[Hỏi - đáp] Ngày đáo Hạn Hợp đồng Tương Lai

[Hỏi - đáp] Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai

- 04/03/2019 4:53:00 CH

Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai là thời điểm rất quan trọng trong chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, hiện nay không ít nhà đầu tư khi tham gia hợp đồng vẫn chưa hiểu rõ hết về ngày này. BSC đã tổng hợp một số câu hỏi thường gặp xoay quanh về thời điểm hợp đồng tương lai đáo hạn và đưa ra lời giải đáp để nhà đầu tư cùng tham khảo.

Câu 1: Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai là gì?

Trả lời: Trái ngược với thị trường cổ phiếu cơ sở, mỗi hợp đồng tương lai (HĐTL) trong chứng khoán phái sinh đều có ngày đáo hạn cụ thể. Vào ngày đó, hợp đồng sẽ ngừng giao dịch và chuyển đổi thành thanh toán bằng tiền mặt.

Lúc này, khách hàng có thể mua thêm hoặc bán đi các hợp đồng này cho đến ngày giao dịch cuối cùng (tương đương với ngày đáo hạn hợp đồng). Đến ngày đáo hạn, toàn bộ các vị thế đang mở cửa hợp đồng đáo hạn sẽ được xem là đóng vào cuối ngày. Toàn bộ lãi/ lỗ sẽ được thanh toán vào tài khoản nhà đầu tư vào hôm sau.

Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được quy định là thứ Năm lần thứ 3 của tháng đáo hạn hợp đồng. Vào bất kỳ thời điểm nào thì cũng luôn có 4 hợp đồng tương lai được giao dịch. Trong đó, các tháng đáo hạn lần lượt là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.

Ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai

Câu 2: Đến ngày hợp đồng tương lai đáo hạn, tôi không đóng vị thế thì có chuyện gì xảy ra?

Trả lời: Nếu vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai, nhà đầu tư vẫn nắm giữ vị thế đến hết phiên đóng cửa, hợp đồng sẽ tự được tất toán lãi/ lỗ và thực hiện bù trừ thanh toán. Sau ngày giao dịch cuối cùng ấy, hợp đồng đáo hạn sẽ không còn được giao dịch.

Ví dụ: Khách hàng A đang có vị thế mua hợp đồng VN30F1903 có ngày đáo hạn là 21/03/2019.

  • Khách hàng A có thể chọn tiếp tục giữ vị thế mua hợp đồng tương lai chỉ số bằng cách bán 1 hợp đồng VN30F1903 để đóng vị thế tháng 3 đang được nắm giữ. Sau đó, nhà đầu tư A tiếp tục mua lại 1 hợp đồng VN30F1904 (mở 1 vị thế mua vào tháng 4).
  • Khách hàng A không thực hiện giao dịch đóng vị thế thì đến hết ngày 21/03/2019, vị thế mua hợp đồng chỉ số VN30 của tháng 3/2019 sẽ được coi là đóng vào cuối ngày. Và lúc này, khách hàng A sẽ không còn nắm giữ vị thế hợp đồng tương lai nào kể từ ngày 22/03/2019.

Câu 3: Nếu ngày đáo hạn hợp đồng tương lai, tôi không đóng vị thế thì giá thanh toán như thế nào?

Trả lời: Nếu đến ngày hợp đồng tương lai đáo hạn, nhà đầu tư không đóng vị thế thì hợp đồng sẽ tự động thanh toán theo giá đóng cửa của chỉ số VN30 cơ sở.

Ví dụ, quý khách đang có hợp đồng tương lai VN30F1902, ngày đáo hạn là 21/02/2019. Vào ngày quý khách đặt lệnh mua hợp đồng VN30F1902 với giá là 928.

  • Giá hợp đồng VN30F1902 vào cuối phiên đóng cửa: 925.0
  • Chỉ số VN30 cuối phiên ATC ngày 21/02/2019: 926.09

Lúc này, nếu quý khách đặt bán giá ATC thì hợp đồng sẽ được thanh toán lãi/ lỗ theo giá đóng cửa là 925.0

Còn nếu quý khách không đóng vị thế, hợp đồng sẽ thanh toán lãi/ lỗ theo chỉ số VN30 là 926.09

Trên đây là 3 câu hỏi thường gặp về ngày đáo hạn hợp đồng tương lai đến từ các nhà đầu tư. Hy vọng lời giải đáp của BSC có thể giúp các bạn hiểu rõ thêm về thời điểm quan trọng này và có những lựa chọn đúng đắn khi kết thúc phiên giao dịch ngày đáo hạn. Chúc nhà đầu tư thành công!

Các tin liên quan

Từ khóa » đáo Hạn Ps Là Gì