Chứng Sợ đi Máy Bay (Pteromerhanophobia) Là Do đâu? - Tâm Lý Học

Nỗi sợ mãnh liệt, tột độ và dai dẳng về việc di chuyển bằng máy bay được gọi là hội chứng sợ đi máy bay (Pteromerhanophobia). Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng tỷ lệ người mắc hội chứng này khá cao, chiếm khoảng 2.5% dân số Hoa Kỳ.

hội chứng sợ đi máy bay
Hội chứng sợ đi máy bay (Pteromerhanophobia/ Aerophobia) là chứng ám ảnh sợ thường gặp

Chứng sợ đi máy bay là gì?

Máy bay là một trong những phương tiện được sử dụng phổ biến hiện nay. Có thể nói, sự ra đời của phương tiện này giúp con người tiết kiệm được rất nhiều thời gian di chuyển. Bên cạnh những lợi ích mang lại, máy bay có thể gây ra nỗi ám ảnh và sợ hãi cực độ cho một số người.

Chứng sợ đi máy bay được biết đến với thuật ngữ Pteromerhanophobia hay phổ biến hơn là Aerophobia. Hội chứng này là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu với nỗi sợ mạnh mẽ, tột độ và phi lý về việc di chuyển bằng máy bay. Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, người mắc chứng Aerophobia sẽ có các hành vi né tránh. Bệnh nhân thường không chọn cách đi máy bay mà lựa chọn những phương tiện khác như tàu hỏa hoặc xe hơi.

Hội chứng sợ đi máy bay thường gặp ở trẻ nhỏ và người từ 17 – 34 tuổi. Hội chứng này có thể là một hội chứng độc lập nhưng phần lớn sẽ đi kèm với các hội chứng khác như chứng sợ độ cao, chứng sợ không gian hẹp,… Các hội chứng này có thể phát triển đồng thời hoặc đôi khi là hệ quả của nhau.

Trên thực tế, một số người sẽ có cảm giác bất an và lo lắng thoáng qua khi đi máy bay do thay đổi áp suất, say máy bay,… Tuy nhiên, những cảm xúc này được xem là phản ứng thông thường. Hội chứng sợ đi máy bay gây ra nỗi sợ mạnh mẽ. Khi phải đi máy bay, người bệnh có thể trở nên hoảng loạn, lo âu cấp tính và thậm chí là mất kiểm soát.

Hội chứng sợ đi máy bay tương đối phổ biến. Thống kê cho thấy, khoảng 2.5% dân số Hoa Kỳ có mắc phải hội chứng này. Việc né tránh đi máy bay sẽ gây ra không ít khó khăn trong cuộc sống. Do đó, hội chứng này cần phải được điều trị để giúp bệnh nhân bình thường hóa việc di chuyển bằng máy bay và có thể loại bỏ sự sợ hãi, căng thẳng thường trực.

Nhận biết hội chứng sợ đi máy bay

Hội chứng sợ đi máy bay đặc trưng bởi sự lo lắng dai dẳng, sợ hãi mạnh mẽ và tột độ về việc di chuyển bằng máy bay. Thậm chí, một số người có thể trở nên bất an khi mọi người trao đổi về việc đi du lịch/ công tác bằng phương tiện này.

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ đi máy bay (Aerophobia):

  • Sợ hãi dai dẳng về việc phải di chuyển bằng máy bay
  • Cảm thấy bất an, lo lắng khi mọi người đề cập đến việc đi máy bay
  • Né tránh việc di chuyển bằng máy bay, thay vào đó lựa chọn các phương tiện khác như tàu hỏa, xe hơi,…
  • Một số người né tránh các cuộc trò chuyện đề cập đến máy bay
  • Người lớn mắc chứng sợ đi máy bay đều ý thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể nào kiểm soát. Chính cảm giác bất lực trước nỗi sợ của bản thân khiến không ít người trở nên lo âu và trầm cảm.

Thực tế, né tránh hoàn toàn việc di chuyển bằng máy bay là điều không thể. Khi phải đi máy bay, những người hội chứng Aerophobia sẽ bùng phát cơn hoảng loạn, sợ hãi cấp tính. Các triệu chứng có thể xảy ra ngay khi vừa đến sân bay nhưng cũng có thể bùng phát chỉ khi lên máy bay.

hội chứng sợ đi máy bay
Người mắc hội chứng sợ đi máy bay luôn có cảm giác bất an, sợ hãi và thậm chí là hoảng loạn khi lên máy bay

Khi đối diện với việc đi máy bay, người bị hội chứng Aerophobia sẽ có những phản ứng như sau:

  • Sợ hãi, lo lắng tột độ
  • Cảm giác choáng ngợp
  • Ớn lạnh
  • Khó thở
  • Tăng nhịp tim
  • Trở nên cáu bẳn, mất kiểm soát
  • Choáng váng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Một số người có thể ngất xỉu ở trên máy bay

Nguyên nhân gây ra chứng sợ đi máy bay

Sợ đi máy bay là hội chứng khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2.5% dân số Hoa Kỳ. Theo thống kê, chứng bệnh này xảy ra chủ yếu ở trẻ em và người từ 17 – 34 tuổi. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra chứng Aerophobia. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây đã được xác định có liên quan đến hội chứng này:

  • Trải nghiệm tiêu cực liên quan đến máy bay: Những người từng bị tai nạn máy bay hoặc người thân mất do tai nạn máy bay có thể sợ hãi, ám ảnh về việc di chuyển bằng phương tiện này. Ngoài ra, tin tức về tai nạn, khủng bố máy bay trên báo đài cũng góp phần phát triển chứng Aerophobia. Nỗi sợ mạnh mẽ về việc đi máy bay là cơ chế phòng vệ vô thức của não bộ với mục đích giúp cơ thể ý thức được mối nguy hiểm tiềm tàng.
  • Ảnh hưởng của gia đình: Nếu gia đình bị chứng sợ đi máy bay, trẻ nhỏ cũng sẽ phát triển nỗi sợ tương tự. Nguyên nhân thứ nhất là do di truyền. Nguyên nhân thứ hai là do trẻ học theo phản ứng của bố mẹ và hình thành phản ứng tương tự khi đi máy bay.
  • Do mắc chứng sợ độ cao: Người mắc chứng sợ độ cao (Acrophobia) thường sẽ sợ đi máy bay. Cảm giác di chuyển ở trên không cách xa mặt đất hàng chục nghìn km khiến không ít người trở nên sợ hãi và hoảng loạn.
  • Do chứng sợ khoảng trống: Chứng sợ khoảng trống là cảm giác sợ hãi, lo lắng khi đến những nơi mà không thể thoát ra dễ dàng như thang máy, xe bus, máy bay,… Người mắc chứng bệnh này sẽ có nguy cơ cao phát triển hội chứng sợ đi máy bay. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể từ chối di chuyển bằng xe hơi, tàu hỏa và ưu tiên dùng xe đạp hoặc xe máy.
  • Một số nguyên nhân khác: Hội chứng sợ đi máy bay cũng có thể liên quan đến chứng sợ đám đông, chứng sợ vi trùng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD),… Bên cạnh đó, người bị rối loạn hoảng sợ cũng có thể sợ hãi đi máy bay vì lo sợ bản thân sẽ bùng phát cơn hoảng loạn cấp tính ở trong máy bay và không tài nào có thể thoát ra được.

Chứng sợ đi máy bay có ảnh hưởng gì?

Trên thực tế, rất nhiều người không ý thức được mức độ nghiêm trọng của các hội chứng ám ảnh sợ. Mọi người chỉ nghĩ đơn giản hội chứng sợ đi máy bay gây ra nỗi sợ và cảm giác lo lắng khi di chuyển bằng phương tiện này. Tuy nhiên, trên thực tế, chứng Aerophobia gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống và có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tâm lý.

Nỗi sợ đi máy bay khiến người bệnh gặp khó khăn trong công việc vì không thể đi công tác. Do đó, không ít người bỏ lỡ cơ hội thăng tiến chỉ vì nỗi sợ di chuyển bằng máy bay. Người mắc hội chứng này cũng khó có thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn vì liên tục từ chối các cuộc vui chơi, du lịch di chuyển bằng đường hàng không.

hội chứng sợ đi máy bay
Hội chứng sợ đi máy bay sẽ gây lo lắng, căng thẳng kéo dài và gia tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia, thuốc lá

Ngoài ra, cảm giác bất lực do không thể kiểm soát nỗi sợ của bản thân cũng làm gia tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện. Những thói quen này càng làm tăng mức độ lo âu, căng thẳng và dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất.

Người bị hội chứng sợ máy bay thường bùng phát cơn hoảng loạn, sợ hãi tột độ khi đến sân bay hoặc bước vào máy bay. Tình trạng này khiến người bệnh trở nên tự ti, mặc cảm và có xu hướng tự cô lập. Nếu không được điều trị sớm, người mắc chứng Aerophobia sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa,…

Chẩn đoán hội chứng sợ đi máy bay

Hội chứng sợ đi máy bay sẽ được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Hội chứng này được chẩn đoán khi nỗi sợ về việc đi máy bay kéo dài khiến cho bệnh nhân không đi máy bay trong ít nhất 5 năm. Ngoài ra, nỗi sợ đi máy bay phải đủ lớn và gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống.

Hội chứng sợ đi máy bay có thể được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý tâm thần khác. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, MRI và CT não bộ.

Cách vượt qua hội chứng sợ đi máy bay

Hội chứng sợ đi máy bay (Aerophobia) gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, nhất là khi máy bay trở thành phương tiện phổ biến như hiện nay. Hội chứng này sẽ được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét đến việc dùng thuốc.

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả đối với các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi bao gồm cả hội chứng sợ đi máy bay. Liệu pháp này giúp người bệnh giảm bớt sự sợ hãi quá mức về việc đi máy bay và giảm tình trạng lo lắng, bất an, căng thẳng kéo dài. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý cũng giúp giải quyết những tổn thương tâm lý trong quá khứ.

aerophobia là gì
Liệu pháp tâm lý được thực hiện giúp bệnh nhân loại bỏ nỗi sợ vô lý về máy bay và học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực

Các liệu pháp tâm lý được cân nhắc trong trường hợp mắc hội chứng sợ đi máy bay:

– Liệu pháp tiếp xúc:

Liệu pháp tiếp xúc được phát triển dựa trên lý thuyết não bộ có thể thích nghi và giảm bớt nỗi sợ nếu tiếp xúc thường xuyên với nỗi sợ. Bằng chứng là hầu hết các hội chứng ám ảnh sợ đều có đáp ứng tốt với liệu pháp này.

Trong liệu pháp tiếp xúc, chuyên gia sẽ cho người bệnh tiếp xúc với máy bay thông qua hình ảnh, video clip và tưởng tượng về việc bản thân đang ở trên máy bay. Điều này sẽ kích hoạt phản ứng sợ hãi, hoảng loạn và mất kiểm soát. Chuyên gia sẽ đồng hành và hướng dẫn người bệnh cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Theo thời gian, não bộ sẽ thích ứng dần và không còn cảm giác sợ hãi, lo lắng tột độ khi đối mặt với những tình huống này.

Sau cùng, chuyên gia sẽ sử dụng công nghệ thực tế ảo để bệnh nhân có cảm giác bản thân đang ở trên máy bay. Bằng những kinh nghiệm đã được hướng dẫn, bệnh nhân có thể vượt qua tình huống này và kiểm soát được nỗi sợ về việc đi máy bay.

– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):

Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp trị liệu tâm lý thông dụng nhất hiện nay. Phương pháp này mang lại hiệu quả trong điều trị nhiều vấn đề tâm lý khác nhau như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,… CBT được thực hiện nhằm thay đổi suy nghĩ tiêu cực về việc đi máy bay và giúp người bệnh nhận thức được lợi ích từ việc di chuyển bằng phương tiện này.

Trong liệu pháp nhận thức hành vi, chuyên gia sẽ cố gắng thuyết phục bệnh nhân về độ an toàn của máy bay bằng các số liệu thống kê xác thực. Chuyên gia có thể kết hợp với liệu pháp thôi miên để người bệnh cởi mở hơn với những nhận thức đúng đắn về máy bay. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số kỹ thuật giảm căng thẳng để kiểm soát cảm giác lo âu, sợ hãi,… do chứng Aerophobia gây ra.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc không được sử dụng phổ biến trong điều trị hội chứng sợ đi máy bay. Tuy nhiên, thuốc có thể được dùng để giảm các triệu chứng thể chất liên quan đến cơn hoảng loạn và cải thiện tình trạng say tàu xe. Trong trường hợp bệnh nhân bị lo âu, trầm cảm, các loại thuốc hướng thần sẽ được cân nhắc sử dụng.

Các loại thuốc được sử dụng khi điều trị hội chứng sợ đi máy bay:

  • Thuốc say tàu xe
  • Thuốc chống buồn nôn
  • Thuốc an thần, giải lo âu
  • Thuốc chống trầm cảm

3. Các biện pháp tự chăm sóc

Người mắc hội chứng sợ đi máy bay không thể kiểm soát nỗi sợ và sự lo lắng, bất an của bản thân. Tuy nhiên, một số biện pháp tự cải thiện có thể giảm phần nào ảnh hưởng của hội chứng này đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

aerophobia là gì
Người mắc chứng sợ đi máy bay nên ngồi thiền hằng ngày để giảm lo âu và căng thẳng

Các biện pháp tự chăm sóc dành cho người mắc hội chứng sợ đi máy bay:

  • Đối mặt với nỗi sợ thay vì trốn tránh. Nên chủ động tìm hiểu về các thông số của máy bay và so sánh tỷ lệ tai nạn khi di chuyển bằng máy bay với các phương tiện khác. Thông qua việc tìm hiểu, bệnh nhân có thể ý thức được mức độ an toàn và những lợi ích mà máy bay mang lại.
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, giải tỏa căng thẳng như ngồi thiền, tập yoga, xoa bóp bấm huyệt, uống trà thảo mộc,… Các biện pháp này giúp giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện chứng mất ngủ hữu hiệu.
  • Không nên giải tỏa cảm xúc bằng cách sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh để ổn định tâm trạng và vững vàng hơn trong quá trình trị liệu.
  • Chia sẻ với người thân, bạn bè về tình trạng sức khỏe để mọi người có thể chọn các phương tiện di chuyển khác. Như vậy, bệnh nhân có thể trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn và không có cảm giác cô đơn, khác biệt so với mọi người.

Hội chứng sợ đi máy bay (Aerophobia) là hội chứng tâm lý khá phổ biến. Thực tế, rất nhiều người phải đối mặt với chứng bệnh này nhưng không chủ động thăm khám và điều trị. Vì vậy, những người xung quanh cần chú ý và khuyến khích bệnh nhân tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm:

  • Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia): Giải pháp vượt qua
  • Hội chứng sợ lái xe (Amaxophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục
  • 8 Cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân

Từ khóa » Nỗi Sợ đi Máy Bay