Chứng Nhân Phương Tây Duy Nhất Trong Dinh Độc Lập Ngày 30-4 ...

Chứng nhân phương Tây duy nhất trong Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 - Ảnh 1.

Nhà báo Boerries hỗ trợ ghi âm lời ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng - Ảnh: KỲ NHÂN

Vào tháng 12-2000, ông Bill Clinton thực hiện chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ viếng thăm lịch sử tới Việt Nam, chuyến đầu tiên của tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến Việt Nam vẫn đang là đề tài nhạy cảm tại Mỹ lúc đó; đặc biệt khi còn là sinh viên, Clinton đã phản đối cuộc chiến này.

Chứng nhân phương Tây ở dinh Độc Lập

Lúc đó tôi là chuyên viên cao cấp tại Hãng truyền thông ZDF (Đức) trụ sở Bắc Mỹ tại thủ đô Washington.

Tôi đã ngạc nhiên khi biết nhóm chúng tôi gồm bốn người trong trụ sở được đi cùng với truyền thông của Nhà Trắng đến Việt Nam, nơi rất có ý nghĩa với người chồng quá cố của tôi, Boerries Gallasch - phóng viên tờ báo Đức Der Spiegel (Tấm Gương) đã có mặt bên trong dinh Độc Lập sáng 30-4-1975.

Từ cuối năm 1972, Boerries làm phóng viên quốc tế cho báo Tấm Gương và đầu năm 1975, anh được gửi đến Việt Nam. Cuộc chiến sắp chấm dứt. Đó là thời khắc quyết định và nguy hiểm. Người Mỹ đã rời đi và quân cách mạng đang đến gần.

Là phóng viên của báo Tấm Gương vùng Đông Nam Á, Terziano Terzani là người tường thuật tình hình Việt Nam.

Tuy nhiên, khi anh ấy bị buộc rời khỏi Việt Nam bởi chính quyền Sài Gòn đầu năm 1975 thì Boerries được gửi đến từ Hamburg. Và ngay cả sau khi Terziano trở lại, Boerries vẫn nán lại để tường thuật sự sụp đổ của Sài Gòn và thống nhất hai miền Nam - Bắc.

Không có gì làm tôi ngạc nhiên là Boerries có đủ dũng cảm và khả năng để tham dự sự kiện lịch sử quan trọng đó. Boerries đã chứng kiến tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng và sự xuất hiện của chính ủy Bùi Văn Tùng.

Khi ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và Bùi Văn Tùng rời căn phòng ở dinh Độc Lập để đi xuống các bậc thang trên bãi cỏ, có những chiếc xe Jeep đang đợi đưa họ đến đài phát thanh - nơi lời đầu hàng sẽ được ghi lại và phát sóng. Boerries cùng đoàn người đi theo. Ông Minh và ông Mẫu ngồi xe đầu. Chính ủy Tùng ngồi xe thứ hai.

Đứng ngay cạnh chiếc xe thứ hai, Boerries bắt đầu nói chuyện với chính ủy Tùng bằng tiếng Pháp. Khi anh ấy hỏi người chính ủy xem mình có thể đi cùng không thì ông Tùng đã gật đầu đồng ý. Boerries và Hà Huy Đỉnh cùng nhảy lên xe.

Tại đài phát thanh, chính ủy Bùi Văn Tùng viết lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc. Tuy nhiên, khi mọi việc sẵn sàng, không ai có mặt ở đó có thiết bị thu thanh và ông Tùng đã chỉ rõ việc Boerries phải làm.

Bài phát biểu thông báo sự đầu hàng của chính quyền miền Nam Việt Nam và kết thúc chiến tranh đã được thu âm bởi Boerries bằng chiếc máy ghi âm của tòa báo Tấm Gương.

Đó là sự may mắn tuyệt đỉnh của nhà báo, khi được chứng kiến và còn được giúp đỡ cho sự chuyển giao quyền lực tại Việt Nam.

Những người Việt có mặt lúc ấy không những không biết Boerries là ai mà họ chắc cũng không quan tâm. Những người biết ông là người Đức thì lại tưởng ông là người Đông Đức. Anh đã giao tiếp với họ bằng tiếng Pháp.

Vài ngày sau ở Hamburg, tôi bất ngờ xem được bản báo The International Herald Tribune và nhìn thấy bài tường thuật của Boerries trên trang nhất về cuộc diễu hành chào mừng chấm dứt chiến tranh và thống nhất Việt Nam.

Về nhà sau kết thúc chiến tranh Việt Nam

Rồi cũng đến ngày vui sướng, khi Boerries trở về nhà ở Hamburg. Tôi và con gái Clemmy cùng ra sân bay đón anh hạnh phúc trở về.

Tại trụ sở báo Der Spiegel, đồng nghiệp của anh đã háo hức chờ đón anh như người hùng. Hôm đó, nhà tôi tràn ngập không khí như ngày lễ Giáng sinh với rất nhiều quà anh tặng tôi và con gái Clemmy.

Vào thời gian đó, tuần báo Tấm Gương là tin tức phải đọc của nước Đức. Quan điểm chung của dân Đức rất phẫn nộ với việc người Mỹ tham chiến ở Việt Nam, nên sự kết thúc chiến tranh tại Việt Nam là một tin tức lớn.

Không lâu sau khi Boerries trở về, chúng tôi đã mời bạn bè và gia đình đến để xem cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Thụy Điển với Boerries Gallasch bằng tiếng Anh ngay trước dinh Độc Lập vào ngày 1-5-1975, một ngày sau sự kiện 30-4-1975.

Cũng không lâu sau đó, Boerries biên tập nhiều bài viết của hầu hết các nhà báo Đức kể lại những trải nghiệm của bản thân trong những ngày tháng cuối cùng ở Sài Gòn.

Thành phố Hồ Chí Minh, giờ khắc số không được phát hành bởi Nhà xuất bản Rowohlt, trong đó có bài của Boerries về câu chuyện 30-4-1975 của mình.

Vào mùa thu năm 1976, Boerries trở thành phóng viên của báo Tấm Gương tại London. Ở tuổi 32, anh là phóng viên quốc tế trẻ nhất của tờ Tấm Gương từ trước tới giờ.

Với anh, điều mơ ước đã trở thành sự thật và những năm đầu tiên tại London là những năm hạnh phúc nhất trong đời anh.

Trước khi sang London, vào tháng 3-1976, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư. Sau khi mổ thăm dò, bác sĩ cho rằng anh sẽ không sống quá 5 tháng và khuyên chúng tôi nên ở lại Hamburg thay vì sang London và giảm bớt công việc viết lách.

Chúng tôi đã không làm theo lời bác sĩ mà đặt một kỳ nghỉ 4 tuần ở Djerba, Tunisia. Cả anh và tôi đều mong được nghỉ ngơi, lúc đó tôi cũng vừa có thai mấy tháng.

Bác sĩ sản khoa của tôi không cho đi vì cho rằng tôi phải được chích ngừa đặc biệt khi sang Phi châu, nhưng tình trạng bầu bì của tôi không cho phép được chích. Cuối cùng tôi phải nói thật tình trạng sức khỏe của chồng tôi nên bác sĩ đã ký giấy cho phép tôi đi.

Trở về Hamburg, chúng tôi nói cho chị của Boerries là Monika và anh rể Hans-Carsten Runge về bệnh tình của anh.

Ngay lúc đấy, anh rể đã tận tình quan tâm chăm sóc cho Boerries, đọc tất cả tài liệu liên quan đến bệnh, tìm kiếm bác sĩ và bệnh viện giỏi nhất, đưa Boerries đi bệnh viện, ghi chép diễn tiến...

Cho đến sau này, nhiều năm sau khi chồng mất, tôi vẫn mãi biết ơn sự hỗ trợ hết lòng của anh cho chúng tôi vào thời gian khó khăn nhất.

Dù được chẩn đoán chỉ sống thêm 5 tháng vào tháng 3-1976, nhưng anh đã sống thêm được 5 năm nữa. Đó là những năm hạnh phúc, ý nghĩa nhất của cuộc đời anh cũng như của tôi cho đến sau này.

(Còn tiếp)

Boerries là ai?

borries 2

Boerries và chính ủy Bùi Văn Tùng - Ảnh Alice Kelley Gallasch cung cấp

Boerries Gallasch sinh ngày 24-2-1944 ở Đức. Từ tháng 5 đến tháng 8-1970, anh làm phóng viên cho Hamburger Abendblatt. Sau đó, anh đến Chile và các nước Nam Mỹ để làm nhà báo tự do cho các ấn phẩm Đức. Boerries thông thạo tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Trở lại Hamburg mùa thu năm 1971, Boerries xin việc tại báo Der Spiegel. Ngày 5-8-1972, anh kết hôn với Alice Huppuch tại New York, Mỹ.

Điểm nổi bật sự nghiệp báo chí của anh là ở Việt Nam. Khi đồng nghiệp Terziano Terziani, phóng viên Đông Nam Á của Der Spiegel, buộc phải rời Việt Nam đầu năm 1975, Boerries được yêu cầu đến Việt Nam. Sáng 30-4-1975, Boerries đến dinh Độc Lập. Xe tăng quân cách mạng vẫn chưa đến.

Thấy cổng không có người bảo vệ và mở, anh bước vào. Sau đó, những chiếc xe tăng của quân cách mạng lao qua cánh cổng sắt tiến vào khu vườn dinh. Là nhà báo châu Âu duy nhất, Boerries chứng kiến ông Dương Văn Minh đầu hàng và hỗ trợ việc ghi âm, phát thanh lời đầu hàng lịch sử...

Boerries mất vào ngày 6-3-1981, lúc anh tròn 37 tuổi. Giáo sư Ralf Dahrendorf, sau này là giám đốc Học viện Kinh tế London, đã viết rằng: "Là một nhà báo, anh đã viết bài với tất cả sự chính trực, bỏ qua lợi ích cá nhân. Sự trung thực và rõ ràng của anh đã rất tác động đến người đọc".

*********************

* Alice Kelley Gallasch là vợ của nhà báo Boerries đã kể cho Bùi Quỳnh Hoa - con gái ông Bùi Văn Tùng, dịch lại.

Người châu Âu duy nhất trong dinh Độc Lập Người châu Âu duy nhất trong dinh Độc Lập

TT - Borries Gallasch vào tháng 4-1975 là phóng viên của báo Tấm Gương (Đức), thường trú tại miền Nam VN.

Từ khóa » Dinh độc Lập Trước 1975