại Chứng khoán phái sinh đang còn tồn tại ở một thời điểm.

Xem thêm: Hàng hóa phái sinh kênh đầu tư thông minh

GIA CÁT LỢI Thành viên TOP đầu thuộc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam Địa chỉ: 163 Nguyễn Thị Nhung, KDC Vạn Phúc 1, Quốc Lộ 13, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh Facebook: https://www.facebook.com/GiaCatLoiofficial/ Hotline: 024 7109 9247

Từ khóa » đáo Hạn Ps Là Gì